Cách phòng ngừa và kiểm soát tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em

Khi gặp phải nhiễm trùng tiêu chảy, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về thể chất và cân nặng. Do đó, có biện pháp phòng tránh, kiểm soát tốt tiêu chảy nhiễm trùng là yêu cầu bắt buộc để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và mau chóng hồi phục sức khỏe.

Cách phòng ngừa và kiểm soát tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em Cách phòng ngừa và kiểm soát tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em

Tiêu chảy nhiễm trùng được xem là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao thứ ba ở trẻ em sau tử vong sơ sinh và viêm phổi.

Tiêu chảy nhiễm trùng là bệnh gì?

Tiêu chảy nhiễm trùng là căn bệnh gây tiêu chảy cấp hoặc kéo dài ở hệ tiêu hóa do các tác nhân vi sinh gây ra. Đó có thể là vi khuẩn (Shigella, E.Coli, Salmonella, Campylobacter hoặc C.Difficile ), virus (chủ yếu do virus Rotavirus và Norovirus) và vi nấm hoặc ký sinh trùng (Cryptosporidium và E.histolytica) gây ra.

vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-tieu-chay-nhiem-trung-o-tre-em-body-1

Dấu hiệu khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng

Khi trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy do nhiễm trùng thường có một số biểu hiện như sau:

  • Trẻ thường xuyên khát nước và uống nước háo hức: tình trạng mất nước và điện giải diễn ra nhanh chóng nên đây là một trong những đặc điểm điển hình của bệnh tiêu chảy. Đi kèm với hiện tượng mất nước, trẻ bị bệnh tiêu chảy nhiễm trùng còn có biểu hiện mắt trũng sâu, các đầu ngón tay móp nhăn nheo, bụng lõm lòng thuyền.
  • Dấu véo trên da trở về chậm, sự đàn hồi của da bị suy yếu do rối loạn và mất cân bằng lượng nước.
  • Mạch nhanh, hạ huyết áp
  • Sốt, nôn ói: triệu chứng này thường do nguyên nhân virus và vi trùng là chủ yếu.
  • Đi ngoài nhiều, phân lỏng toàn nước, trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng nặng (mãn tính) có kèm máu. Mùi phân tanh.
  • Một vài trẻ có thể bị sốc, bụng chướng và đi lại yếu do thiếu Kali trong máu.

Các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy nhiễm trùng

Mức độ nguy hiểm của tiêu chảy nhiễm trùng có khả năng làm rối loạn hoạt động của các cơ quan, nhiễm trùng huyết khiến cho việc điều trị khó khăn, có thể gây tử vong. Chính vì vậy, việc phòng tránh cho trẻ hạn chế trước nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy nhiễm trùng là rất quan trọng.

Chế độ ăn uống

Phụ huynh cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Nên ăn đầy đủ chất, không kiêng cữ quá mức dễ khiến trẻ bị suy kiệt về thể chất, phòng ngừa suy dinh dưỡng về sau. Bố mẹ giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng bằng nguồn thức ăn đa dạng, phong phú như sữa chua (vi khuẩn probiotic rất tốt cho trẻ), rau có màu xanh đậm (rau bina, bông cải xanh, ...), trái cây cam, quýt, bưởi, bơ, chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm)

Bên cạnh đó, bố mẹ nên nấu chín thức ăn, chế biến thành dạng lỏng hoặc mềm để hệ tiêu hóa của trẻ dễ hấp thu. Tốt nhất là khi chế biến nên cắt nhuyễn, nghiền nhỏ hoặc nấu mềm và nêm nếm thích hợp với khẩu vị của bé. Khi trẻ phát triển theo từng độ tuổi sẽ có điều chỉnh hợp lý để trẻ luôn ăn ngon miệng và thể trạng khỏe mạnh.

Sử dụng nguồn nước sạch

Nếu nguồn nước dơ sẽ mang theo rất nhiều vi khuẩn, vi trùng gây hại. Khi dùng nước này để nấu ăn hoặc cho trẻ uống sẽ khiến đường ruột của trẻ bị tấn công, dễ dẫn đến tiêu chảy. Để cẩn trọng, mẹ cần chọn nước lấy từ nguồn nước đảm bảo, không chứa độc chất và đun sôi cho bé dùng.

Rửa tay sạch và thường xuyên

Tay của trẻ là nơi tiếp xúc với nhiều môi trường có mầm bệnh như đồ chơi, người bị bệnh, sàn nhà, ... Rửa tay đúng cách với xà phòng diệt khuẩn là biện pháp phòng chống tích cực, hữu hiệu trước các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Bố mẹ nên hình thành cho trẻ thói quen tốt rửa tay trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi vui chơi. Bên cạnh đó, trẻ cần được tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần nhằm ngăn chặn các loại giun, vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ.

vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-tieu-chay-nhiem-trung-o-tre-em-body-2

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng trọn vẹn và tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Trẻ được bú sữa mẹ trong nửa năm đầu có ý nghĩa rất lớn đối với việc phòng chống viêm nhiễm đường ruột. Trong sữa mẹ có chứa tất cả các dưỡng chất cần thiết cho trẻ hoàn thiện và tăng cường hệ miễn dịch, phát triển khỏe mạnh như chất đạm, vitamin, chất bột đường và khoáng chất, các yếu tố vi lượng.

Tiêm chủng phòng ngừa

Đối với tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em, hiện nay đã có vắc xin chủng ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota. Để đạt được hiệu quả cao nhất, trẻ cần được uống càng sớm càng tốt. Theo khuyến cáo, trẻ có thể uống liều đầu tiên khi được 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều đầu tiên 4 tuần. Bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện, trung tâm tiêm chủng uy tín, chất lượng.

Kiểm soát bệnh tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ hiệu quả

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng cần được theo dõi sát sao và kiểm soát chặt chẽ để không dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, một số việc cần thực hiện kịp thời và nhanh chóng như sau:

Bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ

Tiêu chảy kéo dài và nôn ói khiến cho trẻ bị mất nước nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần tìm cách cân bằng và bổ sung nước, chất điện giải liên tục cho trẻ. Nên cho trẻ uống nhiều nước càng nhiều càng tốt. Trẻ còn trong giai đoạn bú mẹ thì vẫn tiếp tục duy trì. Bố mẹ cho trẻ uống thêm trong dung dịch bù nước sau mỗi lần đi ngoài hoặc sau khi nôn ói. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dùng Oresol, đối với trẻ trên 6 tháng tuổi uống thêm nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường. Tuy nhiên, nếu trẻ bị mất nước nặng, cần can thiệp bằng cách truyền tĩnh mạch.

Liều lượng:

  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi: uống 50 – 100 ml oresol cho mỗi lần tiêu chảy
  • Đối với trẻ 2 đến 10 tuổi: uống 100 – 200 ml oresol cho mỗi lần tiêu chảy
  • Đối với trẻ trên 10 tuổi: dùng oresol để uống thay nước đến khi hết cảm giác khát sau mỗi lần tiêu chảy

Bổ sung dưỡng chất đầy đủ

Khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng, chức năng tiêu hóa ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không vì thế mà phụ huynh kiêng khem, không cho trẻ ăn uống đủ chất dẫn đến trẻ bị kiệt sức, sụt cân và thời gian hồi phục chậm. Do đó, cần tiếp tục cho trẻ ăn và bú mẹ thường xuyên. Khi chế biến nên ở dạng mềm hoặc lỏng để trẻ dễ hấp thụ, lấy lại thể trạng sớm. Nếu trẻ quấy khóc, nôn ói, không chịu ăn thì nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.

Thực hiện phương châm: ăn chín uống sôi cho trẻ. Không nên ăn thức ăn đã nguội, để qua đêm vì điều này sẽ khiến bệnh tiêu chảy nhiễm trùng nặng hơn.

vicare.vn-cach-phong-ngua-va-kiem-soat-tieu-chay-nhiem-trung-o-tre-em-body-3

Theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám, điều trị

Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh tiêu chảy nhiễm trùng cho trẻ tại nhà vì không thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có phương án chữa trị thích hợp. Không mua thuốc kháng sinh, thuốc cầm nôn ói, thuốc chống tiêu chảy cho trẻ uống một cách tùy tiện. Tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa Nhi để được bác sĩ có chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh. Đây là cách kiểm soát bệnh tiêu chảy nhiễm trùng tốt nhất, phòng ngừa biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Xem thêm:

  • Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?
  • Bệnh tiêu chảy không nên coi thường
  • Tổng quan về bệnh tiêu chảy nhiễm trùng