Bệnh tự kỉ có chữa được không?

Sinh ra một đứa trẻ và trông thấy chúng lớn khôn khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ bến của bậc làm cha mẹ. Song hạnh phúc không thể vẹn tròn ở những gia đình có trẻ mắc bệnh tự kỉ. Câu hỏi mà các phụ huynh luôn canh cánh đó là: bệnh tự kỉ có chữa được không? Bài viết sau đây sẽ nói rõ hơn về bệnh tự kỉ cũng như giải đáp thắc mắc nêu trên.

Bệnh tự kỉ có chữa được không? Bệnh tự kỉ có chữa được không?

Bệnh tự kỉ được định nghĩa như thế nào?

Bệnh tự kỉ là một khuyết tật về phát triển, xảy ra trong khoảng thời gian dài và thể hiện rõ nhất vào 3 năm đầu đời. Bệnh do rối loạn hệ thần kinh ảnh hưởng đến hoạt động xử lý của não bộ, xảy ra với bất kì độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hoặc địa vị xã hội. Bệnh tự kỉ bao gồm một nhóm hội chứng được đặc trưng bởi suy kém trong các lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và sự hiện diện của những hành vi rập khuôn.

Suy kém về tương tác xã hội

Cách ly xã hội, không có khả năng liên hệ với người khác. Ví dụ: trong những tình huống mặt đối mặt, trẻ tự kỉ nặng sẽ không nhìn vào mặt bạn, thậm chí còn tránh khỏi bạn. Có 3 kiểu suy kém về tương tác:

  • Nhóm trẻ có khuynh hướng tách rời: Trẻ tự tách mình và nằm trong vỏ bọc của chúng, không tìm kiếm giao tiếp bằng mắt và thường chủ động né tránh, không thích tiếp xúc thân thể với bất cứ ai ví dụ như được ôm.
  • Nhóm trẻ có khuynh hướng thụ động: chấp nhận người khác nhưng theo cách dễ phục tùng và thờ ơ. Ví dụ trẻ dễ làm theo trẻ khác, tuân theo một cách thụ động.
  • Nhóm trẻ kỳ quặc: có quan tâm đến người khác nhưng lại thiếu khả năng đánh giá cho hành vi bình thường. Ví dụ: trẻ có thể tiếp cận người lạ mà không phân biệt lạ quen, hỏi những câu không thích hợp làm khó chịu người khác.
vicare.vn-benh-tu-ki-co-chua-duoc-khong-body-1

Suy kém về giao tiếp

Mức độ nặng, khoảng 50% trẻ tự kỉ ở dạng câm tức là chưa bao giờ học nói, còn lại là trẻ có âm ngữ không mang tính giao tiếp ví dụ như trẻ lập lại chính xác những từ hay câu nói của người khác mà không hiểu được ý nghĩa của câu nói, nói chuyện theo một kiểu, không phù hợp với tình huống. Dùng đại từ nhân xưng ngược “bạn” thay vì “tôi”. Trẻ nói bằng giọng đều đều và không đặt cảm xúc vào. Trẻ tự kỉ có khuynh hướng chơi một mình.

Hành vi và sở thích có tính rập khuôn

Ví dụ trẻ có thể ngồi trên sàn nhà và lắc người trong một thời gian dài, trẻ lật chiếc xe đồ chơi lên và xoay bánh xe cùng với giọng điệu ê a của mình sau đó chạy ra cửa sổ, gõ tay lên cửa rồi chạy về xoay bánh xe như cũ, lặp lại ngày này qua ngày khác.

Các dấu hiệu cảnh báo tự kỉ

  • Không biết cười lớn tiếng hoặc có những biểu lộ vui vẻ, thích thú khác ở 6 tháng tuổi.
  • Không chia sẻ qua lại với những âm thanh, nụ cười, hoặc biểu lộ nét mặt lúc 9 tháng.
  • Không biết bập bẹ lúc 12 tháng.
  • Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng.
  • Không nói được cụm từ đôi một cách tự nhiên lúc 24 tháng (không phải là nhại lời).
  • Không chú ý đến giọng nói của người khác vào lúc 24 tháng.
  • Không nhìn vào mặt và mắt người khác lúc 24 tháng.
  • Không biểu lộ cảm xúc quan tâm đến trẻ khác hoặc người thân lúc 24 tháng.
  • Không biết bắt chước vào lúc 24 tháng.
  • Mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất kỳ tuổi nào.

Bệnh tự kỉ hiện nay có phổ biến không?

Tỉ lệ bệnh tự kỉ thay đổi tùy theo nghiên cứu, những nghiên cứu gần đây cho thấy có sự gia tăng gấp 10 lần so với 20 năm trước ở Mỹ. Tỷ lệ tự kỉ hiện nay còn cao hơn cả tiểu đường type I, mù, hội chứng Down, ung thư ở trẻ em. Trẻ nhũ nhi có nguy cơ bị tự kỉ được xác định ngày càng gia tăng và ở tuổi sớm hơn. Tuy nhiên, cũng có những trẻ không được chẩn đoán cho đến khi đi học mẫu giáo. Theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.Hồ Chí Minh, số lượng trẻ tự kỉ được chẩn đoán gia tăng từng năm (năm 2003: 3 trẻ; năm 2004: 30 trẻ, năm 2005: 63 trẻ; năm 2006: 86 trẻ; năm 2007: 230 trẻ; 9 tháng đầu năm 2008: 354 trẻ - nghiên cứu của BS.Phạm Ngọc Thanh và cộng sự, 2008).

Tỉ lệ gia tăng này có thể là do có sự chú ý hơn của các thầy thuốc, các phương tiện truyền thông và cha mẹ ý thức hơn về vấn đề phát triển của con mình và mang trẻ đi khám bệnh nhiều hơn.

vicare.vn-benh-tu-ki-co-chua-duoc-khong-body-2

Bệnh tự kỉ có chữa được không?

Bệnh tự kỉ có thể chữa được bằng các điều trị tiêu chuẩn dành cho rối loạn phổ tự kỉ

  • Trị liệu âm ngữ/ ngôn ngữ: PECS; ngôn ngữ dấu hiệu, kỹ thuật trợ giúp, huấn luyện kỹ năng xã hội.
  • Hoạt động trị liệu: Điều trị vận động tinh thần, điều trị hòa nhập cảm giác.
  • Trị liệu hành vi: TEACCH, ABA.
  • DIR: Floortime.

Phương pháp được sử dụng rộng rãi là trị liệu hành vi, được áp dụng trong mọi lĩnh vực: hành vi thách đố, ngôn ngữ, ăn uống... Floortime cũng được nhiều nơi sử dụng, đặc biệt có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc, có hiệu quả trong giai đoạn sớm. Trị liệu âm ngữ/ngôn ngữ và các hoạt động trị liệu cũng được lồng ghép vào trong các chương trình trị liệu khác.

Chương trình bổ trợ hành vi của Lovaas: trẻ em tham gia chương trình ở những năm mẫu giáo và kéo dài trong 2 năm hoặc hơn gồm 40 giờ trị liệu hành vi tăng cường một tuần. Sau đó phải chuyển điều trị vào môi trường cộng đồng và môi trường lớp học điển hình.

Phương pháp TEACCH: phương pháp này được phát triển khoảng hơn 30 năm trước tại đại học North Carolina, yếu tố cốt lõi của chương trình là dạy học có kết cấu. Chương trình thiết kế một môi trường chặt chẽ nhằm xây dựng các điểm mạnh và giảm thiểu những điểm yếu của trẻ.

Bệnh tự kỉ có chữa được không? Câu trả lời là có thể cải thiện được, tuy không sử dụng thuốc nhưng điều trị bằng các phương pháp trị liệu. Quan trọng nhất vẫn là việc theo dõi phát hiện sớm tình trạng bệnh tật và cùng đồng hành với con, kiên trì tạo ra một môi trường thuận lợi cho trị liệu để thời gian trị liệu rút ngắn và đạt hiệu quả mong muốn sớm nhất.

Xem thêm:

  • GS Nguyễn Thanh Liêm nói về "thời điểm vàng" để can thiệp trẻ tự kỷ
  • 5 giây hiệu quả nhất trong thử nghiệm trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ
  • Chuyên viên trị liệu tâm lý trẻ tự kỷ: "Hạnh phúc vỡ òa khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau"
  • 4 cơ sở điều trị trẻ tự kỷ uy tín tại Hà Nội
  • Lưu ý thói quen của cha mẹ khiến con tự kỷ
  • Trẻ tự kỷ: Điều trị sớm, thành công cao!