Các kiểu siêu âm tim
Siêu âm tim là kỹ thuật cơ bản và mang lại rất nhiều thông tin có giá trị trong chẩn đoán các bệnh tim mạch. Thực hành lâm sàng thường ứng dụng các kiểu siêu âm (mode siêu âm) dưới đây.
Các kiểu siêu âm tim
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Bằng Phong - Bác sĩ Nội - Can thiệp Tim mạch kiêm Trưởng Phòng khám Suy tim, Trung Tâm Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Siêu âm tim kiểu 2D (Còn gọi là siêu âm 2 bình diện)
Hình ảnh siêu âm tim 2D thu được khi chùm tia siêu âm đi qua 1 mặt cắt của tim, qua đó đánh giá được vị trí và tư thế của tim, kích thước của các buồng tim, độ dày và vận động của các thành tim, chức năng giãn và co bóp của cơ tim, các gốc mạch lớn, hình thái và vận động của các van tim, các lỗ khuyết của các vách ngăn trong tim, u hoặc huyết khối trong tim, dịch màng ngoài tim. Các mặt cắt thường được sử dụng trong siêu âm tim 2D gồm: mặt cắt trục dọc cạnh ức trái, các mặt cắt trục ngang cạnh ức trái, các mặt cắt từ mỏm tim, mặt cắt trên hõm ức, mặt cắt dưới bờ sườn.
Siêu âm tim kiểu 2D, mặt cắt 4 buồng từ mỏm tim, thấy nhĩ trái (LA), thất trái (LV), nhĩ phải (RA), thất phải (RV), van 2 lá (MV), van 3 lá (TV), van động mạch chủ (AV). Ngoài ra còn thấy vách liên nhĩ và vách liên thất.
2. Siêu âm tim kiểu TM (Còn gọi là M mode)
Vì tim vận động liên tục theo chu kỳ tâm thu và tâm trương, các van tim cũng vậy, nên khi quét chùm tia siêu âm đi qua 1 thành phần giải phẫu của tim theo 1 vận tốc nhất định, ta sẽ thu được hình ảnh của thành phần đó có dạng sóng. Với kiểu TM, do định vị được các thời điểm trong chu chuyển tim: tâm thu, cuối tâm thu, tâm trương, cuối tâm trương nên việc đo các kích thước và chức năng co bóp của tim rất chính xác. Các lát cắt chủ yếu trong siêu âm tim M mode là lát cắt trục dọc cạnh ức trái..., dựa trên hình ảnh 2D, trục ngang cạnh ức trái, dịch chuyển thanh định hướng (cursor) tới vị trí cần khảo sát để thu được hình ảnh tim mạch.
Siêu âm tim kiểu TM, lát cắt trục dọc cạnh ức trái, cursor ỏ sát đầu tận cùng van hai lá, đo được đường kính thất trái cuối tâm trương (LVIDd), đường kính thất trái cuối tâm thu (LVIDs), qua đó tính chức năng tâm thu thất trái (EF). Ngoài ra còn đo được kích thước thất phải, độ dày của thành thất trái ở tâm trương (IVSd và LVPWd) và tâm thu (IVSs và LVPWs).
3. Siêu âm tim 3D, 4D
Khác với siêu âm 2D, khi hình ảnh thu được theo không gian 2 chiều, tức là trên 1 mặt phẳng (lát cắt), đầu dò siêu âm 3D, 4D các tinh thể áp điện theo ma trận, để thu được hình ảnh siêu âm theo không gian 3 chiều (hình khối), gọi là siêu âm 3D. Nếu có thêm chiều chuyển động (chiều thời gian) thì ta có siêu âm 4D.
Siêu âm tim 4D cung cấp hình ảnh sinh động, toàn diện, dễ hình dung hơn siêu âm 2D, đặc biệt quan trọng trong các bệnh lý sau: van động mạch chủ, van hai lá (nhất là trong kỹ thuật mitraclip: kẹp van hai lá bị hở mà không cần phẫu thuật), thông liên nhĩ, đánh giá thất trái...
4. Siêu âm Doppler tim
Khi chùm tia siêu âm đi qua 1 vật thể chuyển động sẽ sinh ra hiệu ứng Doppler. Hiệu ứng Doppler là đại lượng phản ánh vận tốc của vật thể chuyển động được thu nhận, xử lý và biểu hiện qua dạng âm thanh, dạng sóng hoặc mã hóa thành màu. Trong siêu âm Doppler tim, hiệu ứng Doppler phản ánh vận tốc chuyển động của dòng máu và của cơ tim. Dòng máu đi qua chỗ hẹp có vận tốc lớn, khi đó tín hiệu âm thanh sẽ có âm lượng lớn và âm sắc cao, tín hiệu dạng sóng sẽ có biên độ lớn. Với Doppler mầu, dòng máu được mã hóa thành mầu đỏ nếu đi về phía đầu dò và thành mầu xanh khi đi xa đầu dò, theo đó sẽ phát hiện được các dòng máu bất thường trong tim. Nói một cách ngắn gọn, siêu âm Doppler tim là phương tiện rất hữu hiệu trong đánh giá huyết động qua các van tim, phát hiện các dòng máu bất thường trong tim và tình trạng vận động của cơ tim.
XEM THÊM:
- Siêu âm tim 4D tại Vinmec có gì đặc biệt?
- Siêu âm tim có ý nghĩa thế nào trong khám và phát hiện các bệnh tim mạch?
- Siêu âm tim qua thành ngực là gì?