Bệnh ung thư phổi có lây không?

Ung thư phổi hiện là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm trên toàn cầu. Ở Việt Nam, bệnh đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, ung thư phổi có thể phòng tránh được bằng cách tránh xa khói thuốc lá. Ung thư phổi có lây không - cùng tìm hiểu về vấn đề đang được nhiều người quan tâm qua bài viết dưới đây.

Bệnh ung thư phổi có lây không? Bệnh ung thư phổi có lây không?

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi là một bệnh trong đó có sự xuất hiện khối bướu ác tính ở trong nhu mô phổi.

Cơ thể chúng ta được tạo thành từ hàng tỷ tế bào. Các tế bào này sinh ra, lớn lên, và chết đi theo một chu trình. Khi có bất cứ một rối loạn nào trong quá trình phân bào. các tế bào sẽ trở nên tăng trưởng một cách bất thường, vượt qua sự kiểm soát của cơ thể và trở nên bất tử. Các tế bào này được gọi là tế bào ung thư. Ung thư phổi cũng vậy, cũng được tạo thành từ những tế bào như vậy. Nếu không được điều trị, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn ra ngoài phổi đến các mô hoặc cơ quan khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn.

Hầu hết ung thư phổi bắt nguồn từ trong nhu mô phổi (ung thư phổi nguyên phát) gọi là ung thư biểu mô. khác với ung thư phổi thứ phát từ các cơ quan khác di căn đến phổi.

Bệnh được phân làm 2 loại: ung thư phổi loại tế bào tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi loại không phải tế bào nhỏ (NSCLC).

Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở Việt Nam là khá cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 người mắc bệnh. Trong đó, khoảng 17.000 ca tử vong. Mỗi ngày có khoảng 50 người được chẩn đoán mới mắc bệnh ung thư phổi. Bệnh xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trong đó, thuốc lá được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến căn bệnh này.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi

Hiện nay nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi vẫn chưa được biết rõ, Tuy nhiên theo các nghiên cứu thì những người có những yếu tố nguy cơ sau thường có khả năng mắc ung thư phổi cao hơn người bình thường.

  • Hút thuốc lá: Thuốc là được xem là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về phổi nói chung, trong đó có ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc khói thuốc lá.
vicare.vn-benh-ung-thu-phoi-co-lay-khong-body-1
Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi
  • Công nhân làm việc tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá. Những nghề nghiệp khác liên quan tới ung thư phổi bao gồm công nhân luyện thép, niken, crom và khí than.
  • Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị bệnh ung thư trong đó có ung thư phổi. Công nhân mỏ uranium, fluorspar và hematite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở trong bầu không khí có chứa khí radon.
  • Ngoài ra, nguy cơ ung thư phổi còn liên quan đến các chất gây ô nhiễm không khí.
  • Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ung thư phổi có liên quan đến yếu tố gen.

Ung thư phổi có lây không?

Ung thư là một căn bệnh gây ra do các tổn thương trong gen, một vật liệu mang tính di truyền của tế bào, chứ không phải từ một tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn...). Thế nên ung thư phổi không phải là bệnh lây nhiễm qua những hình thức như không khí, ăn uống cũng như từ người sang người.

Các nghiên cứu đã cho thấy không có một bằng chứng nào về việc ung thư phổi có lây nhiễm từ các hành vi tiếp xúc như: ôm, hôn, bắt tay, quan hệ tình dục, ăn chung, hít thở chung.... Cơ thể một người khỏe mạnh không thể dễ lây nhiễm bệnh từ một người mắc ung thư phổi. Các tế bào ung thư từ cơ thể người bệnh khi vào cơ thể của một người hoàn toàn khỏe mạnh sẽ bị các cơ chế miễn dịch của cơ thể nhận dạng và tiêu diệt ngay.

Đa số bệnh nhân mắc ung thư phổi không liên quan đến các gen di truyền. Chỉ có một số ít bệnh nhân có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều đó có nghĩa là nếu có người quan hệ trực hệ trong gia đình mắc bệnh ung thư phổi thì người đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác. Tuy không phải trường hợp nào cũng có thể di truyền nhưng các khuyến cáo chỉ ra rằng: nếu trong gia đình có người thân từng mắc ung thư phổi thì việc nên làm là cần phải tầm soát ung thư định kỳ.

Do đó ung thư phổi là một bệnh không lây nhiễm và bệnh nhân ung thư không phải là nguồn lây nhiễm và không xảy ra sự truyền nhiễm.

Bệnh nhân ung thư chỉ có thể lây truyền các tác nhân gây bệnh đang mắc phải trong người (virus, vi khuẩn) sang người khỏe mạnh và ngược lại chứ không lây truyền tế bào ung thư, ví dụ như nhiễm HPV, Hp, lao...

Chính vì vậy, những thông tin như: ung thư phổi có thể lây qua đường hô hấp, đường tiếp xúc là những thông tin hoàn toàn sai. Và việc nhiều người lo sợ việc tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư phổi sẽ dễ lây nhiễm bệnh nên thường phòng ngừa qua việc tránh ăn, uống, ngủ chung... với người bị ung thư phổi là suy nghĩ hoàn toàn không có căn cứ.

Làm thế nào để phát hiện bệnh ung thư phổi?

vicare.vn-benh-ung-thu-phoi-co-lay-khong-body-2
Triệu chungwa của ung thư phổi

Ung thư phổi là một bệnh rất khó phát hiện sớm do các triệu chứng của bệnh thường mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các căn bệnh thông thường về phổi khác.

Ví dụ: ho khan, đau ngực âm ỉ, gầy yếu, sụt cân....

Thông thường chỉ đến khi ung thư phát triển thì bệnh mới biểu hiện ra qua các triệu chứng tương đối rõ ràng hơn như ho dai dẳng kéo dài, ho càng ngày càng nặng, ho ra máu; khó thở, thở gấp, đau ngực, giọng nói khàn khàn, cảm giác mệt mỏi kéo dài; sụt cân không rõ nguyên nhân... Đó là lý do bệnh ung thư phổi thường được phát hiện khá muộn.

Làm gì nếu gia đình bạn có người bị mắc bệnh ung thư phổi?

Nếu gia đình bạn có người thân quan hệ huyết thống đã từng mắc bệnh ung thư phổi, bạn nên tiến hành khám sức khỏe tổng quát, tầm soát ung thư định kỳ để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.

Đồng thời, chúng ta cũng có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tránh xa khói thuốc lá, hạn chế rượu bia, thường xuyên tập thể dục, ăn uống khoa học cũng như tránh môi trường không khí ô nhiễm, ...

Ung thư phổi là một bệnh không lây nhiễm nhưng là một bệnh ung thư nguy hiểm với tỉ lệ tử vong khá cao. Do đó bạn nên phòng ngừa ung thư phổi bằng cách: ngay từ bây giờ bạn nên có lối sống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, bảo vệ đường hô hấp khỏi khói bụi, ô nhiễm môi trường không khí, không hút thuốc lá cũng như tránh xa những nơi có khói thuốc. Đồng thời, hãy thường xuyên kiểm tra chất lượng môi trường sống của mình, khám sức khỏe tổng quát để việc phát hiện và điều trị tốt hơn.

Xem thêm:

  • Một số cách tự nhiên giúp ngăn ngừa ung thư phổi
  • 10 dấu hiệu báo sớm bệnh ung thư phổi, nhất định bạn phải biết