Bệnh viêm dạ dày HP dương tính là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh viêm dạ dày hiện nay rất phổ biến ở nước ta, bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng một tác nhân chính không thể bỏ qua đó là viêm dạ dày do vi khuẩn Hp. Vậy bệnh viêm dạ dày HP dương tính là gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh viêm dạ dày HP dương tính là gì? Có nguy hiểm không?
Điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin cụ thể ngay sau đây.
1. Vi khuẩn HP là gì?
- Vi khuẩn Hp có tên đầy đủ là Helicobacter pylori. Đây là một loại xoắn khuẩn gram âm, chúng kí sinh trong lớp nhầy ở bên trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Đây là loại vi khuẩn duy nhất có khả năng sinh sống và phát triển thành bệnh trong môi trường acid của dạ dày.
- Vi khuẩn Hp có cấu trúc lông roi, nên di chuyển rất nhanh và linh hoạt, từ đó giảm thiểu được tối đa tự tác động của môi trường acid đến chúng. Cùng với đó, ở vi khuẩn Hp còn tự phát triển một loại miễn dịch riêng biệt giúp chúng chống lại được hệ miễn dịch của cơ thể con người, do đó cơ thể bạn không thể tự tiêu diệt được vi khuẩn này.
- Vi khuẩn Hp có khả năng gây bệnh đau dạ dày rất cao với tỉ lệ lên tới 1/6 số ca nhiễm. Loại vi khuẩn này gây ra rất nhiều các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày, loét dạ dày hành tá tràng, biến chứng nặng thậm chí còn gây ung thư dạ dày.
2. Bệnh viêm dạ dày Hp dương tính là gì?
- Bệnh viêm dạ dày Hp dương tính là bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Hp xâm nhập vào đường ruột và gây bệnh.
- Các vi khuẩn Hp sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ trú ngụ tại lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, tại đây chúng tiết ra các chất gây hại cho niêm mạc, gây tổn thương viêm, loét, có khi là chảy máu từ đó hình thành bệnh viêm dạ dày.
- Hầu hết các bệnh nhân mắc viêm dạ dày Hp dương tính là do nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn này qua đường ăn uống, chế độ ăn không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn không sạch sẽ hoặc đã bị nhiễm vi khuẩn Hp từ trước.
- Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây thì tỷ lệ người bệnh viêm dạ dày Hp dương tính tại nước ta có thể lên đến 70%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người ta đã công nhận rằng, 90% các trường hợp viêm dạ dày là do vi khuẩn Hp gây nên.
3. Làm sao để biết mình có dương tính với khuẩn Hp hay không?
Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp để tìm ra bạn có nhiễm loại vi khuẩn Hp này hay không. Tùy vào mức độ bệnh cũng như chi phí bạn chi trả mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp phù hợp nhất, chúng tôi xin giới thiệu với bạn các phương pháp để tìm ra khuẩn Hp sau đây:
- Clotest: hay còn gọi là test urease nhanh. Phương pháp này xác định xem bạn có nhiễm khuẩn Hp hay không dựa theo nguyên lí: vi khuẩn Hp tiết ra nhiều enzyme urease sau đó bị phân hủy thành ure rồi thành amoniac và làm cho môi trường trở nên kiềm tính. Từ đó làm cho dung dịch Ure- Indol từ màu vàng chuyển sang màu tím hồng. Nếu mẫu chỉ thị đổi màu trong vòng 24h thì chứng tỏ bạn dương tính với vi khuẩn Hp.
- Kiểm tra mô bệnh học: đây là phương pháp tiêu chuẩn để tìm ra khuẩn Hp trong dạ dày. Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy một mảnh tế bào bị bệnh, sau đó đi nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi, nếu thấy vi khuẩn Hp thì tức là bạn đã dương tính với vi khuẩn này. Tuy đây là một xét nghiệm tiêu chuẩn cho bệnh nhân nhiễm khuẩn Hp tuy nhiên có một nhược điểm là bệnh nhân sẽ phải chịu xâm lấn vào cơ thể.
- Phương pháp nuôi cấy: ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy mảnh sinh thiết của vùng bị bệnh đem đi nuôi cấy ở một môi trường đặc biệt. Sau một thời gian nếu xuất hiện vi khuẩn Hp trên môi trường này thì tức là bệnh nhân đã mắc viêm dạ dày dương tính Hp. Phương pháp này rất đắt tiền, là xét nghiệm xâm lấn.
- Faecal test (xét nghiệm phân tìm kháng nguyên Hp): trước đây việc tìm kháng nguyên Hp trong phân rất khó khăn do gặp vấn đề trong quá trình xử lí bệnh phẩm phân. Từ những năm 1999, sau khi phát hiện ra phương pháp ELISA thì phương pháp này đã được đơn giản đi rất nhiều. Giúp tìm ra kháng nguyên Hp với kit chẩn đoán, thực hiện nhanh và độ nhạy cao, nhưng do giá thành của phương pháp này còn rất cao so với đa số người bệnh nên chưa được sử dụng phổ biến.
- Xét nghiệm máu: vi khuẩn Hp không sống trong máu, tuy nhiên, lấy máu của người bệnh làm xét nghiệm là do có thể tìm được kháng thể kháng Hp trong máu người bệnh. Nếu phát hiện kháng thể kháng Hp trong mẫu máu thì tức là bệnh nhân đã dương tính với khuẩn Hp. Tuy nhiên, phương pháp này không có độ chính xác cao do trong nhiều trường hợp tuy đã diệt trừ hết vi khuẩn Hp tuy nhiên kháng thể kháng Hp vẫn lưu hành trong máu một thời gian dài sau đó.
- Test thở UBT: bệnh nhân sẽ được thở vào một thiết bị ( thẻ hoặc bong bóng), sau đó sẽ đánh giá thông qua thông số DPM ( độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút) qua một thiết bị đặc biệt. Ở phương pháp này, nếu đo được:
- Nồng độ DPM < 50: âm tính với vi khuẩn Hp.
- Nồng độ DPM: 50-199: không xác định âm hay dương tính với vi khuẩn Hp.
- Nồng độ DPM > 200: dương tính với vi khuẩn Hp.
4. Viêm dạ dày do khuẩn Hp có nguy hiểm không?
Khi bị nhiễm vi khuẩn Hp thì người bệnh có thể gặp các biến chứng sau đây:
- Gây nên > 80% số ca viêm dạ dày mạn tính hay không có triệu chứng.
- Gây nên 15-20% viêm dạ dày tá tràng, viêm teo dạ dày mạn tính hay chuyển sang sản ruột.
- Khoảng 1% có thể chuyển thành ung thư dạ dày.
- Do Hp là vi khuẩn duy nhất sinh sống được trong môi trường acid của dạ dày, cũng như phát triển rất nhanh, nên loại vi khuẩn này luôn là mối nguy cơ cho các bệnh về dạ dày với rất nhiều đối tượng lứa tuổi khác nhau.
- Hiện nay, tốc độ gia tăng của bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Hp đang thực sự đáng báo động. Trước đây, rất hiếm gặp các bệnh nhi bị viêm dạ dày, nhưng số ca hiện tại đang tăng lên nhanh chóng, ngay cả với trẻ 2-3 tuổi.
- Việc điều trị vi khuẩn Hp chủ yếu là dựa vào nguyên lí tiêu diệt vi khuẩn Hp nhờ vào sử dụng thuốc kháng sinh. Hiện nay, tình trạng điều trị vi khuẩn này ngày càng trở nên khó khăn hơn do tình trạng kháng kháng sinh đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ em.
- Nếu điều trị viêm dạ dày Hp dương tính một cách tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ mà lại tự mua thuốc kháng sinh về uống thì sẽ làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
- Một vấn đề cũng rất đáng lưu ý đó là, vi khuẩn Hp rất dễ lây nhiễm sang người lành. Vi khuẩn này có thể lây qua đường ăn uống từ những người đã bị nhiễm Hp qua việc dùng chung bát đũa.
5. Làm gì khi phát hiện viêm dạ dày Hp dương tính?
- Khi có kết quả viêm dạ dày Hp dương tính thì bạn cũng không cần quá lo lắng. Bởi vì không phải ai mắc Hp cũng gặp các vấn đề về sức khỏe. Vào những trường hợp sau đây thì bắt buộc phải loại trừ hết vi khuẩn Hp để tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:
- Người có bệnh lý về dạ dày ( viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày hoặc ung thư dạ dày đã phẫu thuật một phần)
- Người có người thân mắc các bệnh ung thư dạ dày thì cần thiết diệt vi khuẩn Hp để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư dạ dày của bản thân.
- Người có bệnh lý về xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Bệnh nhân thường xuyên phải sử dụng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, chống kết tập tiểu cầu thì cần thiết phải loại trừ vi khuẩn Hp và cần dự phòng loét dạ dày bằng thuốc PPI.
- Người đang sống tại khu vực có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao.
- Ở các trường hợp này nên đi khám bác sĩ và uống thuốc theo đúng chỉ định, không tự ý uống theo ý của bản thân, rất dễ gây ra tình trạng kháng kháng sinh, sẽ làm cho quá trình điều trị vi khuẩn Hp trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trên đây là các thông tin cơ bản liên quan đến bệnh viêm dạ dày Hp dương tính. Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể hay đường ruột, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được sự thăm khám cũng như tư vấn từ các bác sĩ. Từ đó có một quá trình điều trị phù hợp cho bản thân.
Xem thêm:
- Khỏi đau dạ dày do vi khuẩn Hp sau hơn 10 lần tới viện
- Thoát khỏi bệnh dạ dày có vi khuẩn Hp sau nhiều năm điều trị
- Điều trị vi khuẩn HP khi đang cho con bú có được không?