Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người lớn và trẻ em là rối loạn đại tiện, đau bụng, khó tiêu, do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến loạn khuẩn ở đường ruột.

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa

Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa, điển hình là do một số nguyên nhân như sau:

  • Uống nhiều rượu bia: Đây là nguyên nhân thường gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Việc uống rượu bia lâu ngày sẽ làm cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa, đồng thời dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Bên cạnh đó, uống rượu bia nhiều sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Vì vậy nên thường sau mỗi cuộc nhậu với bia rượu, người bệnh thường gặp những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng vào sáng hôm sau.
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh: Đây là nguyên nhân thường xảy ra ở trẻ nhỏ, gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Một số loại thuốc kháng sinh đặc biệt dễ dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, phụ huynh hay cho con dùng thuốc bừa bãi, khiến bé bị rối loạn tiêu hoá. Nếu bệnh nhân dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn và xảy ra hiện tượng đề kháng kháng sinh. Vì vậy, khi sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ, cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
  • Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh: Ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột.

Trong những tháng đầu đời của trẻ, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, khả năng miễn dịch còn non kém, nên trẻ rất dễ mắc phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, đối với trẻ em, vấn đề tiêu hóa có thể bắt nguồn từ việc phụ huynh lựa chọn thành phần thức ăn không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tâm lý trẻ bất ổn do học tập, thi cử,... Sau này, khi cấu trúc hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện hơn, tình trạng này sẽ thoái lui.

vicare.vn-cac-trieu-chung-roi-loan-tieu-hoa-dien-hinh-body-1
Lạm dụng kháng sinh có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ

2. Những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn và trẻ em thường gặp bao gồm:

  • Rối loạn đại tiện: Hầu như tiến triển chậm, nhưng với mức độ nặng dần. Người bệnh thường cảm thấy đau nặng bụng từng cơn, khi thì táo bón, lúc thì tiêu chảy, việc đi đại tiện không đều đặn như trước. Bệnh nhân có thể bị táo bón nhiều hơn tiêu chảy hoặc ngược lại, hoặc cả hai thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ thất thường.
  • Đau bụng: cơn đau vùng bụng có thể diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội. Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới bên trái, tuy nhiên cũng có khả năng ở nhiều chỗ khác nhau. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng.
  • Đầy hơi khó tiêu: Đầy hơi là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất. Bệnh nhân có biểu hiện bụng căng to, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều.

Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể biểu hiện thông qua việc trẻ chán ăn, nôn trớ, quấy khóc,... Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở bà bầu tương tự như ở người lớn, nhưng thường xảy ra ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số triệu chứng khác của rối loạn tiêu hóa, bao gồm: ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn ói,...

vicare.vn-cac-trieu-chung-roi-loan-tieu-hoa-dien-hinh-body-2
Đau bụng do rối loạn tiêu hóa có thể diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội

3. Những biểu hiện cần đưa trẻ đi khám ngay

Phụ huynh khi thấy trẻ em có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau đây, cần đưa đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Đi ngoài phân lỏng, nhiều lần liên tục trong ngày.
  • Nôn ói tái diễn, nôn nhiều, khiến trẻ mệt mỏi, không ăn uống được.
  • Bệnh trở nặng, kèm theo sốt hoặc sốt cao hơn.
  • Trẻ rất khát nước.
  • Ăn uống rất kém hoặc bỏ bú.
  • Tình trạng không thuyên giảm sau 2 ngày điều trị tại nhà.

4. Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa các vấn đề ở dạ dày ruột một cách đúng đắn, nên thực hiện theo một số lời khuyên như sau:

  • Bổ sung lợi khuẩn bằng các loại men vi sinh và men tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
  • Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
  • Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, an toàn, hợp lý.
  • Nên tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn, đúng giờ, thường xuyên vận động.
  • Bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, nhất là đối với các bệnh nhân có dấu hiệu táo bón.

Ngoài ra, trong bữa ăn nên ăn chậm nhai kỹ, tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Không nên tự ý mua thuốc uống mà nên tham khảo ý kiến chuyên môn từ nhân viên y tế.

XEM THÊM:

  • Loạn khuẩn đường ruột: Nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
  • Những triệu chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ và cách xử trí
  • Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhiều ở trẻ em