Bị cảm lạnh là gì? Nguyên nhân của bệnh cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh lý lành tính, thường tự khỏi trong 1 tuần. Tuy nhiên cảm lạnh là môi trường thuận lợi cho một tình trạng nhiễm trùng khác xâm nhập cơ thể. Bệnh cảm lạnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy bệnh cảm lạnh hay xuất hiện vào mùa lạnh. Vậy nguyên nhân của cảm lạnh là gì? Triệu chứng của bệnh cảm lạnh ra sao? Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết này.

Bị cảm lạnh là gì? Nguyên nhân của bệnh cảm lạnh Bị cảm lạnh là gì? Nguyên nhân của bệnh cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh lý lành tính, thường tự khỏi trong 1 tuần. Tuy nhiên cảm lạnh là môi trường thuận lợi cho một tình trạng nhiễm trùng khác xâm nhập cơ thể. Bệnh cảm lạnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy bệnh cảm lạnh hay xuất hiện vào mùa lạnh. Vậy nguyên nhân của cảm lạnh là gì? Triệu chứng của bệnh cảm lạnh ra sao? Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết này.

Bệnh cảm lạnh là gì?

Bệnh cảm lạnh, hay gọi tắt là bệnh cảm, là một bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra. Đường hô hấp trên bao gồm: mũi, họng, các xoang, và khí quản.

Đây là bệnh lý lành tính. Phần lớn mọi người hồi phục bệnh cảm lạnh trong vòng 1 tuần đến 10 ngày. Triệu chứng kéo dài hơn ở những người hút thuốc lá.

Có nhiều loại virus gây ra bệnh cảm lạnh.

Nguyên nhân của cảm lạnh

Tác nhân gây cảm lạnh

Có nhiều loại virus là nguyên nhân gây cảm lạnh, nhóm rhinovirus là tác nhân thường gặp nhất, các nhóm khác có thể gặp là nhóm human coronavirus, influenza virus, adenovirus, human respiratory syncytial virus, enteroviruses. Thường thì một người mang nhiều loại virus khi bị cảm lạnh. Có khoảng tổng cộng 200 loại virus liên quan đến bệnh cảm lạnh.

Đường lây truyền của cảm lạnh

Virus gây bệnh cảm lạnh thường xâm nhập qua hạt không khí, tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi, hay vật thể dơ. Virus có thể tồn tại khá lâu trong không khí (trên 18 giờ đối với rhinovirus) và khi tay người dính những vật thể hay dịch tiết chứa virus, những bàn tay này tiếp xúc với mắt, mũi sẽ xảy ra nhiễm trùng nơi đó. Đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh. Cách lây truyền này thường gặp trong các nhà trẻ, nơi có nhiều trẻ con mà hệ miễn dịch chưa trưởng thành và thường chưa có ý thức vệ sinh cá nhân; giữa các thành viên trong gia đình; những người ngồi gần nhau (dưới 1m).

Miễn dịch của cơ thể với virus cảm lạnh

Miễn dịch ghi nhớ, là các kháng thể được tạo ra trong các lần bị cảm lạnh trước đó, đóng vai trò quan trọng trong việc giới hạn sự gây bệnh trong cơ thể. Đó là lý do ta thường thấy trẻ nhỏ thường dễ bị cảm lạnh hơn người lớn; sự thiếu ngủ và rối loạn dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh - điều này cũng được lý giải dựa trên hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng trong các điều kiện sống này.

Phụ nữ cho con bú làm giảm nguy cơ bị cảm lạnh cho trẻ, và vì thế các nhà khoa học khuyến cáo bà mẹ nên tiếp tục cho con bú khi trẻ bị cảm lạnh.

Tại sao chúng ta thường bị cảm lạnh vào mùa lạnh?

vicare.vn-bi-cam-lanh-la-gi-nguyen-nhan-cua-benh-cam-lanh-body-1

Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC), bệnh cảm lạnh có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng đa phần các ca bệnh thường tập trung vào mùa lạnh, thời điểm mưa nhiều, những tháng thời tiết hanh khô.

Có nhiều giả thuyết để giải thích về mối liên quan giữa nhiệt độ thấp, sự hanh khô của không khí và bệnh cảm lạnh. Rằng nhiệt độ thấp làm thay đổi hành vi của virus, hệ miễn dịch của chúng ta.

Không khí lạnh ảnh hưởng đến hàng rào miễn dịch sơ cấp của chúng ta

Virus cảm lạnh xâm nhập vào cơ thể qua mũi hay mắt. Khi đó, niêm mạc mũi của chúng ta có cơ chế ngăn cản sự xâm nhập của virus bằng cách tiết ra dịch nhầy, virus bị bắt lại bên trong, rồi các sợi lông nhỏ trong mũi sẽ giữ lớp nhầy chứa virus lại, ngăn chúng di chuyển xuống vùng họng, khí quản. Sau đó, ta sẽ nuốt các dịch nhầy từ mũi này, nhưng độ acid của dạ dày tiêu hóa các virus này nhanh chóng nên chúng ta không bị ảnh hưởng.

Nhưng trong thời tiết lạnh, đường hô hấp ở mũi bị làm lạnh, và làm giảm sản xuất dịch nhầy. Virus bây giờ có thể bám dính lâu hơn, có nhiều cơ hội đi vào vùng họng, xuống khí quản hơn, và gây cảm lạnh cho chúng ta. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao bệnh cảm lạnh hay bị mắc vào mùa đông.

Vitamin D và những hoạt động ít tiếp xúc với mặt trời

Trong mùa lạnh, lượng tia UV giảm nhiều so với mùa hè. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tổng hợp vitamin D trong cơ thể. Vitamin D được chứng minh là có vai trò trong quá trình tạo lập kháng thể kháng khuẩn, nghĩa là làm giới hạn khả năng gây bệnh của virus cảm lạnh.

Triệu chứng của cảm lạnh

vicare.vn-bi-cam-lanh-la-gi-nguyen-nhan-cua-benh-cam-lanh-body-2

Các triệu chứng của cảm lạnh được tạo ra bởi phản ứng của cơ thể với virus. Các phản ứng kích hoạt sự phóng thích hóa chất, làm dãn mạch máu, khiến các ống tuyến tiết nhầy trong niêm mạc tăng hoạt động.

Các triệu chứng của cảm lạnh thường gặp:

  • Khô họng
  • Đau họng
  • Ho khan
  • Sốt nhẹ
  • Khò khè
  • Khàn giọng
  • Nghẹt mũi
  • Đau đầu nhẹ

Các triệu chứng của cảm lạnh ít gặp hơn, bao gồm:

  • Đau nhức cơ
  • Lạnh run
  • Đỏ mắt
  • Yếu mệt
  • Giảm cảm giác thèm ăn

Một số người không có triệu chứng khi bị cảm lạnh, có thể được lý giải là hệ miễn dịch của họ phản ứng với virus theo cách khác. Thỉnh thoảng, vi khuẩn có thể xâm nhập dễ hơn khi chúng ta bị nhiễm virus cảm lạnh- được gọi là một tình trạng nhiễm trùng thứ phát- và có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bị cảm lạnh hay bị cúm?

Khi chúng ta thức dậy khò khè, ho khan, sốt nhẹ, đau nhức cơ thể, làm sao có thể phân biệt là ta đã bị cảm lạnh hay bị cúm?

Cảm lạnh là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ nhàng hơn bệnh cúm.

Triệu chứng của cảm lạnh kéo dài ngắn ngày hơn so với cúm.

Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và cần nhập viện.

Bệnh nhân cảm lạnh thường sốt nhẹ, còn cúm thì sốt cao, đổ mồ hôi, lạnh run. Đây là đặc điểm đặc trưng ban đầu để phân biệt giữa bệnh cảm lạnh và cúm.

Những đối tượng tăng nguy cơ bị cảm lạnh

vicare.vn-bi-cam-lanh-la-gi-nguyen-nhan-cua-benh-cam-lanh-body-3
Bạn dễ bị cảm lạnh hơn và triệu chứng nặng hơn nếu bạn hút thuốc lá

Tuổi: Trẻ em dưới 6 tuổi thường tăng nguy cơ bị cảm lạnh.

Suy giảm miễn dịch. Những người có bệnh mãn tính hoặc các bệnh lý suy giảm miễn dịch có thể khiến mắc cảm lạnh bất kỳ lúc nào.

Hút thuốc lá: Bạn dễ bị cảm lạnh hơn và triệu chứng nặng hơn nếu bạn hút thuốc lá.

Phơi nhiễm: Nếu bạn tập trung với nhiều người, như trường học, máy bay, bạn dễ dàng phơi nhiễm với virus cảm lạnh.

Thời tiết: Cả trẻ em lẫn người lớn thì nhạy với cảm lạnh hơn trong thời tiết lạnh, hanh khô.

Biến chứng của bệnh cảm lạnh

Nhiễm trùng tai cấp tính: Tình trạng này xảy ra khi vi trùng hay virus đi vào tai trong. Dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng bao gồm: đau nhức tai và trong một số trường hợp, sẽ thấy dịch mủ vàng hoặc xanh lá chảy từ mũi, sốt trở lại sau khi hết cảm lạnh.

Cơn hen: Một đợt cảm lạnh có thể kích hoạt cơn hen ở người có tiền sử hen suyễn.

Viêm mũi xoang: Ở người lớn hoặc trẻ em, cảm lạnh không phục hồi hoàn toàn có thể dẫn đến sự viêm và nhiễm trùng của các xoang vùng mặt.

Các nhiễm trùng thứ phát khác: Các nhiễm trùng này bao gồm viêm họng vi trùng, viêm phổi, viêm tiểu phế quản (chỉ gặp ở trẻ em). Những tình trạng nhiễm trùng này cần được điều trị bởi bác sĩ.

Phòng ngừa bị cảm lạnh

Không có vaccine tiêm ngừa bệnh cảm lạnh, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách ngăn sự lây lan của virus cảm lạnh:

Rửa tay: Rửa tay thường quy và thường xuyên với xà phòng, và hướng dẫn trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay.

Tiệt trùng vật dụng: Hãy lau dọn bếp, phòng tắm bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt khi trong gia đình có người bị cảm lạnh.

Sử dụng khăn giấy: Hãy hắt hơi, ho vào khăn giấy. Vứt khăn giấy đã sử dụng ngay, sau đó rửa tay xà phòng.

Không chia sẻ vật dụng: Không chia sẻ li nước uống hay muỗng đũa với các thành viên trong gia đình.

Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh

Sống lành mạnh: Ăn đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục, ngủ đủ giấc và đúng giờ, tránh stress tinh thần.

Bệnh cảm lạnh gây ra bởi tác nhân virus, chiếm đa phần là rhinovirus, là một bệnh lành tính, thường tự giới hạn, lây truyền bằng bàn tay dơ dụi mắt mũi hay hít phải hạt không khí có chứa virus. Cơ thể có 2 hàng rào bảo vệ khi có sự tiếp xúc với virus: đầu tiên là niêm mạc mũi tiết chất nhầy bắt giữ các hạt không khí nhiễm bệnh này, sau đó là các sợi lông nhỏ trong mũi sẽ cản trở sự di chuyển vào bên trong sâu hơn của virus, tiếp theo là hàng rào miễn dịch ghi nhớ sử dụng các bạch cầu để tấn công virus nếu chúng xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, trong một số điều kiện có lợi cho sự xâm nhập của virus như: thời tiết hanh khô nhiệt độ thấp khiến niêm mạc mũi giảm tiết nhầy, ở những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hay các bệnh lý suy giảm miễn dịch, ở người già và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch có thể không ngăn cản được sự xâm nhập của virus. Hiện chưa có vaccine tiêm ngừa cảm lạnh, tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu số đợt cảm lạnh của mình bằng cách rửa tay thường xuyên, không chia sẻ vật dụng, hạn chế tiếp xúc với người cảm lạnh, và sống lành mạnh.

Xem thêm:

  • Khi trẻ bị sốt có được nằm điều hoà không?
  • Liệt kê những tác hại khôn lường đi ngủ khi tóc ướt
  • Nguyên nhân và cách điều trị chứng đau đầu buồn nôn