Cách “đẩy lùi” bệnh nhiệt miệng an toàn, hiệu quả

Bệnh nhiệt miệng không còn xa lạ đối với nhiều người bởi mức độ phổ biến và triệu chứng khó chịu, đau đớn khi mắc phải. Tìm cách đẩy lùi và thoát khỏi nó một cách nhanh nhất là điều thực sự cần thiết.

Cách “đẩy lùi” bệnh nhiệt miệng an toàn, hiệu quả Cách “đẩy lùi” bệnh nhiệt miệng an toàn, hiệu quả

Bệnh nhiệt miệng là bệnh gì?

Bệnh nhiệt miệng (y học gọi là áp-tơ miệng) là tình trạng xuất hiện một hay nhiều vết loét nhỏ, nông ở mô mềm bên trong miệng như má, môi, trên nướu hoặc bên dưới lưỡi của bạn (chúng không bao giờ nằm bên ngoài miệng). Hình dạng của vết nhiệt miệng thường là hình oval, hình tròn và có viền đỏ xung quanh, ở giữa là màu trắng hoặc vàng. Đây là căn bệnh lành tính và không để lại sẹo.

Các nghiên cứu khoa học nhận định, khoảng 20% dân số thường xuyên bị nhiệt miệng và phụ nữ, trẻ em chiếm đa số. Bệnh nhiệt miệng có xu hướng hay tái phát nhiều lần, gây cảm giác đau khi ăn uống, vệ sinh răng miệng và nói chuyện, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Biểu hiện của bệnh nhiệt miệng thường không gây sốt, sưng hạch và tự lành dần sau khoảng 7 – 10 ngày. Tùy vào cơ địa, cách chăm sóc mà thời gian lành bệnh khác nhau, một số trường hợp vết nhiệt có thể chuyển sang viêm cấp do không được điều trị đúng.

Nguyên nhân gây nên bệnh nhiệt miệng

Theo quan niệm từ dân gian thì bệnh nhiệt miệng là do cơ thể bị nóng trong người nên sinh lở loét tại niêm mạc miệng. Tuy nhiên xét về mặt y học hiện đại thì bệnh nhiệt miệng do một số yếu tố chính sau đây gây ra:

  • Mắc các bệnh về răng miệng: nếu bạn đang bị các vấn đề trong khoang miệng như viêm lợi, sâu răng, cao răng, ... mà không có biện pháp can thiệp sớm, vi khuẩn có thể xâm nhập ra các vùng lân cận và gây ra các vết nhiệt miệng vô cùng khó chịu.
  • Tình trạng căng thẳng kéo dài: những áp lực tinh thần không được giải tỏa, khó khăn trong giải phóng năng lượng, dồn nén lâu ngày trong người sẽ phát nhiệt trên niêm mạc miệng, sinh lở loét.
  • Suy giảm chức năng gan: gan có vai trò đặc biệt trong đào thải các độc tố do con người hấp thu vào nhưng khi khả năng hoạt động của gan không tốt thì độc tố sẽ tích tụ dẫn đến sinh nhiệt tại dạ dày, khoang miệng. Vì thế những người mắc bệnh gan thường bị nhiệt miệng nhiều lần liên tục.
  • Thay đổi tuyến nội tiết: điều này hay xảy ra ở phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh. Quá trình biến đổi tuyến nội tiết dẫn đến mất cân bằng khiến cho cơ thể rất dễ bị bệnh nhiệt miệng.

Ngoài ra, nhiệt miệng còn do các tác nhân từ bên ngoài như: vết xước ở lợi, cắn phải lưỡi hoặc môi, ăn nhiều đồ cay nóng, môi trường làm việc nhiệt độ cao, virus sinh nhiệt tấn công, ... Do vậy, cần có biện pháp điều trị và phòng tránh từ nhiều khía cạnh.

vicare.vn-cach-day-lui-benh-nhiet-mieng-an-toan-hieu-qua-body-1
Điều trị bệnh nhiệt miệng sớm để nhanh khỏi và bớt gây đau đớn

Bệnh nhiệt miệng có tự khỏi không? Có nên dùng thuốc không?

Bệnh nhiệt miệng vì những lý do thông thường sẽ có thể tự khỏi. Nhưng nếu người bị bệnh nhiệt miệng nếu cảm thấy đau nhiều, triệu chứng ngày càng nặng hơn, tái phát liên tiếp nhiều lần thì cần đến bệnh viện để kiểm tra và thăm khám. Dựa vào từng trường hợp cụ thể về nguyên nhân gây bệnh, mức độ tiến triển, thể trạng, giới, tuổi tác, ... mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Dưới đây là các loại thuốc thường được chỉ định khi bị nhiệt miệng:

  • Thuốc dạng bôi: bạn có thể dùng thuốc acid hyaluronique dạng gel hay thuốc sachol-gel để bôi lên các vết loét nhằm điều trị bệnh nhiệt miệng. Bên cạnh đó, một số thuốc giảm đau có thành phần axit và glycerin cũng có thể sử dụng để giảm các triệu chứng lở loét. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc có kèm theo dung dịch súc miệng để giảm đau, khó chịu mỗi khi bạn ăn uống.
  • Đối với nguyên nhân gây bệnh nhiệt miệng do vi khuẩn, vi nấm thì có thể bác sĩ chỉ định dùng thêm kháng sinh. Biseptol (cotrimoxazol) là loại thuốc kháng sinh có tác dụng chữa bệnh liên quan đến vi khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân bị nhiệt miệng hòa thuốc cùng nước cất theo liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ, sau đó dùng bông tăm có dung dịch thuốc bôi lên các nốt loét. Bôi đều đặn mỗi ngày 3 – 4 lần để đạt kết quả chữa trị như mong muốn. Nếu tình trạng không cải thiện có thể kết hợp cùng thuốc uống đặc trị như amoxycilin, spiramycin, metronidazol, ...
  • Thuốc dạng bột: đây là loại thuốc có tác dụng kháng viêm, tạo màng ngăn để giảm đau, nhanh lành vết loét. Thuốc được tạo từ hỗn hợp serathiopeptit, trimethoprim, sulfamethoxazol và hoạt chất tạo màng ngăn.
  • Thuốc hỗ trợ khi bị sốt, nhiễm trùng, bổ sung vitamin C, vitamin PP và vitamin B12 theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý khi dùng thuốc cần tuân theo khuyến cáo của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ. Không được tự ý mua thuốc về điều trị hoặc ngừng thuốc khi chưa có tư vấn. Cần theo đúng lịch trình khám và điều trị để bệnh nhanh khỏi và không tái phát.

Cách “đẩy lùi” bệnh nhiệt miệng đơn giản mà hiệu quả

vicare.vn-cach-day-lui-benh-nhiet-mieng-an-toan-hieu-qua-body-2
Uống nước có thể cải thiện bệnh nhiệt miệng
  • Uống nhiều nước: tưởng chừng đơn giản nhưng đây là cách chữa bệnh nhiệt miệng cực kỳ hiệu quả. Người bị bệnh nhiệt miệng nên tăng cường uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả, nước rau má, bột sắn dây, ... để giải nhiệt cho cơ thể, đồng thời giúp các vết loét được chữa lành nhanh chóng. Cần hạn chế tối đa các thức uống gây kích ứng lên vùng niêm mạc, làm tổn thương nặng hơn như rượu, bia, cà phê.
  • Pha nước súc miệng: công thức nước súc miệng trị bệnh nhiệt miệng rất dễ pha chế, bao gồm: 2 muỗng nước ép từ cây nha đam, một nửa cốc nước ấm và một muỗng muối nở. Trộn hỗn hợp lại với nhau và súc miệng khoảng 10 giây rồi nhổ ra. Bạn thực hiện đều đặn mỗi ngày một lần chắc chắn sẽ thấy công hiệu giảm viêm, giảm đau rõ rệt.
  • Thuốc bôi từ mật ong và nghệ: cả mật ong và nghệ đều lành tính, có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm. Các nốt nhiệt trong miệng sẽ nhanh chóng được loại bỏ bằng cách bôi hỗn hợp mật ong và bột nghệ vào chỗ đau 2 – 3 lần/ngày. Bạn cần lưu ý về nguồn gốc nguyên liệu để tránh gây viêm nhiễm nặng hơn.
  • Chườm lạnh: bạn có thể ngậm một viên đá nhỏ trong miệng để làm dịu cơn đau, giảm sưng và tình trạng viêm nhiễm cũng sẽ đỡ hơn. Nên lựa chọn đá lạnh được làm từ nguồn nước đảm bảo vệ sinh, không có vi khuẩn để tránh sự xâm nhập sâu hơn vào các vết loét.
  • Chế độ dinh dưỡng: bổ sung thức ăn giàu vitamin C, vitamin B12 như phô mai, thịt bò, cá, hàu, ngao, sữa. Không nên ăn nóng, ăn mặn bởi sẽ làm đau và cảm giác xót ở tại vết loét. Có thể dùng nhiều các loại canh có tính mát lại dễ ăn như canh rau ngót, rau đay, mồng tơi, bí đao, ... Nên tránh các thực phẩm chua, cay và cứng, sắc nhọn bởi điều này sẽ khiến bạn khó vượt qua các cơn đau do bệnh nhiệt miệng. Sau khi ăn nên súc miệng bằng nước muối pha loãng để hạn chế vi khuẩn từ thức ăn gây viêm nhiễm nặng hơn.
  • Ăn nhiều sữa chua: sữa chua được cho rằng có chứa nhiều lợi khuẩn chống lại các vi khuẩn có hại, giảm đau, ngăn chặn hình thành các vết loét mới trong miệng. Do vậy, mỗi ngày hãy ăn một cốc sữa chua để bệnh nhiệt miệng mau khỏi.
  • Cân bằng cuộc sống, duy trì lối sinh hoạt điều độ: không để căng thẳng, lo âu kéo dài. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý để nghỉ ngơi, thư giãn. Tập luyện thể dục thể thao để cơ thể trao đổi chất tốt hơn, tăng cường sức đề kháng.
  • Quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Đừng vì đau mà sợ và không chăm sóc răng miệng khi bị nhiệt miệng. Bạn cũng cần tránh sử dụng kem đánh răng (hoặc nước súc miệng) có chất tạo bọt làm gia tăng nhiệt miệng là sodium lauryl sulfate.

Nếu những cách trên không hiệu quả, các vết loét vẫn tiến triển bất thường, kéo dài hơn hai tuần, kèm theo tiết dịch thì bạn nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt để bác sĩ chẩn đoán, điều trị.

Xem thêm:

  • Tổng hợp những cách điều trị nhiệt miệng nhanh
  • Bạn đã biết chữa nhiệt miệng bằng các thực phẩm thiên nhiên này chưa?