Cảm cúm có nguy hiểm đến sức khỏe hay không?

Cảm cúm là một bệnh rất phổ biến mà hầu như ai cũng từng có lần mắc. Vậy cảm cúm có nguy hiểm không, cách phòng ngừa nó như thế nào... Cùng HoiBenh tìm hiểu trong bài viết sau.

Cảm cúm có nguy hiểm đến sức khỏe hay không? Cảm cúm có nguy hiểm đến sức khỏe hay không?

1. Bệnh cảm cúm là gì?

Cúm hay cảm cúm là một bệnh thường gặp ở hệ hô hấp do virus siêu vi gây ra, ảnh hưởng đến mũi, cổ họng và phổi. Cảm cúm thường tự khỏi nhưng trong một số trường hợp, bệnh trở nặng và có nguy cơ dẫn đến biến chứng gây tử vong, đó chính là lý do bạn cần phải lưu ý khi mắc cúm.

Khi người bệnh ho hay hắt hơi, virus ở trong nước bọt của người bệnh lan truyền vào không khí. Và đây chính là đường lây truyền của cảm cúm. Nên có nhiều người bị nhiễm bệnh, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Ngoài ra, khi bạn chạm tay vào nơi có virus gây bệnh rồi sau đó lại chạm vào mắt, mũi hay miệng của mình thì cùng dễ bị nhiễm bệnh.

Khi đã bị bệnh, kháng sinh không thể chữa được cảm cúm, nhưng một vài thuốc kháng virus có thể làm được điều này.

2. Triệu chứng thường thấy khi bị cảm cúm

Khi bị cảm cúm, các triệu chứng sẽ biểu hiện ra ngoài rất nhanh chóng, thường thấy nhất là:

  • Sốt cao đột ngột, khoảng từ 38 độ C trở lên
  • Đau cơ, cả người đau nhức, ê ẩm
  • Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức
  • Ho khan
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
  • Khó ngủ
  • Ăn mất ngon
  • Tiêu chảy hoặc đau bụng
  • Buồn nôn

Hầu hết các triệu chứng trên sẽ thuyên giảm sau khoảng 5 ngày, thỉnh thoảng chúng sẽ kéo dài lâu hơn. Sau khoảng thời gian này, dù tình trạng sốt và đau cơ không còn nhưng bạn sẽ vẫn cảm thấy uể oải trong một vài tuần sau đó.

Cần đi khám bác sĩ ngay nếu người bệnh có các đặc điểm sau:

  • Là người cao tuổi hoặc sức khỏe chuyển xấu, yếu đến mức suy kiệt
  • Sốt cao 4-5 ngày không hạ
  • Bị mất nước
  • Các triệu chứng của bệnh ngày càng trầm trọng
  • Đau ngực, khó thở
  • Nôn mửa không ngừng
vicare.vn-cam-cum-co-nguy-hiem-den-suc-khoe-hay-khong-body-1

3. Biến chứng nguy hiểm của cảm cúm và những đối tượng dễ bị biến chứng

Khi bị cảm cúm, nhiều sẽ khỏi và phục hồi hoàn toàn chỉ sau vài ngày. Nhưng một số người bị chuyển sang thành viêm phổi, viêm phế quản hoặc bị nhiễm trùng xoang và tai. Những người vốn đã có bệnh như hen suyễn, suy tim thì bệnh sẽ trở nặng hơn.

Trong đó, viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong. Do đó, người bị cảm cúm và ho trên 3 tuần phải đến bệnh viện để kiểm tra xem có bị viêm phổi hay không.

Những người có nguy cơ bị biến chứng do cảm cúm bao gồm:

  • Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi
  • Người trên 65 tuổi
  • Những người sinh sống lâu ở các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn khác
  • Phụ nữ có thai và phụ nữ sau sinh 2 tuần
  • Những người mắc các bệnh mãn tính khác như hen suyễn, tim, thận, gan, tiểu đường...
  • Những người béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên

4. Các biện pháp phòng ngừa cảm cúm

4.1 Tiêm phòng

Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vacxin mỗi năm, trước mùa dịch cúm. Vacxin cúm theo mùa hàng năm thường phòng được 3 - 4 loại virus cúm được dự kiến là sẽ phổ biến trong mùa cúm năm đó.

Với trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non yếu nên dễ mắc cảm cúm và chịu các biến chứng do bệnh. Triệu chứng cảm cúm vốn đã gây khó chịu cho người lớn nhưng đối với trẻ em thì còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên gặp bác sĩ để được tư vấn về việc cho trẻ tiêm ngừa bệnh cảm cúm. Tiêm phòng giúp cơ thể chúng ta nhận diện và chiến đấu chống lại mầm bệnh.

Nên tiêm phòng cúm cho những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và những người có bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, vacxin phòng cúm không phù hợp với một đối tượng như:

  • Những người dị ứng nặng với trứng gà, vì hầu hết các loại vacxin cúm đều chứa một lượng nhỏ protein từ trứng. Những người bị dị ứng trứng nghiêm trọng nếu tiêm phòng cúm nên được giám sát bởi các bác sĩ có kinh nghiệm về vấn đề này.
  • Những người đã từng có phản ứng nghiêm trọng đối với tiêm phòng cúm trong quá khứ.
  • Những người từng bị hội chứng Guillain-Barré trong vòng 6 tuần sau khi chủng ngừa cúm.
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
  • Những người đang bị các bệnh khác ở mức trung bình hoặc nặng và bị sốt thì nên đợi đến khi hồi phục rồi hãy tiêm phòng.

Virus cúm liên tục biến đổi và không ngừng xuất hiện các chủng mới nên, nếu trước đây bạn đã từng bị cúm hoặc tiêm phòng loại virus cúm nào thì trong cơ thể đã tồn tại kháng thể để chống lại virus loại đó. Sau này, trong trường hợp gặp lại đúng loại virus đã từng gặp thì bạn sẽ đỡ bị mắc bệnh, hoặc ít nguy cơ bị nhiễm trùng và triệu chứng bệnh nếu có mắc cũng đỡ nghiêm trọng hơn. Nhưng nếu không may gặp phải loại virus khác mà cơ thể chưa có kháng thể, thì bạn vẫn dễ bị bệnh như thường.

Vacxin cúm không đảm bảo hiệu quả 100% nên việc áp dụng những biện pháp khác để hạn chế mầm bệnh lây lan là điều cần thiết.

4.2 Rửa tay thường xuyên

Hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước ấm thường xuyên để phòng bệnh và tránh lây bệnh cho người khác.

Mỗi lần hãy rửa tay trong ít nhất 20 giây, đừng quên kỳ cọ, làm sạch phần giữa các ngón tay và bên trong kẽ móng tay.

Nếu có thể hãy mang theo bên mình một chai nước rửa tay nhỏ có cồn để làm sạch tay những khi không tiện rửa cùng xà phòng và nước.

4.3 Che miệng mỗi khi ho hoặc hắt hơi

Mầm bệnh cúm dễ lan truyền đi xa khi người bệnh ho hoặc hắt hơi nên bạn hãy dùng khăn giấy che miệng, đồng thời bỏ khăn giấy vào thùng rác sau khi ho hoặc hắt hơi, để tránh mầm bệnh lây lan khắp nơi. Nếu không có khăn giấy thì hãy dùng khuỷu tay để che. Tránh lấy tay bịt mũi và miệng để tay không bị nhiễm bẩn. Tay nhiễm bẩn sẽ tăng khả năng lây lan bệnh vì mọi người thường bắt tay nhau, dùng tay cầm nắm đồ đạc, dụi mắt...

4.4 Tránh đám đông

Bệnh cúm dễ lây lan ở những nơi đông người tụ tập như trung tâm thương mại, vườn trẻ, trường học, tòa nhà văn phòng, hội trường, khán phòng, đường phố nơi người và xe cộ đông đúc...

Nhiều người trông khỏe mạnh, không giống như người bị bệnh nhưng có thể lây bệnh cho người khác. Đó là vì họ đã bị nhiễm virus từ trước nhưng ủ bệnh vài ngày rồi mới thấy triệu chứng bệnh. Do đó trong thời gian ủ bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.

Bạn sẽ giảm được nguy cơ lây bệnh bằng cách tránh đám đông trong mùa dịch cúm lây lan. Trong trường hợp bạn là người bị bệnh, hãy ở nhà ít nhất 24 h sau khi đã hết sốt để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

vicare.vn-cam-cum-co-nguy-hiem-den-suc-khoe-hay-khong-body-2

5. Thực phẩm ngăn ngừa cảm cúm

Theo nghiên cứu, một số thực phẩm kích thích trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của bạn. Và các thực phẩm tự nhiên sẽ cho phép hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động bình thường. Do đó, bạn nên cắt giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong mùa lạnh và cúm.

Và sau khi đã hạn chế bớt các loại thực phẩm nguy hại, bạn nên bắt đầu tập trung vào gia tăng các loại thực phẩm sẽ nâng cao khả năng miễn dịch của bạn. Dưới đây là các thực phẩm mà chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng vào mùa cúm:

Nấm

Các bằng chứng khoa học cho thấy nấm có đặc tính kháng virus tự nhiên giúp cơ thể chống lại bệnh cúm. Nấm thúc đẩy quá trình sản sinh ra cytokine giúp chống lại virus cúm, nó cũng chứa polysaccharides - loại hợp chất hỗ trợ hệ miễn dịch. Hãy tối ưu hóa hệ miễn dịch của bạn bằng cách phối hợp các loại nấm nhau trong bữa ăn, như nấm hương, nấm khiêu vũ (maitake) và nấm linh chi.

Tỏi, hành và hẹ

Hành và hẹ đã được chứng minh là giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng cách tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Tương tự, hành tây cũng có đặc tính làm tăng số lượng bạch cầu (rất cần thiết trong việc chống lại mầm bệnh).

Còn tỏi cũng có tác dụng rất tích cực đến hệ miễn dịch do giàu phytonutrient, garlicin và selen, những chất giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhất là cảm cúm. Cách tốt nhất là dùng tỏi tươi. Nên ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc chế biến thành tương tỏi, rượu tỏi... để tiêu thụ

Quả kiwi

Vốn dĩ vitamin C là nguyên tố cần thiết nhất trong việc chống lại bệnh cúm. Vì vitamin C có thể rút ngắn thời gian của sự nhiễm lạnh và ngăn ngừa bệnh tật. Một trái cam chứa 160% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể, bưởi là 120% còn kiwi là 273%. Tuy nhiên, việc chúng ta ăn trực tiếp các loại hoa quả chứa vitamin C sẽ có lợi cho sức khỏe hơn là chế biến chúng vì vitamin C dễ bị phân hủy do nhiệt.

Hạt bí ngô

Việc bổ sung kẽm là rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là khi bạn bị ốm, vì kẽm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhanh chóng đẩy lùi virus cúm. Và hạt bí ngô là một trong những thực phẩm giàu kẽm nhất, bên cạnh đó còn có hạt hướng dương. Vì hạt hướng dương cũng chứa rất nhiều vitamin E, một loại dưỡng chất khác giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Sữa chua nguyên chất

Ăn sữa chua vào buổi sáng không chỉ giúp bạn có thân hình cân đối mà còn giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các virus trong đó có virus cúm. Do thực phẩm lên men như sữa chua có chứa men vi sinh đã được chứng minh là thúc đẩy hoạt động của các kháng khuẩn trong cơ thể.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Nutrients, thì bạn chỉ nên lựa chọn loại sữa chua không đường, hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm lên men tự nhiên khác như kimchi, dưa cải muối...

Nước

Nước rất quan trọng đối với mọi quá trình sinh lý trong cơ thể do đó khi bị mất nước, cơ thể bạn sẽ không còn khả năng chống lại bệnh tật như bình thường. Và nước lọc là lựa chọn tốt nhất, tiếp theo là trà không đường nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị.

Rau có lá xanh

Rau bó xôi, cải và các loại rau có lá xanh khác cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm. Vì chúng có chứa cả vitamin C và vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn. Bạn có thể kết hợp rau xanh với trái cây mọng trong một ly sinh tố, hoặc ăn sống chúng với chanh và dầu ô liu.

Yến mạch

vicare.vn-cam-cum-co-nguy-hiem-den-suc-khoe-hay-khong-body-3

Yến mạch, giống như các loại ngũ cốc nguyên hạt khác, cũng là một nguồn vitamin E tăng cường miễn dịch tự nhiên. Vì nó chứa các chất chống oxy hóa như polyphenol và các chất xơ tăng cường miễn dịch.

Bông cải xanh

Bông cải xanh là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bạn khi bị cúm vì nó cung cấp vitamin C và E giúp tăng cường miễn dịch, cùng với canxi và chất xơ.

Thịt bò

Trong thịt bò có hàm lượng kẽm rất cao có lợi cho việc phòng chống lại bệnh cúm vì kẽm hỗ trợ cơ thể tạo ra bạch cầu giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Ngoài thịt bò, bạn có thể lựa chọn thịt gà, thịt cừu, cải bó xôi, mè và đậu xanh đều là những loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm.

Mật ong

Thường được ca ngợi như một vị thuốc chữa bách bệnh. Vì khả năng tạo màng bao bọc mà mật ong là phương thuốc giảm đau cổ họng rất tốt. Ngoài ra, mật ong có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus, vi khuẩn và nấm do đó hỗ trợ ngăn ngừa cúm hiệu quả.

Lưu ý: Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị ngộ độc.

Khoai tây

Khoai tây là thực phẩm giàu vitamin C nên có thể giúp phòng chống cảm cúm ngoài ra khoai tây còn chứa nhiều kali và chất xơ. Theo các chuyên gia, ăn khoai tây lúc còn tươi sẽ tốt hơn vì nó vẫn còn giữ được nhiều vitamin C, vốn có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm cảm cúm và giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Cảm cúm có nguy hiểm không thì chắc ai cũng biết là có. Bệnh tật là điều không ai mong muốn tuy nhiên nếu không may bị mắc bệnh các bạn cũng nên biết những thông tin cơ bản để giúp khắc phục nhanh nhất tình trạng của mình.

Xem thêm:

  • Sốt co giật ở trẻ em
  • Những điều cần biết về sốt siêu vi ở trẻ
  • Những điều cần biết về sốt phát ban ở trẻ