BV Nhi TW: Phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300. Với trường hợp thứ 300 này, số lượng bệnh nhi chuyển gốc động mạch được phẫu thuật thành công tại Việt Nam là nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật tim hở thành công cho cháu bé Nguyễn T...
BV Nhi TW: Phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật thành công ca chuyển gốc động mạch thứ 300. Với trường hợp thứ 300 này, số lượng bệnh nhi chuyển gốc động mạch được phẫu thuật thành công tại Việt Nam là nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật tim hở thành công cho cháu bé Nguyễn Trần Đăng K., 5 tháng tuổi ở Tuyên Quang. Đây là trường hợp được chẩn đoán và phẫu thuật bệnh chuyển gốc động mạch thứ 300.
Với trường hợp thứ 300 này, số lượng bệnh nhi chuyển gốc động mạch được phẫu thuật thành công tại Việt Nam là nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ "sửa chữa" thành công cho bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này hiện nay đã đạt được trên 93%, tức là 100 cháu bé được phẫu thuật thì có ít nhất 93 trường hợp ra viện khỏe mạnh và có khả năng phát triển như người bình thường. Trước năm 2010, phần lớn các cháu bé nhập viện với bệnh lý này đều tử vong do không có khả năng phẫu thuật hoặc phải ra nước ngoài để được phẫu thuật. Đây là thành công đáng khích lệ với tỷ lệ sống sót cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hoặc Thái Lan (90%) mặc dù điều kiện làm việc còn rất nhiều khó khăn.
Với 300 trường hợp trẻ được phẫu thuật bệnh chuyển gốc động mạch tại Trung tâm Tim mạch trẻ em trong vòng gần 6 năm, đây là số lượng bệnh nhân chuyển gốc động mạch lớn nhất so với các Trung tâm khác trong khu vực, được sự ghi nhận của các chuyên gia nước ngoài đến thăm và làm việc tại bệnh viện.
PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, tại Trung tâm Tim mạch trẻ em, trường hợp trẻ được phẫu thuật chuyển gốc động mạch sớm nhất là 6 giờ tuổi và trường hợp cân nặng thấp nhất là 1.9kg. Tất cả các dạng thương tổn của bệnh lý chuyển gốc từ thể đơn giản cho tới thể phức tạp nhất đã được các y bác sĩ của Trung tâm xử lý với kết quả khả quan với tỷ lệ tử vong thấp và tỷ lệ mổ lại thấp.
Theo thống kê cứ 10.000 trẻ ra đời thì có khoảng 2 trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp này, với 2/3 số trường hợp mắc bệnh là trẻ trai. Trong số trẻ mắc bệnh chuyển gốc động mạch đơn thuần, có khoảng 30% trẻ tử vong ngay trong tuần đầu tiên, 70% trẻ tử vong ngay trong tháng đầu tiên nếu không được can thiệp và phẫu thuật và gần như tử vong toàn bộ trong vòng 1 năm sau khi chào đời. Những trường hợp chuyển gốc động mạch phức tạp sẽ có tiên lượng khác.
Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất có thể điều trị bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này vì nếu không được can thiệp và phẫu thuật thì nguy cơ tử vong ngay trong tuần đầu sau sinh là 30% và gần như tử vong toàn bộ trong vòng 1 năm.
Cũng theo ông Hải kỹ thuật này đặc biệt khó, do đường kính của động mạch vành ở trẻ nhỏ chỉ khoảng 1-1,5mm, không nhìn rõ bằng mắt thường. Các bác sĩ phải dùng kính lúp với độ phóng đại gấp 4-5 lần mới có thể thực hiện được kỹ thuật này, với độ di lệch cho phép từ 0.2-0.5mm. Phần lớn các trẻ bị bệnh chuyển gốc động mạch đơn thuần sẽ phải được tiến hành phẫu thuật trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh. Nếu phẫu thuật được tiến hành thành công, cháu bé sẽ có khả năng sống và phát triển giống như người bình thường. Tuy vậy cần đặc biệt theo dõi và tuân thủ khám lại theo định kỳ giống như các bệnh tim bẩm sinh khác, vì có một số ít bệnh nhân sẽ phải mổ lại trong quá trình theo dõi lâu dài sau phẫu thuật. Với tỷ lệ thành công trên 93%, 300 ca phẫu thuật chuyển gốc động mạch Trung tâm Tim mạch trẻ em- Bệnh viện Nhi Trung ương đã khẳng định khả năng của các bác sĩ Việt Nam so với khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời tạo niềm tin cho người dân là dù bệnh có khó khăn vẫn được điều trị thành công ngay tại trong nước.