Bệnh viêm họng mãn tính là gì?

Viêm họng mãn tính là bệnh rất thường gặp, ai cũng có thể mắc nhưng tỉ lệ nam nhiều hơn nữ. Tuy nhiên, do chủ quan nên nhiều người ít quan tâm đến bệnh, khiến viêm họng kéo dài, có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác kèm theo. Vicare sẽ giúp bạn có một cái nhìn cụ thể hơn về viêm họng mãn tính qua bài viết dưới đây.

Bệnh viêm họng mãn tính là gì? Bệnh viêm họng mãn tính là gì?

Thế nào là viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm ở họng, thường phối hợp với viêm mũi, viêm xoang mãn hoặc khí phế quản mãn tính. Viêm họng mãn tính thường có 3 giai đoạn: xuất tiết, quá phát và thể teo.

Bệnh do ảnh hưởng của triệu chứng nghẹt mũi, phải thở bằng miệng kéo dài, nhất là vào mùa lạnh dẫn đến nhiễm vi khuẩn, virus. Bên cạnh đó bệnh có thể còn do các dị hình vách ngăn, polyp ở mũi, viêm xoang có nhầy, mủ chảy xuống họng; các kích thích như: khói thuốc lá, rượu, khói bụi, sợi bông; yếu tố cơ địa dị ứng, suy gan, đái tháo đường, bệnh trào ngược dạ dày, người bị suy yếu miễn dịch...

Triệu chứng viêm họng mãn tính

vicare.vn-benh-viem-hong-man-tinh-la-gi-body-1

Họng khô, nóng rát, ngứa, cảm giác có gì đó vướng họng nhất là lúc vừa ngủ dậy. Luôn khạc đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt, nuốt hơi nghẹn. Thường bị ho, nhất là vào khi chuyển mùa, trời lạnh, ban đêm. Giọng nói bị khàn một lúc rồi mới trong trở lại mỗi lần bắt đầu nói chuyện hoặc cảm giác đau khi nói, nuốt (với các bệnh nhân hút thuốc lá, công việc phải nói liên tục hoặc uống rượu, giọng nói bị khàn càng rõ rệt). Buồn nôn hoặc nôn, mất cảm giác ngon miệng.

Viêm họng mãn tính giai đoạn xuất tiết: niêm mạc họng đỏ, tiết nhầy trong, dính vào thành sau họng. Sau khi khạc đờm hoặc hút rửa dịch nhầy thấy thành sau họng không nhẵn, có tia máu và nổi lên những hạt nề, đỏ.

Viêm họng mãn tính giai đoạn quá phát (viêm họng hạt): niêm mạc họng dày và đỏ. Cạnh trụ sau của amiđan thấy niêm mạc nề dày lên làm thành trụ giả, tăng nhạy cảm ở họng và rất dễ buồn nôn. Thành sau họng có các nang phát triển quá sản dày thành những đám nề, màu hồng hay đỏ lồi cao hơn. Màn hầu, lưỡi gà cũng trở nên dầy hơn. Thỉnh thoảng người bệnh còn ù tai, ho khan, khàn tiếng và dịch tiết nhiều.

Viêm họng mãn tính giai đoạn xơ teo: viêm họng mãn tính quá phát lâu ngày sẽ chuyển sang teo, tuyến nhầy và nang xơ hoá, niêm mạc cũng trở lên nhẵn mỏng, trắng bệch có mạch máu nhỏ. Ở thể này, dịch nhầy khô lại, biến thành vảy dính vào niêm mạc họng do đó phải tằng hắng hoặc ho kéo dài.

Biến chứng viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính hoàn toàn có thể chữa được khi đã loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, nếu không điều trị mà để kéo dài, viêm họng mãn tính sẽ lần lượt trải qua giai đoạn xuất tiết, quá phát và cuối cùng là teo. Một số trường hợp suy niêm mạc do hóa chất cũng có thể dẫn đến teo.

Viêm họng mãn tính cũng có thể dẫn đến các bệnh ký khác như viêm thanh quản mãn tính, viêm khí - phế quản mãn tính hoặc các đợt viêm amidan cấp tính. Bệnh còn gây ra cảm giác mệt mỏi, suy nhược cơ thể và thần kinh do việc liên tục khạc đờm, đặc biệt là vào ban đêm. Nguy hiểm hơn, viêm họng mãn tính nặng nề có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm hạch bạch huyết, ung thư vòm họng.

vicare.vn-benh-viem-hong-man-tinh-la-gi-body-2

Điều trị viêm họng mãn tính

Điều trị viêm họng mãn tính cần phải kiên trì, đây là một quá trình điều trị dài, không phải chỉ 1-2 ngày là khỏi bệnh.

Điều trị nguyên nhân: điều trị các ổ viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, giải quyết sự lưu thông của mũi. Điều trị trào ngược dạ dày, thực quản. Tránh xa các yếu tố kích thích như khói thuốc, bụi bặm, hóa chất, rượu bia.

Điều trị theo từng giai đoạn

  • Giai đoạn xuất tiết: súc miệng bằng dung dịch có tính kiềm. Bôi hoặc chấm họng bằng glycerin borat 3%. Xịt khí dung họng với hydrocortisol kết hợp kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có màng nhầy dính nhiều ở thành sau họng có thể bôi Natri borat 15 % ấm.
  • Giai đoạn quá phát: đốt bằng điện hoặc bằng nitơ lạnh hoặc laser.
  • Giai đoạn teo: bôi glycerin iod 0% hoặc mỡ thuỷ ngân 1%.

Phương pháp phòng bệnh

Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bụi và hóa chất hoặc ngay khi đi ra đường.

Súc miệng hàng ngày bằng dung dịch nước muối.

Nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung các vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước và giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi hắt hơi hoặc ho và sau khi đi vệ sinh.

Vệ sinh điện thoại, điều khiển từ xa cho tivi, máy lạnh, chuột và bàn phím vi tính thường xuyên.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống.

Phân biệt bệnh viêm họng mãn tính và ung thư thực quản

Giống nhau ở 2 bệnh lý này là giai đoạn đầu đều có triệu chứng khó chịu ở cổ họng, hầu.

Khác nhau:

  • Với viêm họng mãn tính các triệu chứng mắc nghẹn khi đang ăn biến mất, sau khi ăn xong thì xuất hiện trở lại, triệu chứng rõ ràng nhất khi im lặng không nói chuyện, cổ họng khô kèm khó thở và ho khan hoặc ho đờm.
  • Với ung thư thực quản: giai đoạn mới mắc sẽ không có cảm giác kho khăn khi nuốt, sau đó bệnh nặng dần sẽ gặp phải tình trạng đau khi nuốt thức ăn, nóng rát, đau ở vùng xương phía sau ngực.

Xem thêm:

  • Thế nào là bệnh viêm họng mãn tính?
  • Bệnh viêm họng lây qua đường nào?