Bị viêm lợi: Mất răng như chơi, dễ gặp biến chứng nặng

Viêm lợi (hay còn gọi là viêm nướu) là một trong những vấn đề răng miệng thường gặp. Bệnh thường gây ra bởi nhiều nguyên nhân và nhiều mức độ khác nhau. Nhiều người thường xem thường và không để ý bệnh này. Tuy nhiên bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh.

Bị viêm lợi: Mất răng như chơi, dễ gặp biến chứng nặng Bị viêm lợi: Mất răng như chơi, dễ gặp biến chứng nặng

Viêm lợi là gì?

Viêm lợi là một bệnh gây ra do sự tích tụ các mảng bám trên răng, làm kích ứng gây mẩn đỏ dẫn đến sưng (lợi) nướu răng. Bệnh nếu không được chữa trị và lợi tiếp tục bị tổn thương có thể dẫn đến tình trạng chảy máu lợi và nặng hơn có thể khiến răng bị rụng.

Đây được xem là bệnh nha chu ở thể nhẹ, và mảng bám là tác nhân dẫn đến tình trạng viêm đỏ và sưng nướu răng. Nhưng cũng chính vì vậy mà người bệnh thường xem nhẹ và dẫn đến điều trị muộn màng. Nguy hiểm hơn nha chu, viêm lợi có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng và cuối cùng là mất răng.

Vệ sinh răng miệng không kỹ chính là tác nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng này. Và việc vệ sinh răng miệng răng không tốt này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hao tổn tiền bạc rất lớn cho những phương pháp điều trị răng miệng tốn kém. Do đó việc duy trì chăm sóc thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu.

vicare.vn-bi-viem-loi-mat-rang-nhu-choi-de-gap-bien-chung-nang-body-1

Viêm lợi biểu hiện như thế nào?

Lợi khỏe mạnh sẽ chắc và có màu hồng nhạt. Sự thay đổi màu của lợi thành nâu sẫm đỏ cũng như dễ chảy máu báo hiệu rằng có thể người bệnh đã mắc bệnh viêm lợi. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này như sau:

Chảy máu

Chảy máu lợi một cách dễ dàng sau bữa ăn hoặc trong lúc đánh răng cũng như sau đó đều là những dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh viêm lợi. Đây cũng có thể là khởi đầu của những căn bệnh nặng hơn.

Lợi sưng, mềm

Nhiễm trùng xung quanh răng làm lợi tấy đỏ, sưng gây đau đớn và khó chịu cho người mắc bệnh.

Hơi thở có mùi khó chịu

Vi khuẩn kết hợp với phần thức ăn sót lại trong miệng đang trong quá trình phân hủy có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm lợi, làm hơi thở có mùi hôi.

Răng nhạy cảm gây đau

Sâu răng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị nhạy cảm, tuy nhiên nó cũng có thể bắt nguồn từ bệnh viêm lợi. Vì vậy cần cẩn trọng trong việc chăm sóc răng hơn là chỉ chú trọng vào các loại đồ ăn, thức uống nên kiêng.

Răng lung lay

Răng lung lay bắt nguồn từ việc các mô xương cũng như lợi bị tổn hại và dần tiêu đi trong quá trình viêm nha chu.

Tụt lợi lộ chân răng

Nhiễm trùng lợi ở bệnh nha chu dẫn tới tụt lợi và lộ chân răng do các mô lợi này đã bị vi khuẩn phá huỷ.

vicare.vn-bi-viem-loi-mat-rang-nhu-choi-de-gap-bien-chung-nang-body-2

Nguyên nhân gây viêm lợi là gì?

Việc không chải sạch răng miệng thường xuyên sẽ nhanh chóng tạo cơ hội cho việc hình thành các mảng bám trong vòng 24 giờ. Vi khuẩn trong miệng sẽ kết hợp với tinh bột và đường trong thức ăn còn sót lại sau quá trình ăn uống, qua vài ngày tình trạng này có thể làm cứng dưới nướu răng hình thành cao răng. Mảng bám cao răng cũng vì thế mà bị loại bỏ khó khăn hơn, tạo ra một bức tường kiên cố cho vi khuẩn. Sử dụng chỉ nha khoa hay các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường không thể loại bỏ được tình trạng cao răng này mà phải cần đến nha sĩ để được giải quyết triệt để hơn.

Các mảng bám và cao răng này theo thời gian càng kích thích nướu răng viêm sưng và chảy máu cách dễ dàng hơn. Do đó để loại bỏ các mảng bám này, cần tạo thói quen dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng miệng cũng như đánh răng đúng cách.

Yếu tố nguy cơ của viêm lợi

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm lợi bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng không tốt.
  • Khô miệng.
  • Chế độ ăn uống không đủ chất.
  • Hút thuốc lá.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Giảm miễn dịch.
  • nhiễm một số loại virus; nấm.
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Lớn tuổi.

Viêm lợi có thể gây ra những biến chứng gì?

Viêm lợi nếu không được điều trị kịp thời và kéo dài có thể gây viêm rộng đến các mô cơ và xương xung quanh, còn gọi là viêm nha chu, nghiêm trọng hơn có thể gây mất răng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa viêm nha chu và nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc bệnh phổi. Và những phụ nữ có thai mắc bệnh nha chu có thể khả năng gây sinh non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng thấp hơn những phụ nữ có nướu răng khỏe mạnh. Các nghiên cứu này qua đó đã nêu bật lên vai trò và tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng.

Các bác sĩ sẽ làm gì để điều trị bệnh viêm lợi?

Dựa vào triệu chứng được người bệnh mô tả , các nha sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng, lợi và lưỡi cũng như các mảng bám và cao răng tích tụ trên răng của bạn.

Thông thường nếu tình trạng viêm lợi nhẹ các nha sĩ sẽ loại bỏ tất cả các mảng bám trên răng và lấy cao răng của bạn. Việc lấy cao răng có thể gây khó chịu với các trường hợp mô răng bám nhiều và sâu (có thể bám sâu dưới nướu răng).

Đối với những răng mọc không thẳng hàng gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng hằng ngày hoặc những răng đã sâu, hư hỏng. Các nha sĩ thường sẽ giải thích với bạn việc loại bỏ chúng đi, hướng dẫn bạn cách vệ sinh răng miệng đúng đắn và theo dõi tái khám

Nếu việc vệ sinh sau điều trị tốt, sẽ thấy mô nướu răng hồng trở lại trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

vicare.vn-bi-viem-loi-mat-rang-nhu-choi-de-gap-bien-chung-nang-body-3

Phong cách sống và biện pháp khắc phục

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm lợi là vệ sinh răng miệng tốt,và thường xuyên. Do đó để hạn chế tình trạng viêm lợi và ngăn không cho bênh quay trở lại và diễn tiến nặng hơn, các nha sĩ khuyên bạn:

  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng và chải răng đúng cách
  • Sử dụng bàn chải răng loại mềm và nên thay thế mỗi 3 - 4 tháng.
  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng thay tăm xỉa răng.
  • Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn ngày
  • Vệ sinh cả lưỡi khi chải răng. Bởi đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở gây nên tình trạng hơi thở nặng mùi và làm tăng nguy cơ viêm lợi, sâu răng.
  • Ưu tiên những loại kem đánh răng có khả năng khống chế mảng bám, vì mảng bám là “đầu mối” gây viêm lợi, viêm chân răng.
  • Thường xuyên gặp nha sĩ để lấy cao răng mỗi 6 đến 12 tháng.

Viêm lợi là một bệnh phổ biến thường gặp. Bệnh thường không được chú ý nhiều và là một trong những nguyên nhân gây ra những bệnh lý răng miệng và gây tổn hao chi phí điều trị cho những người mắc bệnh. Vệ sinh răng miệng kém được xem là nguyên nhâ của mọi vấn đề. Do đó cần vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách để giữ cho hàm răng của bạn luôn khỏe đẹp.

Xem thêm:

  • 3 loại thực phẩm nằm trong cách điều trị viêm lợi chảy máu chân răng
  • Mẹ bầu viêm lợi có thể dẫn đến sảy thai không?
  • Tại sao viêm lợi sau khi bọc răng sứ, cách khắc phục an toàn như thế nào