Cách điều trị lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột là một bệnh ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, xảy ra do 1 đoạn ruột bị lộn lại, chui vào lòng đoạn ruột kế cận. Đây là là nguyên nhân gây tắc ruột cơ học, cơ chế là vừa bít vừa thắt.

Cách điều trị lồng ruột ở trẻ Cách điều trị lồng ruột ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Thị Linh Chi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Cách điều trị lồng ruột ở trẻ còn bú

Có nhiều cách điều trị bệnh lồng ruột ở trẻ còn bú, bác sĩ sẽ dựa trên tình hình bệnh và điều kiện sức khỏe trẻ mà lựa chọn.

  • Tháo lồng bằng bơm hơi

Ngày nay, phương pháp tháo lồng bằng bơm hơi trong điều trị lồng ruột được sử dụng phổ biến thay cho phương pháp tháo lồng bằng Baryt trước kia.

Ở nước ta, tháo lồng bằng bơm hơi bắt đầu được tiến hành từ năm 1964, đến năm 1973, Ngô Đình Mạc đã nghiên cứu và phát triển toàn diện, cùng với đó là máy tháo lồng có van điều khiển áp lực ra đời. Điều này giúp đề phòng biến chứng vỡ đại tràng khi tháo lồng ruột.

Ở phương pháp này, hơi được bơm vào trực tràng trong thời gian 3 phút, được theo dõi sao cho áp lực dưới 80cm H2O (với trẻ dưới 6 tháng) và dưới 120cm H2O (ở trẻ lớn hơn 6 tháng). Nếu bệnh nhân đến sớm (trong 24 giờ đầu) thì tỷ lệ tháo lồng thành công là 90%.

vicare.vn-cach-dieu-tri-long-ruot-o-tre-body-1
Cần dùng X quang đánh giá đã tháo lồng thành công

Để đánh giá đã tháo lồng được, thực hiện:

  • X quang: hơi từ manh tràng ùa đến đoạn cuối hồi tràng, manh tràng, đại tràng lên, ruột trở lại bình thường.
  • Lâm sàng: bụng hết đau, hết nôn, phân vàng, ngủ yên.

Cần cảnh giác với trường hợp lồng kép hồi - hồi - đại tràng, lúc này dù hơi đã sang ruột non song vẫn còn lồng hồi - hồi tràng.

  • Tháo lồng bằng nước

Hirschsprung (1876) đã báo cáo nhiều bệnh nhân được tháo lồng thành công bằng áp lực nước. Ngày nay, phương pháp tháo lồng này có thể tiến hành dễ dàng ở phòng siêu âm.

Dung dịch dùng gồm nước, dung dịch Ringer hoặc nước muối sinh lý. Dung dịch tháo được làm ấm đến nhiệt độ cơ thể, rồi bơm vào trực tràng qua ống Foley (số 10 - 18F) dưới áp lực 100 mmHg.

Theo dõi kết quả tháo lồng bằng siêu âm, nếu không còn hình ảnh khối lồng, đồng thời nước và bọt khí từ manh tràng tràn đến đoạn cuối hồi tràng là đã tháo lồng thành công. Tỷ lệ thành công của phương pháp tháo lồng bằng nước là 50 - 89%. Với phương pháp này, bệnh nhi không phải dùng đến tia X-quang.

  • Tháo lồng bằng baryt

Năm 1913, Ladd đã áp dụng phương pháp chụp đại tràng kết hợp bơm thuốc cản quang để chẩn đoán bệnh lồng ruột. Sau này phương pháp điều trị lồng ruột bằng Baryt được đưa vào áp dụng, hiện nay ít được áp dụng hơn, không dùng khi lồng ruột sau 24 giờ.

Thụt baryt hiện nay chỉ được coi là một phương pháp chẩn đoán, không nên coi là phương pháp điều trị, tháo được lồng ruột ở phương pháp này chỉ nên coi là may mắn trong quá trình chẩn đoán.

Ở đây, bốc đựng baryt đặt thụt cao hơn mặt bàn 80 - 100cm, rồi theo dõi bệnh nhân qua màn huỳnh quang, quan tâm nhất khi thuốc đến đầu khối lồng, duy trì áp lực ít hơn 5 phút.

vicare.vn-cach-dieu-tri-long-ruot-o-tre-body-2
Bệnh nhân tháo lồng ruột thành công hết đau, nôn

Dấu hiệu báo hiệu tháo lồng thành công khi baryte ùa vào hồi tràng, hồi tràng và manh tràng trở về vị trí bình thường. Bệnh nhân hết đau, hết nôn, phân vàng.

  • Điều trị ngoại khoa

Giữa thế kỷ XVII, Paul Barbette mô tả bệnh lồng ruột và gợi ý đến phương pháp phẫu thuật để tháo lồng. Tới năm 1871, Jonathan Hutchinson thực hiện phẫu thuật tháo lồng đầu tiên thành công và được áp dụng tới bây giờ.

Phương pháp này được chỉ định khi lồng ruột chống chỉ định tháo lồng bằng khí hoặc phương pháp khác không có kết quả.

  • Vô cảm: cần gây mê nội khí quản.
  • Đường mổ: đường trắng ở giữa trên và dưới rốn.
  • Kỹ thuật tháo lồng:
    • Thấy khối lồng, dùng tay nắn nhẹ nhàng ngược chiều nhu động ruột, từ dưới lên trên, đẩy lùi dần khối lồng. Nếu gặp khó khăn, cần đắp huyết thanh ấm hoặc phóng bế Novocain mạc treo.
    • Nếu phải cắt đoạn ruột lồng bị hoại tử, cần nối ruột ngay hoặc đa ra ngoài tùy vào tình trạng ruột và ổ bụng:
    • Nếu ổ bụng không bị viêm phúc mạc, quai ruột còn tốt thì nên nối ruột ngay.
    • Nếu ổ bụng bị viêm phúc mạc cần dẫn lưu hai đầu ruột ra ngoài.
  • Cần cắt ruột thừa và cố định hồi tràng vào manh tràng, manh tràng với thành bụng bên phải.

2. Điều trị lồng ruột ở trẻ lớn

Đa số lồng ruột ở trẻ lớn là có nguyên nhân thực thể, bệnh dễ tái phát, thường hay gặp là lồng ruột hồi - manh - đại tràng, do đó phương pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật tháo lồng, cố định manh tràng vào thành bụng bên phải, hồi tràng vào manh tràng và cắt ruột thừa.

Bên cạnh đó, cũng phải chú ý tìm nguyên nhân bệnh để giải quyết như: cắt túi thừa Meckel, u, polyp...

XEM THÊM:

  • Lồng ruột ở trẻ: Cần cấp cứu kịp thời
  • Nhận diện dấu hiệu trẻ bị tắc ruột
  • Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhiều ở trẻ em