Các triệu chứng và biến chứng của bệnh trĩ
Trĩ là một căn bệnh phổ biến. Đây là một bệnh “ khó nói”, gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và thường bị tái đi tái lại. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu như không phát hiện và điều trị sớm
Các triệu chứng và biến chứng của bệnh trĩ
. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân dưới đây để hiểu thêm về các biểu hiện của bệnh và có cách phòng ngừa bệnh một cách đúng đắn.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (Hemorrhoids) được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ, làm sưng và viêm tĩnh mạch ở hậu môn và vùng thấp của trực tràng. Bệnh được xem là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, với tỷ lệ bệnh nhân lưu hành được ước khoảng từ 25 - 40% dân số, tỷ lệ gặp nhiều cả nam và nữ. Bệnh thường hay gặp ở những người trên 50 tuổi, ngứa và chảy máu hậu môn có thể là triệu chứng báo hiệu của trĩ.
Bệnh xuất hiện không rõ ràng, không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh vì trĩ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể và chỉ khi nào xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám bệnh.
Bệnh trĩ được phân thành 2 loại dựa theo cấu trúc giải phẫu: Trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là những búi trĩ xuất hiện phía trên cơ thắt hậu môn, đây là loại trĩ thường gặp. Còn trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn.
Nguyên nhân gây bệnh?
Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:
- Táo bón kéo dài: Người bệnh sẽ rặn nhiều khi bị táo bón và khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Hiện tượng này kéo dài lâu ngày sẽ làm xuất hiện các búi trĩ.
- Tiêu chảy kéo dài: Người bệnh sẽ tăng số lần đi tiêu trong ngày và mỗi lần đi phải rặn nhiều do đó sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng.
- Tăng áp lực ổ bụng: Những người bị các bệnh như: viêm phế quản mãn tính, giãn phế quản... phải ho nhiều hoặc những người làm các công việc lao động nặng như khuân vác... dễ làm tăng áp lực trong ổ bụng và thường hay mắc phải bệnh trĩ
- Lối sống tĩnh tại: người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may...
- Khối u hậu môn trực tràng và vùng xung quanh: như ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung, thai nhiều tháng... khi to hoặc người có cơ thể béo phì có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
- Thời gian đi vệ sinh lâu.
- Giao hợp qua ngã hậu môn.
- Tuổi già: khi về già, các mô cơ và dây chằng hỗ trợ các tĩnh mạch ở vùng trực tràng và hậu môn có thể sẽ suy yếu và căng ra.
Các triệu chứng của bệnh trĩ
Chảy máu
Là triệu chứng sớm nhất cũng là triệu chứng thường gặp nhất, hình thức chảy máu khác nhau và số lượng máu chảy cũng khác nhau. Phát hiện máu trên giấy vệ sinh, hoặc vài tia máu đỏ trên phân, hoặc máu tạo thành tia khi đại tiện. Muộn hơn thì mỗi khi đại tiện, ngồi xổm hoặc đi lại nhiều, máu lại chảy. Lưu ý:
Chảy máu từ hậu môn cũng có thể gặp ở các bệnh tiêu hóa khác, bao gồm ung thư ống hậu môn, ung thư đại trực tràng, polyp hoặc viêm loét đại trực tràng. Đừng cho rằng chảy máu chỉ đến từ bệnh trĩ mà không tham khảo bác sĩ. Bác sĩ sẽ khám và thực hiện các xét nghiệm để xác định trĩ. Cũng nên tìm tư vấn y tế nếu bệnh trĩ gây đau, chảy máu thường xuyên hoặc quá mức, hoặc không cải thiện với các biện pháp tại nhà.
Nếu các triệu chứng trĩ bắt đầu cùng với thay đổi đáng kể về thói quen đi cầu hoặc nếu đi phân màu đen, hắc ín hoặc nâu, có máu đông hoặc có máu trộn lẫn có thể là dấu hiệu của một tình trạng chảy máu khác trong đường tiêu hóa.
Cần tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp nếu gặp chảy máu trực tràng số lượng lớn, hoa mắt, chóng mặt hoặc xỉu.
Sa búi trĩ
Thường xảy ra sau khi đi đại tiện. Lúc đầu chỉ thấy có khối nhỏ lồi ra ở hậu môn sau khi đi tiêu và khối thường tự tụt lên được. Về sau khối to dần , không tự tụt lên được mà phải dùng tay để nhét vào. Và cuối cùng khối sẽ thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Sưng nề vùng hậu môn
Trĩ nội lúc đầu khu trú hoàn toàn bên trong hậu môn nên không thể nhìn thấy hoặc cảm thấy búi trĩ và thường không gây khó chịu. Về sau khi trĩ to lên thì sà ra ngoài hậu môn, có thể trĩ bị phù nề hoặc sưng khá to và mắc nghẹt không thể đẩy lên được làm người bệnh rất đau.
Đau
Có thể không đau hoặc đau cấp, đau mãn tính. Người bệnh đau trong các trường hợp sau: Tắc mạch do xuất hiện trong búi trĩ những cục máu đông nhỏ, có thể nứt hậu môn đi kèm. Khi đó người bệnh cần phải được can thiệp phẫu thuật mới có thể giảm đau được.
Khó chịu vùng hậu môn, xuất tiết, ngứa
Do hậu quả của quá trình viêm, bệnh nhân cảm giác ẩm ướt ở hậu môn hoặc tiết nhầy gây ngứa.
Thiếu máu
Có thể gặp vì chảy máu là triệu chứng thường gặp nhất. Thường thì không thiếu máu, nhưng tuỳ theo mức độ chảy máu, thời gian chảy máu mà dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Biến chứng của bệnh trĩ
Các biến chứng của bệnh trĩ rất hiếm, nhưng bao gồm:
- Thiếu máu: Mất máu mãn tính từ bệnh trĩ có thể gây thiếu máu, không có các tế bào máu khỏe mạnh, kết quả là mệt mỏi và yếu.
- Trĩ tắc mạch gây nghẹt: Nếu sự cung cấp máu cho búi trĩ bị nghẽn lại, búi trĩ có thể bị nghẹt, gây ra đau và có thể dẫn đến hoại tử.
Trĩ có mấy giai đoạn?
Trĩ nội được chia làm 4 giai đoạn:
- Trĩ nội độ I: Các tĩnh mạch trĩ giãn nhẹ, đội niêm mạc phồng lên và lồi vào lòng trực tràng.
- Trĩ nội độ II: Các tĩnh mạch trĩ giãn ra nhiều hơn, tạo thành các búi rõ rệt, khi thực hiện các hoạt động gắng sức các búi trĩ sẽ sa ra ngoài, nhưng thường tự tụt lên được.
- Trĩ nội độ III: Giống như độ II, nhưng khi trĩ đã sa ra ngoài thì phải dùng tay ấn nhẹ thì búi trĩ mới tụt vào trong được.
- Trĩ nội độ IV: Các búi trĩ thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng, búi trĩ sa ra ngoài liên tục và không thể dùng tay đẩy lên được.
Phòng ngừa bệnh trĩ như thế nào?
Để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh, hãy làm theo những lời khuyên sau:
- Ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ: trái cây, rau và ngũ cốc... nhằm làm mềm phân, giúp tránh được những căng thẳng dẫn đến trĩ hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ hiện có.
- Bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không nhận được đủ lượng chất xơ một ngày trong chế độ ăn uống. Nghiên cứu cho thấy bổ sung nhiều chất xơ sẽ cải thiện các triệu chứng tổng thể và chảy máu từ bệnh trĩ. Những sản phẩm này giúp giữ cho phân mềm.
- Uống nhiều chất lỏng: Uống nhiều nước và các chất lỏng không cồn khác để giữ cho phân mềm.
- Hạn chế thực phẩm, thức uống gây hại: rượu, bia, thức ăn cay...
- Tránh căng thẳng: nhằm giảm áp lực trong các tĩnh mạch ở trực tràng.
- Đi tiêu ngay khi có nhu cầu
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động sẽ giảm áp lực tĩnh mạch - có thể xảy ra khi đứng hoặc ngồi với thời gian dài, và để giúp ngăn ngừa táo bón.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: đặc biệt là đi vệ sinh vì có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
Trĩ là một căn bệnh phổ biến và rất thường gặp. Bệnh thường gây các triệu chứng khó chịu cho người bệnh và thường có khuynh hướng tái đi tái lại, do tình trạng tăng áp lực ổ bụng kéo dài. Do đó việc thay đổi lối sống và chế độ ăn hợp lý và khoa học sẽ góp phần phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh khi đã xảy ra.
Xem thêm:
- Bệnh trĩ nội là gì? Phương pháp chữa trĩ nội hiệu quả
- 5 bài thuốc chữa bệnh trĩ bằng đông y hiệu quả
- Dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh trĩ nội độ 1