Các bài thuốc chữa mề đay và bệnh da vẽ nổi
Các bài thuốc chữa mề đay, hay còn gọi là chứng da vẽ nổi (trong tiếng Anh là Urtcaire hay Hives) là một chứng bệnh thường gặp trong mùa thu đông.
Các bài thuốc chữa mề đay và bệnh da vẽ nổi
Mề đay, hay còn gọi là chứng da vẽ nổi (trong tiếng Anh là Urtcaire hay Hives) là một chứng bệnh thường gặp trong mùa thu đông. Y học cổ truyền gọi bệnh mề đay là phong khối chẩn. Nguyên nhân do phong hàn, kích ứng từ môi trường bên ngoài tiếp xúc vào da, do ký sinh trùng hoặc do phong nhiệt, dị ứng thức ăn, do dùng thuốc... gây nên những mảng sẩn ngứa, đỏ, sưng phù. Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa mề đay theo từng dạng thể.
Thể phong hàn
Biểu hiện: cơ thể gặp lạnh hay xuất hiện những nốt ban hơi đỏ hoặc sắc trắng, ngứa rát... khi thể chất kém, khả năng chống rét yếu làm cho hàn tà xâm nhập khiến khí huyết không lưu thông được mà gây bệnh. Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: quế chi 8 gram, tử tô (hay còn gọi là tía tô) 12 gram, kinh giới 16 gram, phòng phong 12 gram, gừng sống 6 gram, ké đầu ngựa 16 gram, ý dĩ (hay còn gọi là bo bo) 16 gram, đan sâm 12 gram, bạch chỉ 8 gram. Sắc uống ngày 1 thang. Nhớ kỹ: ý dĩ chỉ dùng sau sinh, không được dùng ý dĩ (trước sinh) khi đang có thai.
Bài 2: quế chi 8 gram, bạch thược (hay thược dược) 12 gram, gừng sống 12 gram, ma hoàng 6 gram, tử tô (tía tô) 12 gram, kinh giới 12 gram, phòng phong 8 gram, tế tân 6 gram, bạch chỉ 8 gram. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể phong nhiệt
Biểu hiện: da đỏ, các nốt ban đỏ, nóng rát, miệng khát, phiền táo. Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: kim ngân hoa 16 gram, bồ công anh 12 gram, ké đầu ngựa 16 gram, kinh giới 16 gram, lá dâu 16 gram, phù bình (hay còn gọi là đại phù bình, bèo tía, bèo ván) 8 gram, thuyền thoái (xác ve sầu) 6 gram, sinh địa 12 gram, thổ phục linh (hay còn gọi là củ khúc khắc) 16 gram, sa tiền (còn gọi là sa tiền tử hay cây mã đề) 16 gram. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2: kim ngân hoa 16 gram, liên kiều (còn gọi là trúc căn hay hoàng thọ đan)12 gram, ngưu bàng tử 12 gram, lô căn (còn gọi lô vi căn, rễ sậy) 12 gram, trúc diệp (đạm trúc diệp) 12 gram, kinh giới 12 gram, cam thảo 4 gram, bạc hà 12 gram, ké đầu ngựa 16 gram, sa tiền 12 gram, phù bình 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đông y dược thiện
Cháo mướp đắng - rau muống - tim lợn: gạo tẻ 60 gram, tim lợn 1 quả, mướp đắng 60 gram, rau muống 40 gram, gia vị vừa đủ. Cho gạo cùng tim lợn vào nồi, đổ nước nấu thành cháo, cháo tim chín cho mướp đắng và rau muống vào, nêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Món này thích hợp với người bị mề đay hay tái phát, người nóng, hay ngứa lở ngoài da, tim hồi hộp, ngủ trằn trọc.
Cháo chi tử - hạt sen: gạo tẻ 70 gram, hạt sen 20 gram, chi tử 16 gram, gia vị vừa đủ. Chi tử sắc kỹ chắt lấy nước. Cho gạo và hạt sen vào nồi, đổ nước thuốc chi tử nấu thành cháo. Khi cháo chín nêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày. Món này phù hợp với những người bị mề đay thể phong nhiệt với biểu hiện: cơn ngứa bùng phát, toàn thân nóng, mặt đỏ, sưng nề, da dày, có co cứng, tê bì...
Cháo đậu xanh - bách hợp - thảo quyết minh: đậu xanh 30 gram, bách hợp 30 gram, thảo quyết minh 10 gram. Đem thảo quyết minh sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho đậu xanh và bách hợp vào ninh nhừ thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày. Món này tác dụng giảm ngứa, tiêu độc phù hợp với những người bị mề đay do cơ địa, hay tái phát khi thay đổi thời tiết.
Theo BS. Phạm Minh Dương
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống
>>> Xem thêm: Giải quyết dị ứng trời lạnh nổi mề đay như thế nào?
{lang: 'vi'}