Bệnh thiếu máu là bệnh gì?

Bệnh thiếu máu là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Bệnh không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới năng suất lao động và học tập của người bệnh, nếu coi thường mà không biết nó còn có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng.

Bệnh thiếu máu là bệnh gì? Bệnh thiếu máu là bệnh gì?

Bệnh thiếu máu là tình trạng rất nhiều người gặp phải. Bệnh không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới năng suất lao động và học tập của người bệnh, nếu coi thường mà không biết nó còn có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng.

Thiếu máu là gì?

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đi nuôi cơ thể.

Máu có nhiều tác dụng đối với cơ thể như cung cấp chất dinh dưỡng, cung cấp oxy cho cơ thể. Vì vậy, việc cơ thể thiếu máu lâu dài trước hết ảnh hưởng tới chính chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời dẫn đến những nguy cơ hết sức nghiêm trọng.

Triệu chứng của bệnh thiếu máu là gì?

Triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu thiếu máu nhưng diễn ra từ từ qua nhiều ngày, nhiều tháng thì cơ thể chúng ta đã thích nghi dần nên không thấy biểu hiện gì nghiêm trọng. Tuy nhiên khi thiếu máu cấp tính xảy ra đột ngột cơ thể sẽ có biểu hiện cấp tính như hoa mắt chóng mặt, ngất, suy hô hấp, suy tuần hoàn...

Da xanh niêm mạc nhợt nhạt

Dấu hiệu này thường thấy rõ ở lòng bàn tay, niêm mạc mắt với biểu hiện: Da xanh xao, lòng bàn tay nhợt, kéo bọng mắt dưới xuống bạn sẽ thấy niêm mạc mắt nhợt màu.

Khó thở, chóng mặt

Khi cơ thể không có đủ sắt hoặc vitamin B12 thì sẽ không sản xuất ra đủ lượng hemoglobin (huyết sắc tố trong hồng cầu). Hemoglobin chính là một nguồn sắt giúp cho máu có màu đỏ chuẩn và để oxy liên kết với các tế bào để đưa máu vận chuyển đi khắp cơ thể. Vì vậy nếu cơ thể không có đủ máu thì bạn sẽ gặp phải tình trạng như hoa mắt, chóng mặt, khó thở, đầu óc quay cuồng...

vicare.vn-benh-thieu-mau-la-benh-gi-body-1

Mệt mỏi

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới mệt mỏi như việc bạn làm việc vất vả, ăn uống không đủ năng lượng. Bên cạnh đó, đó cũng có thể là bạn đang bị thiếu máu, do bạn đang thiếu hụt sắt hoặc Vitamin B12 nên không đủ hemoglobin và không có đủ oxy để cung cấp vào cơ thể dẫn đến mệt mỏi.

Đau đầu, thiếu tỉnh táo, tập trung

Nếu bạn thời gian gần đây bạn có những biểu hiện như không thể tập trung hay ghi nhớ điều gì, những cơn đau đầu, mệt mỏi xuất hiện thường xuyên thì có thể do cơ thể bạn thiếu máu nên máu không đủ lên não và đi nuôi cơ thể.

Rối loạn tuần hoàn

Người bệnh có cảm giác đánh trống ngực, nhất là khi gắng sức do trái tim của bạn đang phải làm việc nhiều hơn để co bóp thêm oxy đi nuôi cơ thể.

Rụng tóc

Tóc của bạn dễ gãy rụng có thể có thể do sự thiếu hụt vitamin hay các hormone quan trọng trong cơ thể. Do đó nếu có dấu hiệu này bạn nên chú ý.

Nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu máu

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu có thể kể đến như:

  • Thiếu chất sắt, thường do chế độ ăn không đủ lượng sắt cung cấp cho cơ thể, thường gặp ở những người ăn chay kéo dài.
  • Mất máu lâu ngày, như trường hợp phụ nữ mất máu nhiều khi hành kinh, người rong kinh kéo dài.
  • Người bị rối loạn đường ruột, người cắt bỏ ruột non nên sự hấp thu chất dinh dưỡng giả dẫn tới thiếu hụt chất dinh dưỡng và thiếu máu.

Một số bệnh lý dẫn đến thiếu máu như:

  • Một số bệnh mạn tính như ung thư, suy gan, suy thận...
  • Bệnh tan huyết và tủy xương dẫn đến không sản xuất đủ tế bào máu cho cơ thể.
  • Người bị viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn không được chữa trị, người mắc bệnh trĩ kéo dài không được điều trị.
  • Người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, bệnh về máu, rối loạn miễn dịch, phơi nhiễm với hóa chất độc và sử dụng các thuốc có thể tác động tới việc sản xuất hồng cầu và dẫn tới thiếu máu.
vicare.vn-benh-thieu-mau-la-benh-gi-body-2

Hậu quả của bệnh thiếu máu

Nếu thiếu máu kéo dài mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả như:

  • Cơ thể mệt mỏi kéo dài, làm việc không hiệu quả, không tập trung trong công việc.
  • Thiếu máu làm cho tim đập nhanh (để tăng lượng oxy đi nuôi cơ thể), lâu ngày dẫn tới rối loạn nhịp, có thể dẫn đến suy tim.
  • Đối với phụ nữ có thai, thiếu máu có thể dẫn tới sảy thai liên tục, đẻ non hoặc trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh thấp. Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra một số tai biến về sản khoa như chảy máu khi sinh, hậu sản...
  • Nếu thiếu máu nghiêm trọng sẽ làm nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi mất nhiều máu có thể gây tử vong.

Điều trị thiếu máu

Do thiếu máu có rất nhiều nguyên nhân nên trong điều trị phải tìm ra nguyên nhân thiếu máu thì việc điều trị mới có hiệu quả.

Nếu thiếu máu do thiếu sắt thì phải bổ sung dược phẩm chứa sắt, kết hợp chế độ ăn giàu chất sắt. Nếu thiếu máu do bệnh mạn tính thì phải điều trị ổn định bệnh lý đó và một số cần kết hợp với truyền hồng cầu. Trong một số trường hợp nặng hoặc mất máu nhiều, cấp tính thì cần phải truyền máu. Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ vitamin C để giúp cơ thể hấp thu chất sắt từ ruột.

Bên cạnh đó, chế độ ăn hợp lý cũng giúp bạn điều trị và phòng ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

Nếu thiếu máu, bạn nên ăn các loại thực phẩm như:

  • Các loại thịt màu đỏ như: thịt bò, tim, lá lách, gan, trứng, cá mòi, rau có màu xanh thẫm... có chứa rất nhiều sắt.
  • Các loại thịt gia cầm, cá, trứng có chứa nhiều vitamin B12.
  • Các loại rau như bông cải xanh, bắp cải xanh, đậu Hà Lan... có chứa rất nhiều axit folic.

Đồng thời các bạn cũng cần chú ý hạn chế ăn các loại thực phẩm như:

  • Thức ăn chứa nhiều canxi sẽ cản trở quá trình hấp thu sắt như: các loại hạt, đậu đỗ...
  • Thực phẩm, đồ uống có nhiều tanin cũng cản trở hấp thu sắt như trà đen, trà xanh, cà phê.
  • Thực phẩm giàu axit oxalic như đậu phộng, rau mùi, socola... cũng gây cản trở đến quá trình hấp thu sắt.

Ngoài ra các bạn cũng nên hạn chế các thực phẩm chiên rán vì trong quá trình chế biến các món ăn này, sẽ sản sinh ra các chất như nitrit khiến dạ dày khó tiêu hóa, có khả năng gây rối loạn đường ruột, giảm hấp thu, nếu chiên rán ở nhiệt độ cao các thực phẩm cũng đã bị biến đổi làm mất chất dinh dưỡng.

Xem thêm:

  • Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa thiếu máu khi mang thai
  • Bệnh nhân thiếu máu nên ăn gì ?