Bệnh nhân cao huyết áp nên làm gì?

Hiện nay, cao huyết áp không đơn giản chỉ là một bệnh lý mãn tính mà còn được xem là một vấn đề của xã hội hiện đại. Nguyên nhân là do tỉ lệ người mắc bệnh đang gia tăng không ngừng. Phần lớn người bệnh được chẩn đoán tình cờ trong một lần đi kiểm tra sức khỏe hoặc khám một bệnh lý khác. Vậy khi phát hiện cao huyết áp nên làm gì sau đó?

Bệnh nhân cao huyết áp nên làm gì? Bệnh nhân cao huyết áp nên làm gì?

Cùng Vicare tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Cao huyết áp là gì?

Huyết áp là áp suất của máu trong thành động mạch. Huyết áp rất cần thiết cho sự luân chuyển máu trong cơ thể của bạn. Cao huyết áp xảy ra khi áp suất máu duy trì ở mức cao trong một khoảng thời gian dài, tình trạng này khiến tim phải làm việc nhiều hơn, tăng gánh nặng cho tim. Huyết áp cao có thể gây ra cơn đau tim, đột quỵ, suy thận, thậm chí có thể tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Cao huyết áp quốc tế (ISH) đã thống nhất gọi là cao huyết áp khi: huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. (Cách viết khác: huyết áp ≥ 140/90 mmHg được xem là cao huyết áp).

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường.

Những lời khuyên khi uống thuốc cao huyết áp

vicare.vn-benh-nhan-cao-huyet-ap-nen-lam-gi-body-1
  • Luôn uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, thuốc dân gian, thảo dược hoặc cả thuốc bổ. Nếu được hãy mang theo chúng khi bạn đến gặp bác sĩ.
  • Cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu huyết áp khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn có thể yêu cầu thay đổi liều lượng hoặc đổi loại thuốc khác.
  • Luôn luôn mua thuốc mới trước khi hết thuốc để đảm bảo việc dùng thuốc liên tục.
  • Thường xuyên đo và ghi lại chỉ số huyết áp của mình xem thuốc có hiệu quả với mình hay không.
  • Không nên ngưng thuốc cho dù huyết áp đã trở lại bình thường. Điều đó chỉ có ý nghĩa là thuốc đang phát huy tác dụng, không có nghĩa là bạn đã hết bệnh cao huyết áp.
  • Không tự ý đưa thuốc của mình cho bạn bè hoặc người thân bị cao huyết áp dùng, do với mỗi người bác sĩ sẽ có một cách cho thuốc khác nhau.
  • Nếu bạn không đủ khả năng tài chính để mua thuốc. Hãy thành thật nói với bác sĩ để được cung cấp thông tin về những đợt phát thuốc từ thiện hoặc các đơn vị hỗ trợ mua thuốc.
  • Tự nhắc nhở bản thân nhớ uống thuốc là rất quan trọng. Bạn cũng có thể nhờ người thân nhắc nhở trực tiếp hoặc gọi điện thoại nhắc nhở cho đến khi việc uống thuốc trở thành thói quen hàng ngày.

Ngoài việc uống thuốc, bệnh nhân cao huyết áp nên làm gì?

Giảm cân nặng nếu thừa cân:

  • Chế độ giảm cân cần đặc biệt quan tâm ở những bệnh nhân nam béo phì thể trung tâm (còn gọi là béo bụng).
  • Giảm béo phì làm giảm được cholesterol và giảm phì đại thất trái.
  • Không áp dụng chế độ giảm cân cho phụ nữ có thai bị cao huyết áp.

Hạn chế rượu:

  • Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ tai biến mạch não ở bệnh nhân cao huyết áp, tăng nguy cơ kháng thuốc điều trị cao huyết áp.
  • Một số điều tra ở tộc người da trắng cho thấy, nếu dùng lượng rượu thích hợp thì có thể làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành (hiệu ứng ngược). Do đó lượng rượu nếu có dùng cần hạn chế ít hơn 30ml ethanol/ngày tương đương với ít hơn 720ml bia, 300ml rượu vang và 60ml rượu Whisky. Tuy nhiên, với một số dân tộc mà chỉ số cân nặng không cao (như người dân nước ta) thì lượng rượu nếu có dùng chỉ nên bằng một nửa lượng rượu nói trên.

Tăng cường luyện tập thể lực:

  • Nếu được, khuyến khích tập thể dục đều đặn. Chế độ luyện tập cần ít nhất 30 - 45 phút/ngày và hầu hết các ngày trong tuần. Tuy nhiên với những người có triệu chứng hoặc nguy cơ bệnh mạch vành, cần phải được bác sĩ làm nghiệm pháp gắng sức trước khi quyết định chế độ tập thể lực.
vicare.vn-benh-nhan-cao-huyet-ap-nen-lam-gi-body-2

Chế độ ăn:

  • Giảm muối (Natri) đã được chứng minh làm giảm chỉ số huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng ở bệnh nhân cao huyết áp. Chế độ ăn giảm muối nên thực hiện với lượng < 6g muối ăn/ngày.
  • Chế độ ăn hạn chế các mỡ động vật bão hòa, hạn chế các thức ăn giàu cholesterol.

Bỏ thuốc lá:

  • Cương quyết bỏ thuốc lá trong mọi trường hợp, vì đây là một trong những nguy cơ cao nhất dẫn đến các biến chứng tim mạch.

Cẩn thận với cơn tăng huyết áp bất thường

Cơn tăng huyết áp được chia thành 2 loại:

  • Cao huyết áp khẩn cấp: huyết áp tâm thu ≥180 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥120 mmHg không kèm theo tổn thương cơ quan.
  • Cao huyết áp cấp cứu: là cao huyết áp khẩn cấp kẽm theo các rối loạn, tổn thương cơ quan khác như nhồi máu não, suy thận cấp, nhồi máu cơ tim, sản giật...

Nguyên nhân gây ra cơn tăng huyết áp

  • Nguyên nhân nguyên phát: tự ý bỏ thuốc hạ huyết áp, tự ý giảm liều thuốc không hỏi ý kiến bác sĩ, stress hoặc sau khi hoạt động gắng sức, do thay đổi thời tiết bị nhiễm lạnh...
  • Nguyên nhân thứ phát: bệnh thận (viêm cầu thận, hẹp động mạch thận), bệnh lý thần kinh trung ương (nhồi máu não; xuất huyết não), phụ nữ có thai (sản giật), nội tiết (u tủy thượng thận, bệnh cushing...), tác dụng phụ của một số thuốc (Cocain, amphetamin...).

Dấu hiệu nhận biết cơn tăng huyết áp cấp cứu

  • Đo huyết áp: huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120 mmHg
  • Xuất hiện dấu hiệu tổn thương cơ quan đích: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, đau ngực, đau lưng, nhìn mờ, lẫn lộn...

Khi có cơn cao huyết áp nên làm gì?

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi yên tĩnh.
  • Sử dụng ngay các thuốc hạ áp sẵn có (Ví dụ: Captopril 25mg x 1 viên nhai và ngậm trong miệng)
  • Dùng thuốc an thần nếu có (seduxen...)
  • Gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Bệnh cao huyết áp là bệnh mãn tính, phải dùng thuốc suốt đời. Bệnh nhân cao huyết áp tuyệt đối không được chủ quan với bệnh tình của mình. Qua bài viết này, Vicare mong rằng với những thông tin bệnh cao huyết áp nên làm gì, bạn đã có thể tự tin hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho mình cũng như người thân bị cao huyết áp.

Xem thêm:

  • Mô tả chi tiết về bệnh cao huyết áp
  • Cao huyết áp phải kiêng ăn gì?