Cảnh giác với triệu chứng khó thở khi nằm
Khó thở khi nằm xảy ra thường xuyên báo hiệu bạn đang mắc phải một số bệnh nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu đang bị tình trạng này, bạn không nên bỏ qua mà cần tìm ra nguyên nhân và cách kiểm soát chứng khó thở khi nằm càng sớm càng tốt.
Cảnh giác với triệu chứng khó thở khi nằm
Khó thở khi nằm là xảy ra khi nhịp thở lúc nằm vừa nhanh vừa nông đi cùng với trạng thái không đủ không khí để thở và không khí khi đi vào phổi như bị chặn lại, gây nghẹt thở, ...
Tình trạng khó thở khi nằm nếu diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột với cường độ nặng thì cần làm các xét nghiệm chuyên khoa để chẩn đoán chính xác. Ngược lại, bị khó thở khi nằm dai dẳng, kéo dài thì khả năng rất cao bạn đang có nguy cơ mắc một bệnh lý nào đó và cần được điều trị ngay.
Các nguyên nhân gây khó thở khi nằm
Viêm mũi dị ứng, viêm xoang
Những người mắc phải bệnh mãn tính về viêm mũi dị ứng, viêm xoang rất hay gặp phải ảnh hưởng biến chứng tới đường hô hấp. Hiện tượng nghẹt mũi, tắc mũi khi nằm là một điều kiện lý tưởng để tình trạng khó thở trở nên nặng hơn. Đặc biệt, với tư thế nằm ngửa, dịch nhầy từ trong mũi chảy xuống cổ họng chặn đường thở, điều này khiến cho oxy không đưa lên phổi cho quá trình trao đổi khí như bình thường.
Hen suyễn, hen phế quản
Những bệnh nhân hen suyễn thường gặp nhiều khó khăn trong việc khó thở khi nằm, nhất là vào ban đêm. Khi đường dẫn khí vào phổi bị viêm làm hẹp đường hô hấp sẽ gây ra cảm giác thở nhanh, ho, khò khè. Mỗi khi lên cơn hen, niêm mạc đường hô hấp tăng tiết đờm, dịch nhầy và bị phù nề, không thể nằm và thở được. Triệu chứng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ đe dọa tính mạng người bệnh.
Suy tim
Đây là bệnh lý về tim mạch nguy hiểm khiến khả năng bơm của tim yếu đi, oxy và dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể không được cung cấp đủ. Đặc biệt đối với người bệnh suy tim, triệu chứng điển hình là khó thở khi nằm (nhất là nằm ngửa) kèm theo mệt mỏi, đau ngực, phù chân. Nguyên nhân chính là do ở tư thế nằm, phổi dễ bị chèn ép hay chất lỏng tràn vào phổi làm phổi không thể hoạt động bình thường. Những bệnh nhân suy tim phải lâu ngày dẫn đến bị gan to thì hiện tượng khó thở khi nằm sẽ rõ rệt hơn.
Thuyên tắc mạch phổi
Căn nguyên của triệu chứng khó thở khi nằm có thể bắt nguồn từ bệnh thuyên tắc phổi. Cục máu đông hay xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu ở chân di chuyển theo dòng máu, khi đến động mạch phổi sẽ gây tắc nghẽn tại đó. Bệnh nhân mắc phải thuyên tắc phổi bị khó thở nhiều nhất vào lúc sáng sớm trong lúc đang nằm im để ngủ, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Phù phổi
Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện khó thở khi nằm, ngồi hoặc đứng, ho ra bọt hồng, ... cần đưa đến viện cấp cứu để không nguy hiểm đến tính mạng. Các cơn khó thở đột ngột, tiến triển nhanh và ngày càng tăng khi nằm khiến người bệnh hoảng hốt, nghẹt thở, nhịp tim nhanh, tím môi và đầu chi. Phù phổi do sự tích tụ chất lỏng dư thừa tại túi khí trong phổi khiến cho người bệnh khó thở, khi nằm xuống, tình trạng tăng lên dữ dội.
Bên cạnh đó, các bệnh lý về phổi có mối liên quan mật thiết đến chứng khó thở khi nằm. Điển hình như viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi, áp-xe phổi hoặc bệnh bụi phổi, ... đều có dấu hiệu đi kèm là cảm giác khó thở, nhất là khi người bệnh nằm ngửa và kê đầu thấp.
Ngưng thở khi ngủ
Đây là một tình trạng phổ biến ở người lớn (chủ yếu ở nam giới và thường nặng lên khi có tuổi do cơ bị nhão), trong đó vòm miệng mềm và các mô đường hô hấp trên sập xuống khi ngủ dẫn đến tắc một phần hoặc toàn bộ nguồn cung cấp không khí. Những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ bị tắc đường thở gây khó thở đột ngột lúc nằm ngủ.
Rối loạn cơ hoành
Cơ hoành bị tổn thương hoặc bị liệt một bên có thể gây ra tình trạng khó thở khi nằm ngửa. Nếu bị liệt cơ hoành cả hai bên kèm với nằm đầu thấp, gập người, tắm ngập nước từ thắt lưng trở lên làm bệnh nhân khó thở, giảm thông khí khi ngủ, mất tập trung, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt.
Hội chứng về hệ thống thần kinh
Khó thở khi nằm xảy ra khi tăng áp lực sọ não, não bị chèn ép lên vùng điều hòa hô hấp. Một số người do chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, khối u não, chảy máu não, u sợi thần kinh, ...
Do mắc các bệnh lý khác
Bệnh nhân bị thiếu máu, tăng chuyển hóa (nhiễm trùng máu, bệnh Basedow), viêm đa khớp, bệnh thận và gan mạn tính, căng thẳng quá mức, mang thai những tháng cuối, ... cũng gặp phải biểu hiện khó thở khi nằm. Để xác định được chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị đúng, người bị khó thở khi nằm cần nhanh chóng đến bệnh viện chẩn đoán và làm các xét nghiệm chuyên khoa.
Làm sao để giảm triệu chứng khó thở khi nằm
- Khi nằm không nên kê đầu quá thấp, nằm ngửa hoặc tạo điều kiện cho triệu chứng khó thở nặng hơn như quạt thẳng vào mặt, bật điều hòa quá lạnh, quá nóng, môi trường hanh khô, ... Hãy lựa chọn tư thế thoải mái nhất để giảm cảm giác khó thở khi nằm như: ngồi cúi ra trước, dựa lưng vào tường, kê gối cao kiểu nửa nằm nửa ngồi, ...
- Mở rộng đường thở bằng thuốc xịt mũi, thoa kem, hút dịch, can thiệp mở rộng khí quản, ... để làm thông thoáng đường hô hấp.
- Thay đổi lối sống để không làm triệu chứng khó thở khi nằm nặng hơn bằng cách bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với vật thể gây viêm mũi dị ứng, kiểm soát tốt cân nặng và tập luyện thể dục đều đặn, ...
- Thư giãn, hạn chế căng thẳng để không khiến cho hiện tượng khó thở khi nằm trở nên trầm trọng. Cân bằng cuộc sống, tránh lo âu, tâm trạng vui vẻ sẽ là động lực để bạn chiến thắng bệnh tật.
Xem thêm:
- Khó thở, nhịp tim nhanh có phải bị suy tim không?
- Triệu chứng khó thở và mệt mỏi là bệnh gì?
- Ngồi xuống đứng lên thấy chóng mặt, khó thở, năng bụng là bị sao?