Bệnh tiêu chảy là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa phổ biến thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh thường gặp này. Vậy bệnh tiêu chảy là gì? Cách phòng tránh và điều trị ra sao?
Bệnh tiêu chảy là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng với số lượng và số lần nhiều hơn so với bình thường. Tiêu chảy được chia thành 3 loại chính là: Tiêu chảy cấp, tiêu chảy bán cấp và tiêu chảy mãn tính.
Trong đó, tiêu chảy cấp tính kéo dài trong vài ngày đến một tuần; tiêu chuẩn bán cấp tính kéo dài khoảng 3 tuần và tiêu chảy mạn tính kéo dài trên 4 tuần. Phân càng có nhiều nước, mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy càng cao. Trẻ em dễ bị tử vong do tiêu chảy nhiều hơn người lớn vì trẻ em bị mất nước rất nhanh.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần một chế độ điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều hoặc kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiêu chảy
Người mắc tiêu chảy thường có một số biểu hiện cơ bản sau:
- Bụng đau âm ỉ, xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa
- Phân lỏng
- Đau đầu, ăn mất ngon
- Sốt, khát nước liên tục do cơ thể mất một lượng nước lớn
- Đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, có tình trạng tiêu són, mót rặn...
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy là gì?
Bệnh tiêu chảy là một triệu chứng bệnh lý do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể chia ra làm hai nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
- Tiêu chảy nhiễm khuẩn: Gây ra bởi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ thực phẩm, đồ uống bị nhiễm bẩn như: vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Shigella, Escherichia coli... hoặc một số loại virus gây hại như: Rotavirus, Adenovirus, Caliciviruses, Astrovirus. Ngoài ra, ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy hàng đầu có thể kể đến như: Giardia Lamblia, Entamoeba Histolytica và Cryptosporidium. Những ký sinh trùng này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua đường thực phẩm và sinh sôi, phát triển gây hại ở hệ thống tiêu hóa.
- Tiêu chảy không nhiễm khuẩn: Gây ra ở một số vài trường hợp có cơ địa không thể tiêu hóa được một vài thành phần trong thức ăn như: Cơ thể không dung nạp Lactose một loại đường có trong sữa; dị ứng thức ăn; hoặc bệnh nhân bị tác dụng phụ của một số thuốc như: kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống acid dạ dày chứa chất magnesium.
- Hay một số người bị về đường ruột như: bệnh viêm ruột (bệnh Crohn), bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ở ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bệnh Coeliac); rối loạn chức năng co bóp ruột như: hội chứng tăng nhu động ruột do kích thích; sau phẫu thuật dạ dày hoặc cắt túi mật tạo ra sự thay đổi về thời gian thức ăn di chuyển trong hệ tiêu hóa hoặc lượng dịch mật tăng lên trong ruột... cũng tạo điều kiện cho triệu chứng bệnh lý tiêu chảy xuất hiện.
Bên cạnh đó, tùy theo những nguyên nhân khác nhau mà ngoài triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân còn có thể có một số triệu chứng khác đi kèm như: đau quặn bụng, chướng bụng, buồn nôn và nôn, mót rặn, sốt, đi ngoài ra máu...
Cách điều trị bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy nếu kéo dài sẽ dễ dẫn đến suy dinh dưỡng làm khó điều trị hơn, và có thể bệnh lý ngày càng nặng và khó kiểm soát. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết điều trị rất khó khăn và gây tử vong. Do đó khi bị tiêu chảy cần điều trị kịp thời bằng các phương pháp sau:
- Uống nhiều nước: Bị tiêu chảy cơ thể không chỉ bị mất nước mà còn mất các chất điện giải, chất khoáng như kali và natri. Đây là những yếu tố quan trọng trong hoạt động của cơ thể, vì vậy cần bù đắp bằng cách uống thật nhiều nước. Ngoài ra để giúp bạn điều trị bệnh tiêu chảy nhanh hơn, một lựa chọn khác thay nước là uống trà kèm theo một chút đường như trà vỏ cam, trà hoa cúc, nước ép trái cây như táo hay nước ép mận, bổ sung dung dịch Oresol.
- Ăn sữa chua: Sữa chua là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời cho những người bị tiêu chảy, vì sữa chua tạo ra axit lactic trong ruột giúp tiêu diệt các vi khuẩn xấu chữa lành bệnh nhanh hơn. Khi bị tiêu chảy uống kháng sinh kéo dài nó có thể giết chết các vi khuẩn tốt trong ruột, nhưng ăn sữa chua sẽ giúp sản xuất nhiều hơn các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa của bạn. Vì vậy sữa chua chính là sự lựa chọn tuyệt vời trước khi dùng thuốc trị tiêu chảy.
- Nghỉ ngơi: Việc nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể cảm thấy thoải mái, thư giãn sẽ làm bệnh tiêu chảy thuyên giảm nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, nên đặt một chiếc khăn hay một chai nước ấm lên bụng để giảm bớt các cơn co thắt ở bụng.
- Sử dụng những thực phẩm giàu tinh bột: Những thực phẩm giàu tinh bột được coi là chế độ ăn uống hoàn hảo để điều trị tiêu chảy vì chúng sẽ khiến dạ dày của bạn nhẹ bớt. Thực phẩm giàu tinh bột bao gồm: ngũ cốc, bột sắn hoặc gạo nấu chín, khi sử dụng những thực phẩm này không nên thêm quá nhiều đường và muối vì chúng có thể khiến vấn đề trầm trọng hơn và làm cho bệnh tiêu chảy khó điều trị.
- Hay các loại rau củ như cà rốt sẽ giúp bạn tiêu hóa dễ dàng và điều trị bệnh đau bao tử nhanh chóng. Ngoài ra, khi bị tiêu chảy, gạo trắng nấu chín như cơm trắng hay cháo trắng là sự lựa chọn thông minh cho những người muốn thoát khỏi bệnh tiêu chảy.
- Những thức ăn cần tránh: Khi bị tiêu chảy, nên tránh xa các loại thực phẩm như: phô mai, sữa, cà phê và các sản phẩm từ sữa khác.
Tuy nhiên, nếu bệnh nặng, bệnh nhân phải đến bệnh viện để được truyền nước vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Trường hợp, bệnh nhân bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh.
Cách phòng tránh bệnh tiêu chảy
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nhất là sau mỗi lần sử dụng các phương tiện công cộng.
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: ăn chín, uống chín, rau quả rửa thật sạch trước khi sử dụng. Không uống nước lã, không ăn thức ăn chưa được chế biến và nấu sống như: gỏi cá, tiết canh...phải chọn mua những loại thức ăn có nguồn gốc an toàn, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.
- Khi áp dụng các chế độ ăn kiêng, cần phải tập cho cơ thể quen dần, tránh chuyển qua chế độ ăn kiêng đột ngột, đặc biệt là chuyển sang chế độ ăn có các loại rau quả, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Tránh ăn những loại thực phẩm có chất sorbitol - một loại chất được tìm thấy trong các thực phẩm ăn kiêng.
Xem thêm:
- Trẻ bị tiêu chảy: 10 dấu hiệu phải đi bệnh viện
- Triệu chứng bệnh tiêu chảy cấp
- Phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus cho trẻ như thế nào?