Các xét nghiệm cần làm nếu muốn có thai sau khi bị thai lưu
Thai chết lưu là một nỗi nuối tiếc của rất nhiều gia đình, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì thế, rất nhiều người đắn đo và lo lắng trước khi muốn mang thai lần nữa. Vậy bạn cần chuẩn bị gì trước khi mang thai sau khi bị thai lưu? Xem ngay giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
Các xét nghiệm cần làm nếu muốn có thai sau khi bị thai lưu
Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể
Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể hay còn gọi là xét nghiệm NST đồ hiện nay được thực hiện bằng xét nghiệm Microarray. Nguyên lý hoạt động của xét nghiệm này là sử dụng các probe (đoạn dò) đặc hiệu cho ổ gen/vùng gen muốn khảo sát, nằm trong phạm vi 24 loại NST: 22 NST thường và 2 NST giới tính (XX hoặc XY). Những vùng gen quan trọng lúc đó sẽ được in với mật độ probe dày hơn. Tiếp theo, các bác sỹ sẽ đánh dấu huỳnh quang và lai với các probe ở khu vực này. Tín hiệu huỳnh quang sau đó được đọc bằng máy quét và từ đó cho ra kết quả, giúp bác sỹ xác định sự thay đổi số lượng vật liệu di truyền tại vị trí được khảo sát.
Kỹ thuật này cho phép phát hiện bất thường trên NST ở mức độ dưới kính hiển vi với độ chính xác rất cao, được ưu tiên sử dụng thay cho các xét nghiệm khác như Karyotype, FISH hay NGS.
Trong chẩn đoán trước sinh, xét nghiệm Microarray được ưu tiên trong trường hợp:
- Thai từng bị chết lưu, sảy thai mà không rõ nguyên nhân.
- Trẻ em/người lớn bị thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển tâm thần – vận động, dị tật bẩm sinh hoặc c1 nghi ngờ bất thường trong di truyền.
Xét nghiệm nội tiết tố
Xét nghiệm nội tiết tố ở nữ giới là một chuỗi nhiều thủ thuật y tế nhằm đánh giá tình trạng hoạt động và dự trữ noãn của buồng trứng, sự phát triển nang noãn... Từ đó, các bác sỹ sẽ dễ dàng đưa ra kết luận về các chức năng của cơ thể và đặc biệt là chức năng sinh sản. Đây là xét nghiệm bắt buộc đối với trường hợp nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 35 ngày, hiếm muộn, từng bị sảy thai/thai chết lưu...
Do nội tiết tố nữ ở các khoảng thời gian khác nhau sẽ có sự biến đổi theo chu kỳ kinh, vì thế, để tiết kiệm thời gian và có kết quả chính xác nhất, bạn nên thực hiện xét nghiệm vào các thời điểm:
- Xét nghiệm chỉ số FSH và LH vào thời gian từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 của chu kỳ kinh nguyệt.
- Xét nghiệm chỉ số PRG vào ngày 21 của chu kỳ kinh 28 ngày.
- Xét nghiệm các chỉ số prolactin, estrogen và testosterone tùy vào mục đích mà sẽ có những thời gian xét nghiệm khác nhau.
Xét nghiệm hội chứng Antiphospholipid
Hội chứng Antiphospholipid nằm trong nhóm bệnh tự miễn và khi mắc phải hội chứng này, các kháng thể của hệ thống miễn dịch sẽ xác định phospholipid là độc tố và tấn công. Điều này gây ra tổn thương cho tế bào, hình thành các khối máu đông.
Hiện tượng đông máu bất thường phía trên có khả năng gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi, suy thận... Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc phải Antiphospholipid sẽ có khả năng sảy thai và thai chết lưu rất cao. Chính vì thế, việc xét nghiệm hội chứng Antiphospholipid là một trong những xét nghiệm bắt buộc nếu bạn đã từng bị lưu thai.
Hội chứng này thường được phát hiện qua xét nghiệm máu nhằm xác định xem máu có bị đông bất thường hay không, đồng thời kiểm tra sự hiện diện của một số loại kháng thể kháng phospholipid bao gồm Lupus Anticoagulant, Beta-2 glycoprotein I, anti-cardiolipin... Kết quả sẽ chính xác hơn nếu bạn thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 12 tuần.
Xét nghiệm tinh dịch đồ
Thai chết lưu hoặc sảy thai nguyên nhân đôi khi không phải đến từ người mẹ mà vẫn có khả năng xảy ra do chất lượng tinh trùng từ người cha.
Xét nghiệm tinh dịch đồ là kỹ thuật chẩn đoán trong Y tế, thực hiện dựa trên mẫu tinh dịch của bệnh nhân nhằm đánh giá chất lượng của tinh trùng. Một số chỉ số quan trọng để quan sát và đánh giá là:
- Tổng lượng tinh dịch thu được: thể tích tinh dịch lớn hơn 2ml là bình thường.
- Nồng độ tinh trùng: phải đạt ít nhất 20 triệu tinh trùng mỗi 1 ml.
- Hình thái: trong tinh dịch thu được, phải có ít nhất 15% tinh trùng mang hình thái bình thường.
- Độ vận động: có 50% tinh trùng di chuyển về phía trước hoặc 25% tinh trùng chuyển động với vận tốc nhanh trong 1 tiếng sau khi xuất tinh.
Xét nghiệm này thường được áp dụng đối với trường hợp đàn ông trên 40 tuổi, hiếm muộn hoặc vợ - chồng thường bị sảy thai liên tiếp.
Khám nội khoa tổng quát
Phụ khoa là thuật ngữ chung dùng để chỉ các bộ phận liên quan đến cơ quan sinh dục nữ, bao gồm cơ quan sinh dục trên (tử cung, buồng trứng, tai vòi) và cơ quan sinh dục dưới (âm đạo, âm hộ, cổ tử cung).
Các cơ quan được nêu trên đây đều có cấu tạo khá phức tạp và đảm nhiệm chức năng sinh sản của người phụ nữ. Chính vì thế, việc thăm khám nội khoa tổng quát trước sinh là cực kỳ cần thiết, đặc biệt là đối với phụ nữ đã từng mang thai không thành công.
Với bài viết này, bố và mẹ đã biết cần chuẩn bị gì trước khi mang thai sau khi bị thai lưu. Hãy thật thận trọng trong lần mang thai tiếp theo, thực hiện đầy đủ xét nghiệm cần thiết để đảm bảo mẹ tròn – con vuông.
Xem thêm:
- Sau khi bị sảy thai vợ chồng cần lưu ý gì?
- Dấu hiệu thai lưu không ra máu cực kỳ nguy hiểm mẹ bầu nên cảnh giác
- Dấu hiệu thai chết lưu trong 3 tháng đầu