Cách nhận biết u bã đậu bằng mắt thường và sờ cảm nhận
U bã đậu là bệnh u lành tính. Tuy nhiên, bệnh cũng sẽ gây nhiều khó chịu đối với cuộc sống thường ngày nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Vậy cách nhận biết u bã đậu là gì? U bã đậu có thể dễ dàng điều trị không?
Cách nhận biết u bã đậu bằng mắt thường và sờ cảm nhận
1. U bã đậu là gì? Nguyên nhân gây u bã đậu.
U bã đậu là một dạng u lành tính, có cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm, màu vàng nhạt hoặc vàng đục. U bã đậu thường xuất hiện ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi, nhiều dầu, chất bã như vùng mặt, vai, lưng, ngực... U thường không đau, không gây ác tính, tuy nhiên khi u to dần sẽ gây khó chịu và có thể tấy đỏ, đau nhức khi có viêm.
Bệnh u bã đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Gần như bất cứ ai cũng có thể phát triển một hoặc nhiều u bã đậu trên cơ thể. Tỷ lệ này cao hơn ở lứa tuổi dậy thì hoặc ở người đã từng có những tổn thương trên da.
Bản chất của u bã đậu là do tuyến bã ở lỗ chân lông không thoát được, dần dần tích tụ mà thành. Không có cách nào thực sự để ngăn chặn u hình thành.
2. Những ảnh hưởng mà u bã đậu mang lại
- U bã đậu đa phần không gây đau hay khó chịu khi kích thước còn nhỏ, nhưng lâu dần khi kích thước khối u sẽ lớn lên, tổ chức bên trong bị hoại tử, tạo thành viêm loét, mưng mủ. Giai đoạn này thường điều trị rất khó khăn và tốn kém.
- Khi bị bội nhiễm, hoại tử sẽ gây sưng tấy đau đớn cho bệnh nhân.
- Nhiều trường hợp u mọc ở mặt, cằm, sau tai có thể gây mất thẩm mỹ cho cơ thể.
3. Cách nhận biết u bã đậu.
U bã đậu có những dấu hiệu rất dễ nhận biết:
- Người mắc bệnh u bã đậu thường nổi mụn bọc trên người và dễ bị nhầm thành mụn nhọt. Do đó người bệnh thường tự ý nặn bỏ đi, nhưng sau đó những nốt mụn sẽ tái phát lại.
- U bã đậu mọc nổi trên da, khi sờ vào có cảm giác mềm, không gây đau và có thể di chuyển được khi sờ vào, bên trong là tổ chức bã trắng như đậu.
- U bã đậu không gây khó chịu cho người bệnh nhưng nếu bị viêm nhiễm lâu ngày sẽ gây hoại tử, khiến bệnh nhân u bã đậu đau đớn và khó chịu.
- U bã đậu xuất hiện ở những vùng da dầu hoặc vùng da tiết nhiều mồ hôi, chất bã như nách, mông, lưng...
- U bã đậu là u lành tính không gây đau đớn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khối u phát triển to lên chèn vào các dây thần kinh khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, đau nhức.
4. Điều trị u bã đậu như thế nào?
- Phương pháp đông y: Phương pháp điều trị này có tác dụng từ từ vì vậy thời gian điều trị kéo dài và khối u có khả năng sẽ tái phát lại.
- Phương pháp phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ u bã đậu hiện đang là phương pháp phổ biến. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là gây đau đớn, để lại sẹo gây mất thẩm mỹ cho cơ thể, thậm chí nhiều trường hợp mổ không triệt để, khối u sẽ tái phát trở lại.
Phương pháp mổ u bã đậu bằng laser: Phương pháp này sẽ không gây chảy máu và giúp bóc tách hoàn toàn khối u bã đậu. Do đó phương pháp mổ bằng laser có thể tránh được việc khối u tái phát trở lại.
5. Làm thế nào để phòng tránh u bã đậu.
Việc phòng bệnh ngay từ đầu sẽ giúp làm giảm tối đa nguy cơ mắc phải u bã đậu. Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp phòng tránh bệnh u bã đậu.
- Luôn giữ cho cơ thể sạch sẽ và giữ lỗ chân lông luôn thoáng mát để quá trình đào thải mồ hôi, bã nhờn hay các chất bụi bẩn được dễ dàng.
- Thường xuyên tắm giặt, vệ sinh cá nhân để cơ thể luôn sạch sẽ.
- Đối với những người da nhờn, cần có biện pháp kiềm dầu trên da, làm giảm lượng dầu tiết ra.
U bã đậu là một bệnh lý không đáng lo ngại nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nhiều trường hợp u bã đậu có thể gây mất thẩm mỹ, thậm chí gây đau đớn khó chịu cho bệnh nhân khi bị tấy đỏ viêm nhiễm. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu của u bã đậu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác, từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn trong việc điều trị.
Xem thêm:
- Làm thế nào để chữa dứt điểm u bã đậu?
- U bã đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?
- U bã đậu có tự hết không?