Bệnh viện Chợ Rẫy có thật sự khan hiếm tiểu cầu?
Gần đây trên trang mạng xã hội lan truyền thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết tiểu cầu, tình hình khá nghiêm trọng khiến không ít bệnh nhân hoang mang. Tiểu cầu là một trong những thành phần tế bào máu, có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu...
Bệnh viện Chợ Rẫy có thật sự khan hiếm tiểu cầu?
Gần đây trên trang mạng xã hội lan truyền thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy đã hết tiểu cầu, tình hình khá nghiêm trọng khiến không ít bệnh nhân hoang mang.
Chiều 25/7, TS.BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy cho biết, thông tin lan truyền trên mạng đó không chính xác.
Theo TS.BS Lê Hoàng Oanh, máu là dược phẩm tự nhiên rất quý, các bệnh viện luôn rất cần máu và các chế phẩm từ máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân, vận động người dân hiến máu tình nguyện, trong đó có hiến các thành phần máu (tiểu cầu, huyết tương).
Tiểu cầu là một trong những thành phần tế bào máu, có chức năng cầm máu và đông máu, rất cần cho những bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn chảy máu...
Tiểu cầu khi được lấy ra, được bảo quản nhiệt độ 20 – 24 độ C trong điều kiện lắc liên tục cũng chỉ sống được 5-7 ngày nên các Trung tâm truyền máu, bệnh viện cần đảm bảo nguồn hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiện nay, tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy luôn có khoảng 50 – 70 người hiến tiểu cầu mỗi ngày.
TS.BS Lê Hoàng Oanh cho biết, thời gian gần đây, có thể do nhu cầu điều trị và các dịch bệnh như sốt xuất huyết, các bệnh viện tỉnh khu vực phía Nam rất cần tiểu cầu, gây ra tình trạng thiếu một cách tương đối tiểu cầu để phục vụ cho điều trị chứ chưa hề có tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng như các trang mạng nói trong thời gian qua. Tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có xảy ra tình trạng thiếu tiểu cầu trong thời gian ngắn và đã được điều tiết được ngay.
Theo số liệu sáng 25/7, tại Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy có khoảng 70 khối tiểu cầu gạn tách bằng máy tự động từ một người cho, tuy nhiên do tiểu cầu không trữ được lâu nên luôn cần có nguồn hiến thường xuyên.
Các bác sĩ cho biết, hiến tiểu cầu rất an toàn bởi máu được lấy ra từ cánh tay và đưa vào máy, chỉ có tiểu cầu được tách riêng ra, phần máu còn lại (bao gồm hồng cầu, bạch cầu, huyết tương) sẽ được truyền trả lại cho người hiến.
Số lượng tiểu cầu sẽ được hồi phục trong thời gian ngắn, mỗi ngày tủy xương sản xuất 150 tỷ tiểu cầu thay thế tiểu cầu già chết đi, bởi vậy việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến.
Theo Infonet
Xem thêm:
- Kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Chợ rẫy TPHCM
- Thủ tục khám bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy