Cách tự theo dõi cử động thai nhi cực chuẩn trong suốt thai kỳ

Thai nhi khoẻ mạnh là mong muốn của tất cả chị em phụ nữ khi mang thai. Do đó, điều quan trọng là cần theo dõi sức khoẻ của thai nhi để kịp thời xử trí khi phát hiện bất thường và theo dõi cử động thai nhi là một trong những cách để theo dõi sức khoẻ của thai nhi vô cùng đơn giản mà mọi bà bầu có thể tự mình thực hiện tại nhà.

Cách tự theo dõi cử động thai nhi cực chuẩn trong suốt thai kỳ Cách tự theo dõi cử động thai nhi cực chuẩn trong suốt thai kỳ

Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn về việc theo dõi cử động thai nhi.

Cử động thai nhi là gì?

Một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong thai kỳ của bạn là khi bạn cảm nhận được những cú đạp hay đấm đầu tiên của đứa con trong bụng mình. Đây chính là những cử động thai nhi.

Cử động thai nhi bắt đầu xuất hiện khi nào?

Bạn sẽ cảm nhận được những cử động đầu tiên của con mình vào khoảng tuần thứ 16 đến tuần thứ 25 của thai kỳ. Nếu đây là lần mang thai đầu tiên của bạn, bạn có thể không cảm thấy được em bé của mình cử động cho đến thời điểm gần 25 tuần. Đến những lần mang thai sau, một số phụ nữ có thể bắt đầu cảm thấy cử động thai nhi sớm hơn, vào khoảng tuần thứ 13.

vicare.vn-cach-tu-theo-doi-cu-dong-thai-nhi-cuc-chuan-trong-suot-thai-ky-body-1

Đặc điểm của cử động thai nhi là gì?

Những phụ nữ mang thai mô tả cử động của thai nhi như cử động của cánh bướm, cử động giống như co giật hoặc một cử động lộn xộn.

Trong lần mang thai đầu tiên, sẽ rất khó để biết liệu em bé của bạn đã có cử động hay chưa. Các bà mẹ ở những lần mang thai thứ hai và thứ ba thường tinh tế hơn trong việc phát hiện những cử động thai nhi đầu tiên.

Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của bạn, các cử động thai nhi sẽ khác biệt hơn và bạn sẽ có thể cảm nhận được những cú đạp hay cú đấm của em bé một cách rõ ràng hơn.

Em bé có xu hướng cử động nhiều hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày vì em bé cũng có lúc thức và lúc ngủ như chúng ta. Cử động thai nhi thường xuất hiện nhiều nhất trong khoảng 9 giờ tối đến 1 giờ sáng, ngay cả khi bạn đang ngủ. Sự gia tăng cử động này là do lượng đường trong máu của bạn có sự thay đổi. Thai nhi cũng có thể phản ứng với âm thanh hoặc sự đụng chạm và thậm chí có thể đạp người nằm bên cạnh bạn nếu bạn và người đó tiếp xúc quá gần nhau.

Tại sao bạn cần theo dõi cử động thai nhi?

Những cử động thai nhi có thể phần nào giúp bạn an tâm rằng em bé của bạn đang phát triển khoẻ mạnh và có thể giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với đứa con nhỏ bé bên trong cơ thể bạn. Do đó, việc theo dõi cử động thai nhi là rất cần thiết để đảm bảo rằng bạn đang có một thai kỳ khoẻ mạnh.

Khi nào bạn sẽ bắt đầu theo dõi cử động thai nhi?

Trong thời gian đầu của thai kỳ, bạn có thể chỉ cảm nhận được một vài cử động nhẹ và xuất hiện thưa thớt của em bé. Nhưng khi em bé của bạn lớn lên, thường vào cuối tam cá nguyệt thứ hai, những cử động của thai nhi sẽ có cường độ mạnh hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Các nghiên cứu cho thấy vào tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi có thể cử động đến khoảng 30 lần mỗi giờ.

Do đó, khi các cử động của thai nhi đã nhiều và ổn định, thường là vào tam cá nguyệt thứ ba, cụ thể là từ tuần thứ 28 cho đến lúc sinh, các bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi tất cả những cú đạp, cú đấm bất kể với cường độ mạnh hay yếu của thai nhi để đảm bảo rằng em bé vẫn phát triển khoẻ mạnh bình thường.

vicare.vn-cach-tu-theo-doi-cu-dong-thai-nhi-cuc-chuan-trong-suot-thai-ky-body-2

Theo dõi cử động thai nhi bằng cách nào?

Sau đây là chi tiết những việc bạn cần làm khi theo dõi cử động thai nhi:

Theo dõi cử động thai nhi bao nhiêu lần mỗi ngày?

Thông thường, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi tại chỗ 2 lần mỗi ngày để đếm cử động thai nhi:

  • Một lần vào buổi sáng, khi các cú đạp và cú đấm của thai nhi có xu hướng ít thường xuyên.
  • Một lần vào buổi tối, khi thai nhi cử động thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, khi càng đến gần ngày dự sinh (thời điểm thai nhi đủ 40 tuần), việc theo dõi cử động thai nhi càng trở nên quan trọng. Vào tháng thứ 9 của thai kỳ, bạn sẽ cần theo dõi cử động thai nhi nhiều hơn 2 lần trong ngày.

Theo dõi cử động thai nhi vào thời điểm nào trong ngày?

Để theo dõi cử động thai nhi, bạn hãy chọn thời điểm em bé thường hoạt động nhiều nhất. Thông thường là ngay sau khi bạn ăn xong và khi bạn đang ở trong tư thế thoải mái như ngồi trên ghế hoặc nằm nghiêng một bên.

Cách theo dõi cử động thai nhi là gì?

Kiểm tra đồng hồ và bắt đầu đếm. Đếm các cử động với bất kỳ hình thức nào, chẳng hạn như thai nhi đạp, rung, lắc, cuộn tròn... Ngừng đếm khi số lượng cử động thai nhi đạt đến 10 và kiểm tra lại đồng hồ để tính xem bạn đã mất bao nhiêu thời gian.

Đánh giá kết quả theo dõi cử động thai nhi như thế nào?

Có nhiều quan điểm ​​khác nhau về số lượng cử động của thai nhi, nhưng theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ cho rằng, thông thường bạn sẽ cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong khoảng thời gian 2 giờ. Nếu có 10 cử động với bất kỳ hình thức nào trong 2 giờ hoặc ít hơn 2 giờ là điều bình thường, mặc dù đôi khi nó sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Nếu bạn chưa nhận thấy đủ 10 cử động thai nhi trong vòng 2 giờ: Hãy ăn nhẹ hoặc uống một ít nước ép trái cây, sau đó nằm xuống và đếm lại từ đầu. Nếu phải mất hơn 2 giờ để đạt đến 10 cử động thai nhi thì bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa. Khi đó, bạn cũng đừng quá lo lắng vì những bất thường trong quá trình theo dõi cử động thai nhi thường không phản ánh chắc chắn rằng thai nhi của bạn đang có vấn đề thật sự.

vicare.vn-cach-tu-theo-doi-cu-dong-thai-nhi-cuc-chuan-trong-suot-thai-ky-body-3

Cử động thai nhi nhiều nhất và ít nhất trong những trường hợp nào?

Trong quá trình theo dõi cử động thai nhi, bạn cần chú ý đến những trường hợp đặc biệt sau đây.

Những trường hợp cử động thai nhi nhiều nhất

  • Vào ban ngày, cử động của cơ thể bạn có thể khiến thai nhi ngủ hoặc do bạn thường tập trung vào rất nhiều công việc khác nên có thể bạn sẽ không cảm nhận được cử động của thai nhi. Nhưng sau đây là những thời điểm bạn có thể cảm nhận cử động của thai nhi nhiều nhất.
  • Bạn nghỉ ngơi vào ban đêm. Khi bạn thư giãn trong không gian yên tĩnh, nhiều khả năng bạn sẽ cảm nhận được em bé đang cử động.
  • Sau khi bạn có một bữa ăn nhẹ. Sự gia tăng lượng đường trong máu của bạn có thể cung cấp năng lượng cho em bé do đó em bé có thể cử động nhiều hơn.
  • Khi bạn lo lắng. Khi lo lắng thì cơ thể bạn sẽ tiết ra nhiều adrenaline, chất nội sinh này có thể cung cấp cho thai nhi thêm một phần năng lượng nên thai nhi có thể cử động nhiều hơn.

Những trường hợp cử động thai nhi ít nhất

Dưới đây là những trường hợp mà bạn có thể nhận thấy cử động thai nhi giảm nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường nên bạn không cần phải lo lắng.

  • Sau khi quan hệ tình dục: Những chuyển động trong quá trình quan hệ tình dục và các cơn co tử cung nhịp nhàng theo cực khoái thường làm cho thai nhi giảm cử động. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp thai nhi trở nên năng động hơn sau khi bạn quan hệ. Những thay đổi này là hoàn toàn bình thường và lành mạnh do không có bằng chứng nào cho thấy quan hệ tình dục khi mang thai là không an toàn nếu bạn đã được bác sĩ cho phép.
  • Trong tam cá nguyệt thứ hai: Khi bạn mới bắt đầu cảm nhận được những cử động của con mình, đừng lo lắng nếu trong vài giờ hay thậm chí một hoặc hai ngày mà bạn không hề nhận thấy bất kỳ cử động nào. Ở giai đoạn này, em bé của bạn vẫn còn khá nhỏ do đó em bé tuy vẫn cử động nhưng chưa đủ mạnh để bạn có thể cảm nhận được. Chính vì thế, việc không cảm nhận được cử động thai nhi thường xuyên trong giai đoạn này là điều bình thường. Một số trường hợp có thể bạn bỏ lỡ cử động thai nhi do vị trí của thai nhi (ví dụ như thai nhi hướng vào trong, thay vì hướng ra ngoài) hoặc vì bạn đã ngủ trong thời điểm thai nhi cử động mạnh nhất vào ban đêm.
  • Trong tam cá nguyệt thứ ba: Em bé trong bụng của bạn bây giờ đã có một chu kỳ ngủ và thức khá đều đặn. Đôi khi một sự chậm trễ trong cử động có thể là do em bé đang ngủ sâu. Tuy nhiên đến tháng thứ 9, điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng giảm hoặc mất cử động thai nhi. Đếm số cử động của thai nhi một vài lần mỗi ngày trong suốt tam cá nguyệt thứ ba và liên hệ với bác sĩ khi bạn phát hiện các bất thường.

Trong tất cả các trường hợp trên, khi bạn ăn uống là cử động thai nhi có thể tăng trở lại bình thường và phải đảm bảo có ít nhất 10 cử động thai nhi trong vòng 2 giờ.

Các mốc tiến triển của cử động thai nhi mà bạn nên biết

Dưới đây là các mốc tiến triển của cử động thai nhi. Các mốc thời gian này chỉ mang tính tham khảo do có sự thay đổi tuỳ thuộc vào từng bà bầu.

  • Tuần thứ 12: Em bé của bạn sẽ bắt đầu cử động, nhưng bạn sẽ không thể cảm nhận được gì, vì em bé lúc này vẫn còn quá nhỏ nên các cử động sẽ không thể mạnh được.
  • Tuần thứ 16: Một số phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu cảm nhận được cử động rất nhỏ của thai nhi, giống như cử động nhẹ của con bướm.
  • Tuần thứ 20: Đến thời điểm này trong quá trình phát triển của thai nhi, bạn có thể bắt đầu cảm nhận rõ ràng những cử động đầu tiên của em bé.
  • Tuần thứ 24: Cử động của thai nhi bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy hơi giật người nhẹ mỗi khi em bé cử động.
  • Tuần thứ 28: Lúc này, em bé của bạn đã cử động thường xuyên hơn. Một vài cú đạp và cú đấm mạnh của em bé có thể làm bạn không thể thở nổi trong giây lát.
  • Tuần thứ 36: Tử cung của bạn sẽ ngày càng chật hẹp khi em bé lớn lên do đó làm các cử động của em bé chậm lại một chút. Tuy nhiên, bạn vẫn không được chủ quan mà phải đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi đáng kể trong quá trình theo dõi cử động thai nhi.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Webmd - Whattoexpect)

Xem thêm:

  • Lắng nghe những cử động đầu tiên của thai nhi từ trong bụng mẹ
  • Thai nhi “đạp” - Những điều mẹ còn chưa biết
  • Lý do tại sao thai nhi đạp bụng mẹ nhiều vào buổi tối