Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường

Bệnh nhân nhiễm sán dây heo có thể bị mù lòa, liệt tứ chi, nói ngọng, rối loạn thần kinh. Vậy làm sao để nhận biết thịt lợn nhiễm sán? Các bà nội trợ nên làm gì để hạn chế nguy cơ đến từ thịt lợn nhiễm sán khi chế biến bữa ăn gia đình?

Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường

Thịt lợn nhiễm sán có nguồn gốc từ đâu?

Dạo gần đây, dư luận xã hội đang nóng lên với sự việc rất nhiều học sinh tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán dây heo. Tính đến cuối ngày 17/3, đã có khoảng 1.500 kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn ở các trẻ từ 1-10 tuổi sau khi ăn thịt lợn nhiễm sán. Tuy nhiên, các bác sĩ tiếp nhận cho biết đây chưa phải là con số cuối cùng.

Về mặt dịch tễ học, bệnh sán dây hoặc ấu trùng sán dây heo (hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo) có thể xuất hiện ở tất cả vùng miền. Hơn nữa, đối với các hộ gia đình chăn nuôi thì gia súc, gia cầm có chứa giun sán là điều rất thường gặp.

Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường
Hình ảnh sán dây lợn (sán dải heo)

Thông thường, giun sán ký sinh trong đường ruột của gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến thức ăn, hầu hết những mầm mống giun sán sẽ bị chết đi hoặc bị loại bỏ, không gây ảnh hưởng gì khi ăn. Tuy nhiên, một số trường hợp trứng giun sán lại xuyên qua màng ruột, đi vào trong các thớ thịt, não, gan của gia súc, gia cầm và nở thành giun, sán. Khi con người ăn phải thịt lợn nhiễm sán, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể, tiếp tục phát triển và khởi phát bệnh.

Thịt lợn nhiễm sán nguy hiểm như thế nào?

Sau khi thịt lợn nhiễm sán vào cơ thể, sán dây heo tồn tại ở dạng ấu trùng sán, phát triển thành những khối u, di chuyển bên trong da và mô mềm. Các khối u di động này thường xuất hiện ở lưng, mặt, mu bàn tay, bụng, mông, não. Theo thời gian, khối u dần chuyển thành những nốt nhỏ hoặc phát triển to thành một khối phù nề. Tùy thuộc vào từng vị trí ký sinh của nang sán mà biểu hiện bệnh lý sẽ khác nhau.

Nghiêm trọng nhất là khi nang sán nằm trong não, bệnh nhân bị động kinh, liệt tứ chi hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn tri giác, đau đầu dữ dội, thậm chí là hôn mê.

Trường hợp ấu trùng sán dây heo di chuyển vào gan, phổi, bệnh nhân đau bụng, ho, đau tức ngực, khó thở. Khi sán di chuyển vào mắt, khiến cho mắt bị xuất huyết, suy giảm thị lực, dẫn đến mù lòa. Nếu sán chui vào hốc tai, hốc mũi thì sẽ gây nhức tai, viêm mũi.

Trẻ nhỏ khi ăn phải thịt lợn nhiễm sán, ấu trùng sán có thể tấn công lên não của trẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập, như giảm tập trung, co giật, rối loạn trí não.

Làm sao nhận biết thịt lợn nhiễm sán dây

Sán dây heo gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta có thể phát hiện thịt lợn nhiễm sán chỉ bằng mắt thường.

Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường
Các ấu trùng sán hình bầu dục trong thịt lợn nhiễm bệnh

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết thịt lợn nhiễm sán để người tiêu dùng có thể thận trọng hơn khi chọn mua thịt lợn:

  • Thịt lợn gạo có chứa các ấu trùng sán hình bầu dục (giống hạt gạo), dài nhất tầm 9mm, quan sát thấy có màu trắng đục, có thể nhìn thấy dịch thể và đầu sán bên trong (đầu sán là một hạt cứng, rắn, màu trắng, kích thước cỡ bằng hạt vừng).
  • Những ấu trùng này ký sinh nhiều nhất ở các cơ cử động nhiều của lợn, như cơ lưỡi, cơ nhai, cơ cổ, cơ lưng, cơ sườn, cơ tim, cơ đùi sau. Do đó, bạn có thể nhận biết thịt lợn nhiễm sán bằng cách nhìn vào những phần cơ này. Nếu có sán, bạn sẽ thấy có những hạt như hạt gạo nếp (đây là ấu trùng sán tập trung thành từng bọc). Thậm chí nếu mật độ sán quá nhiều, khi cắt thịt, những trứng ấu trùng này có thể rời ra ngoài.
  • Ngoài ra, có thể nhận biết thịt lợn có chứa sán thông qua độ mềm của thớ thịt. Đây là một trong những cách phát hiện thịt heo có chứa sán rất nhanh và hiệu quả, áp dụng cho các bà nội trợ đi chợ ở ngoài các hàng thịt. Cụ thể, khi sờ nắn vào miếng thịt, bạn cảm thấy phần thịt cứng bất thường, mất sự đàn hồi, thấy không dẻo tay. Điều này có nghĩa là thịt lợn khả năng cao đã bị nhiễm ấu trùng sán, hoặc được ướp hóa chất (hàn the, ure) vượt quá nồng độ quy định.

Lời khuyên dành cho các bà nội trợ

Khi phát hiện thịt lợn gạo thì nên lập tức cách ly và vứt bỏ, tuyệt đối không nên sử dụng để đảm bảo mục tiêu phòng chống nhiễm bệnh.

Cách phát hiện thịt lợn nhiễm sán bằng mắt thường
Vứt bỏ thịt lợn có chứa sán để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình

Đặc biệt, người nội trợ cần chú ý khâu lựa chọn mua thịt, sơ chế và điều kiện chế biến. Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây heo, người tiêu dùng không nên sử dụng các thực phẩm chưa nấu chín kỹ. Các loại thực phẩm nhiều khả năng nhiễm sán dây lợn, đó là thịt sống, nem chua, thịt heo tái (nguy cơ cao chứa sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ cao chứa ấu trùng sán dây).

Với trường hợp chẳng may ăn phải thịt lợn nhiễm sán và mắc bệnh, cần phải được chẩn đoán sớm và tiến hành điều trị kịp thời ngay khi phát hiện để hạn chế nguy hiểm xảy ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc có đội ngũ bác sĩ đầu ngành và trang thiết bị hiện đại - là địa chỉ điều trị các bệnh về tiêu hóa được nhiều khách hàng chọn lựa. Bạn có thể gọi đến hotline các bệnh viện hoặc đăng ký tư vấn trực tuyến với Vinmec TẠI ĐÂY.

Xem thêm:

  • Những thông tin cần biết về xét nghiệm sán lợn
  • Bệnh sán lợn gạo là bệnh gì mà 200 trẻ mầm non ở Bắc Ninh phải xét nghiệm?
  • Chi phí làm xét nghiệm sán lợn có giá bao nhiêu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương?