Cảnh báo nguy cơ bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp chủ yếu gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm 3-5% trường hợp bệnh nhi nhập viện ở nước ta. Bệnh diễn biến bất ngờ, người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không kịp thời điều trị. Tuy nhiên, còn nhiều phụ huynh chưa nắm rõ được thông tin về căn bệnh nguy hiểm này.

Cảnh báo nguy cơ bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em Cảnh báo nguy cơ bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Qua bài viết dưới đây, HoiBenh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm cầu thận ở trẻ để có biện pháp phòng tránh và xử lý kịp thời.

Viêm cầu thận cấp là gì?

Viêm cầu thận cấp tính là tình trạng viêm lan tỏa không có mủ ở tất cả các cầu thận. Bệnh xảy ra đột ngột với các biểu hiện lâm sàng như: đái ra máu, đái ít, protein niệu, phù, tăng huyết áp, đôi khi có tăng urê huyết. Bệnh diễn biến nhanh và có khả năng tử vong nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

Viêm cầu thận cấp thường gặp ở trẻ em từ 4 - 14 tuổi, tỷ lệ nam nhiều gấp đôi nữ, nguy cơ mắc bệnh giảm dần khi độ tuổi tăng dần. Bệnh hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và những người trên 20 tuổi. Đặc biệt, khi bệnh xuất hiện ở người lớn, khả năng hồi phục kém hơn nhiều so với trẻ em.

Viêm cầu thận cấp hay gặp ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, đông dân cư hay trường học và có thể bùng lên thành dịch lớn nếu không được kiểm soát.

Ngày nay, tỉ lệ bệnh đã giảm rất nhiều trên toàn thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển do điều kiện sinh hoạt cũng như chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự kiện 20 học sinh trên địa bàn xã Hạch Dịch (Quế Phong, Nghệ An) đồng loạt mắc viêm cầu thận cấp trong năm 2017 cũng là hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh về nguy cơ mắc bệnh của con trẻ.

vicare.vn-canh-bao-nguy-co-benh-viem-cau-than-cap-o-tre-em-body-1

Sự thật bất ngờ về nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp

Rất ít bậc phụ huynh biết rằng, những dấu hiệu viêm họng hay viêm da ở trẻ có thể báo hiệu nguy cơ viêm cầu thận cấp đang rình rập. Bởi vì, liên cầu tan huyết bêta nhóm A - thủ phạm thường thấy trong các trường hợp viêm họng, viêm da ở trẻ em lại là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm cầu thận cấp. Khi những vi khuẩn này xâm nhập, cơ thể sẽ sinh ra các kháng thể để chống đỡ tạo thành phức hợp kháng nguyên – kháng thể. Ở điều kiện bình thường, hệ miễn dịch sẽ loại bỏ phức hợp này và cơ thể trở nên khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, các phức hợp này sẽ không bị loại bỏ mà đi theo hệ tuần hoàn, đến cầu thận bị mắc lại và gây tổn thương cầu thận.

Ngoài liên cầu tan huyết nhóm A, một số loại vi trùng khác cũng có khả năng gây bệnh (mặc dù hiếm gặp) theo cùng cơ chế trên như: vi khuẩn tụ cầu, phế cầu, thương hàn, não mô cầu, Klebsiella Pneumoniae; vi rút viêm gan B, Herpes zoster...

Viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu tan huyết bêta nhóm A thường được gọi là viêm cầu thận cấp cổ điển hay bệnh viêm cầu thận cấp. Trường hợp viêm cầu thận cấp do những căn nguyên khác được gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp. Những căn nguyên khác có thể là bệnh tạo keo (luput ban đỏ hệ thống), quá mẫn cảm với thuốc (sulfamid, vaccine...), dị ứng hải sản...

Các triệu chứng viêm cầu thận cấp ở trẻ

Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn ngoài da (mụn mủ cả vùng da) hoặc nhiễm khuẩn cổ họng (sốt, đau họng, amidan mưng mủ, sưng to) từ 1 - 3 tuần. Đôi khi có một số dấu hiệu báo trước như sốt nhẹ từ 37,5oC - 38,5oC, đau vùng thắt lưng, đau bụng, buồn nôn. Tuy nhiên, đa số trường hợp sẽ bùng phát dữ dội với các biểu hiện sau:

Phù

Phù thường là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên mà bệnh nhân hay người nhà có thể cảm thấy được. Trẻ sẽ có cảm giác nặng mặt, hai mí mắt sưng nhẹ và phù cả hai chân, phù mềm, ấn tạo thành lõm. Phù nhiều hơn vào buổi sáng, giảm dần vào buổi chiều khiến cho người bệnh cảm giác khỏi giả tạo.

Đái ít (thiểu niệu, vô niệu)

Đi kèm với phù là hiện tượng tiểu ít, phù càng nhiều thì nước tiểu càng ít dần. Lượng nước tiểu dưới 500 ml/ngày được gọi là thiểu niệu, khi chỉ còn dưới 100 ml/ngày thì được xem là vô niệu. Biểu hiện đái ít thường gặp trong tuần đầu của bệnh, kéo dài khoảng 3 - 4 ngày và có thể tái phát trở lại trong 2-3 tuần đầu.

Đái ra máu

Đái ra máu là một dấu hiệu có ý nghĩa chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Màu nước tiểu như nước rửa thịt hoặc như màu nước trà đậm. Mỗi ngày đi đái ra máu từ 1-2 lần, xuất hiện liên tục trong tuần đầu, về sau tần suất đái ra máu giảm dần rồi hết hẳn. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách phân biệt màu nước tiểu khi khỏe mạnh và khi cơ thể không khỏe để trẻ có thể báo cho bố mẹ về các dấu hiệu mà chúng nhận thấy.

vicare.vn-canh-bao-nguy-co-benh-viem-cau-than-cap-o-tre-em-body-2

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một triệu chứng lâm sàng thường gặp ở người bị viêm cầu thận cấp. Khi bị viêm cầu thận cấp, huyết áp ở trẻ em vào khoảng 140/90 mmHg và ở người lớn dao động quanh 160/90 mmHg. Đối với trường hợp tăng huyết áp kịch phát, hằng định kéo dài trong nhiều ngày với huyết áp vào khoảng 180/100 mmHg, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau đầu dữ dội, lơ mơ, co giật, hôn mê và nguy cơ tử vong rất cao. Tăng huyết áp kịch phát có thể đi kèm với suy tim.

Viêm thận cấp ở trẻ em có khỏi hoàn toàn được không?

Viêm cầu thận cấp có thể tiến triển nhanh, thậm chí trở thành ác tính trong vài tuần hoặc vài tháng dẫn đến hội chứng thận hư, suy thận cấp nhanh chóng. Người bệnh có thể tử vong trong vòng 6 tháng. Nhưng thật may khi viêm thận cấp có tiên lượng tốt ở trẻ em với tỉ lệ khỏi bệnh lên đến 85 - 95%, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 50 – 70% ở người lớn. Thông thường, sau 8 – 15 ngày bệnh nhân hết phù, đái nhiều, nước tiểu và chỉ số huyết áp trở về bình thường. Một số ít trường hợp kéo dài từ 3 – 6 tháng, nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏi bệnh sau đó.

Biện pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, có thể sử dụng kháng sinh nếu xác định được nguyên nhân do nhiễm liên cầu. Ngay khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, người bệnh cần được đưa đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín và phải được chăm sóc, theo dõi sát sao.

vicare.vn-canh-bao-nguy-co-benh-viem-cau-than-cap-o-tre-em-body-3

Làm gì để phòng tránh viêm cầu thận cấp ở trẻ?

Để phòng tránh nguy cơ viêm cầu thận cấp ở trẻ, các bậc phụ huynh cần chú ý đến điều kiện vệ sinh môi trường nơi trẻ sinh sống và học tập. Nơi vui chơi, sinh hoạt cần được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vệ sinh cơ thể hàng ngày cho trẻ. Giữ ấm cơ thể cho trẻ nhất là vùng cổ khi trời trở lạnh. Các bậc phụ huynh cần chú ý rằng, khi hệ miễn dịch của trẻ kém đi do thời tiết thay đổi hay thiếu dinh dưỡng đều khiến cho các vi khuẩn trú ẩn trong cơ thể dễ dàng bùng lên gây bệnh bất cứ lúc nào. Khi xuất hiện dịch bệnh, bố mẹ cần cách ly trẻ khỏi ổ dịch ở trường học hay cụm dân cư sinh sống.

Đặc biệt, nếu con trẻ có dấu hiệu viêm họng hay viêm mủ da thì cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị nhiễm khuẩn ngay từ đầu để tránh nguy cơ viêm cầu thận cấp. Người lớn khi có dấu hiệu này cũng không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế để thăm khám, ngăn chặn kịp thời ổ nhiễm khuẩn.

Xem thêm:

  • Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
  • Tổng quan về bệnh viêm bể thận cấp tính
  • Bị viêm thận nên ăn gì?