Các loại xét nghiệm cần làm khi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Ở các nước phát triển, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân gần như là một việc làm bắt buộc với mỗi cặp đôi trước khi kết hôn. Lựa chọn này cũng đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Vậy khi khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ làm những gì? Các loại xét nghiệm nào cần phải có?
Các loại xét nghiệm cần làm khi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân
- Trang bị những hiểu biết đúng đắn cho cuộc sống tình dục vợ chồng thoải mái, thỏa mãn và an toàn nhất.
- Kiểm tra sức khỏe cả vợ và chồng một cách tổng quát nhất.
- Phát hiện các bệnh truyền nhiễm: viêm gan B, HIV, hoặc những bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai...).
- Kiểm tra, phát hiện kịp thời những bệnh lý liên quan đến di truyền hoặc bệnh lý về vấn đề sinh sản.
- Phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ trong tương lai.
- Biết cách thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, chủ động kiểm soát kế hoạch mang thai, thời điểm có thai và số con mong muốn. Tránh tình xảy ra thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai không an toàn
- Chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho người phụ nữ, sẵn sàng mang thai và sinh con.
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ là việc làm quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn là một cách thể hiện trách nhiệm của mình đối với người bạn đời.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân khi nào?
Các cặp đôi nên lên kế hoạch khám sức khỏe trước khi cưới từ 3 - 6 tháng, đặc biệt đối với những cặp đôi dự định sẽ sinh con ngay sau khi cưới. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng cũng được xem là một hình thức sàng lọc trong công tác nâng cao chất lượng dân số.
Nội dung khám sức khỏe tiền hôn nhân
- Khám sức khỏe tổng thể: mạch, huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng...
- Khám bệnh lây qua đường tình dục: lậu, giang mai, viêm gan siêu vi B, sùi mào gà, hạ cam mềm...
- Khai thác tiền sử bệnh cả vợ chồng: các bệnh đã mắc trước đây, thực hiện những phẫu thuật nào, bệnh tim mạch, bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc hiện tại, các tai nạn, thương tích...
- Tiền sử bệnh của gia đình: các bệnh rối loạn tâm thần, cao huyết áp, tim mạch...
- Các bệnh lý di truyền: Down, câm điếc bẩm sinh, rối loạn đông máu, ung thư...
- Các bệnh truyền nhiễm: sởi, thủy đậu, rubella, cúm, viêm não, sốt xuất huyết, lao, tả, tiêu chảy...
Các xét nghiệm cụ thể trong khám sức khỏe tiền hôn nhân
Kiểm tra đường huyết
Lượng đường máu tăng vượt quá giới hạn và kéo dài gây ảnh hưởng đến các cơ quan: mạch máu, thần kinh, mắt, thận, tim, hệ miễn dịch và cả sức khỏe và tình dục. Kiểm tra giúp phát hiện và điều trị sớm đái tháo đường, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Mẫu máu tốt nhất nên lấy vào buổi sáng, chưa ăn uống.
Xét nghiệm công thức máu
Lấy máu tĩnh mạch bằng một kim tiêm nhỏ, sau đó quan sát trong buồng tối và đếm dưới kính hiển vi hoặc đếm bằng máy tự động, phân tích các thông số cần thiết. Đánh giá số lượng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu và nồng độ hemoglobin trong máu... nhằm phát hiện rối loạn huyết học (giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu) từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Xét nghiệm viêm gan B
Bệnh lây qua đường tình dục, đường máu, mẹ sang con. Có rất nhiều người bị nhiễm bệnh nguy hiểm này, khả năng lây nhiễm cao tuy nhiên người mang siêu vi B vẫn có khả năng kết hôn và sinh con bình thường khi được tư vấn cách chăm sóc, tiêm ngừa cho vợ, chồng và con ngay khi mới sinh ra. Xét nghiệm này không tốn đến 15 phút, cho biết sự hiện diện của kháng thể, sự sinh sôi của virus và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.
Xét nghiệm HIV
Nhằm hạn chế lây nhiễm và bảo vệ mọi người, một số quốc gia yêu cầu phải kiểm tra HIV trước khi đăng ký kết hôn. Ở Việt Nam còn rất nhiều người e ngại khi nhắc đến xét nghiệm này. Song bạn phải hiểu răng xét nghiệm này không là trở ngại lớn cho hôn nhân mà đơn giản giúp củng cố lòng tin và bảo vệ lẫn nhau. Xét nghiệm có thể miễn phí hoặc đóng một khoản phí thấp tại nhiều cơ sở y tế, thông tin được tuyệt đối bảo mật.
Đánh giá chức năng gan, thận
Cơ quan quan trọng trong quá trình chuyển hóa và đào thải, thận yếu sẽ kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe (phù, tăng huyết áp, thiếu máu...thậm chí tử vong), giảm ham muốn tình dục, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Xét nghiệm chức năng thận sẽ đánh giá chính xác tình trạng hoạt động của thận, từ đó đưa ra biện pháp phòng và chữa trị hữu hiệu.
Gan là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất enzim chính và thải độc cho cơ thể, tham gia hầu hết vào các hoạt động chuyển hóa và bài tiết. Bên cạnh các triệu chứng bên ngoài, xét nghiệm men gan còn giúp chẩn đoán chính xác những tổn thương tế bào gan. Nồng độ SGOT, SGPT (men gan) trong máu bình thường nhỏ hơn 45 IU/lít và sẽ tăng cao khi viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính tiến triển, vàng da tắc mật hoặc các bệnh lý toàn thân khác.
Điện tâm đồ
Khi tim suy yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng ngày (thường hay ngất, mệt mỏi, hồi hộp, đau ngực, khó thở...) Nhất là cặp vợ chồng có thể gặp khó khăn và nguy hiểm tính mạng khi quan hệ. Xét nghiệm này được xem như một phương tiện cơ bản để rà soát bất thường ở tim, phần nào đánh giá cấu trúc, hoạt động và chức năng của tim, phát hiện sớm những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Phân tích nước tiểu
Có khả năng phát hiện một số bệnh như các tổn thương cầu thận, ống thận hoặc viêm nhiễm đường tiết niệu... Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối (chứng rối loạn cương dương, lãnh cảm, vô sinh hoặc đau khi giao hợp). Nước tiểu được lấy là nước tiểu giữa dòng, được xử lý và khảo sát các thông số như: tỷ trọng nước tiểu, độ PH, cặn lắng, đạm niệu, đường niệu, tế bào khác hoặc vi trùng.
X quang ngực phẳng
Cho cái nhìn tổng quan về tim, phổi và những cơ quan lân cận. Dựa vào phim chụp, bác sĩ có thể nhận ra những bệnh nguy hiểm như COPD, viêm phổi hoặc lao phổi...
Khám cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ
Nam giới sẽ khám hai tinh hoàn và biểu hiện tính dục như cương cứng, xuất tinh... nhằm đánh giá khả năng sinh sản của nam. Nữ giới sẽ khám bộ phận sinh dục để phát hiện ra viêm nhiễm hoặc bất thường (nếu có). Một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như:
- Nam: thực hiện tinh dịch đồ (đánh giá và tiên lượng khả năng sinh sản, thụ thai tự nhiên). nếu có dấu hiệu bất thường sẽ được điều trị kịp thời, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.
- Nữ: siêu âm tử cung, siêu âm buồng trứng để phát hiện những dấu hiệu bất thường (u nang buồng trứng, tắc vòi trứng, u xơ tử cung)... bên cạnh đó, nên kiểm tra tầm soát ung thư vú.
Kiểm tra gen, nhiễm sắc thể
Trong trường hợp gia đình hai bên có tiền sử bệnh liên quan đến dị tật bẩm sinh, bệnh tâm thần, chậm phát triển thần kinh hoặc các bệnh lý di truyền khác...
Tư vấn tiêm phòng vaccin phòng bệnh
Rubella, cúm, quai bị, sởi, thủy đậu... là những bệnh có khả năng ảnh hưởng thai nhi khi mang thai.
Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân
Mỗi cơ sở y tế sẽ có mức chi phí khác nhau,không có một mức giá chung cho dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân. Trung bình, chi phí này sẽ dao động từ 1.000.000 – 3.000.000 cho một người, tùy theo số lượng dịch vụ của cơ sở y tế.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân ở đâu
Bệnh viện chuyên khoa phụ sản cả nước. Ví dụ: BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Phụ sản Trung ương, BV Phụ sản Hà Nội...
Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản. Hệ thống BV đa khoa quốc tế Vinmec (7 BV trên cả nước), BV đa khoa tỉnh/thành phố tại khu vực sinh sống.
Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương.
Lưu ý trước khi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Khám trước khi cưới, đến cơ sở y tế vào buổi sáng, nhịn đói trước đói ít nhất 8 tiếng để lấy máu làm xét nghiệm. Cung cấp đầy đủ và chân thật về thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tình trạng sức khỏe sinh dục từ trước đến nay (chu kì kinh nguyệt, thai nghén, xuất tinh...), tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Phụ nữ không đi khám khi đang có kỳ kinh nguyệt.
Xem thêm:
- 5 địa chỉ khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Hà Nội
- 5 cơ sở y tế khám sức khỏe tiền hôn nhân tại TP.HCM
- Không nên bỏ qua khám sức khỏe tiền hôn nhân