Biểu hiện điển hình của ung thư dạ dày giai đoạn 2
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là khi các tế bào ung thư đã phát triển nhanh và chứa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan sang các hạch huyết lân cận và lan sang các cơ quan như gan, tuyến tụy, đại tràng, phổi, các hạch thượng đòn và buồng trứng.
Biểu hiện điển hình của ung thư dạ dày giai đoạn 2
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 là khi các tế bào ung thư đã phát triển nhanh và chứa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan sang các hạch huyết lân cận và lan sang các cơ quan như gan, tuyến tụy, đại tràng, phổi, các hạch thượng đòn và buồng trứng. Giai đoạn này là dấu mốc nguy hiểm của bệnh ung thư dạ dày trong quá trình phát triển sang giai đoạn khác, do đó cần điều trị kịp thời. Vậy biểu hiện của ung thư dạ dày giai đoạn 2 là gì?
1. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày?
Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư dạ dày chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa việc hút thuốc và chế độ dinh dưỡng nhiều muối có thể gây ung thư dạ dày. Chất nitrat có trong các thành phần trên có thể được vi khuẩn trong dạ dày chuyển hóa thành chất nitrit, đây là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày. Bên cạnh đó, vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là HP) gây viêm loét dạ dày cũng có thể gây ra căn bệnh này.
2. Biểu hiện ung thư dạ dày giai đoạn 2
Ung thư dạ dày có thể được chia làm 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4. Mỗi giai đoạn đều có sự phát triển của tế bào ung thư và biểu hiện bên ngoài của cơ thể khác nhau.
- Giai đoạn 0: Khối u được tìm thấy trong lớp niêm mạc của thành dạ dày, giai đoạn này còn được gọi là ung thư biểu mô.
- Giai đoạn 1: Khối u ung thư chỉ xâm lấn vào lớp thứ hai của thành dạ dày phần dưới niêm mạc. Lúc này các tế bào ung thư lây lan vào các hạch bạch huyết khác nhau. Giai đoạn này, tế bào ung thư bắt đầu di căn dưới 6 hạch bạch huyết lân cận cũng như các lớp cơ khác. Bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng như: những cơn đau bụng nhẹ, đầy bụng và ợ hơi. Nhìn chung, các triệu chứng dễ bị bỏ qua bởi chúng không có nhiều sự khác biệt so với một số bệnh lý thông thường.
- Giai đoạn 2: Khối u ung thư chỉ xâm lấn lớp dưới niêm mạc. Tế bào ung thư lúc này phát triển khá nhanh, có thể di căn qua thành dạ dày. Những triệu chứng ung thư dạ dày giai đoạn 2 bắt đầu rõ rệt hơn. Cụ thể, người bệnh cảm thấy ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ rồi dần chán ăn bất kỳ loại thức ăn nào. Tình trạng đau bụng, khó tiêu xuất hiện liên tục hơn, cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược.
- Giai đoạn 3: Khối u ung thư đã xâm lấn lớp dưới niêm mạc và lớp cơ. Các tế bào ung thư đã lan ra 7 đến 15 hạch bạch huyết, ảnh hưởng đến lá lách và gan.
- Giai đoạn 4: Các tế bào ung thư đã lan rộng ra đến hơn 15 các hạch bạch huyết. Giai đoạn này tốc độ phát triển của tế bào ung thư cực mạnh. Cụ thể, chúng dễ dàng tấn công hầu hết cơ quan trong cơ thể thông qua hệ bạch huyết và mạch máu.
Đặc biệt, người bệnh đối diện hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa, nôn ra máu, thủng hoặc tắc môn vị, thiếu sức sống, rối loạn trao đổi chất và khuếch tán ung thư.
Ở giai đoạn 2 của ung thư dạ dày, bệnh sẽ gây ra một số tác hại nhất định đối với cơ thể, đặc biệt biểu hiện qua các dấu hiệu như sau:
Người bệnh thường bị đau ở vùng thượng vị, đôi lúc có cảm giác đau âm ỉ hoặc cơn đau quặn lên khiến cho bệnh nhân rất khó khăn trong sinh hoạt và phải chịu đựng rất nhiều. Các cơn đau của ung thư dạ dày giai đoạn 2 được cho là thường xuyên và mức độ nghiêm trọng của nó cũng vượt xa so với những giai đoạn 0 và giai đoạn 1.
Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn và nôn. Đặc biệt, triệu chứng này thường xuất hiện sau mỗi bữa ăn.
Người bệnh cảm thấy đầy bụng chướng bụng, ợ chua, chán ăn do hệ tiêu hóa của bệnh nhân ung thư giai đoạn 2 bị rối loạn, dẫn đến quá trình tiêu hóa và ăn uống diễn ra rất bất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người bệnh.
Nhìn chung, ung thư dạ dày giai đoạn 2 không gây bệnh cực kỳ nghiêm trọng như ở các giai đoạn sau, người bệnh vẫn có thể đi lại và ăn uống nhẹ. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tế bào và khối u ung thư đã phát triển sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn và khó lường so với giai đoạn trước.
3. Ung thư dạ dày giai đoạn 2 có chữa khỏi được không?
Ung thư dạ dày giai đoạn 2 có nguy hiểm và phức tạp hơn giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, kích thước khối u vẫn còn nhỏ sự di căn của các tế bào ung thư chưa lan rộng. Do đó vẫn có nhiều khả năng chữa khỏi hoàn toàn nhưng cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: cơ thể người bệnh có tương thích với thuốc khi điều trị không; người bệnh có tinh thần lạc quan, cố gắng chữa trị không; kinh phí chữa trị tùy thuộc vào điều kiện kinh tế;...
Ngoài ra ung thư dạ dày 2 có thể sẽ hay tái phát hơn giai đoạn đầu. Khi cơ thể đã được điều trị và tiêu diệt hết tế bào ung thư rồi nhưng do cơ địa hoặc khối u đã xuất hiện trước đó lây lan sang các hạch bạch huyết nhưng chưa được lược bỏ hết hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật.... thì ung thư vẫn có thể tái phát tại vị trí khác.
4. Những phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 2
Đối với bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 2, các bác sĩ đang áp dụng các phương pháp chữa trị như sau:
Phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật loại bỏ các khối u vào giai đoạn đầu từ lớp niêm mạc của dạ dày. Ung thư rất nhỏ và giới hạn ở những lớp lót phía bên trong dạ dày. Do đó bác sĩ có thể được thực hiện loại bỏ khối u bằng phương pháp phẫu thuật nội soi từ một ống ánh sáng với một máy ảnh theo đường cổ xuống họng và vào dạ dày để loại bỏ tế bào ung thư.
Phẫu thuật loại bỏ 1 phần dạ dày là sẽ được cắt bỏ phần bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư dạ dày.
Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ dạ dày: Bác sĩ sẽ kết nối trực tiếp từ thực quản đến ruột non để thực phẩm di chuyển qua hệ thống tiêu hóa.
Phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Phương pháp xạ trị
Phương pháp xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt và kiểm soát các tế bào ung thư. Phương pháp này được chỉ định tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, từ 50 – 70% bệnh nhân mắc bệnh ung thư có chỉ định xạ trị.
Phương pháp hóa trị
Phương pháp này là dùng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Các độc tố trong thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư nhiều hơn độc cho tế bào lành của cơ thể. Bên cạnh đó, hóa trị cũng có tác dụng phụ nhưng so với hiệu quả đem lại thì vẫn có thể kiểm soát và chấp nhận được. Phương pháp hóa trị được chỉ định chủ yếu cho những bệnh nhân bị ung thư sang giai đoạn di căn.
Việc điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn 2 có thể thành công, tỷ lệ sống trên 5 năm thường dao động từ 33-46%. Do vậy, những người có tiền sử bệnh viêm loét dạ dày hoặc có những biểu hiện như đã được đề cập ở trên thì cần chủ động đến gặp bác sĩ để được thăm khám cũng như tầm soát bệnh ung thư, tránh để bệnh phát triển mạnh mẽ không thể chữa trị. Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ thái độ tích cực, lạc quan cũng góp phần quan trọng trong việc điều trị ung thư.
Xem thêm:
- Chế độ ăn uống khoa học cho người ung thư dạ dày
- Tưởng bị đầy hơi hóa ra ung thư dạ dày
- Bỏ quên thủ phạm này, người Việt hiếm khi phát hiện sớm được bệnh ung thư dạ dày