Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não
Hiện nay, nhồi máu não là bệnh lý thần kinh hay gặp nhất thuộc về tai biến mạch não (chiếm tỷ lệ hơn 80%). Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Việc giảm thiểu những hậu quả do nhồi máu não để lại luôn là vấn đề được quan tâm.
Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não
Nhồi máu não (còn gọi chung là tai biến mạch máu não) chính là hiện tượng lưu lượng máu nuôi đến một vùng não bộ bị sụt giảm đột ngột do tắc hay hẹp mạch máu não, hạ huyết áp, ... Điều này gây ra thiếu máu não và nếu tình trạng thiếu máu nuôi kéo dài khiến cho phần não đó bị hoại tử. Người có nguy cơ cao bị nhồi máu não là người cao tuổi trên 55 tuổi, tuy nhiên ngày nay chúng đang có dấu hiệu trẻ hóa số người bị bệnh.
Việc giảm thiểu những di chứng cho người bị nhồi máu não luôn là quan tâm lớn của y học. Trong đó, việc đề phòng và kiểm soát tốt căn bệnh này bắt đầu từ những khía cạnh dưới đây:
Nhận biết những triệu chứng cảnh báo nhồi máu não
Một trong những tình huống làm gia tăng mức độ nguy hiểm của bệnh nhồi máu não là thường xảy ra đột ngột lúc đang ngủ. Điều này gây không ít khó khăn cho việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Một số triệu chứng tai biến mạch máu não điển hình mà bệnh nhân cần chú ý như: cảm giác buồn nôn và nôn, đau đầu, liệt nửa người. Thị lực kém, nhìn mờ, ban ngày hay buồn ngủ và ngáp nhiều.
Ngoài ra, ở vài người có biểu hiện rối loạn ý thức do tổn thương nhồi máu não rộng, nhồi máu thân não hay nhồi máu hai bên bán cầu não.
Đâu là nguyên nhân tai biến mạch máu não cần đề phòng?
Bản thân bệnh nhân và người thân cần cảnh giác trước những yếu tố làm tăng khả năng xuất hiện bệnh nhồi máu não bao gồm:
- Do xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn (chiếm 50% nguyên nhân gây bệnh)
- Những người có bệnh lý về tim gây cục huyết khối như rung nhĩ, van tim, ...
- Tình trạng tắc mạch máu nhỏ trong não
- Bệnh động mạch không xơ vữa
- Các bệnh về máu
Ngoài ra, một số tác nhân được xem là nguy cơ thường gặp như: người hay hút thuốc lá, nạp vào cơ thể nguồn thức ăn chứa nhiều cholesterol, tiền sử tăng huyết áp, lượng đường cao, ít vận động, chế độ ăn uống ít rau, nhiều chất béo bão hòa, ăn mặn, ăn quá ngọt, ...
Nên làm gì khi thấy người bị nhồi máu não?
Phát hiện sớm và sơ cứu tại chỗ đúng cách sẽ gia tăng cơ hội cứu sống, giảm thương tật về sau cho bệnh nhân. Cần đặc biệt ghi nhớ thời gian “vàng” để đưa bệnh nhân nhồi máu não đến cơ sở y tế chuyên sâu là trong khoảng 3 giờ đầu tiên. Trong lúc chờ đợi, có thể thực hiện các bước sau:
- Không di chuyển bệnh nhân, tránh va đập cũng như rung lắc mạnh.
- Cần ghi chú lại thời điểm người bệnh có những biểu hiện bất thường.
- Nên đặt người bệnh nằm nghiêng một bên và kê đầu cao hơn 30 độ.
- Nên nới rộng quần áo, khăn choàng cổ và cà vạt (nếu có).
- Luôn cho bệnh nhân có oxy để duy trì hô hấp, tránh tình trạng chết não.
- Tuyệt đối tránh cho người bệnh ăn uống, sử dụng thuốc tùy tiện, dùng kim chích 10 đầu ngón tay và chân, không cạo gió, ...
Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhồi máu não
Tiêu huyết khối
Đây là phương pháp điều trị đặc hiệu được ứng dụng trên bệnh nhân nhồi máu não cấp trong vòng 3 giờ đầu (tối đa 4 – 5 giờ) từ khi có biểu hiện khởi phát, tăng 20% cơ hội được cứu sống.
Bác sĩ tùy vào trường hợp cụ thể có thể cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu huyết khối hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Kỹ thuật được áp dụng nhiều hiện nay là bằng dụng cụ Solitaire. Đây là một kỹ thuật rất khó và đòi hỏi tay nghề cao của đội ngũ chuyên gia thực hiện.
Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu
Bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não được chỉ dùng dùng aspirin (trừ trường hợp dị ứng, không dung nạp thuốc, dùng thuốc tiêu huyết khối). Hoặc có thể thay thế bằng một số loại thuốc ngưng tập tiểu cầu khác như clopidogrel, dipyridamole, cilostazol.
Trường hợp bệnh nhân có thêm bệnh lý liên quan đến tim mạch cần dùng thuốc Heparin và thuốc chống đông.
Điều trị các bệnh lý là nguy cơ chính dẫn đến nhồi máu não
Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp để điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường nhằm giảm khả năng hình thành nhồi máu não. Nên đưa huyết áp tâm trương của người đã bị bệnh về mức dưới 85mmHg và huyết áp tâm thu khoảng 130mmHg.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển được khuyên dùng với bệnh nhân nhồi máu não có tăng huyết áp, đái đường. Nếu mức đường máu > 10mmol/L thì nên dùng thuốc insulin để kiểm soát lượng đường trong máu về bình thường và có chỉ số ổn định đường huyết HbA1c dưới 7%.
Những di chứng sau điều trị nhồi máu não là gì?
Sau khi điều trị nhồi máu não, những di chứng mà người bệnh gặp phải thường là đa tàn tật, cùng lúc bị nhiều ảnh hưởng về mặt vận động, ngôn ngữ, giác quan, cảm giác. Ngoài ra, họ còn có nguy cơ cao bị những bệnh lý:
- Viêm phổi cấp, suy hô hấp cấp: do khả năng ho khạc bị yếu nên khi bị tăng tiết đờm rãi bệnh nhân sẽ bị bít tắc đường thở.
- Viêm đường tiết niệu: người bị nhồi máu não hay bị bí đái, thông tiểu nên nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiểu rất cao.
- Lở loét do bị đè ép: do không thể vận động như trước nên những vùng da bị đè ép nhiều sẽ bị loét, mưng mủ, hoại tử da, ... rất đau nhức và khó chịu.
- Teo cơ, cứng khớp: hệ lụy từ tai biến khiến các cơ xương khớp bị cứng, nếu không sớm vận động lại sẽ bị teo cơ, liệt.
Cách chăm sóc người bị nhồi máu não
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước về chế độ ăn và luyện tập để nâng cao tỷ lệ phục hồi cho người bệnh:
Nhu cầu dinh dưỡng
- Nguyên tắc: Đảm bảo đủ chất nhưng phải có một hàm lượng phù hợp.
- Lựa chọn nguồn thực phẩm có ít cholesterol, nhiều đạm thực vật, đạm động vật như: đậu tương, đậu đỗ, đậu phụ, cá biển, sữa, cá đồng, thịt nạc, ...
- Lượng protein ở mức 0,8g/kg cân nặng mỗi ngày. Chất béo chỉ nên duy trì ở mức 25-30g/ngày.
- Bổ sung thêm nguồn vitamin và khoáng chất trong các loại rau củ, sữa, hoa quả chín. Nhờ chứa nguồn kali nên tốt cho người sau khi bị nhồi máu não lợi tiểu, giảm huyết áp.
- Tăng cường acid folic mỗi ngày ít nhất 300mcg bao gồm: quả có vị chua, các loại đậu, rau lá xanh, gạo, mì, ngũ cốc.
Cách chế biến
- Thức ăn phải dễ hấp thu và dễ tiêu hóa nên cần được chế biến ở dạng mềm và lỏng. Tốt nhất trong giai đoạn đầu sau bệnh nên cho người bệnh ăn súp, cháo, sữa.
- Không nên cho bệnh nhân ăn quá no, chia ra khoảng 3 – 4 bữa/ngày.
- Tránh cho dùng các thức ăn lên men (dưa, cà, hành muối), thức uống gây kích thích (rượu, chè, cà phê, ...), thức ăn chế biến sẵn (thịt hun khói, xúc xích, ...).
- Cần giảm muối và nước trong khẩu phần ăn
Tập luyện đều đặn mỗi ngày
- Khi còn trong bệnh viện, cần thay đổi tư thế nằm để chống lở loét.
- Vệ sinh răng miệng cho người nhồi máu não 2 – 3 lần/ngày.
- Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não nên thường xuyên xoa bóp các khớp tay, bắp cơ, khớp chân để máu lưu thông tốt hơn, tránh teo cơ cứng khớp.
- Sau khi hồi phục, bệnh nhân cần tuân thủ đúng các bài tập vận động, vật lý trị liệu tại nhà hoặc trung tâm trị liệu.
- Cố gắng hỗ trợ, khuyến khích bệnh nhân tự làm các hoạt động vệ sinh hàng ngày để mau chóng hồi phục, có thể sớm tự lập.
Không gian nghỉ ngơi và tập luyện
- Bệnh nhân cần có giường nằm thoáng mát khi vào hè, tránh gió lùa trong mùa đông. Nên kê nệm hơi hoặc nệm nước để người bệnh nằm thoải mái. Giường không nên quá cao vì sẽ bất tiện trong việc chăm sóc.
- Các dụng cụ trợ giúp luyện tập cần cố định vững chắc, có đầu bịt để chống trơn trượt.
- Nên có máy đo huyết áp để kiểm tra thường xuyên.
- Theo dõi tình trạng hô hấp, nếu thấy thở nhanh, thở khò khè, thở chậm, có tiếng rít, ... cần báo ngay cho bác sĩ.
- Kiểm tra nhiễm khuẩn để tránh bị viêm đường tiết niệu.
Cách đề phòng bệnh nhồi máu não
- Thực hiện nếp sống lành mạnh, khoa học
- Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh
- Không thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại
- Khi ngủ dậy buổi sớm không nên bật dậy ngay khỏi giường
- Khi có biểu hiện tê các chi, liệt tay chân, chóng mặt, ... cần cấp cứu nhanh chóng
- Nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên nhằm có sức khỏe dẻo dai, chống lại bệnh tật
- Hạn chế căng thẳng, stress, lo âu
- Điều trị tích cực và dứt điểm các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường để hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Xem thêm:
- Bị nhồi máu não cần có chế độ ăn uống như thế nào?
- Cách phòng tránh tai biến mạch máu não hiệu quả nhất
- Các cách điều trị tai biến mạch máu não