Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh do vi rút gây ra và có thể bùng phát thành các vụ dịch lớn vào mùa xuân và mùa thu trong năm. Vậy bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh do vi rút gây ra và có thể bùng phát thành các vụ dịch lớn vào mùa xuân và mùa thu trong năm. Mặc dù đây là một bệnh rất phổ biến nhưng phần đông các bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Vậy thì bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin để trả lời câu hỏi này.

Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng

Hiện nay, các nhà khoa học đã phân loại được hai nhóm vi rút chủ yếu gây nên bệnh tay chân miệng là Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackievirus. Trong đó, loài vi rút EV71 thuộc nhóm Enterovirus được biết đến là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tay chân miệng ở khu vực các nước Đông Á, Đông Nam Á. Đây là loại vi rút có độc tính rất mạnh và có thể gây ra tổn thương nặng ở thần kinh trung ương cũng như các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể con người.

Bệnh tay chân miệng thường lây qua đâu?

Bởi vì nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là các vi rút đường ruột, có rất nhiều trong các dịch tiết của người bệnh. Do đó, trẻ em khỏe mạnh thường bị lây bệnh qua dịch tiết từ nước bọt, mũi, họng hay dịch tiết của các mụn nước, chất bài tiết của trẻ mắc bệnh trên các dụng cụ sinh hoạt, đồ vật trong phòng. Không những thế, việc hắt hơi, nói chuyện của người bệnh cũng khiến vi rút lan ra ngoài môi trường và lây bệnh. Chính vì vậy, bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan rất nhanh, phạm vi rộng khiến cho chúng ta cần phải có biện pháp dự phòng chu đáo.

vicare.vn-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-tay-chan-mieng-body-1

Bệnh tay chân miệng biểu hiện như thế nào?

Sau 3-5 ngày ủ bệnh kể từ khi lây nhiễm, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, có thể khó ngủ, hay giật mình hoặc quấy khóc. Sau đó sẽ xuất hiện các mụn nước hoặc ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi. Một số trường hợp hồng ban còn xuất hiện ở vùng mông, đầu gối và dần chuyển thành mụn nước.

Đặc biệt, các nốt mụn nước hay hồng ban của bệnh tay chân miệng thường không gây ngứa. Tuy nhiên, đến khi các mụn nước ở miệng vỡ ra và gây loét thì trẻ rất đau đớn và ăn kém đi khiến trẻ gầy sút. Cùng với đó, các mụn nước ở tay, chân vỡ ra rất dễ bội nhiễm vi khuẩn nếu không được chú ý vệ sinh sạch sẽ.

Thông thường, các trường hợp tay chân miệng sẽ được dự đoán mức độ nguy hiểm dựa vào tác nhân gây bệnh. Nếu tác nhân gây bệnh là Coxsakievirus A16 thì bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Nếu tác nhân gây bệnh là EV 71 thì bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như: phù phổi, viêm cơ tim cấp, viêm màng não...

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Biến chứng của bênh là gì?

vicare.vn-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-tay-chan-mieng-body-2

Các biến chứng thường gặp ở bệnh tay chân miệng là phù phổi cấp do thần kinh, viêm cơ tim cấp, viêm màng não...Không những vậy, các biến chứng còn có thể xuất hiện cùng lúc như viêm não và viêm màng não, phù phổi và viêm cơ tim khiến cho việc điều trị vô cùng khó khăn. Biến chứng của bệnh tay chân miệng thường diễn tiến rất nhanh và nguy cơ tử vong cao.Theo phác đồ điều trị nhi khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2, biến chứng của tay chân miệng bao gồm:

Biến chứng thần kinh

  • Viêm màng não vô trùng: trẻ sẽ có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu, quấy khóc, thóp phồng và phục hồi sau 3 - 7 ngày điều trị.
  • Viêm não: trẻ hay giật mình, hốt hoảng, chới với; run giật mình khi ngủ - ngủ gà; run, loạng choạng khi bước đi, yếu liệt chân. Nặng hơn là liệt thần kinh sọ, co giật và hôn mê.

Biến chứng hô hấp - tuần hoàn

  • Biến chứng này thường xảy ra khi trẻ có sự tổn thương não với biểu hiện sốt cao, thở nhanh nông, không đều. Huyết áp ban đầu tăng cao sau đó tụt nhanh và có thể trụy mạch.

Bệnh tay chân miệng có thuốc điều trị đặc hiệu không?

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu được vắc xin phòng bệnh tay chân miệng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ được điều trị triệu chứng và theo dõi sát sao để có biện pháp kịp thời lúc xảy ra biến chứng.

Cần làm gì khi trẻ mắc bệnh?

Do có nhiều biến chứng khó lường, bệnh tay chân miệng thực sự nguy hiểm hơn những gì chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ, bố mẹ hãy đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để được chẩn đoán chính xác. Nếu bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú thì hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt chú ý những điều sau:

  • Vệ sinh răng miệng cho trẻ thật sạch sẽ.
  • Để trẻ nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn mềm, lòng, uống nhiều nước hoa quả.
  • Tuyệt đối không tự làm vỡ các mụn nước, nếu các mụn nước bị vỡ cần lau sạch vùng xung quanh, không để dịch tiết mụn nước dây vào quần áo hay vật dụng trong nhà. Vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo hàng ngày cho trẻ.
  • Trong 7 ngày đầu tiên, cứ 1 - 2 ngày cần đưa trẻ trở lại trung tâm y tế để tái khám.
  • Cần cách ly trẻ bị bệnh, đeo khẩu trang cho trẻ khi tiếp xúc người khác trong tuần đầu tiên.
  • Khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sốt cao hơn 38oC, thở mệt, rung chân, đi loạng choạng, ngủ li bì, co giật, hôn mê cần thì cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế.

Cần làm gì để dự phòng bệnh tay chân miệng?

  • Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây nhiễm rất dễ dàng trong cộng đồng mà chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Do vậy, việc dự phòng dịch bệnh cần được thực hiện một cách triệt để từ cơ quan chức năng đến từng người dân.
  • Tại nhà riêng, trường học, nhà trẻ, lớp mẫu giáo luôn phải được giữ vệ sinh sạch sẽ. Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng, rửa tay trước và sau khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh.
  • Khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học để điều trị. Nếu có từ 2 trẻ trở lên cùng mắc bệnh ở trong một lớp, cần cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày ca cuối cùng khởi bệnh.
  • Khử trùng dụng cụ học tập, đồ chơi, quần áo, chăn màn và lớp học nơi có trẻ bị mắc bệnh bằng Cloramin B 2%. Ngâm và tráng nước sôi dụng cụ ăn uống trước khi sử dụng.
  • Những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhi cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phải rửa tay bằng xà phòng sau khi thay tã hoặc vệ sinh cho trẻ. Không nên hôn hay sử dụng chung vật dụng với trẻ bị bệnh.
  • Không cho phép trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ nhiều trẻ em khác khi còn triệu chứng bệnh tay chân miệng.
  • Theo dõi biểu hiện bệnh chân tay miệng đối với các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em để thông báo kịp thời cho cơ quan y tế.
  • Đối với cán bộ y tế: cần rửa tay bằng dịch sát khuẩn ngay sau khi tiếp xúc với chất tiết, bài tiết của bệnh nhi mắc bệnh cả khi có mang găng tay và không mang găng tay, mang trang phục phòng hộ khi làm thủ thuật có nguy cơ nhiễm bệnh trên bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Xem thêm:

  • Mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng và cách phòng tránh
  • Trẻ bị bệnh tay chân miệng bao lâu thì khỏi?
  • Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 điều trị thế nào?