Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đang có xu hướng gia tăng và đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách các bệnh ung thư ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 4,7/100.000 dân. Vậy có cách nào chữa trị căn bệnh nguy hiểm này không? HoiBenh sẽ giúp bạn trả lời.
Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đang có xu hướng gia tăng và đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách các bệnh ung thư ở nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 4,7/100.000 dân. Làm cách nào để tầm soát sớm bệnh ung thư tiền liệt tuyến? Ung thư tiền liệt tuyến nguy hiểm ra sao? Có cách nào chữa trị căn bệnh nguy hiểm này không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có thêm câu trả lời.
1. Bệnh ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Ung thư tiền liệt tuyến xảy ra khi những tế bào phát triển một cách bất thường trong tuyến tiền liệt. Những tế bào bất thường này tiếp tục nhân lên một cách mất kiểm soát và có thể lan ra ngoài tuyến tiền liệt qua những bộ phận liền kề hay các cơ quan xa hơn của cơ thể.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm. Đa số nam giới mắc bệnh ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm mà không có triệu chứng gì nghiêm trọng, không lan rộng ra và không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nặng và di căn, nó sẽ nhanh chóng gây tử vong.
2. Phì đại tiền liệt tuyến có phải là ung thư tiền liệt tuyến?
Cả hai bệnh này tuy đều liên quan đến tuyến tiền liệt nhưng:
- Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh lành tính, không phải ung thư và không lây lan hay di căn. Bệnh này phổ biến ở nam giới tuổi trung niên, với triệu chứng nổi bật là tiểu tiện thường xuyên và tiểu ít, tiểu són. Theo thống kê, cứ 2 nam giới ở độ tuổi 50 thì 1 người bị phì đại tuyến tiền liệt.
- Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh ác tính, có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, và có thể gây tử vong. Ngày nay, ung thư tiền liệt tuyến trở nên phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới là 1/7. Tuy vậy, nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời, ung thư tuyến tiền liệt có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư tiền liệt tuyến
Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt hầu như không có triệu chứng gì nổi bật và chỉ được phát hiện khi chuẩn đoán có PSA cao. PSA là chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt đặc hiệu. Nếu PSA < 4ng/ml, khả năng mắc ung thư tiền liệt tuyến là 15%. Nếu PSA từ 4 đến 10 ng/ml, khả năng bị bệnh là 25%. Còn PSA > 10ng/ml, nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến lên đến 67%.
Đôi khi ung thư tuyến tiền liệt có những triệu chứng tương tự bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Các triệu chứng có thể bao gồm đi tiểu thường xuyên, đi tiểu nhiều vào ban đêm, khó tiểu hoặc tiểu ít, tiểu ra máu, đau khi tiểu, rối loạn các chức năng và hoạt động tình dục, như khó đạt được sự cương cứng và / hoặc đau khi xuất tinh.
Ở các giai đoạn sau, khi ung thư đã di căn sang những bộ phận khác của cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như: đau xương do di căn xương chậu, cột sống, tràn dịch màng tinh hoàn... Khi biến chứng phát triển, di căn xương sống làm liệt hai chân, liệt nửa người, xâm lấn tại chỗ gây viêm tắc đường tiểu và suy thận, xâm lấn qua trực tràng khiến bệnh nhân không đi cầu được phải mở hậu môn nhân tạo. Để muộn hơn, tế bào ung thư sẽ di căn qua não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận...
4. Làm sao để phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến?
Để phát hiện sớm bệnh ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các phương pháp sau đây:
- Thăm khám trực tràng
- Định lượng PSA
- Siêu âm qua ổ bụng hoặc đầu dò trực tràng và sinh thiết nếu có tổn thương
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định mức độ xâm lấn của ung thư.
Các giai đoạn của bệnh ung thư tiền liệt tuyến gồm:
- Giai đoạn I: Giai đoạn này dấu hiệu ung thư còn rất sớm, giới hạn trong khu vực nhỏ khiến bác sĩ khó phát hiện.
- Giai đoạn II: Ung thư có thể cảm nhận được nhưng vẫn chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt.
- Giai đoạn III: Ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt tới túi tinh hoặc các mô lân cận khác.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã lây lan đến hạch bạch huyết, xương, phổi hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.
5. Những phương pháp nào điều trị hiệu quả ung thư tiền liệt tuyến?
Việc lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp với từng giai đoạn diễn tiến bệnh hết sức quan trọng. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone...
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp thường được dùng để điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sớm. Bác sĩ có thể cắt bỏ toàn bộ hay một phần tiền liệt tuyến. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng một kỹ thuật mới là phẫu thuật giữ lại dây thần kinh - phẫu thuật này có thể giữ lại những dây thần kinh điều khiển sự cương cứng cho dương vật.
Nếu quá trình giải phẫu phát hiện tế bào ung thư chưa lan vào hạch, bác sĩ có thể cắt bỏ tuyến tiền liệt. Ngược lại, nếu ung thư đã lan vào hạch, tiền liệt tuyến có thể không cắt bỏ nhưng bác sĩ sẽ gợi ý những phương pháp điều trị khác.
Phương pháp phẫu thuật nội soi hiện nay đang rất phổ biến trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến - trong đó phẫu thuật nội soi bằng robot là phương pháp mới nhất, được thực hiện tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh viện Bình Dân ( TPHCM),... Phương pháp này giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm đau, người bệnh nhanh phục hồi.
Xạ trị
Xạ trị là cách điều trị sử dụng tia X mang năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Giống như phẫu thuật, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, chỉ ảnh hưởng đến những tế bào ung thư ở vùng được chiếu xạ.
Đối với trường hợp ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sớm, xạ trị có thể dùng thay cho phẫu thuật hoặc dùng sau phẫu thuật để diệt tất cả tế bào ung thư còn sót lại sau khi điều trị. Ở giai đoạn cuối, xạ trị có thể được dùng để giảm đau hoặc giảm nhẹ các triệu chứng khác.
Liệu pháp hormone
Là phương pháp điều trị toàn thân. Do tác động lên toàn bộ những tế bào ung thư trong cơ thể, phương pháp này được dùng để điều trị ung thư đã lây lan hoặc để phòng ngừa ung thư tái phát sau phẫu thuật hoặc sau xạ trị.
Vài liệu pháp hormone dùng để điều trị ung thư tiền liệt tuyến như:
- Cắt bỏ tinh hoàn nhằm cắt nguồn sản xuất chính của hormone sinh dục nam.
- Sử dụng thuốc gây tiết hormone tạo hoàng thể (LH-RH) giúp ngăn chặn tinh hoàn sản xuất Testosteron.
- Sử dụng thuốc kháng Androgen có thể ngăn cản hoạt động của hormone nam.
- Sử dụng thuốc có thể ngăn chặn tuyến thượng thận sản xuất Androgen như Ketoconazol và Aminoglutethimid.
Điều trị nội tiết
Điều trị nội tiết nhằm mục đích loại Androgen - yếu tố kích thích sự phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Cách thức gồm cắt bỏ tinh hoàn hai bên và dùng thuốc kháng Androgen, làm kéo dài thời gian sống của người bệnh và có thể điều trị được lâu dài.
Điều trị hóa chất
Chỉ dùng khi các trường hợp thất bại với điều trị nội tiết, phương pháp này ít được áp dụng vì không mang lại hiệu quả cao.
Phương pháp điều trị thay thế
Phương pháp này giúp đối phó với việc bệnh nhân căng thẳng và lo lắng sau khi được chẩn đoán như: tập thể dục, thiền, âm nhạc trị liệu, kỹ thuật thư giãn
6. Làm cách nào để giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến?
Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh thức ăn giàu chất béo, ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc. Nhóm thức ăn này chứa nhiều chất dinh dưỡng góp phần phòng chống bệnh ung thư tuyến tiền liệt là lycopene, vitamin C, vitamin E và selen...
Tập thể dục cải thiện và nâng cao sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy nam giới tập thể dục đều đặn có tỷ lệ bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn hẳn so với những người ít hoặc không tập thể dục.
Trao đổi cùng bác sĩ chuyên khoa nếu lo lắng mình có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt để được tư vấn, tầm soát ung thư sớm nhằm có phương pháp điều trị hiệu quả với tỷ lệ thành công cao ở giai đoạn sớm của bệnh.
Xem thêm:
Phương pháp cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tiền liệt tuyến
PSA - dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến