Bệnh viêm loét hang vị dạ dày: Nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị

Khi bị bệnh viêm loét hang vị dạ dày sẽ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu vì phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng hành hạ. Vậy tại sao lại xuất hiện bệnh này và cách điều trị như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cụ thể cho bạn.

Bệnh viêm loét hang vị dạ dày: Nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị Bệnh viêm loét hang vị dạ dày: Nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị

Viêm loét hang vị dạ dày là gì?

Bệnh viêm loét hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc ở hang vị của dạ dày bị viêm và loét. Bệnh ó thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt trung niên và người cao tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh lý này.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Nhiễm vi khuẩn: Các vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn như vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn lỵ... đặc biệt là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn gây viêm loét hang vị dạ dày chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Bệnh cũng có thể gặp ở những người có tiền sử đau nhức lâu ngày, thường gặp ở người cao tuổi dùng các thuốc kháng viêm corticoid (prednisolon, medrol, solumedrol, dexamethason...) hoặc các loại thuốc giảm đau không steroid (diclofenac, meloxicam, piroxecam...).
  • Ngoài ra, viêm loét hang vị dạ dày còn có thể do uống rượu nhiều lúc đang đói hoặc do tác động tâm lý như căng thẳng, lo âu, buồn rầu kéo dài.
vicare.vn-benh-viem-loet-hang-vi-da-day-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-body-1

Triệu chứng của bệnh

  • Biểu hiện rõ ràng nhất thường là những cơn đau. Đó là những cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên rốn với cường độ nhẹ, nhưng đôi khi cũng đau nặng hơn. Cơn đau tăng dần nếu bệnh nhân ăn uống thất thường, khi quá no hoặc quá đói, đặc biệt đau dữ dội hơn khi bệnh nhân viêm loét hang vị dạ dày sử dụng các các chất gây kích thích niêm mạc hang vị dạ dày như bia rượu, trà, cà phê, đồ ăn chua, cay, nóng. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cơn đau không liên quan gì đến vấn đề ăn uống.
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể kèm theo các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu. Nếu bệnh kéo dài thì bệnh nhân sẽ trở nên xanh xao, thiếu máu do không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể. Bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Tất cả các triệu chứng trên đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc của bệnh nhân.

Biến chứng của bệnh

Viêm loét hang vị dạ dày với những triệu chứng ban đầu không thật sự đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn không được phát hiện và chữa trị sớm thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh. Nếu bạn có những biểu hiện như nôn ói, tiêu phân đen, hôi hoặc đi tiêu ra máu thì rất có thể bạn đã bị xuất huyết tiêu hóa do bị viêm loét hang vị dạ dày mà không được điều trị kịp thời.
  • Hẹp môn vị: Triệu chứng của hẹp môn vị là buồn nôn, nôn ói và đau bụng nhiều. Bên cạnh đó, khi bị hẹp môn vị, bạn thường mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể bị gầy sút, suy nhược nhanh chóng.
  • Thủng dạ dày: Khi bị thủng dạ dày, bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn đau đột ngột và dữ dội, bụng gồng cứng, có thể gây viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết.
  • Ung thư dạ dày: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân khi bệnh kéo dài mà không được điều trị tốt.

Điều trị viêm loét hang vị dạ dày

vicare.vn-benh-viem-loet-hang-vi-da-day-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-body-2

Nên đi khám tiêu hóa

Hiện nay, có nhiều phương pháp cũng như các thuốc điều trị bệnh cho kết quả rất khả quan. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá, làm các xét nghiệm cần thiết để được chữa trị một cách tốt nhất. Bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị. Không được tự ý bỏ thuốc cũng như thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh

  • Giữ cho tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu. Bạn không nên làm việc quá sức và không nên thức khuya.
  • Bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh: nên ăn chín, uống sôi, nước uống và chế biến thức ăn phải từ nguồn nước sạch.
  • Hạn chế thức ăn chiên xào hay quá mặn, tránh sử dụng rượu, bia, chất chua cay, thuốc lá, trà đặc, cà phê vì các chất này dễ làm tổn thương hang vị dạ dày.

Chú ý chế độ ăn

  • Hạn chế dùng các loại thực phẩm có vị chua như chanh, cam, bưởi chua, măng cụt, xoài chua, dưa muối, cà muối...
  • Nên dùng trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, kem vì thực phẩm này vừa giàu chất dinh dưỡng vừa trung hòa được lượng axit dạ dày nhằm làm hạn chế tổn thương niêm mạc hang vị thêm.
  • Ngoài ra, nên chọn những thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mì.
  • Riêng khoai lang không nên ăn nhiều, nhất là khi đói vì sẽ gây tăng tiết dịch vị làm đau tăng lên, ợ chua, sinh hơi chướng bụng.

Viêm loét hang vị dạ dày là một bệnh lý lành tính, tuy nhiên nếu không điều trị sớm thì rất có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm vì thế bạn không nên chủ quan với bệnh này.

Xem thêm:

  • Viêm loét hang vị dạ dày nên ăn gì?
  • Bệnh viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
  • Những thực phẩm ảnh hưởng đến quá trình điều trị viêm loét dạ dày
  • 6 dấu hiệu cảnh báo bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng