Bệnh xơ gan mất bù là gì?

Nói đến xơ gan, hẳn nhiều người không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, có một bệnh lý về gan khác cũng thường gặp, nhưng lại ít được nghe nói đến hơn: bệnh xơ gan mất bù. Vậy bệnh xơ gan mất bù là gì? Liệu có phải một dạng xơ gan hay không? Triệu chứng, tiên lượng, điều trị bệnh như thế nào? Cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.

Bệnh xơ gan mất bù là gì? Bệnh xơ gan mất bù là gì?

Bệnh xơ gan mất bù là gì?

Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng như tiêu hóa, thải độc, sinh hồng cầu,... Theo thống kê, gan có tới trên 500 chức năng khác nhau trong cơ thể. Cũng vì vậy mà bệnh lý về gan khá phổ biến và đa dạng, trong đó có bệnh xơ gan, đặc biệt là xơ gan mất bù.

Xơ gan là quá trình xơ lan tỏa vì hình thành các khối tăng sinh ở gan với cấu trúc bất thường, cùng với sự đảo lộn cấu trúc tế bào gan. Đây là kết quả của quá trình tăng sinh xơ kết hợp với các tổn thương gan mạn tính. Đây là tổn thương không hồi phục, làm suy giảm các chức năng của gan.

Vậy bệnh xơ gan mất bù là gì? Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và tiên lượng điều trị, xơ gan được chia làm 2 giai đoạn:

  • Xơ gan còn bù (hay xơ gan tiềm tàng, xơ gan giai đoạn đầu): khó phát hiện do triệu chứng nghèo nàn, người bệnh vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường.
  • Xơ gan mất bù (hay xơ gan tiến triển, xơ gan giai đoạn cuối): chẩn đoán xác định chính xác hơn nhờ các dấu hiệu điển hình. Tuy nhiên triệu chứng nặng nề và tiên lượng điều trị kém.

Triệu chứng của bệnh xơ gan mất bù là gì?

Khi xơ gan đã tiến triển đến giai đoạn xơ gan mất bù, triệu chứng biểu hiện cũng khá nặng nề, rõ rệt, đa phần bệnh nhân đi khám vì những triệu chứng đó.

Có 2 hội chứng chính để chẩn đoán bệnh xơ gan mất bù, đó là hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Trong đó:

Hội chứng suy tế bào gan biểu hiện bằng:

  • Bệnh nhân mệt mỏi, sức khỏe sa sút nhanh, ăn uống kém.
  • Có những mảng thâm lâu tan trên da, có thể do va đập hoặc không. Đây là dấu hiệu bệnh nhân xuất huyết dưới da.
  • Bệnh nhân chảy máu mũi, chảy máu chân răng tự nhiên, loại trừ bệnh lý răng miệng.
  • Có thể có sốt, nhẹ hoặc nặng tùy tiến triển bệnh xơ gan mất bù và tùy từng bệnh nhân.
  • Vàng da từ nhẹ đến nặng, giai đoạn nặng có thể có vàng củng mạc mắt (phần lòng trắng của mắt)
  • Bệnh nhân có phù, đặc biệt ở tay và chân: dấu hiệu bệnh nhân béo bệu, sờ tay chân mềm, lấy ngón tay ấn trên da bệnh nhân 5 giây rồi bỏ tay ra, vết lõm rất rõ và lâu trở lại trạng thái ban đầu.
  • Cổ trướng: dấu hiệu này được bác sĩ thăm khám và kết luận. Tuy nhiên bệnh nhân và gia đình có thể nhận thấy một cách đơn giản là ngực vẫn nhỏ nhưng bụng to nhanh bất thường, da bụng căng, ấn cứng nhẹ.
  • Nếu sờ thấy gan thì mật độ cứng: Triệu chứng này được bác sĩ phát hiện khi đến khám.

Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: những dấu hiệu trong hội chứng này chủ yếu được xác định qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng. Đó là:

  • Lách to: tùy thời điểm phát hiện bệnh xơ gan mất bù mà lách to với các mức độ khác nhau tương ứng, thường ở độ I hoặc độ II.
  • Tuần hoàn bàng hệ cửa chủ.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản: dấu hiệu này thường được phát hiện qua nội soi hay khi bệnh nhân có nôn máu. Tùy giai đoạn bệnh mà mức độ gian cũng khác nhau.
  • Bệnh nhân có một số rối loạn về tâm thần như: hoạt động chậm chạp, tay chân run, hay mất ngủ.
vicare.vn-benh-xo-gan-mat-bu-la-gi-body-1

Nguyên nhân của bệnh xơ gan mất bù là gì?

Bệnh xơ gan mất bù thực chất là giai đoạn muộn của bệnh xơ gan. Do đó những nguyên nhân của xơ gan cũng chính là nguyên nhân gây bệnh xơ gan mất bù, cùng với việc bệnh nhân và gia đình không quan tâm nhiều đến sức khỏe để kịp thời phát hiện, khám và điều trị ở giai đoạn còn bù.

Có 2 nguyên nhân chính, chiếm tới trên 90% các trường hợp xơ gan, đó là:

  • Do các virus viêm gan: virus viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D.
  • Do bệnh nhân nghiện rượu lâu năm.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân hay yếu tố thuận lợi làm đẩy nhanh quá trình phát triển hoặc làm tăng nặng bệnh như:

  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn: xoắn khuẩn giang mai, sán máng, HIV gây viêm đường mật xơ hóa
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh liên quan đến chuyển hóa, bệnh - hội chứng di truyền có ảnh hưởng đến chức năng gan như: bệnh viêm gan do thoái hóa mô không do rượu, bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt alpha 1 - antitripsin, bệnh gan ứ đọng glycogen, bệnh gan xơ hóa dạng nang, haemochromatosis, không dung nạp fructose, tăng abetalipoprotein máu, porphirin niệu, mucopolysaccharidosis, tăng tyrosin, tăng glactose máu.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh đường mật: tắc mật trong gan, tắc mật ngoài gan.
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh mạch máu như: suy tim, hội chứng Budd - Chiari.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn: viêm gan tự miễn, xơ gan mật tiên phát, viêm đường mật xơ hóa tiên phát,...
  • Bệnh nhân ngộ độc hoặc nhiễm độc do thuốc. Một số nhóm thuốc có thể gây độc cho gan nếu sử dụng không đúng chỉ định như: isoniazid, halouracil, methotrexat, diclofenac, aflatoxin.
  • Trên nền bệnh nhân có suy dinh dưỡng, thiếu máu cũng rất dễ phát hiện bệnh lý xơ gan, thậm chí là xơ gan mất bù.
vicare.vn-benh-xo-gan-mat-bu-la-gi-body-2
Nhiễm khuẩn xoắn giang mai cũng là nguyên nhân gây xơ gan mất bù

Hậu quả của bệnh xơ gan mất bù là gì?

Bệnh xơ gan mất bù làm rối loạn và suy giảm chức năng gan, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Hơn nữa, giai đoạn mất bù là giai đoạn nặng của bệnh, nên các biến chứng có thể có sẽ nhiều và nguy hiểm hơn.

Có thể kể đến như:

  • Xuất huyết do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Đây là một biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
  • Bệnh lý não gan: là tình trạng thay đổi chức năng thần kinh ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Bệnh nhân kích thích hoặc lơ mơ, không tỉnh táo, rối loạn ý thức, lịm dần.
  • Cổ trướng: đây là biến chứng điển hình ở bệnh nhân xơ gan. Sự xuất hiện dịch trong ổ bụng này được coi là bước ngoặt đánh dấu tiên lượng không tốt cho bệnh.
  • Hội chứng gan thận: là tình trạng suy thận xuất hiện ở bệnh nhân xơ gan mất bù, có thể tiến triển nhanh hoặc chậm tùy theo thể bệnh.
  • Hạ Natri máu: Khoảng 20 - 30% bệnh nhân xơ gan mất bù có hạ Natri máu, dễ đi vào hôn mê gan.
  • Hội chứng gan phổi: gây thiếu oxy, tràn dịch màng phổi, rối loạn thông khí và tưới máu.
  • Nhiễm trùng dịch cổ trướng ở bệnh nhân xơ gan mất bù.
  • Ung thư gan: có khoảng trên 80% trường hợp ung thư gan phát hiện trên bệnh nhân có xơ gan mất bù. Vì vậy xơ gan được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư gan nguyên phát.

Điều trị bệnh xơ gan mất bù

Ở giai đoạn xơ gan mất bù, khả năng khỏi bệnh hoàn toàn của bệnh nhân là không thể. Các kế hoạch điều trị đưa ra đều có mục đích giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và ngăn ngừa biến chứng.

Điều trị nội khoa:

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thay đổi và duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt: nghỉ ngơi hoàn toàn, không dùng thuốc an thần và paracetamol, ăn uống đủ chất: đặc biệt là viatmin, giảm muối, hạn chế thịt đỏ.
  • Không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn.

Điều trị ngoại khoa: ghép gan cho những trường hợp có chỉ định.

Dự phòng bệnh xơ gan mất bù

vicare.vn-benh-xo-gan-mat-bu-la-gi-body-3

Dự phòng bệnh xơ gan mất bù, bao gồm cả dự phòng mắc bệnh cho người chưa mắc và dự phòng biến chứng cho người đã mắc bệnh xơ gan.

Một số biện pháp dự phòng bệnh xơ gan mất bù được khuyến cáo là:

  • Thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus viêm gan.
  • Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn, đặc biệt trên những người mang virus viêm gan.
  • Sàng lọc trước sinh dự phòng các bệnh lý bẩm sinh.
  • Thăm khám định kì nếu có yếu tố nguy cơ, đặc biệt là người nhiễm virus viêm gan và người nghiện rượu lâu năm.
  • Duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học.
  • Nếu thấy triệu chứng bất thường như mệt mỏi, giảm cân, chán ăn, đau hạ sườn phải, giảm khả năng tình dục, vàng da, sạm da,... dù nhẹ hay thoáng qua, cũng nên đi khám kiểm tra sức khỏe, đặc biệt trên bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ cao.
  • Nếu phát hiện bệnh cần tuân thủ điều trị, thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ.

Như vậy, bệnh xơ gan mất bù là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh xơ gan, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn, khám sức khỏe định kì để phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Với chẩn đoán bệnh xơ gan mất bù, bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Xem thêm:

  • Thuốc Maalox trị bệnh gì?
  • Hút thuốc lá có bị gan nhiễm mỡ không?
  • Thực hư chuyện ung thư gan có di truyền không?