Cách hiệu quả phát hiện ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh phổ biến ở nam giới. Khi thấy các dấu hiệu điển hình của bệnh thì có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn. Có cách nào hiệu quả để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn?
Cách hiệu quả phát hiện ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Tuyến tiền liệt là 1 tuyến thuộc hệ niệu sinh dục nam giới, hình trụ, không thành đôi, giống hạt dẻ, nặng 20g, nằm dưới cổ bàng quang và bao quanh tuyến tiền liệt niệu đạo.
Các cách hiệu quả phát hiện ung thư tiền liệt tuyến
Khi thấy các triệu chứng rõ rệt (tiểu tiện khó khăn, đi tiểu ra máu, máu trong tinh dịch, đau xương,...), rất có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, cách phát hiện ung thư tiền liệt tuyến thông qua các triệu chứng không được khuyến khích ở giai đoạn sớm. Dưới đây là một vài gợi ý từ Vicare để bạn kiểm soát sức khỏe, phát hiện sớm các triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến:
Khám sàng lọc định kì
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến định kì sẽ giúp phát hiện sớm, tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong. Nam giới từ 40 tuổi nên định kì khám sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến 1 năm 2 lần (6 tháng/lần). Khi khám sàng lọc, bác sĩ có thể phát hiện khối u, đánh giá tuyến tiền liệt về kích thước, mức độ xâm lấn và rãnh giữa có đặc điểm gì, thành trực tràng tình trạng ra sao cùng lòng trực tràng có hẹp không.
Thực hiện các xét nghiệm/chụp chiếu cần thiết
Định lượng PSA
PSA là kháng nguyên đặc hiệu tổ chức có thể tăng trong các trường hợp viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt lành tính,... Độ nhạy xét nghiệm này là 80%. PSA được test sàng lọc kết hợp với thăm khám trực tràng bằng tay giúp đánh giá kết quả và theo dõi sau điều trị.
Siêu âm nội trực tràng
Phương pháp này chính xác hơn thăm trực tràng và đóng vai trò quan trọng trong việc sinh thiết khối u qua thành trực tràng.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Phương pháp này giúp xác định mức độ xâm lấn xung quanh khối u, nhưng hạch chậu sẽ khó tìm trong trường hợp PSA nhỏ hơn 10 ng/ml.
Chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI)
Đây là phương pháp sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến đánh giá chính xác mức độ xâm lấn khối u trong tổ chức xung quanh và hạch vùng. Đồng thời cũng đánh giá kích thước khối u chính xác.
Chụp PET (Positron Emission Tomography)
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này rất hiện đại nhưng được đánh giá thấp trong chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.
Sinh thiết
Sinh thiết kim tầng sinh môn hoặc qua thành trực tràng kết hợp siêu âm nhằm chẩn đoán mô bệnh học chính xác. Sinh thiết tất cả các điểm nghi ngờ, ít nhất 6-12 vị trí để có chẩn đoán chính xác.
Xạ hình xương
Nhằm biết di căn xương tới đâu
Chẩn đoán phân biệt
Sàng lọc để phân biệt ung thư tiền liệt tuyến với phì đại lành tính tiền liệt tuyến, sỏi, nang, lao, viêm tuyến tiền liệt.
Làm gì khi phát hiện bị ung thư tiền liệt tuyến?
Độ tuổi mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới ngày càng trẻ hóa nên ngay từ bây giờ cần chăm sóc sức khỏe bản thân, chủ động phòng tránh, thực hiện khám sàng lọc định kỳ và chữa bệnh hiệu quả.
Khi phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến, người bệnh thường có tâm lý chung là sợ hãi, lo lắng, không biết làm gì, mất niềm tin vào cuộc sống và chờ chết.
Do đó, đối với bệnh nhân, điều quan trọng nhất là cần bình tĩnh và dũng cảm đối diện với bệnh tật. Sau đó, tìm bệnh viện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, bác sĩ giỏi chuyên môn để điều trị. Trong quá trình điều trị cần có tâm lý vững vàng, tích cực và trao đổi thoải mái với bác sĩ về các triệu chứng, tinh thần,... sau điều trị có thuyên giảm không cho bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi và có phương pháp điều trị tốt hơn.
Tùy vào từng giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, tình trạng sức khỏe mỗi người,... mà bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị thích hợp nhất
Hiện nay, có 4 phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và nội tiết. Bệnh được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi. Do đó, người bệnh không nên bỏ qua cơ hội sống, không nên tuyệt vọng mà phải lạc quan, tin tưởng,... Bởi yếu tố tinh thần rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh ung thư nói chung.
Người nhà bệnh nhân cũng nên quan tâm cả thể chất và tinh thần người bệnh. Đó là chế độ dinh dưỡng hợp lý và động viên tinh thần người bệnh.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ về những kiến thức cơ bản nhất của bệnh ung thư tiền liệt tuyến và mọi triệu chứng nếu có. Như vậy, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị kịp thời và cung cấp những thông tin hữu ích cho người bệnh.
Xem thêm:
- Dấu hiệu điển hình cảnh báo ung thư tiền liệt tuyến
- Nam giới tuổi nào dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến?
- Có phải kiêng quan hệ tình dục khi bị ung thư tiền liệt tuyến ?