Các cách điều trị viêm da tiếp xúc
Trong vài năm trở lại đây, vào mùa mưa lũ, kiến ba khoang đã trở thành nỗi lo lắng, sợ hãi của không ít người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang hay với các tác nhân gây bệnh khác, da sẽ bị tổn thương viêm nhiễm gọi là viêm da tiếp xúc.
Các cách điều trị viêm da tiếp xúc
Ngày càng có nhiều người mắc phải căn bệnh viêm da tiếp xúc. Một trong các trường hợp điển hình của căn bệnh này là viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Trong vài năm trở lại đây, vào mùa mưa lũ, kiến ba khoang đã trở thành nỗi lo lắng, sợ hãi của không ít người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang hay với các tác nhân gây bệnh khác, da sẽ bị tổn thương viêm nhiễm gọi là viêm da tiếp xúc. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng nó lại khiến cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Vậy điều trị viêm da tiếp xúc như thế nào?
Bệnh viêm da tiếp xúc là gì?
Bệnh viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm nhiễm do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dị nguyên như mỹ phẩm, xà phòng, cây cỏ, côn trùng,... Đặc trưng của căn bệnh này là da bị mẩn đỏ và ngứa. Căn bệnh này không có gì nguy hiểm, nhưng nó lại khiến cho người bệnh rất khó chịu.
Mức độ nặng nhẹ sẽ phụ thuộc vào yếu tố dị nguyên gây bệnh mà bệnh nhân tiếp xúc, cùng với thời gian tiếp xúc dài hay ngắn và cơ địa của bệnh nhân.
Bệnh viêm da tiếp xúc chia thành hai loại đó là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Mỗi loại lại có nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiếp xúc là gì?
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng
Tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng là do cơ địa dị ứng với các tác nhân gây bệnh, như là virus, vi khuẩn, nấm,... tạo ra phản ứng quá khích với hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh, khiến cho da tại vị trí tiếp xúc với dị nguyên bị tổn thương ở lớp thượng bì. Khi tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm da, biểu hiện ra bên ngoài.
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng không gây bệnh ở tất cả mọi người, mà chỉ gây bệnh ở những người có cơ địa dị ứng với tác nhân đó. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này gồm có:
- Thuốc tây y: một số loại thuốc tây có tác dụng phụ gây tổn thương da, dễ gây ra tình trạng viêm da cơ địa. Một trong số các loại thuốc đó phải kể đến là các thuốc có chứa corticoid. Do đó, khi bạn bị viêm da dị ứng, hãy kiểm tra lại các loại thuốc mà mình đang sử dụng, xem có loại thuốc nào có tác dụng phụ gây tổn thương da hay không nhé.
- Thức ăn: ở một số người có cơ địa dị ứng với một hoặc một vài loại thức ăn nào đó như thịt bò, hải sản, nhất là tôm, cua, ghẹ, cá ngừ,....
- Côn trùng: các loại côn trùng có độc đều có thể gây viêm da khi chúng ta vô tình chạm phải nó hoặc là gián tiếp tiếp xúc với chất độc của nó để lại trên quần áo, khăn của chúng ta. Đặc biệt phải kể đến ở đây đó là kiến ba khoang, trong mấy năm gần đây, vào mùa mưa, số lượng người bị loại côn trùng này gây bệnh là rất nhiều. Ngoài ra còn có một số loại côn trùng khác như ong, giời leo, rết, bướm,...
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng
Tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng xuất hiện là do người bệnh tiếp xúc với các chất có tính axit hay chất có tính bazơ mạnh, cũng có khi là sơn, hoặc là các loại dung môi như: dung môi tẩy rửa và chất nhũ hóa, acetone, xi măng, vôi tôi, nhựa thông, xà phòng có chứa chất tẩy rửa mạnh hoặc có độ kiềm cao, các loại thuốc tẩy, tia cực tím,...
Bệnh thường gặp ở những người làm công việc nội trợ, họ phải tiếp xúc nhiều với các chất tẩy rửa như bột giặt, xà phòng, nước tẩy trắng men, kính,... trong một thời gian dài.
Các yếu tố thuận lợi gây viêm da tiếp xúc
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn có một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh viêm da tiếp xúc như sau:
- Các vết tổn thương trên da sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh tấn công. Vì vậy, nếu bị tổn thương da bạn nên khử trùng da cẩn thận.
- Môi trường ô nhiễm: thường xuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiễm không khí, tiếp xúc với nước bẩn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm da nói chung, và viêm da cơ dị ứng nói riêng.
- Sức đề kháng kém: những người có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, người già hoặc người bị nhiễm HIV/AIDS rất dễ bị các bệnh viêm da dị ứng.
- Yếu tố di truyền trong bệnh này là tương đối cao, đặc biệt là trong gia đình có ông, bà, bố hoặc mẹ bị dị ứng thì các con các cháu của họ cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
Triệu chứng bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng
- Ngay sau khi tiếp xúc với yếu tố dị nguyên, vùng da tiếp xúc sẽ bị đỏ lên, sưng nề, hình thành các vết như bị cào, có khi có các đám mụn nước, hoặc mụn mủ bé li ti. Chỗ tổn thương có thể bị trợt ra và chảy dịch, chảy mủ ở vùng trung tâm vết thương.
- Nếu như bạn gãi hoặc sờ tay vào chỗ tiết dịch rồi chạm vào vùng da khác hoặc chạm vào mắt sẽ khiến cho tổn thương lây lan thêm. Nếu để dịch tiết chạm vào người khác, thì cũng khiến cho người đó bị lây bệnh, đặc biệt là các em bé sơ sinh.
- Thông thường bệnh nhân sẽ có cảm giác bỏng rát ở vùng da bị tổn thương. Nếu bị loét và nhiễm trùng có mủ thì sẽ gây đau nhiều.
- Có khi bệnh nhân cảm thấy ngứa nhẹ từng lúc.
- Các triệu chứng đau rát, ngứa đa phần sẽ không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ của bệnh nhân.
Triệu chứng bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng
- Tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng thường xuất hiện sau một thời gian dài người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, song cũng có khi xuất hiện ngay trong lần đầu tiếp xúc phải.
- Đặc điểm của tình trạng này là thường sẽ tổn thương trên da bàn tay, nơi tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất. Vùng da bàn tay sẽ hơi sưng nề và đỏ lên. Sau vài ngày sưng nề giảm xuống và da trở nên khô rồi bị bong tróc nhẹ tạo thành các vảy phấn, vảy cám.
- Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục tiếp xúc với các chất tẩy rửa trên thì da sẽ càng ngày càng bong tróc nhiều hơn và khô ráp hơn.
- Đa phần bệnh nhân chỉ có cảm giác rát, căng, khó chịu mà không cảm thấy ngứa. Những người có cơ địa dị ứng thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.
- Nếu như bạn bóc các vảy đi hoặc gãi, chà xát thì sẽ có thể bị nhiễm trùng hoặc sẽ bị chàm hóa. Đến lúc đó sẽ xuất hiện thêm mụn nước hoặc mụn mủ.
Điều trị viêm da tiếp xúc như thế nào?
Ngay khi phát hiện bị bệnh, việc đầu tiên để điều trị viêm da tiếp xúc đó là loại bỏ tác nhân gây bệnh, tránh không để tiếp xúc nữa. Sau đó mới sử dụng các biện pháp điều trị sau đây.
Chăm sóc da khi bị viêm da tiếp xúc
Khi bị viêm da do tiếp xúc, bệnh nhân vẫn có thể tắm rửa bình thường được. Nhưng không được sử dụng chanh, muối hoặc xà phòng để xát vào vùng da bị tổn thương.
Sử dụng nước muối pha loãng rửa nhẹ vùng tổn thương, ngày rửa 2 lần.
Tuyệt đối không được gãi, chà xát chỗ tổn thương.
Trong trường hợp bị viêm da tiếp xúc kích ứng thì không được ngâm nước, hạn chế rửa tay. Tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa bằng cách sử dụng găng tay khi giặt giũ, khi rửa bát. Trong trường hợp bệnh nặng thì thậm chí cả khi gội đầu, khi tắm cũng phải đeo găng tay.
Sử dụng thuốc điều trị viêm da tiếp xúc
Thuốc bôi tại chỗ
- Trong trường hợp tổn thương trên da chảy nước, sưng nề thì bôi hoặc đắp các dung dịch như nước muối 9 phần nghìn, Dalibour, Eryfluid...
- Trong trường hợp tổn thương da khô thì bôi các thuốc có chứa kháng sinh và cortisone như: Eumovate, Fucicort, Gentrisone,... ngày bôi 1 – 2 lần.
- Với bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng phải bôi một trong các chế phẩm làm mềm da, dịu da như Physiogel, Cream vitamin E,... có thể bôi nhiều lần trong ngày, bôi kéo dài.
Điều trị toàn thân đối với bệnh viêm da tiếp xúc
Nếu bệnh nhân ngứa nhiều bác sĩ sẽ cho uống thuốc kháng histamin như Loratadin, Chlopheniramin, Phenergan,... trong 5-10 ngày.
Trong trường hợp bị nhiễm trùng thì phải sử dụng thuốc kháng sinh một đợt theo chỉ định của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc điều trị viêm da tiếp xúc hay điều trị bất kỳ bệnh gì cũng phải theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc. Bởi việc sử dụng thuốc không đúng có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, kéo dài hơn.
Để điều trị viêm da tiếp xúc cần phải tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì, và loại bỏ nó. Sau đó người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm:
- Viêm da dị ứng tiếp xúc có điều trị khỏi được không?
- Xét nghiệm máu có giúp chẩn đoán viêm da dị ứng không?