Bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì?

Mụn trứng cá không chỉ làm mất đi sự tự tin mà còn khiến bạn khó chịu khi làn da đầy mụn và những vết sẹo do nặn mụn mà ra. Có nhiều người đã thử áp dụng qua rất nhiều biện pháp nhưng đều không có kết quả. Vậy bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì để chữa được mụn?

Bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì? Bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì?

1. Những nguyên nhân gây ra mụn trứng cá?

Mụn trứng cá (hay còn gọi là mụn) là bệnh da liễu liên quan đến tuyến bã nhờn dưới da. Trên da có những lỗ chân lông và đường dẫn chất nhờn từ lỗ chân lông đến tuyến bã nhờn được gọi là nang lông.

Khi nang lông bị lượng lớn chất nhờn và tế bào chết làm tắc nghẽn, dẫn đến viêm và hình thành những nốt mụn đỏ. Mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, cổ, vai, lưng và ngực. Mụn trứng cá có thể chỉ là vài nốt nhỏ cộm lên không đau (mức độ nhẹ), có sưng tấy đỏ (mức độ trung bình). Nhưng cũng có thể rất đau và nghiêm trọng khi bị nhiễm trùng và sinh ra mụn bọc mủ. Mụn trứng cá tuy không đe dọa nghiêm trọng gì đến sức khỏe, nhưng lại gây mất thẩm mỹ và có thể để lại sẹo.

Mụn thường xuất hiện ở độ tuổi dậy thì từ 13-22 tuổi và có thể kéo dài rất lâu, những người ngoài 30 vẫn có thể bị mụn trứng cá như thường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra mụn trứng cá, nhưng có 4 nguyên nhân điển hình là: tăng tiết bã nhờn, nhiễm trùng, viêm nang lông, thay đổi về nội tiết...:

  • Tăng tiết bã nhờn: Là nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn trứng cá. Hiện tượng này xảy ra khi bã nhờn dưới da được sản xuất quá nhiều. Sự tăng tiết bã nhờn này có thể đến từ những thay đổi bên trong cơ thể như: tác dụng phụ của thuốc, di truyền, stress...
  • Nhiễm trùng da: Da bị nhiễm khuẩn gây ra nhiễm trùng sưng đỏ từ đó tạo thành viêm da và mụn trứng cá.
  • Viêm nang lông: Xảy ra khi các nang lông bị nhiễm trùng và khiến cho các nang lông chứa đầy mủ (mụn mủ), đỏ, ngứa, với một sợi lông/tóc ở trung tâm mụn đỏ đó.
  • Thay đổi về nội tiết: Những thay đổi về nội tiết khi bạn ở giai đoạn dậy thì hay trong thời kỳ kinh nguyệt rồi mang thai và mãn kinh có thể khiến mụn xuất hiện. Sự mất cân bằng các hormone trong cơ thể khiến hoạt động của tuyến dầu thay đổi, bã nhờn tiết nhiều khiến lỗ chân lông bị tắc, da viêm đỏ và xuất hiện mụn. Trong nhiều trường hợp, thay đổi nội tiết có thể gây ra mụn đầu trắng, đầu đen và cả mụn mủ, u nang.

Mụn trứng cá nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những tổn thương nặng nề về da và có thể xuất hiện tình trạng mụn trứng cá bọc... Điều trị mụn trứng cá ngoài việc điều trị ngoài da, cần phải tìm được nguyên nhân gây bệnh để điều trị thì mới đạt hiệu quả tối đa.

vicare.vn-bi-mun-trung-ca-nen-uong-thuoc-gi-body-1

2. Bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì, lựa chọn thuốc điều trị mụn trứng cá an toàn?

Thuốc có tác dụng điều trị mụn trứng cá bao gồm thuốc điều trị ngoài da (thuốc bôi, mỹ phẩm...) và thuốc có tác dụng điều trị toàn thân (thuốc uống, tiêm).

2.1 Thuốc bôi ngoài da

Thuốc bôi ngoài da trị mụn trứng cá được chia làm 3 nhóm:

  • Nhóm có tác dụng bạt sừng, bong vảy (keratolytics): như mỡ salicylic acid 5-10%. Có tác dụng làm mỏng lớp sừng trên bề mặt da, làm bong các nút sừng ở cổ tuyến bã, giúp chất bã thoát ra ngoài dễ dàng hơn, giảm tắc nghẽn chất bã trong túi tuyến bã. Nhóm thuốc này thích hợp để làm bong các nút sừng ở mụn đầu trắng, mụn bọc nhỏ. Tùy vị trí và mức độ mụn chọn loại có nồng độ phù hợp.
  • Kết hợp nhóm thuốc kháng sinh (antibiotic) và kháng khuẩn (antibacterial): Các kháng sinh như clindamycin, erythromycin, doxycyclin và kháng khuẩn chống viêm như benzoyl peroxide thường được sử dụng. Vì các loại thuốc này vừa có tác dụng diệt vi khuẩn gây viêm tại mụn vừa có tác dụng chống viêm. Thích hợp để điều trị các loại mụn viêm, mụn mủ. Dùng cả đường bôi và uống. Cũng có thể dùng các loại kháng sinh bôi ngoài da như: creme, gel erythromycin 2- 4%, clindamycin 1%, benzoyl peroxide 2,5- 5%. Tuy nhiên nên thận trọng vì các thuốc bôi ngoài da này nhạy cảm với ánh sáng vì vậy nên tránh nắng trong thời gian điều trị. Benzoyl peroxide còn có thể gây kích ứng trên da, do đó trước khi dung nên bôi thử một vùng nhỏ ở mặt trong cẳng tay, nếu không thấy ngứa, nổi mẩn đỏ thì mới bôi lên mặt.
  • Nhóm vitamin A acid (retinoid): Retinoid có tác dụng hỗ trợ làm tiêu nhân mụn, hạn chế sự hình thành nhân mụn và thuốc cũng có tác dụng chống viêm, giảm tiết bã... Được dùng cho mọi loại mụn trứng cá, đặc biệt là trứng cá bọc, mụn mủ, mạch lươn. Tuy nhiên retinoid không được dùng cho phụ nữ có thai, những người có tryglyceride, cholesterol máu cao. Retinoid tuy có tác dụng tốt trong điều trị mụn nhưng cũng có tác dụng phụ là gây khô da, khô rộp môi, bong vảy lòng bàn tay, bàn chân. Để hạn chế bớt tác dụng phụ này chúng ta có thể cho dùng thêm các loại kem giữ ẩm, mềm da. Và trong quá trình điều trị bạn nên hạn chế những loại sữa rửa mặt có tác dụng tẩy rửa mạnh đồng thời hạn chế tiếp xúc với nắng hoặc dùng các biện pháp che, chắn nắng trong thời gian dùng thuốc và nên bôi thuốc vào buổi tối.

2.2 Thuốc uống

Bệnh nhân bị mụn trứng cá nặng có thể sử dụng nhóm thuốc nội tiết (hormone) như thuốc đối kháng androgen có nguồn gốc tự nhiên. Phổ biến nhất là các loại thuốc tránh thai, thường được chỉ định cho các trường hợp nữ bị trứng cá. Để thuốc phát huy hiệu quả cần có thời gian từ 3 - 6 tháng. Do thuốc có nguồn gốc là hormone nên trong quá trình sử dụng cần có sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Không dùng nhóm thuốc này cho nhóm đối tượng là phụ nữ mang thai và cho con bú.

3. Chế độ ăn uống và sinh hoạt góp phần cải thiện tình trạng mụn trứng cá

vicare.vn-bi-mun-trung-ca-nen-uong-thuoc-gi-body-2
Không tự ý bóp nặn mụn

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị, bệnh nhân bị mụn trứng cá cũng nên có một chế độ ăn uống và luyện tập lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị cũng như hạn chế mụn tái phát.

Dưới đây là những lưu ý dành cho những ai đang bị mụn trứng cá:

  • Không tự ý nặn, bóp mụn: Việc nặn bóp mụn trứng cá sẽ làm tổn thương lan rộng hơn, sâu hơn. Ngoài ra có thể bị bội nhiễm thêm do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào khiến viêm nhiễm nặng hơn, làm tăng nguy cơ tạo sẹo.
  • Không chữa mụn bằng các phương pháp dân gian: đắp lá, đắp thuốc và xông hơi... vì những việc này càng khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
  • Không cần ăn kiêng: Nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về việc có loại thức ăn nào ảnh hưởng tới mụn trứng cá. Tuy nhiên nên tránh loại thức ăn mà bạn cảm thấy khi ăn vào thì trứng cá mọc nhiều hơn.
  • Tránh nắng: Tia tử ngoại ảnh hưởng nhiều tới làn da của bạn, khiến da bị tổn thương, lão hóa, tăng nguy cơ ung thư da và càng làm da bị mất thẩm mỹ nếu có mụn trứng cá. Do đó khi ra ngoài trời nên sử dụng kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên.
  • Hạn chế các yếu tố khiến bệnh nặng thêm: Ví dụ như thuốc tránh thai chỉ có progesterone, corticosteroid bôi hoặc uống, vitamin B12 tiêm... Đặc biệt một số loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc thường có thành phần corticosteroid...
  • Các bệnh liên quan đến nội tiết: Trường hợp trẻ dưới 10 tuổi bị mụn trứng cá, cần kiểm tra xem có các dị dạng, bệnh của tuyến nội tiết hay không. Còn với phụ nữ, mụn trứng cá nhiều có thể là biểu hiện của chứng cường androgen cùng với các biểu hiện rậm lông, béo phì, kinh nguyệt không đều. Thì cần phải kiểm tra và kết hợp điều trị cả bệnh nội tiết mới có hiệu quả trong điều trị mụn.
  • Các yếu tố tinh thần, xã hội: Những người hay bị stress, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, làm việc quá sức... cũng dễ bị mụn trứng cá. Trong quá trình điều trị mụn cần quan tâm và loại bỏ các yếu tố tiêu cực này.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Một số công việc cần phải tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ, halogen hay làm việc trong môi trường ẩm ướt, nóng bức... cũng dễ khiến người ta bị mụn trứng cá hoặc làm nặng thêm tình trạng mụn vốn có. Cần phải cải thiện môi trường và điều kiện làm việc ở những bệnh nhân này, thậm chí phải đổi nghề nếu muốn chữa khỏi hoàn toàn.

Muốn điều trị mụn trứng cá hiệu quả cần biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh để cải thiện chúng song song với việc sử dụng thuốc. Khi tham vấn bác sĩ, tùy thuộc vào loại mụn và trình trạng da mà bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp phù hợp. Hy vọng những thông tin trên đây hữu ích với những bạn đang lo lắng và không biết bị mụn trứng cá nên uống thuốc gì để điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

  • Bị ngứa da mặt là bệnh gì?
  • Da mặt dầu, hỗn hợp khi bôi sữa ong chúa bị ngứa, có đốm đỏ hai gò má là mắc bệnh da liễu gì?
  • Bệnh ngứa ngoài da nguyên nhân do đâu?