Cần làm gì để hạn chế trẻ không mắc phải tiêu chảy Rota?
Tiêu chảy Rota được xem là căn bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng có mức độ lây lan cao và có nguy cơ hình thành dịch bệnh nếu không kiểm soát tốt. Vì vậy, bố mẹ cần chủ động phòng tránh cho trẻ để hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus Rota vào đường tiêu hóa của trẻ.
Cần làm gì để hạn chế trẻ không mắc phải tiêu chảy Rota?
Tiêu chảy Rota và những nguy hiểm khi trẻ mắc phải
Tiêu chảy Rota là bệnh lý tiêu chảy do Rotavirus gây ra. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Hàng năm, có rất nhiều trẻ phải nhập viện điều trị vì tình trạng tiêu chảy Rota ở mức nghiêm trọng. Chủng virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tiêu chảy ở trẻ em.
Virus Rota là loại virus cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể tồn tại rất lâu trong môi trường sống của con người, kháng lại những chất tẩy rửa như cồn, nước javel. Khả năng lây nhiễm của virus Rota mạnh mẽ và sinh sản rất nhanh (trong 1ml phân có đến 10.000 tỷ virus).
- Trẻ bị tiêu chảy Rota thường có triệu chứng sốt, nôn ói dữ dội, quấy khóc không chịu ăn uống và ngủ như bình thường. Sau đó trẻ bị tiêu chảy liên tục, có khi đi ngoài đến 20 lần/ngày. Phân có mùi tanh, càng ngày càng lỏng, có nhiều nước, kèm theo đàm, nhớt nhưng không lẫn máu. Số lần đi tiêu sẽ tăng dần theo mức độ phát triển của bệnh dẫn đến mất nước nặng.
- Khi bệnh tiêu chảy Rota ở trẻ không được can thiệp kịp thời, gây ra tiêu chảy cấp kéo dài sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi trẻ có thể tử vong vì kiệt sức và mất nước, điện giải.
- Đồng thời khả năng trẻ bị suy dinh dưỡng rất cao do rối loạn về cung cấp dưỡng chất. Lúc này sự lặp lại giữa suy dinh dưỡng và tiêu chảy cứ tiếp diễn bởi vì tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng, đề kháng kém thì virus Rota dễ xâm nhập.
Nhiều thống kê đã chỉ ra răng, tiêu chảy Rota không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ mà còn là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Thời điểm nào trẻ dễ bị tiêu chảy Rota mà bố mẹ cần lưu ý
- Khi trẻ dưới 24 tháng tuổi là giai đoạn virus Rota tấn công nhiều nhất
- Bệnh tăng cao theo từng mùa trong năm: đối với miền Bắc thường vào mùa đông xuân (khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Tuy nhiên ở miền Nam thì bệnh diễn ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 10.
- Sau những đợt lũ lụt: tình trạng môi trường mất vệ sinh, nguồn nước không đảm bảo, bị ô nhiễm. Các chất thải nhiễm bệnh có cơ hội phát tán nhiều hơn.
Cần làm gì để hạn chế trẻ không mắc phải tiêu chảy Rota?
Tiêm chủng ngừa tiêu chảy Rota
Cho đến hiện tại, vắc xin phòng ngừa tiêu chảy Rota là cách ngăn ngừa hiệu quả và đang được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trên thị trường có một số thương hiệu vắc xin và trẻ có thể uống 2 đến 3 liều tùy thuộc vào loại được sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo liều dùng nên được áp dụng ở lứa tuổi sau:
- Liều thứ nhất: 2 tháng tuổi
- Liều thứ hai: 4 tháng tuổi
- Liều thứ ba: 6 tháng tuổi (nếu cần)
Hầu như những trẻ được tiêm vắc xin virus Rota sẽ được bảo vệ khỏi bệnh tiêu chảy nghiêm trọng do virus Rota gây ra. Vắc xin không có tác dụng ngăn ngừa tiêu chảy do các mầm bệnh khác. Bố mẹ cần tham khảo thông tin, hỏi ý kiến bác sĩ và tìm cơ sở y tế uy tín để tiến hành tiêm ngừa cho trẻ.
>> Xem thêm: 3 loại vắc - xin ngừa tiêu chảy do rotavirus là những loại nào?
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
Ở những vùng có trẻ bị tiêu chảy Rota, bố mẹ cần chủ động phòng tránh cho chính con em của mình bằng cách vệ sinh môi trường ở. Có thể rắc vôi bột, Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu để virus Rota ít có cơ hội phát triển. Phòng ngủ, đồ dùng trong nhà cần được lau chùi, vệ sinh thường xuyên để tránh tạo thành ổ bệnh. Không nên cho trẻ đến những nơi đông người để không bị truyền nhiễm.
Virus Rota có mức độ lây lan nhanh chóng và đơn giản chỉ với bàn tay tiếp xúc của trẻ đến những nơi có virus như mặt sàn, đồ chơi. Trẻ lại hay có thói quen mút đầu ngón tay nên nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Chính vì vậy, phụ huynh nên rửa tay đúng cách với xà phòng diệt khuẩn cho trẻ. Nên rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn hoặc chơi với trẻ. Các bé cũng nên được bố mẹ rèn luyện việc rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi chơi, đi vệ sinh. Đây là một cách phòng tránh hiệu quả để trẻ không mắc phải tiêu chảy Rota.
Bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch
Tất cả nguồn nước để nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ cần phải sạch sẽ, hạn chế tối đa các vi khuẩn, ký sinh trùng có trong nước lây lan các mầm bệnh. Đặc biệt là ở các vùng lũ lụt, cần có phương án dự phòng để trẻ không phải sử dụng nguồn nước dơ, không an toàn. Bởi lúc này các vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi và xâm nhập vào cơ thể con người rất mạnh mẽ.
Nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm
Vấn đề thực phẩm có liên quan trực tiếp đến các tác nhân gây tiêu chảy Rota. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là “chìa khóa vàng” giúp trẻ mau lớn và ít bệnh tật. Tuy nhiên khi còn nhỏ, hệ tiêu hóa của trẻ non nớt chưa hoàn thiện để có thể hấp thu được các thực phẩm khó tiêu, nhiều gia vị hoặc quá nhiều chất. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý chọn loại thực phẩm giàu dưỡng chất, vitamin. Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn không có nguồn gốc rõ ràng, dễ bị nhiễm khuẩn như hải sản tươi sống, gỏi cá, nem chua, ...
Thức ăn cho trẻ cần nấu chín theo dạng mềm hoặc loãng. Thay đổi khẩu vị bữa ăn hằng ngày đa dạng, phong phú để trẻ hứng thú trong ăn uống.
Ngoài ra, sữa mẹ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ trước mối đe dọa từ bên ngoài, tăng sức đề kháng. Nên cho trẻ bú sữa mẹ trực tiếp hoàn toàn trong nửa năm đầu đời. Việc này sẽ giúp trẻ phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
Xem thêm:
- Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota
- Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?
- Biến chứng của tiêu chảy cấp do nhiễm rotavirus