Bị nóng sốt, lạnh bên trong và nóng bên ngoài, toàn thân ê ẩm là bệnh gì?
Thông thường sốt có rét run kèm theo đau bụng cần nghi ngờ tới nhiễm khuẩn đường mật hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sốt rét run thường do vi khuẩn Gram âm. Trong tình huống sốt cao, để chẩn đoán lý do nên cấy máu tìm ký sinh trùng sốt rét để loại trừ sốt rét và loại từ nhiễm khuẩn huyết.
Bị nóng sốt, lạnh bên trong và nóng bên ngoài, toàn thân ê ẩm là bệnh gì?
Chào bác sĩ.
Thưa bác sĩ! Cha tôi năm nay 47 tuổi, bị nóng sốt, lạnh bên trong mà nóng bên ngoài. Không bị nhức đầu, chóng mặt hay gì hết, chỉ có nóng sốt, toàn thân ê ẩm và đau ở bụng. Đi khám thì người ta chưa tìm ra rõ lý do. Mỗi lần sốt lên là lạnh rung cả người. Mấy ngày đầu lên cơn sốt 1 đến 2 lần, mấy ngày sau mức độ lên cơn sốt tăng dần. Có uống thuốc nhưng hết thuốc thì bị sốt lại. Xin bác sĩ xem xét và chỉ cách điều trị cũng như cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào?
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
Sốt có rét run, kèm đau bụng có thể là bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn
Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường (Viện Y học dự phòng Quân đội) trả lời người bệnh, cha bạn bị sốt, có rét run, có đau ở vùng bụng.
Nhiễm khuẩn đường mật là gì?
Đường mật giống như một thân cây cổ thụ, có gốc cắm tại tá tràng, trên thân là ống dẫn mật chủ có mọc “quả” là túi mật, cành cây bao gồm rất nhiều các đường dẫn mật nhỏ trong gan. Dịch mật sau khi được gan sản xuất sẽ di chuyển tới túi mật, đến bữa ăn có chất béo, túi mật co bóp tống dịch mật vào ruột non.
Nhiễm khuẩn đường mật là một tình trạng viêm cấp tính của đường mật trong gan hoặc ngoài gan. Bệnh có thể xảy ra do tắc nghẽn dịch mật, kèm theo sự có mặt của các vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong đường mật.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là gì?
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, bàng quang và niệu đạo thường bị nhiễm trùng nhất.
Chăm sóc cho người bệnh cần chú ý gì?
Để giúp người nhà và bệnh nhân mau chóng khỏe mạnh, bác sĩ Nguyễn Kiên Cường đưa ra lời khuyên:
- Nên hạ sốt bằng phương pháp vật lý: chườm khăn mát khi ba cháu sốt nhẹ.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, đảm bảo giàu dinh dưỡng và Vitamin.
- Cần khám, làm xét nghiệm bổ sung để có định hướng chẩn đoán, xác định chẩn đoán và chữa trị phù hợp.