Bệnh viêm nha chu có chữa được không?
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng răng miệng thường gặp. Tình trạng nhẹ có thể làm người bệnh sưng nướu, gây đau khi ăn hoặc hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp. Vậy bệnh viêm nha chu có chữa được không?
Bệnh viêm nha chu có chữa được không?
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng răng miệng thường gặp. Tình trạng nhẹ có thể làm người bệnh sưng nướu, gây đau khi ăn hoặc hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp. Nếu thể bệnh nặng, người bệnh có thể bị mất răng hoặc phải làm hàm giả. Vậy bệnh viêm nha chu có chữa được không? Mời bạn đọc tham khảo những thông tin hữu ích từ bài viết dưới đây để tìm câu trả lời!
1. Viêm nha chu là gì?
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây tổn thương các mô mềm và phá hủy men răng. Nó gây ra bởi vi khuẩn tích tụ lâu ngày trên răng và nướu của bạn. Khi viêm nha chu tiến triển, xương và răng của bạn có thể bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu viêm nha chu được điều trị sớm và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách, tình trạng này có thể chấm dứt.
2. Các giai đoạn của viêm nha chu
Viêm nha chu bắt đầu bằng hiện tượng viêm và tiến triển theo thời gian với các giai đoạn sau:
Viêm nướu
Viêm nha chu bắt đầu với viêm ở nướu được gọi là viêm nướu . Một trong những dấu hiệu đầu tiên đó là nướu của bạn sẽ bị chảy máu khi bạn đánh răng hoặc xỉa răng.
Bạn cũng có thể nhận thấy sự đổi màu trên răng của bạn bởi các mảng bám. Mảng bám là sự tích tụ của vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn trên răng. Mặc dù bình thường vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng, nhưng chúng chỉ trở nên có hại khi điều kiện cho phép chúng tăng lên đáng kể. Điều này có thể xảy ra nếu bạn không chải răng, dùng chỉ nha khoa hoặc vệ sinh răng miệng thường xuyên.
Bệnh nha chu giai đoạn sớm
Trong giai đoạn đầu của viêm nha chu, nướu của bạn bị thoái hóa hoặc kéo ra khỏi răng và hình thành các túi nhỏ giữa nướu và răng chứa vi khuẩn có hại. Lúc này mô nướu sẽ bắt đầu thoái hóa. Bạn cũng có thể bị chảy máu trong khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa, và có thể bị mòn xương răng.
Bệnh nha chu giai đoạn vừa
Trong giai đoạn này bạn có thể bị chảy máu, đau quanh răng và nướu. Răng của bạn sẽ bắt đầu bị mất sự hỗ trợ của xương hàm và trở nên lỏng lẻo. Phản ứng viêm toàn thân cũng có thể xuất hiện do nhiễm trùng.
Bệnh nha chu giai đoạn tiến triển
Các mô liên kết giữ răng của bạn tại chỗ bắt đầu xấu đi. Nướu, xương và các mô khác hỗ trợ răng của bạn bị phá hủy. Bạn có thể bị đau dữ dội trong khi nhai, hôi miệng nghiêm trọng và có mùi vị khó chịu trong miệng. Thậm chí bạn có thể sẽ mất răng.
3. Các triệu chứng của viêm nha chu
Các triệu chứng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, nhưng thường bao gồm:
- nướu bị chảy máu khi bạn đánh răng hoặc xỉa răng
- hôi miệng
- thay đổi vị trí của răng hoặc răng lung lay
- nướu đỏ, mềm hoặc sưng
- tích tụ mảng bám hoặc cao răng trên răng của bạn
- đau khi nhai
- mất răng
- vị hôi khác lạ trong miệng
- phản ứng viêm toàn thân
Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của viêm nha chu thường không được chú ý lắm. Thường người đầu tiên phát hiện ra chúng là nha sĩ của bạn khi họ tiến hành khám răng định kỳ.
4. Nguyên nhân gây viêm nha chu
Những người khỏe mạnh thường có hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau trong miệng. Hầu hết chúng hoàn toàn vô hại. Khi bạn không làm sạch răng đúng cách mỗi ngày, vi khuẩn sẽ phát triển và tích tụ trên răng của bạn.
Viêm nha chu thường do vệ sinh răng miệng kém. Khi bạn không đánh răng và làm sạch ở những nơi khó tiếp cận trong miệng, quá trình sau đây sẽ xảy ra:
- Các vi khuẩn trong miệng của bạn nhân lên và tạo thành mảng bám trên răng.
- Nếu bạn không loại bỏ mảng bám bằng cách đánh răng, vi khuẩn sẽ tích tụ khoáng chất trong mảng bám theo thời gian.
- Những khoáng chất này được gọi là cao răng, sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn nhiều hơn về phía chân răng.
- Phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến viêm nướu.
- Sự gắn kết của nướu với chân răng bị phá vỡ theo thời gian và những túi nha chu có thể hình thành giữa nướu và chân răng.
- Vi khuẩn kỵ khí có hại xâm nhập vào túi nha chu này và nhân lên, giải phóng độc tố có thể làm hỏng nướu, răng và cấu trúc hỗ trợ của xương.
Ngoài ra, một số yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị viêm nha chu cao hơn, bao gồm:
- hút thuốc, một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây viêm nha chu
- tiểu đường tuýp 2
- béo phì
- thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ (như khi có kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh), có thể làm cho nướu nhạy cảm hơn
- suy giảm miễn dịch, như HIV hoặc bệnh bạch cầu
- thuốc làm giảm lưu lượng nước bọt trong miệng của bạn
- di truyền
- thiếu vitamin C
5. Chẩn đoán viêm nha chu như thế nào?
Nha sĩ của bạn sẽ có thể phát hiện các dấu hiệu viêm nha chu ở giai đoạn đầu trong quá trình khám răng định kỳ. Họ có thể theo dõi tình trạng nha chu của bạn theo thời gian để đảm bảo nó không trở nên tồi tệ hơn. Đây cũng là lý do tại sao việc thường xuyên đến nha sĩ kiểm tra rất quan trọng.
Nha sĩ sẽ sử dụng một thước kẻ nhỏ gọi là đầu dò để đo bất kỳ túi nào trên nướu của bạn. Xét nghiệm này thường không đau. Nếu mảng bám, cao răng hoặc cả hai được tìm thấy, nha sĩ sẽ loại bỏ các chất này như một phần của việc làm sạch chuyên nghiệp. Họ cũng có thể chụp X-quang nha khoa để chẩn đoán chính xác.
6. Bệnh viêm nha chu có chữa được không?
Viêm nha chu nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn. Việc điều trị nhằm mục đích loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trên răng và nướu của bạn.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Đánh răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa fluoride.
- Cân nhắc sử dụng bàn chải đánh răng điện, có thể hiệu quả hơn.
- Xỉa răng ít nhất một lần mỗi ngày để loại bỏ mảng bám.
- Gặp nha sĩ của bạn ít nhất hai lần một năm để làm sạch chuyên nghiệp.
- Không hút thuốc hoặc nhai thuốc lá.
Làm sạch chuyên nghiệp
Trong quá trình làm sạch chuyên nghiệp, nha sĩ sẽ loại bỏ mảng bám và cao răng, sau đó đánh bóng răng và xử lý chúng bằng fluoride. Các túi nha chu đã hình thành cũng có thể được làm sạch và chữa lành.
Kháng sinh
Trong một số trường hợp, nha sĩ của bạn sẽ kê toa thuốc kháng sinh để giúp chống nhiễm trùng nướu kéo dài mà không đáp ứng với việc làm sạch. Thuốc kháng sinh có thể ở dạng nước súc miệng, gel hoặc viên uống, viên nang.
Theo dõi tiếp theo
Nha sĩ sẽ theo dõi sau vài tuần, và sau khoảng ba đến sáu tháng để đánh giá tiến trình của bạn. Nếu túi nha chu vẫn còn, họ có thể đề nghị các lựa chọn điều trị khác, như phẫu thuật.
Phẫu thuật
Nếu tình trạng viêm vẫn tồn tại ở những vị trí không thể tiếp cận với việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa, nha sĩ của bạn có thể đề nghị phẫu thuật để làm sạch cặn dưới nướu của bạn. Sau khi gây mê, nướu của bạn được tách ra và chân răng được làm sạch. Sau đó nướu sẽ được khâu lại trở lại vị trí ban đầu.
Nếu bạn bị mất xương, một thủ thuật được gọi là ghép xương có thể được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật tạo vạt để tái tạo xương bị mất.
Như vậy, bài viết hẳn đã giúp các bạn hiểu rõ bệnh viêm nha chu có chữa được không. Viêm nha chu có thể điều trị hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tỷ lệ điều trị thành công thường rất cao.Tuy nhiên viêm nha chu tiến triển nhanh hơn nhiều ở những người hút thuốc và tỷ lệ không đáp ứng với điều trị liên quan đến nhóm người này cũng cao hơn. Do đó nếu bạn bị viêm nha chu, ngoài việc chăm sóc răng miệng đúng cách cùng tuân thủ phác đồ của nha sĩ, bạn cũng nên từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Xem thêm:
- Viêm nha chu/chảy máu chân răng - căn bệnh nguy hiểm thầm lặng
- Viêm nha chu: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh
- khi nào cần và tại sao phải lấy cao răng đánh bóng răng