Bệnh trĩ nội: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
Bệnh trĩ nội gây rất nhiều khó chịu và phiền toái cho người bệnh nhưng lại hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu chúng ta phát hiện và điều trị ngay từ sớm. Hãy tìm hiểu ngay những kiến thức về bệnh trĩ nội dưới đây để có hiểu thêm về căn bệnh này.
Bệnh trĩ nội: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
Bệnh trĩ nội là gì? Phân biệt với trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp
Người ta căn cứ vào vị trí hình thành của trĩ để phân loại bệnh thành 3 trường hợp:
- Trĩ nội: Vị trí của trĩ nằm trên đường lược
- Trĩ ngoại: Vị trí của trĩ nằm bên dưới đường lược
- Trĩ hỗn hợp: Xuất hiện đồng thời cả trĩ nội và trĩ ngoại
Nếu như đặc trưng của trĩ ngoại là gây ra cảm giác đau đớn cho bệnh nhân, thường có các đoạn lồi ra ở hậu môn (hay còn gọi là lòi dom) thì trong trĩ nội sẽ ít thấy hiện tượng này. Thay vào đó, người bệnh thường nhận biết trĩ nội bằng dấu hiệu xuất huyết trực tràng (đi ngoài ra máu tươi).
Cách chẩn đoán
Vì vị trí của trĩ nội nằm bên trên đường lược nên thường khó nhìn thấy từ bên ngoài. Những cách chẩn đoán dưới đây thường được sử dụng khi bạn bị nghi ngờ mắc bệnh trĩ nội:
- Kiểm tra trực tràng: Bác sĩ sẽ đeo găng tay và thoa một ít hóa chất bôi trơn để kiểm tra xem liệu có bất thường nào trong trực tràng của bạn hay không.
- Nội soi: Dùng ống nội soi để nhìn rõ hơn hình ảnh phần bên dưới của đại tràng và trực tràng.
Cách điều trị bệnh trĩ nội
Can thiệp tại nhà
Bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp dưới đây để giảm bớt khó chịu và cải thiện tình trạng bệnh trĩ nội:
- Một chế độ ăn nhiều chất xơ: Ăn nhiều hơn các loại rau củ quả, trái cây sẽ giúp tăng cường chất xơ, tăng thể tích và khối lượng phân, từ đó giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn. Lưu ý rằng bạn cần thay đổi chế độ ăn từ từ bằng cách bổ sung thêm chất xơ dần vào bữa ăn hàng ngày để tránh hiện tượng lên men, tích tụ quá nhiều khí gây ợ hơi, rối loạn tiêu hóa.
- Giữ hậu môn sạch sẽ: Vệ sinh hậu môn bằng nước ấm và làm thoáng, khô ngay sau khi đi đại tiện.
- Tránh dùng giấy vệ sinh quá khô vì nó sẽ gây tổn thương niêm mạc
Những cách điều trị bệnh trĩ nội tại nhà này có thể cải thiện được bệnh tương đối tốt, nhưng bạn vẫn cần đến sợ hỗ trợ từ chuyên gia nếu như các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm.
Điều trị bằng thuốc
Có nhiều loại thuốc khác nhau cho bệnh nhân mắc trĩ nội: thuốc có tác dụng toàn thân (đường uống) hoặc thuốc có tác dụng tại chỗ (kem bôi, thuốc đặt). Tùy vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc khác nhau. Lời khuyên dành cho bạn là không nên dùng thuốc bản chất từ corticoid trong thời gian kéo dài (hơn một tuần) trừ khi có chỉ định.
Điều trị bằng các thủ thuật
Mỗi thủ thuật trong điều trị bệnh trĩ nội đều có những ưu và nhược điểm riêng:
Thắt dây cao su. Sử dụng dây cao su để khu trú búi trĩ, làm tiêu búi trĩ trong khoảng thời gian 5-7 ngày. Thủ thuật này có hiệu quả trong nhiều trường hợp.
Việc khu trú búi trĩ đôi khi có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, gây ra hiện tượng chảy máu nhưng nhìn chung biện pháp này khá an toàn, hiếm khi xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Liệu pháp xơ cứng (tiêm). Tiêm vào búi trĩ để nó co lại, tiêu đi. Biện pháp này không đau đớn và an toàn hơn thắt dây cao su, tuy nhiên hiệu quả lại không cao bằng.
Phương pháp làm đông (hồng ngoại, laser...). Sử dụng tia laser, tia hồng ngoại, nhiệt... để làm đông cứng và teo nhỏ búi trĩ. Làm đông cứng búi trĩ mặc dù ít tác dụng phụ và không gây đau đớn cho bệnh nhân nhưng tỉ lệ trĩ nội tái phát sau điều trị lại khá lớn.
Điều trị ngoại khoa
Nếu điều trị tại nhà, dùng thuốc hoặc các thủ thuật đều không thể cải thiện bệnh thì khi đó bệnh nhân cần đến điều trị ngoại khoa.
Cho đến nay, nhiều phương pháp ngoại khoa đã được biết đến nhưng phổ biến nhất là: cắt trĩ, phẫu thuật Longo, treo trĩ, phương pháp bấm ghim...
Phòng bệnh trĩ nội hiệu quả
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ nội như bà bầu, dân văn phòng, người có vấn đề về đại tiện kinh niên (táo bón hoặc tiêu chảy, hoặc cả hai), bị các bệnh về đường tiêu hóa khác (viêm đại tràng, bệnh đại tràng kích thích) thì nên sớm có biện pháp để phòng ngừa.
Dưới đây là một vài gợi ý, bạn có thể dễ dàng áp dụng hàng ngày:
- Tập thói quen đi đại tiện hàng ngày. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại không ít người bị lười đi vệ sinh, khiến cho các chất cặn bã tích tụ nhiều trong người đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Vận động nhiều hơn để hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Tránh ngồi quá lâu một chỗ.
- Massage bụng buổi sáng cũng là cách để tăng cường hoạt động của đại tràng.
- Thiết lập chế độ ăn khoa học. Bao gồm bổ sung chất xơ, giảm chất béo gây hại, loại bỏ các chất kích thích như đồ cay nóng, café, rượu bia...
Xem thêm:
- Dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh trĩ nội độ 1
- Phòng khám trĩ tại Hà Nội uy tín và chất lượng
- Tổng hợp những điều bạn biết về bệnh trĩ nội