Cách phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh thường gặp ở trẻ

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ, thường bùng phát rầm rộ vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12 hàng năm. Tuy nhiên, bệnh có diễn biến tương đối nhanh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có một số kiến thức cơ bản về bệnh tay chân miệng để có biện pháp xử lý kịp thời khi con trẻ mắc phải.

Cách phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh thường gặp ở trẻ Cách phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh thường gặp ở trẻ

1. Bệnh tay chân miệng là gì

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do các siêu vi trùng đường ruột (chủ yếu là các loại CoxsackievirusEnterovirus 71, 68) gây ra. Những siêu vi trùng này có thể hoạt động nhiều ngày ở nhiệt độ phòng, do đó bệnh có thể lây theo đường tiêu hóa hoặc lây qua các chất tiết từ đường hô hấp. Khi người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, dịch tiết từ các bóng nước hoặc chất bài tiết của bệnh nhân mắc tay chân miệng qua những lúc trò chuyện, các dụng cụ sinh hoạt, đồ vật thì sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan nhanh chóng.

2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng mắc bệnh chủ yếu, nhất là ở trẻ chưa đầy 3 tuổi. Ở lứa tuổi này, những trẻ đi nhà trẻ thường dễ lây bệnh cho nhau trong lớp, vì vậy các bậc phụ huynh cũng như giáo viên cần hết sức chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt, các bà mẹ không cần quá lo lắng đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi bởi trong cơ thể trẻ có kháng thể từ mẹ truyền sang nên rất ít gặp bệnh tay chân miệng trong giai đoạn này.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh ở trẻ

Giai đoạn khởi bệnh

Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 3 – 5 ngày trước khi khởi phát. Khi mới mắc bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện sốt nhẹ đến sốt cao, có thể kèm nôn hoặc tiêu chảy. Một số trường hợp trẻ bỗng trở nên khó ngủ, quấy khóc, hay giật mình, thậm chí tay chân có thể run rẩy, đi loạng choạng. Lúc này, bố mẹ cần quan sát những dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Ngoài ra, nếu ở nhà trẻ, trường mẫu giáo đã xuất hiện những trẻ có biểu hiện tương tự hay được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng thì cần báo ngay với bác sĩ trực tiếp điều trị.

Giai đoạn toàn phát

  • Xuất hiện bóng nước ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Bóng nước hình bầu dục có dịch trong, đôi khi đục nhưng không làm cho trẻ có cảm giác đau hay ngứa. Tuy nhiên, một số trẻ gặp bệnh tay chân miệng không điển hình sẽ không xuất hiện bóng nước. Thay vào đó là các hồng ban rất nhỏ dạng chấm ở lòng bàn tay, bàn chân có thể kèm theo loét miệng làm cho phụ huynh và thầy thuốc chủ quan hoặc phán đoán nhầm bệnh trẻ mắc phải.
  • Bệnh diễn tiến nhanh sẽ khiến cho niêm mạc miệng, lưỡi của trẻ cũng nổi lên những bóng nước và dần chuyển thành vết loét. Lúc này, trẻ sẽ không ăn được, rất đau và chảy nước bọt liên tục.
vicare.vn-cach-nhan-biet-benh-tay-chan-mieng-thuong-gap-o-tre-body-1

Giai đoạn lui bệnh

Sau 7 ngày kể từ lúc khởi bệnh nếu không có bất kỳ biến chứng nào xảy ra, các biểu hiện của bệnh sẽ dần biến mất và trẻ khỏe mạnh trở lại.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng là một bệnh cực kỳ dễ xảy ra biến chứng do vi rút xâm nhập vào cơ thể rồi nhân lên, đi vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể như não, màng não, cơ tim... gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh không được chủ quan mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị triệu chứng và theo dõi.

Đặc biệt trong quá trình điều trị ngoại trú theo chỉ dẫn của thầy thuốc, nếu thấy tiếp tục xuất hiện các biểu hiện sốt cao hơn 38oC, thở mệt, giật mình, quấy khóc, rung chi, đi loạng choạng, ngủ li bì hay co giật, phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

4. Phân biệt với các bệnh có biểu hiện tương tự

Các dấu hiệu khởi phát của bệnh tay chân miệng rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phổ biến khác. Các bệnh này có nguyên nhân và phương thức điều trị rất khác nhau nên cần nắm rõ những đặc trưng để nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ.

vicare.vn-cach-nhan-biet-benh-tay-chan-mieng-thuong-gap-o-tre-body-2

Cho đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Chính vì vậy, ngoài các kiến thức về nhận biết bệnh tay chân miệng trong bài viết này, các bậc phụ huynh cũng cần phải có ý thức phòng tránh bệnh cho trẻ và thường xuyên cập nhật kiến thức dự phòng dịch bệnh tay chân miệng qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Xem thêm:

  • Triệu chứng khi trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng
  • Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà