Các xét nghiệm cần làm để phát hiện bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Các xét nghiệm cần làm để phát hiện bệnh sởi Các xét nghiệm cần làm để phát hiện bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Trước đây bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân. Hiện nay bệnh có thể xuất hiện ở người lớn do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Bệnh sởi là gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Polynosa morbillorum thuộc giống Morbillivirus, họ Paramyxoviridae. Việt Nam là quốc gia có bệnh sởi lưu hành, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân, thỉnh thoảng gây ra những vụ dịch lớn nếu không chủng ngừa đầy đủ cho cộng đồng.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.

  • Bệnh sởi xảy ra cũng có tính theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô.
  • Với việc thực hiện chương trình tiêm phòng sởi có hiệu quả, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 99% ở nhiều nước phát triển và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc ở trẻ lớn tuổi hơn, người lớn mới chỉ được tiêm 1 liều vắc xin.

Triệu chứng của bệnh sởi

vicare.vn-cac-xet-nghiem-can-lam-de-phat-hien-benh-soi-body-1

Để biết triệu chứng bệnh sởi như thế nào, cần lưu ý 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Ủ bệnh (7 – 18 ngày). Bệnh nhân sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì trong vòng 7 - 18 ngày sẽ không thấy triệu chứng gì bất thường.
  • Giai đoạn 2 (3 – 5 ngày). Sau thời kỳ ủ bệnh, người bệnh sẽ sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC – 40oC, có biểu hiện viêm đường hô hấp như: ho, nhảy mũi, đỏ mắt, chảy nước mũi... Giai đoạn này có dấu hiệu lâm sàng điển hình là dấu Koplik ở niêm mạc má (các hạt Koplik ở niêm mạc miệng, mặt trong má).
  • Giai đoạn 3: Phát ban. Giai đoạn này bệnh nhân sẽ xuất hiện ban đỏ toàn thân, theo thứ tự từ trên xuống dưới, bắt đầu là ở đầu, mặt, cổ, rồi đến thân, lan ra tứ chi.

Đặc điểm của ban sởi là nốt sẩn mịn, có màu hồng nhạt, khi dùng tay ấn vào sẽ biến mất. Đầu tiên, ban xuất ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực và bụng trong vòng 24 giờ. Sau đó ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh.

Khi bệnh sởi lui, ban sởi sẽ nhạt dần và mất đi theo đúng thứ tự lúc xuất hiện, trên da sẽ còn lại những vết thâm loang lổ như da hổ. Phát ban kéo dài vài ngày sau đó mất dần.

Bệnh sởi lây như thế nào?

Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, khi bệnh nhân có vi rút sởi thì virus này trú ngụ ở họng, chỉ cần hắt hơi, ho sẽ đưa vi khuẩn ra ngoài và người hít phải sẽ nhiễm virus. Nếu không có kháng thể sẽ phát bệnh.

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, nhất là trong trường hợp người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn những giọt nước bọt vào không khí, người lành hít vào qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus gây bệnh ra môi trường trong giai đoạn ủ bệnh (trước khi phát ban vài ngày) và kéo dài đến 5 – 7 ngày sau khi phát ban.

Những người chăm sóc bệnh nhân hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác.

Trẻ sơ sinh sau khi sinh đã có được kháng thể miễn dịch từ người mẹ truyền sang thông qua nhau thai. Lượng kháng thể này có thể tồn tại từ 4 - 6 tháng, thậm chí nhiều nghiên cứu cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Vì vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong độ tuổi này. Đây là lý do ngành y tế khuyến cáo nên tiêm phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng đến trước 12 tháng tuổi để phòng bệnh.

Xét nghiệm cần làm để phát hiện bệnh sởi

vicare.vn-cac-xet-nghiem-can-lam-de-phat-hien-benh-soi-body-2
Xét nghiệm công thức máu

Bệnh sởi rất nguy hiểm nếu không được xử trí đúng cách và dễ dàng lây lan cho những người bên cạnh. Do vậy, khi có biểu hiện mắc bệnh sởi, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, làm xét nghiệm bệnh sởi và điều trị kịp thời.

Thông thường, người nghi ngờ mắc bệnh sởi sẽ được làm các xét nghiệm:

  • Xét nghiệm công thức máu: thường thấy giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho và có thể giảm tiểu cầu
  • Chụp Xquang phổi: có thể thấy viêm phổi kẽ
  • Xét nghiệm huyết thanh học: Lấy máu kể từ ngày thứ 3 – 4 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM đặc hiệu với sởi trong huyết thanh. Đây là phương pháp hay dùng nhất để chẩn đoán xác định ca bệnh.
  • Phân lập virus: Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang để phát hiện kháng nguyên virus trong dịch mũi họng hoặc phân lập vi rút trên nuôi cấy tế bào từ bệnh phẩm là chất tiết ở mũi họng, màng kết mạc mắt, máu, hoặc nước tiểu của bệnh nhân trước 3 ngày phát ban. Những xét nghiệm này ít sử dụng, thực hiện trong các nghiên cứu.

Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi như thế nào?

vicare.vn-cac-xet-nghiem-can-lam-de-phat-hien-benh-soi-body-3
Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: cháo thịt, súp dinh dưỡng, sữa bột...

Đối tượng mắc bệnh sởi nhiều nhất là trẻ em, đây lại là đối tượng cần được để ý và chăm sóc kỹ lưỡng. Việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy bố mẹ nên lưu ý, hầu hết những bệnh nhân mắc sởi thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Việc chăm sóc tại nhà phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc quan trọng sau đây:

  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: cháo thịt, súp dinh dưỡng, sữa bột... Nên chia thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa ăn một lượng vừa đủ.
  • Nên uống nhiều nước hơn bình thường, tốt nhất là nước ép trái cây tươi để đảm bảo cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
  • Giữ vệ sinh thân thể tốt giúp da trẻ luôn sạch sẽ và khô thoáng để ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn có thể gây nguy hiểm cho trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.
  • Lau người cho trẻ hằng ngày bằng khăn sạch, mềm. Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ.
  • Uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý khoảng 3 - 4 lần/ngày.
  • Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát khuẩn hoặc rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang.
  • Nếu thấy trẻ bị sốt và phát ban, phụ huynh nghi ngờ trẻ bị sởi nên đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế để được thăm khám và chăm sóc đặc biệt.

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, ví dụ đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, không hạ sốt sau khi dùng thuốc, ho nhiều hơn và có đờm, khó thở, tím tái, li bì, nôn trớ nhiều, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đi cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Xem thêm:

  • Vắc xin sởi có mấy loại? Tiêm mấy mũi là đủ?
  • 5 cách đề phòng bệnh sởi theo khuyến cáo từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
  • Dùng hạt kê, hạt mùi tắm cho trẻ phòng các bệnh về da