Bệnh sán lá gan có nguy hiểm đến tính mạng không?

Sán lá gan ký sinh ở các ống mật trong cơ thể người, hút chất dinh dưỡng từ mật và làm thay đổi chức năng gan. Vậy bệnh sán lá gan có nguy hiểm không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.

Bệnh sán lá gan có nguy hiểm đến tính mạng không? Bệnh sán lá gan có nguy hiểm đến tính mạng không?

Bệnh sán lá gan có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là loại sán mà bệnh nhân gặp phải. Có 2 loại sán lá gan, là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Nội dung bài viết này trình bày về bệnh sán lá gan lớn (gọi chung là sán lá gan). Bởi vì bệnh lý này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

1. Bệnh sán lá gan biểu hiện ra sao?

Những biểu hiện của bệnh sán lá gan bao gồm:

  • Đau ở vùng bụng trên bên phải
Biểu hiện sán lá gan
Biểu hiện đau hạ sườn phải gây ra do bệnh sán lá gan

  • Sốt (không liên tục)
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khó chịu, mệt mỏi
  • Gan sưng to
  • Da tái xanh
  • Phát ban da (nổi mề đay) - khoảng 20% trường hợp
  • Nốt bầm dưới da và khó thở có thể xảy ra khi sán lá gan cư trú ở các cơ quan khác
  • Thường gặp ở trẻ em: chóng mặt và đổ mồ hôi.

Những bệnh nhân bị nhiễm trùng gan do ăn gan sống của động vật bị nhiễm bệnh sán lá gan có thể biểu hiện đau họng nặng và sưng thanh quản. Bệnh nhân bị viêm ống mật có thể gặp triệu chứng đau bụng nặng, kèm theo sốt dai dẳng và vàng da.

Đối với trẻ em, bệnh sán lá gan có thể trở nên nguy hiểm với các triệu chứng nặng hơn như buồn nôn và nôn mửa, đau bụng nặng, sốt dai dẳng.

2. Bệnh sán lá gan nguy hiểm như thế nào?

Bệnh nhân bị sán lá gan sau một thời gian có thể tiến triển thành các triệu chứng nguy hiểm hơn: tổn thương gan, áp xe gan, đau hạ sườn phải, đau tức vùng thượng vị, đau vắt qua thắt lưng.

Vậy khi nào thì bệnh sán lá gan nguy hiểm đến tính mạng? Khi sán lá gan phát triển lớn, gây tổn thương diện rộng, tạo nhiều ổ áp xe gan lớn nhỏ, có nguy cơ gây biến chứng vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh sán lá gan còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác, như viêm đường mật, viêm túi mật, viêm tụy, viêm phúc mạc, thiếu máu,...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sán lá gan đi lạc đến cơ quan khác (phổi, thận, khớp, mạch máu, tụy, cơ thẳng bụng, buồng trứng, tinh hoàn, não bộ,...) gây hàng loạt biểu hiện bệnh bất thường.

3. Bệnh sán lá gan có lây không?

Trên thực tế, sán lá gan lớn không có khả năng lây truyền trực tiếp từ người sang người, mà phải thông qua con đường gián tiếp. Sán lá gan ký sinh trên vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu. Vật chủ trung gian truyền bệnh là một loài ốc họ Lymnaea.

Con đường lây nhiễm sán lá gan diễn ra như sau:

  • Đầu tiên, trứng từ phân của người hoặc động vật nhiễm sán lá gan tiếp xúc với nước, nở ra ấu trùng và ký sinh trong ốc (vật chủ trung gian);
  • Tiếp theo, ấu trùng trong ốc phát triển thành ấu trùng đuôi, rời khỏi ốc;
  • Ấu trùng đuôi bơi tự do dưới nước hoặc bám vào các loại rau thủy sinh, tạo thành các nang trùng;
  • Người hoặc trâu bò khi ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sán lá gan sẽ bị nhiễm loại ký sinh trùng này.

Qúa trình lây nhiễm sán
Chu trình lây nhiễm sán lá gan

Lúc này, ấu trùng sán lá gan di chuyển vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ, rồi qua thanh tá tràng, vào khoang phúc mạc đến gan, sau đó xâm nhập nhu mô gan và gây tổn thương gan. Sán lá gan phát triển xâm nhập vào trong đường mật ký sinh, trưởng thành và gây khởi phát bệnh sau nhiều năm.

Như vậy, những người thường ăn các loại gan không nấu chín có nhiều khả năng sẽ bị nhiễm sán lá gan.

4. Sán lá gan có chữa được không?

Mặc dù “bệnh sán lá gan có nguy hiểm không” được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là bệnh này hoàn toàn điều trị được.

Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh để diệt trừ sán lá gan lớn. Đây là loại thuốc uống, thường chỉ cần dùng 1 hoặc 2 liều tùy theo chỉ định. Hầu hết các trường hợp bệnh sán lá gan đều đáp ứng tốt với điều trị và tác dụng ngoại ý là không đáng kể.

Việc điều trị bệnh sán lá gan lớn cần được tư vấn và theo dõi tại cơ sở ý tế. Kết quả chữa trị được đánh giá sau 3 tháng và 6 tháng để chắc chắn hiệu quả chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên hiện nay, một vài nơi đã có báo cáo về khả năng kháng thuốc điều trị của sán lá gan lớn.

5. Cách phòng chống sán lá gan

Sở dĩ bệnh sán lá gan nguy hiểm là vì nó liên quan mật thiết đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân Việt Nam. Vì vậy, phòng bệnh là điều cực kỳ cần thiết. Hãy đảm bảo tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

  • Không ăn gan sống từ gia súc, cừu, dê, bò, heo;
  • Nấu chín các loại thực vật tươi sống trước khi ăn;
  • Sử dụng nguồn nước sạch sẽ;
  • Tránh ăn trái cây và rau quả được trồng gần các đồng cỏ chăn thả động vật, gia súc;
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn.

Sán lá gan vốn là bệnh khó phát hiện và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh có biểu hiện tương tự, do đó khâu chẩn đoán đòi hỏi phải có kinh nghiệm, đặc biệt là những lúc có dịch bệnh.

Nguyễn Thị Thương
Bác sĩ Nguyễn Thị Thương – Chuyên khoa nội Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc có đội ngũ bác sĩ đầu ngành và trang thiết bị hiện đại - là địa chỉ điều trị sán lá gan được nhiều khách hàng chọn lựa. Bạn có thể gọi đến hotline các bệnh viện hoặc đăng ký tư vấn trực tuyến với Vinmec TẠI ĐÂY.

Xem thêm:

  • Sán lá gan
  • Sự nguy hiểm của bệnh sán lá gan
  • Bệnh sán lá gan có lây không?