Bệnh tim thiếu máu cục bộ - nguy hiểm khôn lường, có thể gây đột tử
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng thiếu máu của cơ tim do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm tổn thương không hồi phục cơ tim, gây ra nhiều nguy hiểm đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng người bệnh. Vì vậy phát hiện và điều trị bệnh sớm bệnh tim thiếu máu cục bộ cần được quan tâm.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ - nguy hiểm khôn lường, có thể gây đột tử
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là g?
Thiếu máu cơ tim cục bộ là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu không đủ cung cấp cho hoạt động của tim.
Hệ mạch máu cấp máu cho tim được gọi là hệ mạch vành. Hệ mạch vành đảm nhiệm chức năng cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cục bộ cơ tim có thể xảy ra từ từ khi động mạch vành bị tắc hẹp theo thời gian. Hoặc nó có thể xảy ra nhanh chóng khi một động mạch bị tắc nghẽn đột ngột. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài quá lâu, các mô tim sẽ bị chết do không được cung cấp máu, thậm chí gây đột tử cho người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ
Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi có bất cứ nguyên nhân nào làm ảnh hưởng tới lượng máu đến tim. Nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ phổ biến thường gặp :
- Bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch vành ): là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ . Mảng xơ vữa động mạch xảy ra khi mảng cholesterol tích tụ trên thành động mạch vành và hạn chế lưu lượng máu tới tim. Theo thời gian mảng xơ vữa phát triển dày lên chiếm lòng mạch , khi đường kính lòng mạch càng giảm thì triệu chứng bệnh càng rầm rộ. Bệnh còn được gọi là bệnh động mạch vành.
- Cục máu đông: các mảng bám cholesterol phát triển trong lòng các động mạch của cơ thể . Khi các mảng xơ vữa này vỡ ra, theo đường máu tới động mạch vành. Mảng xơ vữa có kích thước lớn bị mắc kẹt lại mạch vành gây thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính, làm ngưng cấp máu cho tim tại nhánh bị tắc. Nếu nhánh bị tắc có kích thước lớn thì thiếu máu cục bộ cơ tim nặng , dẫn đến một cơn đau tim ( hay nhồi máu cơ tim).
- Co thắt mạch vành: co thắt động mạch vành do dùng thuốc hoặc do phản ứng của cơ thể làm lượng máu đến cơ tim giảm. Các cơ ở mạch vành co làm đường kính lòng mạch giảm làm lượng máu đến tim giảm đi.
- Các bệnh lý gây chuyển hóa, chảy máu nặng: nhiễm trùng là một tác nhân gây tăng phản ứng của cơ thể, làm tăng chuyển hóa của cơ thể. Sự hoạt động quá mức của cơ tim để bơm máu cho hoạt động cơ thể không được đáp ứng. Đây là một nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim.
Triệu chứng của bệnh tim thiếu máu cục bộ
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Có 2 loại đau thắt ngực thường gặp .
- Đau thắt ngực ổn định: là loại đau thắt ngực phổ biến, biểu hiện cơn đau ngực chỉ xảy ra khi bạn hoạt động lao động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng đau thắt ngực này là do những mảng xơ vữa cứng. Những mảng xơ vữa này ổn định, không bị nứt gãy hoặc bị vỡ . Khi sử dụng các thuốc giãn mạch vành làm triệu chứng đau thuyên giảm .
- Đau thắt ngực không ổn định: đau thắt không ổn định là tình trạng đau ngực không được dự báo trước. Cơn đau xuất hiện đột ngột, có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi hay đang ngủ. Mức độ đau nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đau thắt ngực ổn định, nó có thể không giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc. Đau thắt ngực không ổn định là rất nguy hiểm vì nó thường là dấu hiệu cảnh báo một cơn nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự nứt vỡ những mảng xơ vữa mềm (mảng xơ vữa không ổn định), từ đó hình thành lên cục máu đông gây tắc nghẽn lòng động mạch vành đột ngột.
- Hồi hộp, đánh trống ngực: những ảnh hưởng của thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Tim hoạt động nhiều hơn để đủ bơm máu đi nuôi cơ thể, nhịp tim tăng lên làm bệnh nhân cảm thấy đánh trống ngực. Tình trạng cơ thể mệt mỏi do thiếu máu nuôi dưỡng làm bệnh nhân thấy cảm giác tim đập nhanh, hồi hộp.
- Khó thở, mệt mỏi: khi thiếu máu cơ tim, cơ tim không đủ để hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể được. Bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi, người uể oải. Nếu thiếu máu cơ tim nhiều gây khó thở, đôi khi có khạc bọt hồng thể hiện tình trạng thiếu máu cơ tim nặng gây suy tim.
Điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ
Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cần phải giải quyết từ nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ chủ yếu do các mảng xơ vữa mạch gây ra . Bởi vậy mục tiêu điều trị nhằm làm chậm tiến triển của các mảng xơ vữa mạch máu. Ngăn ngừa biến chứng xảy ra tại động mạch vành, tăng lưu thông máu tới tim , cải thiện các triệu chứng là vấn đề được quan tâm trong điều trị bệnh .
Có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng của mỗi bệnh nhân. Các biện pháp được sử dụng như dùng thuốc, can thiệp phẫu thuật, kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện khoa học.
Các thuốc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim
Điều trị bằng các loại thuốc giúp làm giảm bớt triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân , ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chức năng tim. Các nhóm thuốc thường được sử dụng
- Thuốc chẹn beta giao cảm: thuốc tác động lên hệ thống thần kinh của cơ thể làm giảm huyết áp và nhịp tim. Thuốc làm giảm sự hoạt động quá sức của cơ tim và giảm các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực.
- Thuốc chẹn kênh canxi: thuốc có tác dụng giúp giãn mạch , làm cải thiện tuần hoàn mạch vành làm tăng lượng máu đến tim. Thuốc còn có tác dụng làm giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim.
- Các thuốc lợi tiểu: làm giảm huyết áp và giảm lượng dịch trong cơ thể. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng như phù, khó thở xảy ra với những bệnh nhân bị suy tim .
- Thuốc hạ huyết áp: ngoài các thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu thì các nhóm thuốc làm giảm huyết áp khác cũng được sử dụng trong điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Thuốc hạ mỡ máu: cholesterol là nguyên nhân hàng đầu gây ra các mảng xơ vữa. Vì vậy kiểm soát lượng mỡ máu ổn định là yếu tố quan trọng trong phòng bệnh cũng như hạn chế các biến chứng với bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ.
Đặt stent mạch vành, nong mạch vành
Là phương pháp sử dụng một vật liệu đưa vào để mở rộng chỗ hẹp ở mạch vành bị tắc. Kỹ thuật này giúp tái lưu thông máu qua động mạch vành bằng cách mở rộng lòng mạch bị hẹp và đặt một khung lưới vào chỗ bị tắc hẹp (stent) để giữ cho lòng mạch không bị hẹp trở lại. Sau đặt stent mạch vành, người bệnh phải dùng thuốc chống đông để dự phòng huyết khối.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Được áp dụng với những bệnh nhân thiếu máu cơ tim nặng. Hoặc ở những bệnh nhân có mạch vành tổn thương quá nặng, ở nhiều vị trí và không thể đặt stent được.
Ngoài các biện pháp dùng thuốc hoặc phẫu thuật thì chế độ sinh hoạt là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh .Một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp điều trị bệnh động mạch vành và giảm nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim. Những người mắc bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi, ít chất béo động vật, giảm cholesterol và muối.
Bên cạnh đó tập thể dục đều đặn, vừa sức cũng cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim. Bỏ thuốc lá, tránh xa ma túy và đồ uống có cồn cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ . Đặc biệt để phòng ngừa rủi ro do cơn nhồi máu cơ tim gây nên, người bệnh nên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày.
Xem thêm:
- Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
- Thực phẩm tốt cho người bị bệnh thiếu máu cơ tim