Cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà
Bệnh hắc lào là một trong những bệnh da liễu phổ biến. Cùng với vị trí thường gặp là ở háng, càng khiến việc mắc bệnh này trở nên nhạy cảm, khó nói đối với phần đông mọi người. Nếu biết cách chăm sóc và điều trị, bệnh hắc lào có thể khỏi hoàn toàn. Bài viết sau đây HoiBenh xin giới thiệu cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà.
Cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà
Bệnh hắc lào là một trong những bệnh da liễu phổ biến, gây rất nhiều khó chịu và bất tiện cho người mắc. Cùng với vị trí thường gặp là ở háng, càng khiến việc mắc bệnh này trở nên nhạy cảm, khó nói đối với phần đông mọi người. Nếu biết cách chăm sóc và điều trị, bệnh hắc lào có thể khỏi hoàn toàn. Bài viết sau đây HoiBenh xin giới thiệu cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà.
Bệnh hắc lào ở háng là gì?
Bệnh hắc lào là một bệnh da do vi nấm, thường xuất hiện ở nam nhiều hơn ở nữ. Vị trí biểu hiện bệnh trong phần lớn các trường hợp là ở háng, với hình ảnh tổn thương là các đốm tròn, đỏ hai bên háng, khiến bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau rát.
Cụ thể, triệu chứng của bệnh hắc lào ở háng đó là:
- Khởi phát bằng cảm giác ngứa, khó chịu, tăng dần, đặc biệt là ở nam giới, 2 bên háng. Ngứa kéo dài, ngứa tăng về đêm, khiến người bệnh gãi nhiều, làm lan rộng tổn thương.
- Da vùng háng bắt đầu thấy vài nốt hồng nhỏ, tăng dần thành mẩn đỏ, rồi đỏ nhiều và rát. Vùng đỏ có giới hạn rõ, cùng với tổn thương dạng mụn nước ở rìa. Triệu chứng xuất hiện cả ngày lẫn đêm, tăng trong một số trường hợp như ra mồ hôi, thời tiết oi bức, khi hoạt động như đi bộ, chơi thể thao,...
- Một số trường hợp da ở háng nám, khô, thâm đen, bong tróc, sần sùi, cảm giác bỏng rát, đặc biệt khi cọ vào quần áo hay cọ vào nhau. Đây là trường hợp tổn thương nặng so với tổn thương thông thường.
Vi nấm gây bệnh hắc lào chủ yếu thuộc hai dòng Epidermophyton và Trychophyton, thường xuất hiện ở háng và lan ra các vùng da khác, là do:
- Vùng háng, do gần bộ phận sinh dục, dễ ra mồ hôi nên thường xuyên nóng ẩm. Cùng với thói quen mặc đồ chật, bó, đồ lót quá dày hoặc bí, không có khả năng thấm hút, là môi trường cực kì thuận lợi cho nấm và các vi sinh vật nói chung sinh trưởng và phát triển.
- Thói quen dùng hoặc giặt chung quần áo, khăn tắm, đồ dùng cá nhân khiến bào tử nấm dễ lan rộng, tới các vùng da khác hoặc lây từ người này sang người khác. Điều này không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh, mà còn rất khó kiểm soát vì không xác định được nguồn cũng như đường lây.
- Đối với nhiều người, hoặc nhiều vùng, việc vệ sinh cơ thể chưa tốt hoặc chưa đúng cách, sử dụng nguồn nước không đảm bảo, không hợp vệ sinh cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho quá trình phát sinh, phát triển của vi nấm.
- Do vị trí phát sinh của nấm gây bệnh hắc lào ở háng rất gần với cơ quan sinh dục, nên bệnh hoàn toàn có thể lây qua quan hệ tình dục.
Mặc dù là một bệnh lý ngoài da, nhưng bệnh hắc lào ở háng cũng gây ra nhiều hậu quả, tùy mức độ từ đơn giản đến nguy hiểm, không những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh, mà còn tác động đến công việc, quan hệ xã hội, vợ chồng,... Cụ thể:
- Triệu chứng ngứa rát, khó chịu, đặc biệt ở vị trí khá nhạy cảm, làm người mắc luôn trong tình trạng khó chịu, đặc biệt là khi hoạt động, đi lại, quần áo chà xát vào tổn thương hoặc ra mồ hôi càng khiến triệu chứng ngứa thêm dữ dội.
- Cảm giác ngứa làm bệnh nhân có nhu cầu và gãi nhiều. Hành động này không những làm tổn thương các lớp tế bào da, kích thích và làm tình trạng ngứa rát thêm trầm trọng, mà còn khiến diện tích tổn thương tăng lên, cùng với hệ vi khuẩn đa dạng trong móng tay dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn. Như vậy, từ một bệnh nấm thông thường, người bệnh có thể bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
- Bệnh hắc lào ở háng khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái, giảm ham muốn tình dục hoặc không đạt được khoái cảm khi quan hệ, hay lo lắng vì sợ lây bệnh cho bạn tình. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm và quan hệ vợ chồng.
- Người bị hắc lào ở háng thường có tâm lý mặc cảm, e ngại, sợ người khác biết. Đồng thời mất tập trung vào công việc hay hoạt động thường ngày. Trạng thái này kéo dài gây cản trở đến hiệu quả làm việc cũng như các mối quan hệ xã hội, căng thẳng kéo dài đối với người mắc.
Cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà
Khi bạn hoặc người thân có những triệu chứng như đã kể trên, trước tiên cần đi khám để được chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Nếu chẩn đoán xác định là bệnh hắc lào ở háng, nếu không có biến chứng hay các nguy cơ đáng ngại, bạn có thể điều trị tại nhà theo đơn thuốc và một số bài thuốc dân gian.
Đơn thuốc Tây y chủ yếu là các loại thuốc kháng nấm phù hợp với chủng vi nấm gây hắc lào ở háng và một số chủng cơ hội nhằm ngăn ngừa tái phát, thuốc làm giảm triệu chứng ngứa rát, dung dịch vệ sinh tại vị trí tổn thương, nếu bội nhiễm cần dùng thêm kháng sinh. Đơn thuốc bao gồm thuốc tại chỗ và thuốc dùng theo đường toàn thân. Cụ thể:
- Thuốc bôi tại chỗ: Miconazole, Ketoconazole, Econazole,...
- Dung dịch vệ sinh vị trí tổn thương: Natri salicylat, acid acetylsalicylic, acid benzoic, acid salicylic, iode,...
- Thuốc uống đường toàn thân: Ketoconazole, Griseofulvin, Itraconazole,...
Bên cạnh việc điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm thì có thể hỗ trợ bằng các bài thuốc dân gian. Bạn cần lưu ý rằng, các bài thuốc được kể đến sau chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị hoặc có khả năng chữa bệnh hắc lào ở háng trong giai đoạn đầu, khi các tổn thương còn là sơ khởi và diện tích tổn thương hẹp, nông. Các bài thuốc có thể phù hợp hoặc không phù hợp với cơ địa, thể bệnh hay điều kiện chăm sóc của từng người. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi phối hợp các bài thuốc để chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà và lựa chọn cho mình một hay một vài bài thuốc có hiệu lực.
Một số cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà như sau:
Đắp tỏi
Nhờ thành phần chứa các chất có đặc tính kháng khuẩn, chống nấm nên tỏi được sử dụng khá nhiều để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa biến chứng, tái phát các bệnh lý do vi khuẩn, vi nấm. Trong đó bệnh hắc lào ở háng là một trong những bệnh có thể chữa tại nhà với tỏi hiệu quả nhất.
Để áp dụng bài thuốc này, bạn cần thực hiện theo các bước:
- Chuẩn bị tỏi khô. Số lượng tùy vào diện tích tổn thương hắc lào ở háng.
- Bóc sạch vỏ tỏi. Rửa qua nước lạnh nếu có bụi bẩn. Để ráo.
- Giã nhỏ.
- Đem tỏi vừa giã đắp lên vùng da tổn thương do bệnh hắc lào ở háng. Nếu tổn thương có trợt loét, chảy máu thì nên tránh đắp tỏi vì tinh dầu trong tỏi dễ gây kích thích, đau rát tại vùng da đó.
- Giữ trong 1 - 2 giờ rồi bỏ bã, rửa sạch vị trí tổn thương. Tốt hơn nếu dùng nước ấm.
Ngoài ra, nếu không muốn giã, bạn có thể đem ép tỏi đã bóc vỏ, rửa sạch, để ráo rồi lọc lấy nước, đem bôi lên vùng da hắc lào. Mỗi ngày bôi khoảng 3 lần.
Nghệ tươi
Ngoài đặc tính chống viêm, diệt nấm đã được biết đến, nghệ còn kích thích tái tạo da. Công dụng này làm cho việc dùng nghệ tươi để chữa bệnh hắc lào tại nhà càng thêm hiệu quả vì giúp nhanh lành các tổn thương trợt da, xước da do ngứa gãi.
Cách áp dụng bài thuốc này như sau:
- Chuẩn bị nghệ tươi với lượng tùy theo mức độ và độ lan của tổn thương.
- Gọt sạch vỏ. Rửa qua nước lạnh cho hết đất.
- Giã nát, vắt lấy nước cốt.
- Nhẹ nhàng bôi nước cốt vừa vắt lên vị trí hắc lào ở háng.
- Không cần rửa lại.
Bồ kết
Ngoài công dụng dưỡng tóc suôn mượt được nhiều người biết đến, thì bồ kết với thành phần gồm rất nhiều chất kháng sinh, kháng nấm, cũng là một lựa chọn cho việc chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà. Đặc biệt, khi dùng bồ kết với phèn chua, hiệu quả chữa bệnh hắc lào ở háng tăng lên rõ rệt.
Cụ thể:
- Chuẩn bị bồ kết và phèn chua, số lượng tùy theo nhu cầu của người bệnh. Tỳ lệ khối lượng là 15g bồ kết - 20g phèn chua.
- Cho bồ kết và phèn chua vừa chuẩn bị vào nồi, nấu sôi. Với 15g bồ kết - 20g phèn chua theo tỉ lệ trên, thì cần khoảng 1l nước.
- Tắt bếp để nguội. Dùng nước này massage nhẹ nhàng lên vùng da tổn thương, tránh chà xát mạnh.
Đu đủ xanh
Đu đủ xanh có chứa khá nhiều nhựa. Nhựa này chứa rất nhiều hoạt chất như: latex proteaza, papaya protenaza, chymopapain có tác dụng ức chế sự phát triển và lây lan của một số loại vi nấm, trong đó có vi nấm gây bệnh hắc lào ở háng. Đây là lý do vì sao người ta hay dùng đu đủ xanh để chữa hắc lào ở háng tại nhà.
Cách làm:
- Chuẩn bị 1 quả đu đủ xanh, tươi, vừa mới hái để còn nhiều nhựa. Cắt lấy một vài miếng hoặc cả quả, tiếp tục thái mỏng.
- Các miếng đu đủ vừa thái mỏng, còn chảy nhựa đem đắp lên vùng da bị hắc lào.
- Để nguyên. Lấy bỏ sau 1 giờ.
- Rửa sạch lại bằng nước ấm.
- Thực hiện 1 - 2 lần/ngày tùy mức độ bệnh.
Một số bài thuốc kết hợp các vị thuốc trên hay một số vị thuốc khác, được kiểm định của Bộ Y tế, sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng. Cách dùng các bài thuốc này là:
- Làm sạch vùng da tổn thương bằng nước muối sinh lý.
- Bôi dung dịch đã được sản xuất sẵn lên vị trí hắc lào ở háng.
- Rửa sạch lại bằng nước ấm sau 1 - 2 giờ hoặc không cần rửa (tùy sản phẩm).
Đặc biệt khi bôi thuốc, bạn cũng nên bôi rộng ra hơn một chút xung quanh vị trí hắc lào ở háng, để thuốc thấm sâu, rộng, kích thích mầm bệnh dưới da cũng như “sát khuẩn” quanh vị trí tổn thương.
Phòng bệnh hắc lào ở háng
Bên cạnh việc chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà, chúng ta cũng cần có kiến thức để ngăn ngừa biến chứng của bệnh, tránh tái phát, lây lan trong gia đình và tại cộng đồng.
- Tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị được bác sĩ đưa ra. Mặc dù không thể đánh giá 100% phác đồ là chính xác ngay từ đầu, nhưng việc tuân thủ theo phác đồ giúp bác sĩ theo dõi được tiến triển bệnh trên cơ thể bệnh nhân, từ đó tìm ra điểm chưa hợp lý trong phác đồ cũ mà thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như đổi thuốc, tăng/ giảm liều,...
- Chú ý vệ sinh vùng da hắc lào ở háng: vệ sinh bằng nước muối sinh lý, nước ấm hoặc các loại nước chiết từ thảo dược như đã kể trên. Lau khô bằng khăn sạch mềm trước khi mặc đồ.
- Nếu quá ngứa có thể chườm lạnh để qua cơn ngứa. Hạn chế gãi, chà xát da vì dễ lây lan tổn thương.
- Giữ vùng háng sạch sẽ, khô ráo. Có thể cạo hoặc tẩy bớt lông vùng kín, hạn chế môi trường ẩm và ấm mà nấm rất dễ sinh sôi.
- Lựa chọn đồ lót với chất liệu thông thoáng, thấm hút mồ hôi, quần áo rộng thoải mái, tránh chà xát với vùng da tổn thương hoặc có nguy cơ tổn thương cao.
- Thay quần lót thường xuyên nếu bạn đang mang bệnh hắc lào ở háng. Kết thúc điều trị, có thể đem luộc tất cả đồ lót trong 20 - 30 phút rồi đem phơi nắng, hoặc thay mới hoàn toàn.
- Không dùng chung khăn tắm, quần áo,...
- Giường chiếu, chăn màn giữ vệ sinh sạch sẽ.
- Khi đang mang bệnh hắc lào ở háng, hạn chế ăn đồ cay nóng, uống rượu bia, chất kích thích vì dễ làm tăng nặng triệu chứng bệnh.
- Hạn chế quan hệ tình dục khi đang mắc hắc lào ở háng. Nếu quan hệ, nên áp dụng các biện pháp an toàn, tránh tiếp xúc quá nhiều với vùng da tổn thương.
- Không quan hệ với nhiều người, đặc biệt những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Quan trọng hơn cả, là khi có bất cứ một dấu hiệu bất thường nào, bạn cũng nên đi khám để nhận được sự tư vấn và điều trị tốt nhất từ bác sĩ.
Trên đây là một số cách chữa bệnh hắc lào ở háng tại nhà. Mong rằng bạn đọc của HoiBenh sẽ có cho mình một lựa chọn phù hợp, hiệu quả nhất cho tình trạng bệnh của bản thân hoặc gia đình.
Xem thêm:
- Vảy nến thể chấm giọt là gì?
- Bệnh mùa hè: Ngứa khi ra mồ hôi là bị gì?
- Dấu hiệu bệnh hắc lào vùng kín ở nam giới và nữ giới bạn cần biết