Cách điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Thời tiết thay đổi thất thường bé rất dễ ho cảm, sổ mũi, nghẹt mũi khiến bé cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc hơn. Để điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh trước khi dùng đến thuốc, các mẹ có thể tham khảo những cách đơn giản, hiệu quả mà HoiBenh tổng hợp sau đây.
Cách điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Thời tiết thay đổi thất thường bé rất dễ ho cảm, sổ mũi, nghẹt mũi khiến bé cảm thấy khó chịu và hay quấy khóc hơn. Để điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh trước khi dùng đến thuốc, các mẹ có thể tham khảo những cách đơn giản, hiệu quả mà HoiBenh tổng hợp dưới đây.
Nguyên nhân nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Trước tiên để chữa khỏi nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần xác định rõ nguyên nhân khiến bé gặp phải tình trạng này. Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản:
- Cảm lạnh: Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu của chứng nghẹt mũi. Lúc này trẻ bị nghẹt mũi sẽ đi kèm các dấu khác như sốt nhẹ, hoặc nóng người, ho, đau họng, hắt hơi, để lâu có thể sổ mũi... Nếu bé chỉ có nghẹt mũi mà không đi kèm các dấu hiệu khác thì bạn có thể yên tâm đây là phản ứng bình thường của trẻ khi thời tiết thay đổi.
- Dị ứng: trẻ bị dị ứng sẽ xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng như sổ mũi, ngạt mũi, ngứa, hắt hơi và kèm theo tình trạng đỏ mắt hay đầu mũi.
- Cảm cúm: Loại bệnh này sẽ xuất hiện khi trẻ sơ sinh bị các vi-rút và vi khuẩn tấn công. Lúc này, bạn sẽ thấy bé có dấu hiệu mệt mỏi, lạnh run, chán ăn, chóng mặt, đau ê các cơ, khó thở...
- Nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi không có dấu hiệu khác thì có thể trẻ bị ngạt mũi sơ sinh, nghĩa là các chất nhầy của bào thai còn vướng lại trong đường hô hấp của bé.
- Bé bị dị vật mắc trong mũi : Ngoài những nguyên nhân kể trên, trẻ sơ sinh bị vướng những vật nhỏ trong mũi cũng là thủ phạm gây ra tình trạng ngạt mũi. Đây là trường hợp vô cùng nguy hiểm mà các mẹ cần lưu ý vì có thể gây khó thở, chảy nước và máu ở mũi , đau rát niêm mạc cho bé cưng.
Triệu chứng bé sơ sinh bị nghẹt mũi
Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi nhẹ sẽ cảm thấy vướng víu, khó chịu, thở khò khè và quấy khóc. Trẻ thường đi kèm thêm dấu hiệu sổ mũi, hắt hơn, mũi đóng vảy... Ở trường hợp nặng hơn, bé cảm thấy khó thở , phải thở bằng miệng làm ảnh hưởng đến lượng oxy hô hấp , cũng như dẫn tới các bệnh như viêm họng, ho khan, nôn mửa, môi khô tím...Khi chất nhầy gây ngạt mũi chảy xuống họng khiến bé bị ngứa rát cổ họng và sinh ra ho đờm.
Vì trẻ đang bú mẹ nên nghẹt mũi cũng làm trẻ khó bú, bú ngắt quãng, không dài hơi và dễ bị sặc.
Điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Với trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi mẹ càng hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh càng tốt vì thời điểm này sức đề kháng của bé còn yếu, những cách dưới đây sẽ là lựa chọn hàng đầu để điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh:
- Hầu hết những bệnh lý liên quan đến tắc nghẹt mũi đều là các bệnh đường hô hấp, do đó khi thấy bé nghẹt mũi, việc đầu tiên các mẹ nên làm là làm sạch bầu không khí xung quanh bé. Không gian xung quanh luôn phải được giữ sạch sẽ, thoáng mát, mát vào mùa hè và ấm, kín gió vào mùa đông. Phòng ngủ hoặc phòng bé chơi, sinh hoạt phải trong lành, không khói bụi, khói thuốc, khói bếp... Hạn chế nuôi chó, mèo gần bé vì lông những vật nuôi này có thể làm cho chứng nghẹt mũi của bé nặng hơn, có thể dẫn đến hen suyễn.
- Lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé thường xuyên: Nhiều khi chất nhầy trong mũi bé sẽ đông lại và kẹt cứng khiến việc thở trở nên khó khăn hơn. Lúc đó, các mẹ hãy lấy một miếng bông nhỏ vừa bằng lỗ mũi trẻ, làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch mũi cho con.
- Sử dụng máy làm ẩm trong phòng: Việc làm này rất có hiệu quả trong cách trị ngạt mũi cho trẻ sơ sinh. Đặt máy làm ẩm đặt trong phòng sẽ giúp không khí ẩm hơn, giúp cho bé giảm ngạt mũi và gỉ mũi cũng tự động mềm ra. Tuy nhiên, các mẹ nên vệ sinh máy làm ẩm thường xuyên để tránh nấm mốc.
- Vỗ nhẹ lên lưng trẻ: Thực hiện động tác vỗ một cách nhẹ nhàng lưng trẻ khiến cho chất nhầy trong ngực trẻ giảm bớt. Bạn có thể đặt con nằm trên đùi và vỗ hoặc massage nhẹ nhàng lưng bé.
- Massage mũi: Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi sẽ khó thở hơn. Mẹ cần massage cho trẻ bằng cách dùng 2 ngón tay vuốt nhẹ nhàng 2 bên sống mũi. Thực hiện việc này nhiều lần sẽ giúp con thở dễ dàng hơn.
- Day huyệt nghinh hương: Huyệt nghinh hương hay nằm ở 2 bên cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách mũi khoảng 0,8-0,9 cm. Day huyệt này có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí, giúp chữa viêm mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi... cho trẻ.
- Sử dụng nước muối sinh lý: Các mẹ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé 3-5 lần mỗi ngày nhất là trước khi cho bé bú. Nước muối sinh lý sẽ làm các chất nhầy bị kẹt trong mũi bé mềm hơn, dễ ra ngoài hơn.
- Chườm nước nóng lên tai: Trước khi đi ngủ, mẹ lấy khăn thấm nước nóng đặt ở hai tai bé từ 10-15 phút sẽ giúp con giảm nghẹt mũi. Hai bên tai có những dây thần kinh nhỏ có tác dụng điều tiết máu ở mũi, khi gặp nhiệt độ cao, huyết quản sẽ giãn ra và giúp thông lỗ mũi.
- Sử dụng tinh dầu tràm, : Mẹ có thể dùng tinh dầu tràm hoặc các loại tinh dầu dành riêng cho em bé bôi vào gan bàn chân, bàn tay, cổ, ngực... để giữ ấm cho con. Cho em bé ngửi với lượng vừa phải cũng là cách để chữa sổ mũi, nghẹt mũi cho bé.
- Xông hơi: Xông hơi cũng là cách trị ngạt mũi cho trẻ hiệu quả và đơn giản ngay tại nhà. Xông hơi có tác dụng làm thông mũi, giảm ho và giảm tức ngực, vừa mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị bệnh viêm thanh quản ở trẻ nhỏ. Thêm vào đó, khi mũi bé tiếp xúc với hơi nước sẽ giúp làm loãng dịch nhờn đã hình thành trong mũi.
Mẹ có thể thực hiện phương pháp xông hơi tại nhà với những bước đơn giản như sau:
Bước 1: Bạn sử dụng phòng tắm làm nơi xông hơi cho bé
Bước 2: Đóng kín cửa và xả nước nóng vào bồn tắm để hơi nóng bốc lên
Bước 3: Bé bắt đầu xông hơi trong khoảng từ 10 đến 15 phút
Bước 4: Khi tình trạng ngạt mũi của trẻ có dấu hiệu giảm bớt, mẹ có thể dùng tay vỗ nhẹ ngực. Hành động này sẽ rất có ích cho việc hô hấp của con yêu.
Lưu ý: Vì trẻ sơ sinh còn khá non yếu nên mẹ không nên để hơi nước quá nóng hay sử dụng thêm các dược thảo đậm mùi sẽ làm con yêu khó thở. Áp dụng phương pháp này vào mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Đối với trẻ sơ sinh bị ngạt mũi nhẹ, ngoài việc massage mũi cho bé, các mẹ cũng có thể làm mũi trẻ thông thoáng hơn bằng cách bế đứng, thay đổi tư thế ngủ cho con, nâng cao gối đầu ...
- Nếu bệnh của bé nặng hơn và có thể một số dấu hiệu khác như sốt cao, tắc nghẹt mũi kéo dài, sổ mũi (mũi chảy nước) kéo dài, dịch nhầy đặc lại (nước mũi đặc và có màu mỡ gà hoặc hơi xanh) thì cần cho trẻ đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị ngay.
Một số sai lầm mà các mẹ nên chú ý khi điều trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ nghẹt mũi, có thể do thiếu kinh nghiệm, mẹ nghe những mẹo dân gian, những lời truyền đạt không rõ nguồn gốc mà tự điều trị sai cách cho con, có thể khiến con bị nặng hơn hoặc mắc thêm những căn bệnh trầm tròng khác... Vì thế, các mẹ nên chú ý:
- Không dùng miệng để hút chất nhầy hoặc nước mũi của con: Hành động này làm bí hơi, tăng áp lực, ảnh hưởng đến cánh mũi, lớp sụn mũi còn yếu mềm của bé. Thêm nữa, miệng của mẹ có rất nhiều vi khuẩn, có thể làm tăng khả năng vi khuẩn xâm nhập, phát triển trong môi trường chất nhầy trong mũi bé sinh ra nhiều bệnh khác.
- Không tự tiện dùng kháng sinh cho trẻ vì điều này không những có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu uống sai thuốc, sai liều mà còn làm giảm sức đề kháng của con.
- Không nên dùng mẹo nhỏ nước tỏi vào mũi bé: Vì nước tỏi có đặc tính nóng và cay, mũi trẻ sơ sinh còn non mềm. Khi nhỏ vào mũi trẻ khiến trẻ bị bỏng rát niêm mạc mũi, không phát hiện điều trị có thể gây hoại tử da, thậm chí nhiễm trùng máu do nơi hoại tử bị viêm nhiễm. Vì vây, tuyệt đối không được dùng nước ép hành tỏi để nhỏ mũi cho trẻ
- Không nên giữ ấm bằng cách mặc quá nhiều áo, đắp quá nhiều chăn khiến con ngột ngạt, vi khuẩn có môi trường để hoạt động và ủ bệnh.
- Nhiều mẹ thường kiêng tắm cho con khi thấy con có dấu hiệu cảm, nghẹt mũi. Tuy nhiên, đây là một cách ủ bệnh cho con vì khi con không được tắm và làm sạch cơ thể thì vi khuẩn xung quanh con vẫn tồn tại và phát triển. Mẹ nên tắm nước ấm ở nơi kín gió cho con và tắm càng nhanh càng tốt.
Trên đây là những thông tin cơ bản để bố mẹ có thể áp dụng tại nhà khi thấy bé có những dấu hiệu nghẹt mũi. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu bất thường hoặc trở nên nặng hơn, mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay tập tức để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Xem thêm:
- Những phương pháp chữa nghẹt mũi cho trẻ hiệu quả tức thì
- Trẻ sơ sinh bị ho kèm ngạt mũi: Mẹ phải làm sao?
- Xử lý chứng ngạt, tắc mũi mùa lạnh