Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Điều trị sớm, tránh hiểm nguy!

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh về tim mạch, chiếm khoảng 40% số ca tử vong trên thế giới. Bệnh nhân bị tim thiếu máu cục bộ phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí có thể gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm. Cùng các bác sĩ HoiBenh nâng cao nhận thức về bệnh qua các thông tin sau đây.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Điều trị sớm, tránh hiểm nguy! Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Điều trị sớm, tránh hiểm nguy!

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh về tim mạch, chiếm khoảng 40% số ca tử vong trên thế giới. Bệnh nhân bị tim thiếu máu cục bộ phải điều trị suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng sống, thậm chí có thể gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm. Cùng các bác sĩ HoiBenh nâng cao nhận thức về bệnh qua các thông tin sau đây.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ (hay còn gọi là bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh tim mạch vành, bệnh động mạch vành) xảy ra khi lưu lượng máu đến tim không đủ, làm giảm sự cung cấp oxy cho hoạt động của tế bào cơ tim, dẫn đến sự tổn thương ở một phần cơ tim này.

Như chúng ta đã biết, trái tim cũng như bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể, cũng cần được cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng liên tục. Nếu một trong các nhánh của hệ động mạch cấp máu cho tim (gọi là động mạch vành) bị cản trở hoặc tắc nghẽn đột ngột thì một phần cơ tim sẽ bị thiếu oxy, dẫn đến “bệnh tim thiếu máu cục bộ”. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, các mô tim sẽ chết do bị cắt đi nguồn cung cấp máu.

Triệu chứng bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Một trong những triệu chứng điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ là đau thắt ngực và khó thở. Ngoài ra, các dấu hiệu phổ biến nhất có thể kể đến như:

  • Tức ngực và áp lực ở vùng ngực;
  • Đau ở ngực, lan ra vùng lưng, hàm và các bộ phận khác thuộc phần trên của cơ thể, có thể kéo dài đến hơn vài phút, rồi giảm dần và tái phát;
  • Thở dốc, thở một cách gắng sức;
  • Đổ nhiều mồ hôi;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Lo lắng hồi hộp;
  • Ho;
  • Chóng mặt, hoa mắt;
  • Tim đập nhanh.
vicare.vn-benh-tim-thieu-mau-cuc-bo-dieu-tri-som-tranh-hiem-nguy-body-1
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể đa dạng và khác nhau đối với từng bệnh nhân cụ thể. Trong đó, đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến ở cả nam và nữ. Tuy nhiên trên thực tế, một số phụ nữ cho rằng họ cảm thấy các triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim gần giống như các triệu chứng của bệnh cúm.

Nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ

Mảng xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch vành, gây xơ cứng thành mạch, có thể bong tróc và hình thành cục máu đông, cản trở lưu thông máu trong động mạch, hạn chế sự cung cấp máu và oxy đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Những nguyên nhân phổ biến gây ra xơ vữa động mạch, bao gồm:

  • Cholesterol cao: Là thành phần tạo ra mảng xơ vữa;
  • Béo phì: Các thực phẩm giàu chất béo làm tích tụ mảng xơ vữa;
  • Lão hóa: Đối với người cao tuổi, tim và mạch máu phải làm việc nhiều hơn, động mạch bị suy yếu dần và giảm độ đàn hồi, làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám lên thành mạch;
  • Uống rượu, hút thuốc lá: Làm tổn thương thành mạch máu;
  • Các bệnh liên quan: Như đái tháo đường, cao huyết áp;
  • Tình trạng viêm nhiễm: Như viêm khớp, nhiễm trùng không rõ nguyên nhân.

Ai là đối tượng dễ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Thiếu máu cục bộ cơ tim là vấn đề tim mạch khá phổ biến của người cao tuổi. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch càng gia tăng. Ở nam giới, nguy cơ cao mắc bệnh sau tuổi 45. Đối với phụ nữ, nguy cơ mắc bệnh gia tăng sau 55 tuổi.

Tuy nhiên, mọi người có thể phòng chống bằng cách kiểm soát tốt những yếu tố nguy cơ, bao gồm các thói quen không lành mạnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

vicare.vn-benh-tim-thieu-mau-cuc-bo-dieu-tri-som-tranh-hiem-nguy-body-2
Đừng để các bệnh tim mạch “lấy đi” nụ cười trên gương mặt thân thương của các thành viên trong gia đình

Điều trị hiệu quả bệnh tim thiếu máu cục bộ

1. Thay đổi lối sống

Hầu hết các bệnh tim mạch nói chung và bệnh tim thiếu máu cục bộ nói riêng đều liên quan đến lối sống không lành mạnh. Bệnh nhân cần phải thay đổi điều này bằng các gợi ý sau đây:

  • Bỏ thuốc lá: Thực hiện cai thuốc lá chính là bảo vệ cho sức khỏe của bạn và cả những người thân xung quanh bạn. Ngoài ra, cần tránh xa khói thuốc;
  • Kiểm soát các bệnh lý liên quan: Điều trị đồng thời các bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim như đái tháo đường, cao huyết áp, thừa cân, béo phì;
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế chất béo bão hòa (trong mỡ động vật) và ăn nhiều ngũ cốc, bổ sung trái cây và rau xanh;
  • Tập thể dục: Trao đổi với bác sĩ về các động tác tập thể dục an toàn, thích hợp để cải thiện lưu lượng máu đến tim;
  • Duy trì cân nặng: Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì;
  • Hạn chế căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng bằng cách thư giãn cơ bắp và thở sâu. Cân bằng công việc và quản lý thời gian hiệu quả.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại cơ sở y tế và tại nhà: Một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim thiếu máu cục bộ, như cholesterol cao, tăng huyết áp và tiểu đường, không hề biểu hiện thành triệu chứng trong thời gian đầu. Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý này có thể đảm bảo cho bạn một trái tim khỏe mạnh.

2. Sử dụng thuốc điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim

Bên cạnh biện pháp thay đổi lối sống, bác sĩ có thể cân nhắc một số loại thuốc điều trị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ:

  • Thuốc chống hình thành cục máu đông, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng;
  • Thuốc làm tan huyết khối, cải thiện lưu lượng máu qua động mạch;
  • Thuốc làm giãn mạch máu, ngăn ngừa hẹp động mạch;
  • Thuốc hạ huyết áp và thư giãn cơ tim, hạn chế sự tổn thương cho tim;
  • Thuốc làm giảm áp lực cho tim;
  • Thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng đau thắt ngực.

3. Phẫu thuật tim thiếu máu cục bộ

Các trường hợp thiếu máu cục bộ cơ tim nghiêm trọng cần điều trị ngay lập tức. Lúc này, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật nong mạch vành để nhanh chóng nong rộng đoạn động mạch bị hẹp, đảm bảo tiến trình cung cấp máu cho tim. Nong mạch vành được thực hiện bằng cách đưa một đoạn ống thông qua động mạch ngoại biên để đến được khu vực bị tắc nghẽn. Sau đó, một quả bóng nhỏ gắn ở đầu đoạn ống thông được thổi phồng lên để làm cho dòng máu đến động mạch được lưu thông trở lại, tiếp tục cung cấp oxy cho cơ tim hoạt động. Ngoài ra, một ống lưới nhỏ (gọi là stent) có thể được đặt vào vị trí tắc nghẽn, nhằm ngăn chặn các đoạn động mạch này bị hẹp trở lại.

vicare.vn-benh-tim-thieu-mau-cuc-bo-dieu-tri-som-tranh-hiem-nguy-body-4
Nong và đặt stent động mạch vành cứu sống tế bào cơ tim

Một thủ thuật khác, gọi là bắc cầu động mạch vành, đôi khi được thực hiện ngay lập tức sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được thực hiện vài ngày sau để tim có thời gian ổn định. Đối với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ ghép một mạch máu khác băng ngang qua đoạn động mạch vành bị hẹp, để từ đó máu có thể tiếp tục lưu thông vòng qua đoạn mạch bị tắc nghẽn.

Bệnh nhân cần lưu ý, khi nhận thấy cơn đau thắt ngực xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài quá 10 phút, thì bệnh nhân nên đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Lúc đó, thủ thuật nong mạch vành có thể được thực hiện nếu bác sĩ phát hiện ra trình trạng nhồi máu cơ tim. Trong vòng hai giờ đầu sau khi xảy ra biến cố tim mạch là giai đoạn tốt nhất để can thiệp điều trị hiệu quả và có tỷ lệ cứu sống cơ tim cao nhất.

Nếu bạn là một trong những đối tượng nguy cơ cao của bệnh tim thiếu máu cục bộ, hãy thường xuyên đến và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để liên tục theo dõi và kịp thời thay đổi phác đồ điều trị theo diễn tiến của bệnh.

Xem thêm:

  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ - nguy hiểm khôn lường, có thể gây đột tử
  • Triệu chứng và cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
  • Tìm hiểu về bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn