Bệnh thủy đậu có lây không và làm sao để phòng tránh?

Dù được nhận định là căn bệnh lành tính nhưng thủy đậu thường dễ bùng phát thành dịch, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vậy thủy đậu có lây không và làm sao để phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả là thắc mắc của rất nhiều người, nhất là đối với những ai chưa mắc bệnh.

Bệnh thủy đậu có lây không và làm sao để phòng tránh? Bệnh thủy đậu có lây không và làm sao để phòng tránh?

Số ca mắc bệnh thủy đậu ở Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng cao so với năm trước.

Bệnh thủy đậu là bệnh gì?

Bệnh thủy đậu còn có tên gọi khác như bệnh trái rạ, bỏng dạ hoặc phỏng dạ. Đây là căn bệnh cấp tính do virus (còn gọi là siêu vi khuẩn) Varicella Zoster gây ra. Nó có thể tấn công con người ở mọi độ tuổi từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai là những người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện rất dễ mắc bệnh và bệnh thường tiến triển trở nên trầm trọng.

Theo thống kê, năm 2017 tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu tăng 45,9% so với năm trước và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 3 ngàn người bị thủy đậu/tháng. Bệnh thường có xu hướng gia tăng vào mùa xuân và bùng phát mạnh vào tháng 3 hàng năm.

Bản thân thủy đậu không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh nhưng có những biến chứng phức tạp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. Chính vì thế, người bị thủy đậu cần được chăm sóc, điều trị kịp thời, đúng cách và có biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

vicare.vn-benh-thuy-dau-co-lay-khong-va-lam-sao-de-phong-tranh-body-1

Bệnh thủy đậu khi khởi phát sẽ có dấu hiệu sốt, đau cơ, đau đầu, sổ mũi, da nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, một số trường hợp bị nhiễm siêu vi khuẩn Varicella Zoster mà không có triệu chứng báo động. Thời gian ủ bệnh thủy đậu khá dài, có khi đến 2 tuần mới bắt đầu có biểu hiện mắc bệnh ra ngoài.

Trong khoảng thời gian gần một ngày sau những triệu chứng ban ngứa, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các “nốt rạ” hình tròn (đường kính thông thường 1 -3mm) và sẽ phát triển thành mụn nước, bóng nước. Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh của mỗi người mà những nốt rạ này có thể mọc toàn thân hoặc tập trung ở một số nơi trên cơ thể. Đồng thời, số lượng nốt rạ cũng khác nhau, dao động từ 100 – 500 nốt.

Nếu bệnh được điều trị đúng cách thì sau khoảng 4 – 5 ngày các nốt này sẽ khô đi, đóng vảy và khỏi bệnh. Đa phần bệnh thủy đậu sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày và không để lại sẹo (nếu mụn nước bị nhiễm thêm vi trùng thì ít nhiều có sẹo). Những người có hệ miễn dịch yếu thì sẽ mất thời gian hồi phục lâu hơn những người có sức đề kháng tốt.

Bệnh thủy đậu có lây không?

Câu trả lời chính xác cho vấn đề thủy đậu có lây lan không đã được cảnh báo từ trước rất nhiều về mức độ lây lan và dễ bùng phát thành dịch bệnh. Đây là căn bệnh truyền nhiễm và thông qua việc tiếp xúc với mầm bệnh mà bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị thủy đậu. Trong đó, điển hình của hình thức lây bệnh thường là đụng chạm đến vị trí ban ngứa, vi khuẩn có trong không khí từ việc hắt hơi, ho, sổ mũi của người bị nhiễm. Ngay cả quần áo, vải trải giường, khăn lau nếu bị dính dịch từ miệng, mũi hoặc ban ngứa người bệnh cũng có thể lây bệnh cho người vô tình đụng vào. Mẹ đang mang thai nếu bị thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi.

Người bị lây bệnh sẽ có khoảng 10 – 21 ngày ủ bệnh sau đó mới phát lộ ra ngoài cơ thể. Ngay cả khi nếu người mắc thủy đậu chưa nổi ban hoặc các nốt rạ đã đóng vảy thì nó vẫn có nguy cơ lây nhiễm sang người khác. Vì thế, trẻ đi học, người lớn làm việc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao, người trong cùng một gia đình thường hay bị thủy đậu do lây lan từ bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Khi đã bị trái rạ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể miễn dịch với siêu vi khuẩn Varicella Zoster, do đó, hiếm khi bị bệnh thủy đậu lần thứ hai trong đời.

Biến chứng của thủy đậu nguy hiểm như thế nào?

Biến chứng thủy đậu luôn là vấn đề cần được đề phòng và hạn chế ở mức thấp nhất. Ở mức độ nhẹ, các nốt rạ bị nhiễm trùng và có nguy cơ xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Nếu không được chăm sóc cẩn trọng, bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng đau ngực, ho ra máu, khó thở, tím tái, co giật, hôn mê. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối diện với biến chứng nặng như viêm não, viêm tiểu não, viêm phổi, ... đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng và nếu chữa trị khỏi thì sẽ để lại di chứng về sau.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh sau khi đã chữa khỏi thì tác nhân gây bệnh vẫn còn tồn tại trong cơ thể ở các hạch thần kinh dưới dạng ngủ đông (bất hoạt). Sau một thời gian dài, khi có điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ hoạt động trở lại và gây bệnh Zona (còn gọi là giời leo).

Phụ nữ đang mang thai nếu mắc phải thủy đậu cũng vô cùng nguy hiểm. Ở 3 tháng đầu, virus thủy đậu có thể đe dọa sẩy thai hoặc sau khi sinh trẻ sẽ bị các dị tật bẩm sinh như bại não, dị dạng sọ, co gồng tay chân, đa dị tật tim, ... Còn ở những tuần cuối thai kỳ, em bé sinh ra có thể mắc phải thủy đậu, mụn nước mọc nhiều và biến chứng viêm phổi ở trẻ sơ sinh rất cao.

vicare.vn-benh-thuy-dau-co-lay-khong-va-lam-sao-de-phong-tranh-body-2
Phụ nữ mang thai bị lây thủy đậu là vô cùng nguy hiểm

Bị thủy đậu nên kiêng gì?

Thủy đậu là căn bệnh cần chú ý đặc biệt trong cách chữa trị và có chế độ kiêng khem khá khắt khe. Do vậy, người mắc thủy đậu cần ghi nhớ những điều sau để mau chóng khỏi bệnh:

  • Kiêng dùng chung vật dụng cá nhân: thủy đậu rất dễ lây truyền nên trong và sau quá trình mắc bệnh, không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bát đũa, quần áo, nước uống, ... nhằm hạn chế tối đa khả năng truyền nhiễm.
  • Không ra những khu vực đông người: tương tự như việc tránh tiếp xúc với cá nhân người bệnh thì người mắc thủy đậu nên ít ở những nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần trao đổi. Điều này sẽ bớt được vấn đề lây bệnh thủy đậu qua đường không khí.
  • Kiêng gãi và làm vỡ các nốt ra: để các mụn nước nhanh chóng khô và đóng vảy, người mắc thủy đậu tuyệt đối không được gãi hay cọ xát mạnh khiến các nốt bị vỡ. Lúc này bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và lây lan sang các vùng da khác. Vì thế, hãy kiểm soát các cơn ngứa bằng cách cắt móng tay, giữ cho da luôn khô, sạch sẽ. Mặc quần áo có chất liệu mềm và thấm hút tốt.
  • Vệ sinh thân thể khi bị thủy đậu: nên sử dụng khăn mềm và nước ấm lau nhẹ nhàng trên người. Một số quan niệm cho rằng người mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước và gió bởi đây là 2 tác nhân làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, gây nhiễm trùng da. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng bởi môi trường ẩm ướt, kín gió sẽ khó lành bệnh hơn. Chính vì vậy hãy vệ sinh thân thể một cách từ tốn nhất và sau đó thâm khô người bằng khăn sạch.
  • Không ăn các thức ăn có vị tanh: hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, lươn, ... là những thực phẩm tanh không tốt cho người bị thủy đậu. Ngoài ra, các thức uống kích thích như trà, cà phê cũng nên kiêng. Sữa và chế phẩm từ sữa, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ không nên dùng. Một số loại trái cây nên tránh như vải, mận, xoài chín, mít, nhãn, ... Do đó hãy ăn các thức ăn dạng lỏng, thanh đạm và đảm bảo đủ dưỡng chất để cơ thể có đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật. Người bị thủy đậu nên tăng cường ăn bí đao, khoai tây, cải bắp, mướp đắng, ngải cứu, cà rốt, đậu đen, măng tây, trái cây nhiều vitamin C giúp chống nhiễm trùng, liền sẹo, ...

Cách phòng ngừa để không lo mắc bệnh thủy đậu

vicare.vn-benh-thuy-dau-co-lay-khong-va-lam-sao-de-phong-tranh-body-3
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất ngừa thủy đậu lây lan

Cho đến hiện tại, cách phòng tránh hiệu quả và lâu dài nhất đối với bệnh thủy đậu chính là chủng ngừa bằng vắc xin. Có đến hơn 90% người sau khi tiêm phòng đã tránh hoàn toàn căn bệnh này. Nếu bị thì bệnh thường ở thể nhẹ và ít gặp biến chứng. Cụ thể, vắc xin ngừa thủy đậu được chỉ định có các nhóm đối tượng sau:

  • Trẻ trong lứa tuổi từ 12 tháng trở lên
  • Những người chưa từng bị thủy đậu

Số mũi vắc xin ngừa thủy đậu sẽ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi: tiêm 1 mũi duy nhất (đối với trẻ từ 1 – 12 tuổi), tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 2 tháng đối với trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn.

Trong trường hợp đang bị sốt, suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch tế bào bị suy giảm, bệnh lý tim mạch, rối loạn hoạt động của gan thận, đang mang thai hoặc có ý định mang thai sau 2 tháng nữa, đã tiêm phòng các vắc xin sống (bại liệt, sởi, Rubella, quai bị, ...), trẻ dưới 1 tuổi thì không chích ngừa.

Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa nhiều siêu vi khuẩn thủy đậu như người bị bệnh, vật dụng sinh hoạt, đồ chơi, ... Cần sát khuẩn bằng chất tẩy rửa chuyên dụng đối với sàn nhà, nhà vệ sinh, bồn cầu, ... để tránh vi khuẩn sinh sôi. Nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Nên chủ động vệ sinh mũi họng thường xuyên mỗi ngày bằng nước muối sinh lý.

Nếu mắc bệnh thì nên ở nhà, tránh đi học hoặc đi làm để không lây lan cho người khác.

Chị em phụ nữ khi có kế hoạch sinh con cần phải chủng ngừa vắc xin thủy đậu trước thời gian mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền sang thai nhi.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch. Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để cơ thể dẻo dai, sản sinh ra nhiều kháng thể tốt có lợi cho sức khỏe.

Xem thêm:

  • Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ
  • Bệnh đậu mùa khác thủy đậu - liệu bạn đã biết chưa?