Bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới

Bệnh tự kỷ mới đây rất được quan tâm ở Việt Nam. Nhiều nơi có phương pháp chẩn đoán, giảng dạy, chăm sóc chưa đảm bảo tính cập nhật và nhất quán. Cùng tìm hiểu bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới.

Bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới Bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới

Bệnh tự kỷ xuất hiện từ rất lâu trên thế giới và mới đây rất được quan tâm ở Việt Nam do số lượng trẻ mắc tự kỷ ngày một gia tăng, kéo theo đó là hàng loạt trung tâm, trường dạy chuyên biệt ra đời. Song nhiều nơi lại có phương pháp chẩn đoán, giảng dạy, chăm sóc chưa đảm bảo tính cập nhật và nhất quán. Cùng tìm hiểu bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới trong bài viết dưới đây.

Bệnh tự kỷ là gì?

Theo Hội nghị toàn quốc về tự kỷ ở Mỹ (1999), tự kỷ được định nghĩa như sau: “ tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển lan tỏa, ảnh hưởng đến nhiều mặt của sự phát triển nhưng ảnh hưởng nhiều nhất đến kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội”.

  • Hội chứng Asperger
  • Chứng tự kỷ điển hình
  • Hội chứng Rett
  • Hội chứng thoái triển ở trẻ em
  • Các rối loạn phát triển không đặc hiệu khác
vicare.vn-benh-tu-ky-va-cach-chua-tri-theo-quan-diem-moi-body-1
Trẻ tự kỷ

Dịch dễ mắc tự kỷ

  • Tại Mỹ : Năm 2009 ghi nhận 1/150 trẻ sơ sinh sống.

Năm 2011 là 1/110 trẻ sơ sinh sống.

  • Tại Hàn Quốc: 1/78 trẻ từ 7- 12 tuổi.
  • Việt Nam chưa có số liệu chính thức. nghiên cứu tại Thái Bình năm 2011 cho thấy tỷ lệ này là 4,6/ 1000 trẻ sơ sinh sống.
  • Tỷ lệ nam/nữ= 4,3/1.

Nguyên nhân mắc bệnh tự kỷ

Bản chất về những thay đổi có tính thần kinh sinh học của bệnh tự kỷ là khá thống nhất. tuy nhiên cho tới hiện nay nguyên nhân thực thể của bệnh lý này còn chưa biết rõ. Các nhà khoa học đã đưa các các yếu tố nguy cơ trong các nhóm sau:

  • Yếu tố nguy cơ trước sinh: mẹ bị rubella, sởi...trong khi mang thai; hoặc mắc các bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường, nhiễm độc thai nghén nặng không được điều trị. Mẹ dùng thuốc chống động kinh khi mang thai là yếu tố nguy cơ cao gây tự kỷ ở trẻ
  • Yếu tố nguy cơ sau khi sinh: trẻ bị nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt sau viêm não. Các tác nhân từ môi trường sống như: nhiễm độc kim loại nặng, nhiễm xạ và một số tác nhân khác
  • Bệnh do gen, di truyền: ở hầu hết người tự kỷ, yếu tố di truyền đóng vai trò chủ chốt. Người ta tìm thấy nhiều gen liên quan như: các gen trên cặp nhiễm sắc thể số 2, 7, 16 và 19. Đột biến NST 15 và liên quan đến hội chứng nhiễm sắc thể X gãy hay đi cùng với tự kỷ

Tự kỷ không phải do cha mẹ thiếu quan tâm con cái, trẻ hay xem ti vi, chơi trò chơi điện tử... như các bậc phụ huynh lầm tưởng.

Làm thế nào để nhận biết trẻ tự kỷ

Tự kỷ có biểu hiện đặc trưng bằng 3 lĩnh vực:

Khó khăn về quan hệ xã hội

Trẻ không biết khởi xướng, bắt đầu làm quen, khó tiếp nhận một người bạn mới. trẻ ít quan tâm và không có nhu cầu chia sẻ hứng thú, nhu cầu hoạt động với bạn bè và với mọi người xung quanh, biểu hiện:

  • Không thưa khi được gọi tên
  • Không nhìn mặt người đối diện khi chơi, giao tiếp, chị em cũng như người dưng.
vicare.vn-benh-tu-ky-va-cach-chua-tri-theo-quan-diem-moi-body-2
Trẻ tự kỷ xa lánh bạn bè
  • Có lúc tỏ ra không nghe thấy ai nói( trẻ coi mình không ở đó)
  • Kháng lại sự vuốt ve, âu yếm hoặc ôm ấp
  • Tỏ ra không biết đến tình cảm của người khác
  • Có vẻ thích chơi một mình, co lại trong thế giới riêng của trẻ.

Khiếm khuyết về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp

Nếu chưa biết nói trẻ có khiếm khuyết trong việc sử dụng các kỹ năng giao tiếp không lời như:

  • Không nhìn mặt người đối thoại khi giao tiếp
  • Không hiểu và không sử dụng nét mặt, cử chỉ, tư thế cơ thể để giao tiếp
  • Các âm thanh, lời nói bất thường về cao độ hoặc cường độ
  • Không biết yêu cầu, phản đối hoặc thể hiện các nhu cầu bản thân.
  • Không hoặc khó học các luật lệ về giao tiếp như: chào hỏi, xin đồ vật hoặc “bai” “ạ”

Nếu trẻ đã nói được

  • Trẻ học nói muộn hơn trẻ bình thường
  • Mất khả năng nói được từ đơn hoặc cả câu sau khi đã biết nói
  • Trẻ phát ngôn không phù hợp với mục đích: nhại lại chứ không trả lời..
  • Nếu trẻ có ngôn ngữ khá hơn thì có thể thấy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ so với trẻ cùng độ tuổi. trẻ thường không hiểu câu hỏi, ngôn ngữ của trẻ đơn giản, hiếm dùng các khái niệm so sánh, trừu tượng.

Các hành vi và mối quan tâm bất thường

  • Các hành vi và cử động định hình, lặp đi lặp lại: trẻ như bị cuốn hút vào một cử chỉ, một hoạt động hoặc một trò chơi nào đó hàng giờ hoặc cả buổi. ví dụ như: vê ngón tay, quay bánh xe ô tô, đi kiễng chân, chạy liên tục..
  • Trẻ có thể thích duy nhất một đồ vật, hoặc chỉ chơi với một người nào đó trong gia đình
  • Trẻ có những phát ngôn, âm thanh nào đó một cách định hình, tự phát trong mọi tình huống
  • Trẻ nhạy cảm với một số loại kích thích (khi vuốt ve, sờ chạm, có ánh sáng, tiếng động).

Viện hàn lâm thần kinh học của Mỹ và hướng dẫn thực hành của Hiệp hội thần kinh trẻ em về sàng lọc và chẩn đoán tự kỷ đã khuyến cáo và đưa ra 5 dấu hiệu cờ đỏ báo động tự kỷ như sau

  • Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng
  • Không biết nói từ đơn khi 16 tháng
  • Không biết đáp lại khi được gọi tên
  • Không nói được câu có 2 từ khi 24 tháng
  • Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.

Ngoài các biểu hiện trên trẻ tự kỷ có thể mắc các rối loạn đi kèm khác , bao gồm:

  • Rối loạn giác quan: nhiều trẻ tự kỷ có những thông tin giác quan sai lệch, trẻ có thể có biểu hiện không tương xứng với môi trường: trẻ sẽ không chịu nổi khi quần áo chạm vào da, trẻ khóc thét khi có tiếng chuông điện thoại.., trẻ quá nóng hoặc quá lạnh không ứng với thời tiết, một số tự bẻ tay chân, đập đầu vào bàn mà không thấy cảm giác đau
  • Chậm phát triển trí tuệ: Không phải hầu hết các trẻ tự kỷ đều chậm phát triển trí tuệ, ở một số trẻ còn có IQ rất cao
  • Co giật: Xảy ra ở 1⁄4 trẻ tự kỷ
  • U xơ thần kinh: Bệnh lý hiếm gặp với các u lành trong não và trong các cơ quan cơ thể. 1⁄4 trẻ tự kỷ mắc chứng này.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại những cơ sở y tế chuyên môn khám và điều trị sớm nhất.

Tại sao cần điều trị can thiệp sớm ngay khi phát hiện bệnh tự kỷ?

Trẻ tự kỷ cần được can thiệp điều trị sớm ngay khi phát hiện bệnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc can thiệp sớm trong những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng trong việc hòa nhập, phát huy khả năng tối đa khả năng phát triển của trẻ.

Đặc biệt từ 0 đến 3 tuổi, là thời gian trẻ học được các kỹ năng quan trọng như nói, đi lại, tương tác, bắt chước,... sau thời gian vàng này việc phát triển, chăm sóc, để trẻ tự hòa nhập rất mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao và gây tốn kém.

Bệnh tự kỷ và cách điều trị can thiệp sớm gồm những nội dung gì?

Sau khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ (theo tiêu chuẩn DSM V), trẻ sẽ được đánh giá mức độ tự kỷ theo thang điểm

  • Mức độ tự kỷ GILLIAM
  • Thang cho điểm tự kỷ trẻ em CARS....

Việc đánh giá mức độ này giúp điều trị cho trẻ một cách toàn diện nhất, đề ra phương pháp can thiệp hiệu quả nhất với từng trẻ, đồng thời ghi nhận sự phát triển và tiến bộ của trẻ.

Điều trị can thiệp ở trẻ tự kỷ là một chương trình can thiệp toàn diện, lâu dài và cần có sự tham gia của mọi thành viên trong gia đình, lấy gia đình là trung tâm, đặc biệt trong những năm đầu đời.

Nội dung can thiệp:

Giáo dục hành vi

Hiện nay phương pháp “ phân tích hành vi ứng dụng (ABA)” là biện pháp được đánh giá có hiệu quả cao nhất.

A( Applied)- nguyên tắc ứng dụng cho những hành vi xã hội

B(Behavioral)- dựa trên lý thuyết khoa học về hành vi

A(Analysis) –phân tích hành vi từ đó có những thay đổi về can thiệp

ABA phân tích hành vi bất thường của trẻ tự kỷ và dựa trên các nghiên cứu đó để thay đổi tích cực thành các hành vi có ý nghĩa xã hội

Ngôn ngữ trị liệu:

Dạy trẻ tự kỷ giao tiếp là một trong những nội dung quan trọng, giao tiếp là một trong những phương tiện giúp trẻ bộc lộ nhu cầu, hạn chế hành vi xấu. tùy theo mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ mà các chuyên gia ngôn ngữ sẽ dạy trẻ giao tiếp bằng cử chỉ hay lời nói và ở cấp bậc nào

Chương trình can thiệp ngôn ngữ trị liệu thường được thiết kế theo 3 mức độ:mức độ ban đầu, mức độ vừa và mức độ cao

  • Mức độ ban đầu: giáo dục trẻ các kỹ năng chú ý, bắt chước, kỹ năng tiếp nhận ngôn ngữ, kỹ năng thể hiện ngôn ngữ
  • Mức độ vừa: các kỹ năng trên ở mức độ cao hơn
  • Mức độ cao: dạy trẻ về ngôn ngữ trừu tượng, kỹ năng trường học, kỹ năng xã hội

Hoạt động trị liệu

Trẻ tự kỷ cần được dạy cách để tự chăm sóc bản thân: tự ăn uống, thay quần áo, tắm giặt, giữ vệ sinh. Trong đời sống hàng ngày, cảm giác đói, khát, mệt,.. của trẻ tự kỷ không bộc lộ rõ hoặc quá mức so với trẻ bình thường vì vậy trẻ cần được dạy để độc lập trong sinh hoạt. Các bài tập rèn luyện thể thao, một vài kỹ năng khéo léo trong di chuyển, vận động rất cần thiết để tạo cho trẻ nhận thức đầy đủ về môi trường xung q đồng thời phát triển thể chất của trẻ.

Kích thích các giác quan

Hầu hết các trẻ tự kỷ có vấn đề về giác quan, hoặc quá nhạy cảm hoặc thờ ơ với kích thích từ môi trường. việc tăng cường nhận thức giác quan giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, từ đó phản ứng bằng những hành vi phù hợp.

  • Kích thích thính giác

Mục đích kích thích thính giác nhằm thay đổi sự nhạy cảm của trẻ đối với các âm thanh khác nhau. Chương trình can thiệp về thính giác bao gồm các giờ nghe nhạc khoảng nửa giờ mỗi ngày, trong thời gian ngắn.

  • Kích thích thị giác

Mục đích của các bài tập kích thích thị giác giúp trẻ cải thiện khả năng nhìn, quan sát bằng mắt , tập trung , định hình thông qua các đồ vật có màu sắc sặc sỡ , phong phú về hình dạng.

Dạy trẻ vui chơi

Vui chơi là cách học và tìm hiểu thế giới của trẻ. Nhờ đó mà trẻ khám phá được những khả năng của bản thân và nhận thức được mối quan hệ giữa trẻ với gia đình và cộng đồng.

Đối với trẻ tự kỷ vui chơi càng có ý nghĩa hơn vì giúp trẻ có nhiều trải nghiệm, nhận thức với môi trường, cải thiện kỹ năng xã hội và nắn chỉnh hành vi...

vicare.vn-benh-tu-ky-va-cach-chua-tri-theo-quan-diem-moi-body-3
Vui chơi là hoạt động không thể thiếu trong giáo dục trẻ em

Cha mẹ của trẻ cần nhận thức đầy đủ về việc này, vì chính cha mẹ là người luôn bên cạnh trong các hoạt động của trẻ những năm đầu đời- thời gian vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Can thiệp bằng chế độ ăn

Chế độ ăn có tác dụng trong điều trị tự kỷ cần có những nghiên cứu thêm. Tuy nhiên , một số báo cáo cho thấy chế độ ăn có ảnh hưởng đến kết quả can thiệp của tự kỷ.

Theo tiến sĩ B.Rimland, San Diego, Mỹ năm 2001 có kết quả như sau

  • Dị ứng thức ăn gây triệu chứng bệnh
  • Thiếu một vitamin đặc hiệu hoặc khoáng chất có thể gây một số triệu chứng của tự kỷ. Nhiều trẻ em ăn các thực phẩm như lúa mì, lúa mạch, sữa đã loại bỏ casein và gluten có thể giảm triệu chứng của tự kỷ. một số vitamin liều cao được dùng trong việc kiểm soát hành vi tự hại của trẻ, cơn kích động của trẻ như vitamin B6, Magnesium và DMG( dimethyglycine) chứng minh hiệu quả tốt.

Thuốc

Hiện nay chưa có thuốc để điều trị tự kỷ, vì vậy dùng thuốc với tác dụng điều chỉnh những rối loạn kèm theo của trẻ

  • Mất ngủ
  • Rối loạn cảm giác ngon miệng
  • Trầm cảm
  • Kém tập trung, tăng động
  • Rối loạn lưỡng cực
  • Loạn thần
  • Động kinh

Tóm lại, bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới hiện nay đã có nhiều bước đi quan trọng. Từ việc phát hiện, chẩn đoán sớm, thời gian vàng điều trị và mục đích điều trị không nhằm chữa khỏi bệnh mà giúp trẻ học được các kỹ năng quan trọng để thích nghi, hòa nhập với cuộc sống một cách độc lập tối đa. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh là những người cần phải hiểu đúng và đủ nhất về bệnh tự kỷ và cách chữa trị theo quan điểm mới. Vì chính họ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời, quyết định kết quả điều trị sau này.

Xem thêm:

  • 4 cơ sở điều trị trẻ tự kỷ uy tín tại Hà Nội
  • Trẻ tự kỷ và những ưu điểm mà cha mẹ cần biết
  • Trẻ em bị bệnh tự kỷ có nguy hiểm không?