Cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất

Viêm tai giữa là bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các nhiễm khuẩn mũi họng, vì vậy càng dễ mắc phải trong thời tiết giao mùa. Phải làm gì khi con cái hoặc bản thân, gia đình bị viêm tai giữa? HoiBenh sẽ gợi ý cho bạn cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất.

Cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất Cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất

Viêm tai giữa là bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các nhiễm khuẩn mũi họng, vì vậy càng dễ mắc phải trong thời tiết giao mùa. Phải làm gì khi con cái hoặc bản thân, gia đình bị viêm tai giữa? HoiBenh sẽ gợi ý cho bạn cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất.

Bệnh viêm tai giữa là gì?

Về mặt giải phẫu học, tai được chia làm 3 phần, từ ngoài vào trong bao gồm: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Trong đó:

  • Tai ngoài gồm: loa tai (tai mà chúng ta nhìn thấy) và ống tai ngoài.
  • Tai giữa (hay hòm nhĩ):
  • Được ngăn cách với tai ngoài bằng màng nhĩ. Màng nhĩ không chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận và truyền đạt âm thanh, mà còn góp phần tạo một môi trường kín, bảo vệ tai giữa khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn cùng các yếu tố gây bệnh theo tai ngoài vào, hay các tác nhân vật lý, hóa học có hại cho niêm mạc và hệ thống xương con của tai.
  • Tai giữa chứa hệ thống xương con, có nhiệm vụ tiếp nhận và truyền đạt âm thanh từ sự rung động của màng nhĩ đến tai trong - nơi tiếp xúc với thần kinh thính giác.
  • Phía trên tai giữa là thành xương thái xương mỏng ngăn cách với nền sọ. Vì vậy, khi vi khuẩn xâm nhập, có thể gây viêm xương, hoại tử xương, thậm chí lan vào cả nền sọ.
  • Phía dưới tai giữa là thành tĩnh mạch cảnh trong và một nhánh của thần kinh lưỡi - hầu đi vào.
  • Tai giữa liên quan đến xoang chũm - một xoang khí lớn trong xương, rất dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Đặc biệt, tai giữa được nối thông với vùng hầu bằng vòi tai. Vòi tai là một tổ chức hình ống, tạo thành một phần từ xương, một phần từ sụn và mô sợi. Vòi tai có tác dụng làm cân bằng áp lực không khí tại cả hai phía của màng nhĩ, tránh làm tổn thương màng nhĩ. Chính ống thông này cũng là con đường dẫn truyền vi khuẩn hay các tác nhân gây viêm đến một khoang kín như tai giữa. Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu của viêm tai giữa là các nhiễm khuẩn hầu họng.
  • Tai trong: ngăn cách với tai giữa bằng một hệ thống xương và niêm mạc, trong đó phải kể đến cửa sổ tròn với lớp màng rất dễ hấp thu các loại thuốc, cũng chính là cơ chế gây ngộ độc tai - dẫn đến điếc nặng không hồi phục. Tai trong chứa hệ thống ốc tai, đóng vai trò quan trọng trong cảm nhận cảm giác không gian, tư thế cân bằng. Vì vậy, khi viêm tai giữa xâm nhập vào tai trong, người bệnh đôi khi có cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng.

Viêm tai giữa, được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, là một tình trạng nhiễm vi khuẩn hoặc virus tại tai giữa, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ em. Theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng Lucile Packard - Stanford, có tới 80% trẻ em dưới 3 tuổi từng mắc viêm tai giữa. Dựa vào đặc điểm giải phẫu, có thể thấy tai giữa là tổ chức có liên quan chặt chẽ với khá nhiều tổ chức quan trọng. Vì vậy, mặc dù có thể chẩn đoán và điều trị khá đơn giản, nhưng khi bệnh tiến triển tới mức độ cao hơn, thì cũng kèm theo rất nhiều nguy cơ biến chứng, không chỉ tại tai mà còn ở nền sọ, hệ thống xương, mạch máu, thần kinh,...

Để phục vụ chẩn đoán và điều trị, viêm tai giữa được chia làm 3 thể:

  • Viêm tai giữa cấp tính: là thể bệnh thường gặp nhất, thông thường ở trẻ em 1 - 2 tuổi. Thông qua vòi nhĩ, tai giữa bị nhiễm khuẩn, xuất hiện mủ là sản phẩm chuyển hóa của các loại vi khuẩn trong hòm nhĩ. Tùy vào từng giai đoạn mà bệnh có thể tự khỏi sau khi điều trị tốt các viêm nhiễm vùng hầu họng, hoặc phải chữa bệnh viêm tai giữa cấp tính bằng chích rạch, dẫn lưu mủ.
  • Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy: Là dạng viêm tai giữa ít nguy hiểm khi tổn thương chỉ khu trú tại niêm mạc. Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy được định nghĩa là tình trạng chảy mủ ở tai, kéo dài trên 3 tháng. Cách chữa bệnh viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy hiệu quả có thể là điều trị nội khoa tại chỗ, điều trị nguyên nhân hoặc điều trị ngoại khoa.
  • Viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm: Là tình trạng viêm tai giữa có tổn thương hệ thống xương tại hòm nhĩ và xương chũm, đôi khi hình thành các khối u xương. Thể bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới, và cách chữa hiệu quả nhất là điều trị ngoại khoa.
vicare.vn-cach-chua-benh-viem-tai-giua-hieu-qua-nhat-body-1

Triệu chứng và cách chữa bệnh viêm tai giữa hiệu quả nhất

Nhìn chung, bệnh viêm tai giữa chỉ khỏi khi tình trạng viêm nhiễm được chữa khỏi hoàn toàn. Đối với mức độ bệnh nhẹ, cùng với hệ miễn dịch tốt, thì bệnh có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày dùng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn. Đối với các mức độ nặng hơn, cần những can thiệp đúng và phù hợp. Thời gian điều trị, diễn biến, tiên lượng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ điều trị và sự đáp ứng của bệnh nhân.

Trẻ em khá nhạy cảm với cảm giác đau, khó chịu, nhưng lại hạn chế trong diễn đạt, giao tiếp. Vì vậy, khi bé cảm thấy khó chịu, đau tai, bé thường chỉ khóc hoặc có những hành động như đưa tay lên tai, dụi tai, khóc to hơn khi bị chạm vào tai hoặc phản ứng chậm với âm thanh nếu nghe kém. Bố mẹ cần quan sát kĩ và đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể nếu xuất hiện các dấu hiệu kể trên. Những triệu chứng được kể đến sau đây là dấu hiệu chung ở cả người lớn và trẻ em, dựa trên khảo sát thực tế và lập luận lâm sàng.

Tùy vào thể bệnh, mức độ bệnh mà viêm tai giữa có triệu chứng và cách chữa bệnh phù hợp.

Viêm tai giữa cấp tính

  • Nguyên nhân: do viêm mũi họng, đặc biệt là viêm amidan ở trẻ em; do một số bệnh nhiễm trùng toàn thân như bệnh sởi, bệnh cúm; do một số bệnh lý tại các vùng lân cận như viêm xoang, u vòm mũi họng,...
  • Triệu chứng: Viêm tai giữa cấp tính chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với các triệu chứng như sau:
  • Giai đoạn đầu: Giai đoạn xung huyết: Bệnh nhân có các dấu hiệu của viêm nhiễm đường hô hấp trên như sốt, ho, đau họng,... Tại tai bệnh nhân có đau ở mức độ vừa, đôi khi có ù tai nghe kém nhẹ.
  • Giai đoạn tiến triển: Giai đoạn ứ mủ: Các dấu hiệu viêm nhiễm trở nên rõ rệt hơn: bệnh nhân sốt cao, có thể co giật, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,... Bệnh nhân đau tai ngày càng tăng, đau nhiều, cảm giác đau sâu trong tai, có thể đau lan ra sau hoặc lan lên thái dương. Bệnh nhân nghe kém nhiều, đôi khi chóng mặt, ù tai,...
  • Giai đoạn sau: Giai đoạn vỡ mủ: Xuất hiện mủ vàng nhạt chảy ra theo ống tai ngoài, các dấu hiệu sốt, đau giảm rõ rệt. Thính lực bên chảy mủ giảm nhiều.
  • Chữa bệnh viêm tai giữa cấp tính: phụ thuộc vào giai đoạn bệnh nhân đến khám:
  • Giai đoạn xung huyết: Chỉ cần điều trị khỏi các viêm nhiễm vùng hầu họng, amidan và giữ vệ sinh tai.
  • Giai đoạn ứ mủ: Kết hợp điều trị viêm nhiễm với chích rạch màng nhĩ, dẫn lưu mủ ra ngoài.
  • Giai đoạn vỡ mủ: Dẫn lưu, làm sạch mủ, đặt thuốc đặc trị nếu cần. Song song điều tị kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Cân nhắc cắt amidan 2 tuần sau khi tai khô.
vicare.vn-cach-chua-benh-viem-tai-giua-hieu-qua-nhat-body-2

Viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy

  • Nguyên nhân: Do viêm nhiễm kéo dài ở vùng mũi họng như viêm xoang, đặc biệt là viêm amidan; do viêm tai giữa cấp tính chưa được điều trị triệt để, tái phát nhiều lần.
  • Triệu chứng: Bệnh nhân nghe kém, có mủ nhầy đục chảy ra theo ống tai ngoài. Mủ giống như dịch nhầy tiết ở mũi: kéo thành sợi, không tan trọng nước, không có mùi. Dịch chảy tai tăng lên khi kết hợp với viêm mũi, sổ mũi.
  • Cách chữa bệnh viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy hiệu quả:
  • Dẫn lưu mủ, làm sạch tai bằng oxy già, nước muối sinh lý.
  • Đặt các thuốc làm khô săn niêm mạc như otopha, cortiphenicol.
  • Điều trị nguyên nhân: các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên. Cắt amidan nếu cần.
  • Phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ nếu tình trạng chảy tai kéo dài, điều trị nội khoa không hiệu quả.

Viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm

Nguyên nhân: Do viêm tai giữa cấp tính điều trị không đúng cách, hoặc viêm tai giữa cấp tính trên nền bệnh cảnh sởi, cúm, bạch hầu,... gây hoại tử xương; bệnh lao, đái tháo đường gây giảm miễn dịch; hay do viêm tai giữa mạn tính mủ nhầy tiến triển thành.

Triệu chứng:

  • Chảy mủ tai: Mủ đăc hoặc loãng, vón cục, mùi thối. Màu xanh hoặc vàng, đôi khi có lẫn máu. Khối trắng óng ánh váng mỡ, rửa tai có vảy trắng như xà cừ.
  • Nghe kém tăng dần.
  • Ù tai, chóng mặt, đau đầu.
  • Đau tai không rõ rệt.
  • Biến chứng: Viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm là thể bệnh có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn khi quá trình viêm và phá hủy xương lan rộng và lan nhanh, đặc biệt trong các đợt hồi viêm (đợt cấp của viêm tai giữa mạn). Đó là:
  • Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe đại não, tiểu não
  • Biến chứng mạch máu: Viêm tắc tĩnh mạch bên, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm tắc tĩnh mạch cảnh trong
  • Biến chứng thần kinh: Liệt thần kinh mặt, viêm mê nhĩ
  • Biến chứng xuất ngoại: mủ thoát ra không chỉ theo màng nhĩ ra ống tai ngoài mà còn theo đường hầm do phá hủy xương.
  • Cốt tủy viêm xương: xương đá, xương thái dương, xương hàm trên
  • Trong bệnh cảnh viêm tai giữa mạn tính nguy hiểm, cách chữa bệnh tốt nhất là điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật lấy sạch bệnh tích. Dẫn lưu, làm thông thoáng hốc mổ. Đôi khi cần mổ khoét xương chũm tiệt căn vì viêm đã xâm nhập vào xương.

Cách chữa viêm tai giữa hiệu quả bằng phương pháp dân gian

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, viêm tai giữa cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng. Bệnh nhân cũng cần phối hợp với bác sĩ, tôn trọng và tuân thủ điều trị. Các phương pháp dân gian được giới thiệu sau đây chỉ giúp hỗ trợ điều trị, giảm nhẹ triệu chứng, chưa được chứng minh có tác dụng chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Vì vậy, khi áp dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và ngừng ngay nếu có dấu hiệu bất thường.

Một số bài thuốc uống:

  • Mỗi thang bao gồm: Bạch linh, thạch xương bồ, xuyên khung mỗi vị 12g; đương quy 15g; mần tưới, sài hồ, hồng ha, bán hạ, hương phụ mỗi vị 10g. Mỗi ngày sắc 1 thang, uống trong 10 ngày liên tục.
  • Mỗi thang bao gồm: sài đất, mẫu lệ, hoàng kì, phòng sâm, chi tử, kinh giới, bạch linh, cây cứt lợn, bạch truật mỗi vị 5g; thổ phục linh, hạ khô thảo, đinh lăng mỗi vị 6g. Mỗi ngày sắc 1 thang, chia 3 lần uống.
  • Mỗi thang bao gồm: xuyên khung, cam thảo, ngân hoa mỗi vị 10g; sài hồ, liên kiều, hương phụ, trần bì mỗi vị 12g; thổ phục linh, nam tục đoạn, mỗi loại 20g; kinh hoàng bá, cây cứt lợn, bưởi bung, ích mẫu, bạch chỉ nam, kinh giới mỗi vị 16g. Mỗi ngày sắc 1 thang, chia làm 3 lần uống.
  • Bài thuốc nhỏ tai: trần bì, thương nhĩ tử, cây ngũ sắc, thạch xương bồ mỗi vị 16g. Cho thuốc vào ấm với 150ml nước, đun sôi đến còn 50ml thì dừng, chắt lấy nước thuốc. Rót ra bát, để nguội, dùng bông lọc đến khi nước trong, đóng vào lọ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần nhỏ 2 - 3 giọt vào tai bệnh, ngày 3 - 4 lần.
  • Bài thuốc dùng cho bệnh viêm tai giữa giai đoạn chảy mủ (mủ đã thoát ra qua màng nhĩ): Cho 50g phèn chua và 50g ngũ nội tử lên một miếng sắt hoặc nồi, nấu đến khi phèn chua chảy ra, quyện với ngũ nội tử. Lấy phần màu trắng nghiền nhỏ, cho vào lọ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Vệ sinh tai bằng oxy già, nước muối sinh lý, lau sạch tai. Thổi một lượng khoảng bằng hạt đậu hỗn hợp bột vừa chế biến vào tai bệnh. Mỗi ngày thực hiện 2 lần, liên tiếp trong 3 ngày. Lưu ý dùng kháng sinh ít nhất 1 ngày trước khi áp dụng bài thuốc này.
  • Giảm đau bằng muối hạt trong khăn sạch: Cho muối vào khăn sạch, có thể cho thêm hoa oải hương hoặc tinh dầu chè, buộc kín. Cho lên chảo đun nóng nhẹ rồi chườm lên vùng xương tai, xương hàm đang đau để làm dịu cơn đau. Lưu ý nhiệt độ, cần thay đổi vị trí chườm liên tục để tránh bỏng da.
vicare.vn-cach-chua-benh-viem-tai-giua-hieu-qua-nhat-body-3
Nếu bệnh không có dấu hiệu giảm thì hãy gặp bác sĩ để chuẩn đoán bệnh kịp thời

Lưu ý khi chữa bệnh viêm tai giữa

  • Khi có một hoặc một số dấu hiệu bất thường kể trên, cần đi khám ngay.
  • Tuyệt đối tuân thủ điều trị, không tự ý dùng thuốc hay thực hiện các thủ thuật tại tai khi chưa có sự hướng dẫn và đồng ý của bác sĩ điều trị.
  • Tránh các sai lầm khi nhỏ tai chữa bệnh viêm tai giữa:
  • Tự ý dùng oxy già nhỏ tai: có thể gây bong lớp biểu bì, chậm lành thương hoặc vón cục, gây chít hẹp ống tai ngoài, ảnh hưởng đến thính lực của bệnh nhân.
  • Cạo thành bôt các viên kháng sinh để rắc vào tai khi chảy mủ: làm bít tắc con đường dẫn lưu mủ, mủ không được thoát ra theo ống tai ngoài, sẽ tìm con đường khác để thoát ra. Thường gặp nhất là phá hủy xương, gây viêm xương, tiêu xương.

Phòng tránh bệnh viêm tai giữa như thế nào?

  • Không xì mũi bằng cách bịt cả hai lỗ mũi.
  • Điều trị sớm và triệt để các viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, cảm cúm,...
  • Khám màng nhĩ bắt buộc khi có viêm nhiễm đường hô hấp trên để phát hiện bệnh sớm.
  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên: súc miệng họng, nhỏ mũi,...
  • Khi tắm tránh để nước, xà phòng vào tai.
  • Vệ sinh tai đúng cách: không đưa dị vật không đảm bảo vô khuẩn vào tai: tăm, ngón tay,...Dùng tăm bông vệ sinh tai 1 lần, không dùng lại.
  • Nếu viêm tai giữa chưa được chữa khỏi hoàn toàn, tránh đi bơi, ngâm mình quá lâu trong nước.
  • Cân bằng dinh dưỡng, rèn luyện thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Trên đây là các cách chữa viêm tai giữa hiệu quả nhất được HoiBenh tổng hợp. Hy vọng các độc giả của HoiBenh sẽ có biện pháp phù hợp nhất cho bản thân và gia đình khi mắc bệnh.

Xem thêm:

  • Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa ở trẻ em và cách điều trị
  • Nên cẩn thận với bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
  • Viêm tai giữa nhỏ thuốc gì