Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, virus Rota là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tiêu chảy Rota chiếm đến 90%. Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota đúng cách là điều vô cùng quan trong quá trình hồi phục.

Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota

Tiêu chảy Rota là gì?

Tiêu chảy Rota là tình trạng nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp gây ra bởi Rotavirus. Virus Rota (Rota nghĩa là bánh xe) có hình dạng là khối cầu 20 mặt có đường kính trung bình khoảng 65 – 70 nm. Đây là loại virus nguy hiểm vì chúng sống nhiều ngày trong môi trường, đặc biệt trên bàn tay và bề mặt rắn. Chúng còn có thể sống trong phân người đến 7 ngày và gây bệnh.

Tại Việt Nam, khí hậu ôn đới là môi trường lý tưởng cho virus Rota phát triển quanh năm và dễ thành dịch bệnh vào mùa đông.

Tiêu chảy Rota là căn bệnh cấp tính, nếu phát hiện và điều trị trễ sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong do mất nước và điện giải. Do vậy, phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân. Bệnh tiêu chảy Rota có thể tiêm chủng cho trẻ sơ sinh từ khoảng 2 tháng tuổi để ngăn ngừa.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy Rota

Thông thường, sau khi bị nhiễm virus Rota, thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 3 ngày (tùy vào sức đề kháng, độ tuổi của mỗi trẻ) thì xuất hiện các biểu hiện bệnh phát tác ra bên ngoài:

● Nôn ói, tiêu chảy: Nôn là dấu hiệu đầu tiên của trẻ và thường diễn ra trước hiện tượng tiêu chảy từ 6 – 12 giờ. Trẻ nôn nhiều khi bệnh mới bắt đầu nhưng sẽ giảm dần khi bị tiêu chảy. Nôn ói ở trẻ có thể kéo dài tới 3 ngày. Còn tình trạng tiêu chảy sẽ diễn tiến trong khoảng 4 – 8 ngày hoặc vài tuần tùy vào mức độ nhiễm virus Rota nặng hay nhẹ.

● Phân lỏng, nhớt: tiêu chảy liên tục với dạng phân lỏng, sau đó tới toàn nước. Phân có màu vàng, xanh dưa cải và có kèm theo đờm, nhớt nhưng không có máu. Trẻ tiêu chảy đa số trên 10 lần/ngày. Tuy nhiên, đối với một số trẻ bị nhiễm virus Rota thể nặng, tiêu chảy ngày càng nặng và có máu thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay.

● Sốt: trẻ sẽ sốt vừa phải khi bị nhiễm virus. Kèm theo đó là trẻ có biểu hiện lờ đờ, mệt mỏi, khó chịu, giấc ngủ ngắn, hay quấy khóc. Nếu theo dõi nhiệt kế thấy trẻ sốt trên 39 độ C, môi đỏ cần đưa đến bệnh viện để can thiệp y tế.

● Đau bụng, mất nước nên hay bị khô miệng, ít đi tiểu

● Một vài trường hợp có thể ho và chảy nước mũi

Triệu chứng khi trẻ nhiễm virus Rota gây tiêu chảy không khó nhận biết nhưng lại dễ gây nhầm lẫn với các bệnh tả, thương hàn, E.Coli và một số bệnh tiêu chảy khác. Do đó, bố mẹ cần quan sát kỹ một số biểu hiện điển hình của tiêu chảy Rota và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

vicare.vn-cach-cham-soc-tre-bi-tieu-chay-rota-body-1
Trẻ có hiện tượng tiêu chảy và sốt khi bị virus Rota xâm nhập

Các đường xâm nhập và mức độ nguy hiểm của tiêu chảy do virus Rota

Virus Rota chủ yếu xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua phân, miệng và tay chân hoặc đường hô hấp. Do tay, chân, miệng của trẻ là nơi hay tiếp xúc với các vật thể gây bệnh. Thói quen không rửa tay sạch và thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn của bố mẹ khi chăm sóc trẻ, trẻ hay đưa đồ chơi vào miệng, uống nước không đảm bảo vệ sinh, thức ăn bị nhiễm khuẩn, ... chính là những yếu tố khiến tiêu chảy Rota dễ dàng tấn công trẻ. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu (bú sữa công thức ngay từ nhỏ lại càng có đề kháng yếu hơn), khả năng lây nhiễm của virus Rota cao nên bệnh thường dễ lây lan.

Sau khi mắc bệnh tiêu chảy do virus Rota, trẻ có thể tự sinh ra cơ chế tự miễn dịch để không bị bệnh nữa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên chủ quan để con tiếp xúc với môi trường có bệnh hoặc nghi có bệnh bởi tiêu chảy Rota hoàn toàn có thể khởi phát lại.

Như đã nói ở trên, virus Rota có mức độ lây nhiễm rất mạnh và đa số bệnh nhân đều còn rất nhỏ nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại hậu quả nặng nề (suy kiệt sức khỏe, suy dinh dưỡng), nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, điều quan trọng là bố mẹ không nên tự ý điều trị, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống cầm tiêu chảy dễ dẫn đến làm liệt ruột khiến phân khó đào thải ra ngoài. Khi thấy trẻ có biểu hiện khác thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và chữa trị sớm, tránh biến chứng.

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy Rota như thế nào để nhanh hồi phục

Bù lại nước và chất điện giải cho trẻ:

Cơ chế hoạt động của tiêu chảy Rota là làm cơ thể trẻ mất nước và điện giải nên phải bù lại. Nhưng không thể cân bằng bằng cách cho uống nước thông thường mà phải sử dụng dung dịch ORS (oresol), ORS II, viên hoặc gói hydrite dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Liều lượng:

● Trẻ dưới 2 tuổi: uống 50 – 100 ml oresol/ lần tiêu chảy

● Trẻ 2 – 10 tuổi: uống 100 – 200 ml oresol/lần tiêu chảy

● Trẻ > 10 tuổi: dùng oresol để uống thay nước đến khi hết cảm giác khát sau mỗi lần tiêu chảy

Cách pha:

● Một gói oresol lớn pha cùng 1 lít nước đun sôi để nguội sau đó cho trẻ uống theo liều lượng hướng dẫn ở trên. Riêng với mỗi gói oresol II hoặc dạng viên/gói hydrite thì chỉ pha với 200ml nước đun sôi để nguội. Một lưu ý là dung dịch đã pha không được để quá 24 giờ (trẻ uống không hết nên đổ đi và pha gói mới).

● Nếu trẻ quấy khóc, không chịu uống, nôn ói thì có thể chia liều lượng uống ra thành từng đợt nhỏ cho trẻ uống, mỗi đợt cách nhau khoảng 10 phút. Bố mẹ cần kiên nhẫn trong việc cho trẻ uống, không nên ép trẻ uống sẽ dẫn đến ói mửa.

● Bên cạnh đó, men vi sinh cũng được dùng để điều trị tiêu chảy Rota. Nhờ có robiotic và Prebiotic trong men vi sinh nên đường ruột của trẻ được bảo vệ tốt hơn.

Truyền dịch cho trẻ:

Nếu tình trạng bệnh của trẻ ở mức độ nặng, không thể tự uống dung dịch bù nước và điện giải thì bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch. Các bình dung dịch sẽ được truyền trực tiếp vào cơ thể trẻ qua ống truyền chuyên dụng.

vicare.vn-cach-cham-soc-tre-bi-tieu-chay-rota-body-2
Chăm sóc đúng cách giúp trẻ mau chóng hồi phục bệnh tiêu chảy Rota

Bổ sung nguồn dinh dưỡng phù hợp:

Khi trẻ bị tiêu chảy Rota, chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng nhưng vẫn rất cần bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ không bị sụt cân, mau chóng hồi phục. Thức ăn nên được chế biến ở dạng mềm hoặc lỏng để trẻ dễ hấp thụ. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Ngoài ra, nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ nếu trẻ còn nhỏ và đang trong giai đoạn bú mẹ (sữa mẹ vừa đầy đủ chất dinh dưỡng lại dễ tiêu hóa).

Nên cho trẻ ăn đủ chất đạm (thịt gà, thịt nạc), rau xanh, chất bột và chất béo, trái cây nhiều vitamin (xoài, cam, ...). Khi chế biến nên nấu kỹ, không ăn đồ ăn để nguội hoặc nấu quá lâu tránh làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.

Phụ huynh cần tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh tiêu chảy Rota cho trẻ tại nhà mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Không mua thuốc kháng sinh, thuốc cầm nôn ói, tiêu chảy cho trẻ uống một cách tùy tiện. Ngoài ra, người nhà cũng không quá kiêng cữ trong việc chăm sóc trẻ, không cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất khiến trẻ không đủ sức, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng và thời gian lành bệnh chậm.

Phòng tránh cho trẻ không bị tiêu chảy Rota

Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống xung quanh trẻ: không chỉ rửa tay cho trẻ mà phụ huynh trước và sau khi tiếp xúc với trẻ cũng cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là trong mùa dịch bệnh. Khi chế biến thức ăn cũng cần đảm bảo nguyên tắc vệ sinh. Không gian sống của trẻ cần gọn gàng, sạch sẽ. Tẩy rửa đồ chơi của trẻ thường xuyên để mầm bệnh không có nơi tồn tại. Nếu trường học hoặc nơi ở có bệnh tiêu chảy Rota, cần cho trẻ ở nhà để tránh bị lây nhiễm.

Bổ sung đầy đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ ngay từ nhỏ để trẻ tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch nâng cao chống lại vi khuẩn gây hại.

Tiêm vắc xin phòng ngừa tiêu chảy Rota cho trẻ: đây được xem là biện pháp chủ động phòng tránh bệnh tốt nhất. Vắc xin Rota được dùng cho trẻ uống và có 2 loại:

● Vắc xin Rotarix do Bỉ sản xuất: với loại vắc xin này trẻ sẽ uống 2 lần, mỗi lần 1,5ml. Uống lần đầu khi trẻ 2 tháng tuổi, lần uống thứ hai cách lần uống đầu ít nhất 1 tháng. Để đạt được hiệu quả phòng ngừa thì nên hoàn thành việc uống vắc xin trước khi 6 tháng tuổi.

● Vắc xin Rotateq do Mỹ sản xuất: Trẻ sẽ uống 3 lần, mỗi lần 2ml. Lần uống đầu tiên khi trẻ từ 2 – 3 tháng tuổi, 2 lần uống tiếp theo cách nhau ít nhất 1 tháng và cần uống đủ 3 liều trước khi trẻ 8 tháng tuổi.

Bố mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm tiêm ngừa uy tín để được tư vấn và thực hiện tiêm chủng cho trẻ.

Xem thêm:

  • Vắc-xin Rota tiêu chảy cấp
  • 4 nguyên nhân hiếm gặp của bệnh tiêu chảy